Thethaovanhoa.vn – “Ngày xửa ngày xưa ở Berlin nước Đức có một người đàn ông tên là Albinus. Ông ta giàu, hạnh phúc, đáng kính; một ngày nọ ông bỏ vợ để theo một người tình trẻ tuổi; ông ta yêu; không được yêu; và cuộc đời ông kết thúc trong thảm hoạ”.

Đó là mở đầu của tiểu thuyết Tiếng cười trong bóng tối (Nhã Nam & NXB Văn Học) được viết bởi nhà văn Mỹ gốc Nga nổi tiếng – Vladimir Nabokov.

Mở đầu, đồng thời tóm lược toàn bộ câu chuyện ngoại tình cay đắng này, là cách viết khá phiêu lưu. Bởi khi đã mở toang cánh cửa ngay từ đầu, để thấy không có  gì giấu giếm, tất cả rõ ràng chẳng mang sắc thái bí mật, thì đồng thời, tài viết của nhà văn cần được bộc lộ, để buộc người đọc không thể dừng việc lật từng trang để theo dõi toàn bộ diễn tiến.

Đồng thời là người làm nên cuốn tình sử Lolita, bậc thầy về sự diễn đạt sự phức tạp trong cảm xúc bằng ngôn từ một cách tinh tế, là người mà các thế hệ nhà văn như John Banville, Salman Rushdie, Don DeLillo, John Updike… chịu ảnh hưởng, nhà văn Vladimir Nabokov (sinh năm 1899 và mất năm 1977) đã thể hiện sự phân tích diễn tiến tâm lý hết sức sắc sảo của từng nhân vật qua cuốn tiểu thuyết này.

Nhân vật nam chính – tên Albinus, trong suốt chín năm làm chồng, có một cô con gái tám tuổi với người vợ của mình, vốn không phải là kẻ từng trải may mắn trên tình trường. Dù nói chuyện có duyên, nhưng tán tỉnh một cô gái là điều rất khó khăn với người đàn ông giỏi về kinh tế này. Ông ta từng có mối tình tẻ nhạt cho đến khi lấy vợ – một tình yêu dễ chịu nhẹ nhàng với người đàn bà nhân hậu cùng giọng nói luôn ngọt ngào êm dịu, ngỡ tưởng cứ thế gá hết quãng đời còn lại vào.

Việc nói sẵng đột ngột với vợ, buộc ông ta nghĩ tới việc cần làm lành ngay, có thể bằng chuyến du lịch vài ngày, thậm chí cần tới bác sĩ tâm lý, đã không thể tưởng tượng đến ngày, sẵn lòng phá nát gia đình đang hạnh phúc, để đến với một cô gái trẻ tình cờ gặp trong nhà hát. Cô ta thu hút ông ngay từ những phút đầu tiên gặp gỡ, và dù chưa biết tên, thì cũng đủ đưa đời ông vào bước ngoặt cho việc đẩy sâu vào cõi hoang vu ảm đạm – nơi bùn lầy chôn vùi mãi mãi cuộc đời ông.

Sự phản bội thường được trả lại bằng sự phản bội khác, nghiệt ngã hơn, đến ngày người mà ông yêu tìm mọi cách rời xa ông, đi theo người tình cũ, và không quên quay trở lại căn hộ để gói ghém đồ đạc, thì người đàn ông đã chết về mặt tinh thần ấy, không còn điều gì cần thiết hơn, là tìm tình nhân, với khẩu súng lục.

Kết thúc truyện, Albinus bị chính nhân tình của mình giết, để hiểu, khi si mê tình ái đặt nhầm nơi và đổi bằng nỗi đau đớn của người vợ, thì cái giá phải trả, là mạng sống, và sự đổ vỡ hoàn toàn lòng tin.

Một chuyện ngoại tình, câu chuyện xưa cũ, nhưng qua tài viết của Nabokov đủ để ám ảnh những ai đang nuôi trong mình mầm mống sự phản bội, khi nhìn trước kết cục bi thương.

 

Theo Quỳnh Trang – Thethaovanhoa.vn