ảnh Internet
Nhìn vào danh sách các tiểu thuyết tham dự giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng các năm 1999 – 2004, 2004 – 2009 và các tiểu thuyết xuất bản gần đây chúng ta sẽ thấy mười mấy năm đầu thế kỷ có cả một vụ mùa bội thu của tiểu thuyết sử thi. Chúng tôi xin dựng lại bức tranh toàn cảnh về các hướng tìm tòi.
KHUYNH HƯỚNG LỊCH SỬ – TÁI HIỆN
Chúng tôi gọi là lịch sử – tái hiện căn cứ vào độ chính xác của các sự kiện lịch sử mà tiểu thuyết đó mô tả. Trên cơ sở sự kiện này mà tác phẩm có cả một hệ thống thi pháp tái hiện tương ứng. Đặc điểm nội dung cơ bản bao trùm của tiểu thuyết sử thi là luôn có các trận đánh, các chiến dịch với ngày giờ cụ thể, tầm quan trọng chiến lược, ý nghĩa quân sự, chính trị… Chính vì thế mà một nét thi pháp không thể bỏ qua là không gian nghệ thuật.
Tiểu thuyết sử thi của ta là mỗi tác phẩm thường phản ánh, miêu tả một trận đánh lớn, một chiến dịch quan trọng. Chính vì thế cảm hứng sử thi cũng thường gắn với không gian (như con đường, trận đánh…), với các sự kiện lịch sử trọng đại (như Tổng tiến công mùa xuân 1968, trận đánh cửa mở Xuân Lộc…). Ngay tên tác phẩm cũng chứng minh điều này: Xuân Lộc, Thượng Đức, Mùa hè giá buốt, Xiêng Khoảng mù sương, Truyền thuyết sông Thu Bồn…. Điều này dẫn tới tiểu thuyết sử thi Việt Nam vẫn còn thiên về kể lại. Do vậy tác phẩm có thể hấp dẫn bạn đọc ở sự mô tả những trận đánh với tính chất cực kỳ khốc liệt chứ chưa mời gọi bạn đọc đi theo quá trình phân tích tâm lý con người. Có thể hình dung thế này: tiểu thuyết Việt Nam thường dựa trên cái bối cảnh chung, cái nền chung của một trận đánh, một chiến dịch mà từ đó xây dựng tính cách tâm lý nhân vật. Như vậy thì tất yếu nhân vật tập thể rất được coi trọng. Và cũng rất lôgich với tính chất đặc biệt của những cuộc kháng chiến là huy động toàn dân, toàn diện. Sức mạnh của chiến tranh là sức mạnh của cộng đồng, cái cá nhân hoà tan vào cái cộng đồng đó.
Dễ thấy tiểu thuyết sử thi Việt Nam mạnh về miêu tả sự kiện, kể lại tình huống mà thiếu đi sự phân tích quá trình phát triển tính cách, cái mà L. Tônxtôi gọi là “biện chứng pháp tâm hồn”. Nếu có thì cũng chỉ là những khoảnh khắc trăn trở, dằn vặt, suy nghĩ… của nhân vật để phục vụ cho sự phát triển của cốt truyện. Nhưng vẫn có thể kể tên những tiểu thuyết của Việt Nam đã vượt ra khỏi cái nền chung để vươn tới bút pháp của phân tích, như Nỗi buồn chiến tranh, Rừng thiêng nước trong, Bến đò xưa lặng lẽ…
Hầu hết các các tác phẩm đều đi theo khuynh hướng lịch sử – tái hiện với một bối cảnh lịch sử cụ thể. Bến đò xưa lặng lẽ chọn không gian miêu tả là làng Quách Xá, Tân Mỹ, An Hưng, Phước Tuyền…. vùng đất phía nam bờ sông Hiếu và một bến đò Hói Cụ mà con đò qua lại hai bờ sông, tên sông là Bến Hải nổi tiếng một thời. Tiểu thuyết là âm vang của lịch sử. Đi suốt tiểu thuyết là các biến động xã hội từ khi nhân vật được chứng kiến: Sự kiện cải cách ruộng đất, chiến dịch Cam Lộ, là Đường 9 Khe Sanh, là cuộc Tổng tiến công 1975.
Đường đen nước đỏ tái hiện mảnh đất Khu Năm, chiến trường rất khốc liệt, từ Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân Mậu Thân năm 1968 đến sau chiến dịch xuân hè năm 1972. Đỉnh máu lấy bối cảnh quân ta và quân nguỵ tranh giành nhau một khoảng không gian đỉnh cao 1062 thuộc địa bàn Quảng Nam những năm 1971-1973. Có thể coi tác phẩm là tập 2 của bộ tiểu thuyết nhiều tập mà tập 1 Thượng Đức đã có những thành công. Bên dòng Sầu Diện chọn bối cảnh chiến tranh thời đánh Pháp là vùng đất An Lạc gần cảng biển Hải Phòng. Mùa hè giá buốt lấy cảm hứng từ những trận đánh ở miền Đông Nam bộ, nhất là trong chiến dịch chống càn Juntion City và Chiến dịch Mậu Thân 1968… Đất không đổi màu tái hiện cảnh bộ đội Việt Nam phải trả giá bằng mạng sống của chính mình khi làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Cămphuchia xây dựng lại cuộc sống… Truyền thuyết sông Thu Bồn là những sự kiện gắn liền với tiểu đoàn đặc công 91 với hầu hết là người Thanh Hóa chiến đấu và hy sinh tại Quảng Nam. Không gian tác phẩm là vùng đất “chưa mưa đã nắng” khắc nghiệt, trong chiến tranh thì nổi tiếng dữ dội nhưng tình người cũng thật đậm đà.
Đi theo hướng này các nhà tiểu thuyết luôn có xu hướng làm sống lại lịch sử một cách trung thực nhất. Cái bảo hiểm cho sự thật lịch sử chính là vốn sống của mỗi nhà văn. Họ viết bằng sự trải nghiệm của một thời binh lửa, tận mắt chứng kiến, và là người từng ở trong cuộc để rồi hôm nay viết ra những điều gan ruột: Nguyễn Chí Trung, Hồ Phương, Nam Hà, Văn Lê, Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, Nguyễn Bảo, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh, Xuân Đức, Đỗ Kim Cuông, Nguyễn Tiến Hải… Chính vì thế, như một hệ quả, cùng với khuynh hướng này là cách viết theo lối tự thuật, tự truyện được thể hiện khá rõ.
Tái hiện lịch sử thì dễ viết nhưng khó hay. Chỉ cần có vốn sống và năng khiếu tái hiện là có thể có những trang văn mang tính tư liệu về chiến tranh. Nhưng nếu chạy theo sự kiện, làm nô lệ cho sự kiện thì trang viết rất dễ rơi vào “chụp ảnh”. Trong giai đoạn 1945-1975 không phải là không có nhiều trang tiểu thuyết đơn giản là ghi chép, là thuật lại sự kiện. Điều này dễ gây ra một cách hiểu phiến diện có phần oan uổng cho cả một nền tiểu thuyết sử thi có nhiều thành tựu là “văn học minh họa”.
KHUYNH HƯỚNG LỊCH SỬ – HƯ CẤU.
Đi theo lối lịch sử – hư cấu thì nhà văn hư cấu trên cái nền của sự thật lịch sử. Người ta đã và sẽ còn tranh cãi trong tiểu thuyết lịch sử thì bao nhiêu phần trăm là sự thật, bao nhiêu phần trăm là hư cấu. Theo chúng tôi, trước hết là phải rõ ràng về mặt quan điểm. Đó là quan điểm nhân dân là người sáng tạo và làm nên lịch sử. Nhà văn viết về bất cứ sự kiện lịch sử nào cũng đều phải thấy nhân dân là lẽ phải, nhân dân là chính nghĩa. Nhân dân ủng hộ ai, giúp ai, người ấy, lực lượng ấy sẽ thắng lợi và ngược lại. Tiểu thuyết sử thi Việt Nam đã và đang đi theo con đường ấy, nhờ thế đã gặt hái được những thành tựu quan trọng.
Tác phẩm về đề tài lịch sử là sự sáng tạo, hư cấu trên cái nền đã ổn định của sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử. Nhà văn có thể tha hồ bay lượn trong không gian tưởng tượng sáng tạo nhưng phải nhằm mục đích làm sáng tỏ hơn lịch sử, đem đến những cảm hứng, làm giàu thêm vốn thẩm mỹ mới cho bạn đọc về lịch sử. Một điều tối kỵ của tác phẩm về đề tài lịch sử là làm sai lệch chân dung nhân vật của lịch sử, sai lệch sự kiện lịch sử.
Lịch sử, xét đến cùng là những gì đã đi qua được người hiện tại ý thức lại. Nhà văn viết về quá khứ nhưng mục đích là làm sao cho độc giả hôm nay nhận rõ thêm chân giá trị của ngày hôm qua, để họ sống sao cho xứng đáng với lịch sử.
Đi theo khuynh hướng này các tiểu thuyết sử thi của ta thường hư cấu ở phương diện nhân vật. Những nhân vật đã trở thành những tượng đài văn học, như chị Sứ, Lữ, chị Út Tịch,…Các nhân vật này được hư cấu nhưng vẫn nằm trong khung khái niệm, hoặc được đẩy cao, như đã nhận xét, trở thành siêu nhân vật. Nhưng các nhà tiểu thuyết hôm nay lại để cho nhân vật vượt thoát khỏi địa hạt của sử thi. Chúng tôi gọi đó là sự rạn nứt hay phá vỡ cấu trúc. Các tác phẩm của các nhà văn Nam Hà, Hồ Phương, Xuân Đức, Thái Bá Lợi, Chu Lai, Nguyễn Bảo, Văn Lê, Trầm Hương, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Quốc Trung, …đã có những thành công.
KHUYNH HƯỚNG TỰ THUẬT, TỰ TRUYỆN
Tự thuật tự truyện nằm giữa loại văn hư cấu và phi hư cấu. Những tiểu thuyết – hồi ký như Thượng đế thì cười (Nguyễn Khải), hồi ký Từ bến sông Thương (Anh Thơ)…rất đông bạn đọc, tạo được dư luận.
Tự truyện, tự thuật đều mang tính cá nhân sâu sắc, các khái niệm tác giả, người kể, nhân vật thường là một. Trong một vài công trình nghiên cứu trước đây chúng tôi đã khái quát thành khái niệm kịch hoá trần thuật. Khi người trần thuật xưng “tôi” thì “tôi” mang tư cách là nhân chứng của sự thật. Lời kể của “tôi” lúc này được tăng cường đến mức tối đa tính chất đáng tin cậy của câu chuyện kể. Văn xuôi viết về chiến tranh nói chung rất hay đi theo khuynh hướng này. Ngoài hồi ký, bút ký, ký sự… của các tướng lĩnh, các văn nghệ sỹ…là những trang viết nóng hổi tươi rói cuộc sống chiến trường, những suy tư về lý tưởng, hoài bão của những thanh niên trí thức, như Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Nhật ký Nguyễn Văn Thạc.
Ở khu vực tiểu thuyết về đề tài chiến tranh chúng ta càng dễ nhận ra dấu vết của hình thức tự truyện, tự thuật.
Nỗi buồn chiến tranh có nhân vật dẫn chuyện là nhà văn Kiên. Điểm sáng tạo của Bảo Ninh là sự lồng ghép giọng kể: Vừa là của Kiên vừa là nhân vật trong truyện của Kiên (Kiên là tác giả). Cuối câu chuyện lại xuất hiện người kể xưng tôi, nhưng không phải là nhân vật nữa mà là hình tượng tác giả kể về thao tác tạo ra tác phẩm từ bản thảo của “nhà văn phường”. Như vậy nhân vật Kiên mang tư cách của một người lính trực tiếp cầm súng ở chiến trường Tây Nguyên, hết chiến tranh trở thành nhà văn kể lại (tự thuật) câu chuyện của cuộc đời mình. Kiên là bóng dáng của tác giả Bảo Ninh được xây dựng từ chính sự trải nghiệm cuộc đời Bảo Ninh.
Hình thức tự truyện tạo ra ở Bến đò xưa lặng lẽ một ấn tượng đặc biệt về cách kể. Chọn ngôi kể là người đã chết cũng là nhân vật chính trong truyện (Khảm) ít nhất tạo ra những hiệu quả nghệ thuật: cảm thương hóa lời kể, tạo ra tính chất bi thương từ trang đầu đến cuối; bi thương chứ không bi lụy; tạo ra ảo giác về sự trung thực của câu chuyện. Thời gian trong truyện là thời gian đồng hiện, hiện tại và quá khứ được soi chiếu qua điểm nhìn người kể một cách rất linh hoạt, để kể qua một hồi ức tỉnh táo của người ở thế giới bên kia, một sự kể “biết hết”.
Đi theo hướng này các tác phẩm luôn có xu hướng đẩy sự miêu tả về gần với hiện thực chiến tranh. Các tác giả như muốn nói với bạn đọc: Đây là câu chuyện của tôi, tôi chứng kiến, tôi biết, tôi kể lại. Do vậy các sự kiện, hiện tượng cứ như là mới mẻ, tươi nguyên. Đó là các tiểu thuyết: Thượng Đức, Lính trận, Đỉnh máu, Bến đò xưa lặng lẽ, Rừng thiêng nước trong, Phòng tuyến Sông Bồ, Xiêng Khoảng mù sương, Đất không đổi màu, Một ngày là mười năm…
KHUYNH HƯỚNG VĂN HÓA – TÁI HIỆN
Tiêu biểu là các tác phẩm của Nguyễn Chí Trung và Trung Trung Đỉnh. Vượt lên sự mô tả chiến tranh đơn thuần,Tiếng khóc của nàng Út (Nguyễn Chí Trung) có xu hướng lí giải sự thắng thua trong chiến tranh bằng chiều sâu văn hóa. Huyền thoại về xứ Bàu Ốc qua lời kể của nhân vật bà On nằm ngay ở phần đầu tác phẩm: “Những người dân Việt đến Bàu Ốc đích thực vào năm nào, tháng nào, ngày nào, không ai biết thực rõ. Chỉ nghe truyền miệng…”. Cứ thế, các huyền thoại hiện dần lên vừa linh thiêng vừa huyền bí, xa xăm. Những câu chuyện ấy có quan hệ chặt chẽ với chủ đề chung của tiểu thuyết, tạo ra hiệu quả thẩm mỹ: Thiêng liêng hóa lời kể và “bảo hiểm” cho tính chất “trung thực” của câu chuyện.
Các nhà văn Bùi Bình Thi với Xiêng Khoảng mù sương, Bùi Thanh Minh với Sào huyệt cuối cùng, Phạm Quang Đẩu với Một ngày là mười năm, Nguyễn Quốc Trung với Đất không đổi màu… theo hướng này đã đưa vào tác phẩm những không gian văn hoá lạ của hai nước bạn Lào và Campuchia.
Lính trận là một khám phá mới của Trung Trung Đỉnh, đi theo cuộc hành trình của những người lính miền Bắc vượt Trường Sơn vào Tây Nguyên, song hành với họ là tình yêu và cái chết…. Địa danh chiến trường Plei Me trở thành cái tên đi suốt tác phẩm, khắc sâu vào tâm trí người đọc với đủ các cung bậc, gam màu của chiến tranh. Tác phẩm có hai cảm hứng song hành là lãng mạn và bi kịch. Nhưng cái mạch ngầm của tác phẩm mới, dòng chảy chính, âm thầm mà bền bỉ, cường tráng mà có phần dữ dội, là văn hóa Tây Nguyên.
Một trong những yếu tố văn hóa rất hay được các nhà tiểu thuyết sử dụng để tăng cường chất huyền thoại cho tác phẩm là văn hóa tâm linh – một phần của cuộc sống tinh thần con người được biểu hiện ở giấc mơ, linh cảm, thờ cúng tổ tiên… Các nhà văn Văn Lê, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Chí Trung… đã thể hiện, vận dụng khá nhuần nhuyễn sắc thái văn hóa này trong tác phẩm.
Nhìn một cách tổng quan tiểu thuyết sử thi đổi mới trên tinh thần lấy truyền thống làm nền tảng, trên cơ sở đó tiếp thu những hướng viết hiện đại. Do vậy nó giàu bản sắc Việt, ở lòng yêu nước, trọng tình, quý người; ở một hình thức giản dị nhưng sâu lắng. Cái hạn chế rõ nhất là nhiều nhà tiểu thuyết còn vụng trong việc phân tích tâm lý nhân vật. Tính cách nhân vật còn khuôn mẫu, khô cứng chưa thích ứng với những không gian biến hóa khôn lường của chiến tranh, vì thế có những quyển, những trang văn nhạt, sượng, đơn giản.
Nguyễn Thanh Tú
Nguồn: Báo Văn Nghệ, HNV