Không ồn ào, tô vẽ, không chao chát, đay nghiến như một số cây viết thời thượng,  văn Trần Nhã Thụy đi vào lòng độc giả rất khẽ, rất nhẹ, nhưng lưu lại lâu.

Tên sách: Hát (tiểu thuyết)
Tác giả: Trần Nhã Thụy
Phương Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành

Tôi đọc tiểu thuyết Hát của Trần Nhã Thụy với tâm thức của một người quen thuộc với văn phong của anh. Quãng thời gian 25 năm chúng tôi biết nhau từ khi học chung một lớp đại học đến giờ đủ dài để hiểu tính cách, hiểu văn nhau và điều quan trọng là hiểu được những gì nhau viết.

Tôi dõi theo những trang văn của Trần Nhã Thụy từ những tập truyện ngắn đầu tay Lặng lẽ rừng mai, Những bước chậm của thời gian, truyện dài Thị trấn có tháp đồng hồ, cho đến tiểu thuyết Sự trở lại của vết xước, những tập tạp văn Triều cường, chân ngắn và rau sạch, Cuộc đời vui quákhông buồn được… Với tôi, trong văn chương, Trần Nhã Thụy bước đầu khẳng định được một phong cách riêng, một giọng văn riêng: Đó là giọng kể trầm buồn, chậm và phảng phất bóng dáng của những câu triết lý. Không ồn ào, tô vẽ, không chao chát, đay nghiến như một số giọng văn thời thượng, giọng văn của Trần Nhã Thụy đi vào lòng độc giả rất khẽ, rất nhẹ, nhưng lưu lại lâu.

Bìa tiểu thuyết “Hát”

Với tâm thức ấy, tôi đọc Hát, cuốn tiểu thuyết thứ hai của anh. Gấp sách lại, tôi nhận ra những gì mình hiểu và biết về văn chương Trần Nhã Thụy là còn chưa đủ. Rằng anh cũng có thể tự đổi mới cách viết của mình, dĩ nhiên vẫn dựa trên cách nhìn nhất quán về cuộc đời, về con người và xã hội như từ xưa đến nay.

Thật khó để tóm tắt tiểu thuyết Hát. Bởi lẽ, đây là một cuốn tiểu thuyết có cốt truyện phân mảnh, rời rạc, với những lát cắt chân dung con người thoáng qua, nhưng lại có thần thái, có hồn. Nhân vật chính của tiểu thuyết là Kỷ, một kỹ sư hóa học thất nghiệp sống ở Sài Gòn, có một số tiền gửi ngân hàng, thỉnh thoảng lại đi làm thêm nọ kia, những công việc làm thêm đầy danh giá dưới mắt người đời: Làm dự án bất động sản, dịch thuật. Kỷ sống thờ ơ, không mục đích, không niềm vui, một kiểu sống mòn của trí thức Việt Nam thời đương đại.

Bên cạnh Kỷ là những con người mà chúng ta có thể gặp đâu đây ngay trong cuộc sống này, là nhà kinh doanh bất động sản lắm bồ bịch Hoàng; là giám đốc sáng tạo ra những dự án văn hóa Sinh; là cô nàng tỉnh lẻ Viễn Trinh nhờ sắc đẹp mà trở thành hot girl nổi tiếng; là Lý, người phụ nữ tuổi không còn trẻ lao mình vào cuộc tình vụng trộm với Kỷ, là cô gái nhỏ Xuân Nương, một đào nương trẻ non xứ Bắc, là ông Cờ Lê vốn là thợ sửa xe bỗng nhảy ra tham gia điều khiển giao thông… Những người như vậy, chúng ta thấy thấp thoáng bóng họ hàng ngày trên báo chí, trong cuộc đời.

Ngòi bút của Trần Nhã Thụy đặc biệt tinh nhạy, am hiểu khi viết về những nhân vật trong giới văn hóa, giới kinh doanh. Có lẽ những kinh nghiệm từ cuộc sống làm văn, làm báo đã cho anh nhiều chất liệu để xây dựng nên những nhân vật sống động, những nhân vật quay cuồng trong bầu không khí của công việc và hư danh. Nhưng cuối cùng cũng như nhân vật Kỷ, họ chua xót nhận ra rằng: “Chỉ biết nhắm mắt lại, nằm dài trên giường cho qua hết từng ngày thôi đã là quá khó. Huống hồ còn phải lăn lộn mưu sinh, phải kiếm tiền, phải lo nuôi con, phải hầu lãnh đạo, phải chiều chuộng bồ bịch, rồi phải kiếm danh, phải học làm người tử tế, phải sống để không ai khinh mình, phải để lại tiếng thơm với đời.
Đời mệt. Đời chán. Đời buồn.

Sự trống rỗng, vô nghĩa trong đời sống như một thứ axít ăn mòn tâm hồn con người ta. Vậy nên nhân vật Kỷ mệt mỏi, thờ ơ, chán chường và mọi nhân vật khác trong tiểu thuyết Hát chỉ làm nền cho sự thờ ơ, chán chường ấy nổi bật lên. Xoáy sâu vào sự vô nghĩa của đời sống, ngòi bút của Trần Nhã Thụy ngả hẳn sang hướng khai thác tâm lý.

“Hát” cũng đánh dấu một bước chuyển mới trong bút pháp Trần Nhã Thụy. Không kể miên man như trong tiểu thuyết Sự trở lại của vết xước, Hát chồng chất sự kiện, sự kiện này nối tiếp sự kiện kia, và xen vào đó là cái nhìn giễu nhại, châm biếm của nhà văn đối với những hiện tượng của cuộc sống. Có thể nói, đây là cuốn tiểu thuyết mang đậm văn phong báo chí với những chú dẫn mang tính minh họa được cắt ghép, lồng khung.

Trần Nhã Thụy là một cây bút mạnh về miêu tả thời gian, không gian và tâm trạng và tiểu thuyết Hát một lần nữa cho thấy ưu thế của anh. Thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Hát gấp gáp như cuộc sống cuồng vội ở Sài Gòn, một đô thị lớn nhất nước. Tuy nhiên cũng có lúc thời gian đi chậm lại, đặc biệt là ở những đoạn miêu tả cảnh nhân vật chính là Kỷ ở một mình. Có lẽ Trần Nhã Thụy muốn khắc họa tâm trạng trì trệ, không lối thoát của nhân vật chính bằng thủ pháp kéo dài thời gian.

Không gian nghệ thuật trong tác phẩm là những mảnh không gian đời thường của cuộc sống đương đại, có những không gian rất quen thuộc với người đọc như khu phố cổ Hà Nội, chung cư nơi Kỷ sống, quán nhậu bờ kè, không gian của những quán cà phê không gian con đường luôn đầy ứ người và luôn tắc nghẽnNhưng cũng có những không gian cao cấp hơn, sang trọng hơn, không gian ít người được biết đến như là không gian của những biệt thự giàu sang, của những hòn đảo quý tộc dành riêng cho lớp người thượng lưu. Trong cái nền ồn ào, nhộn nhạo ấy, mở ra một không gian tâm hồn của nhân vật Kỷ: Không gian cô đơn. Kỷ, xét đến cùng là một nhân vật cô đơn. Cô đơn trong cuộc đời và trong tâm tưởng. Sao lại không cô đơn được khi người ta chán chường với mọi thứ, mệt mỏi với mọi thứ và không hiểu nổi mình sống trên cõi đời này là để làm gì?

Cảm thức thường trực trong tiểu thuyết Hát là một cảm thức bế tắc và trầm luân. Bế tắc ở mục đích cuộc sống, Kỷ trầm luân vào thú vui học hát ca trù, trầm luân vào cuộc tình thoáng qua với Hồng. Có lẽ chỉ với Lý, người yêu một thuở, Kỷ mới thật sự có tình cảm, nhưng tình cảm ấy cũng ơ hờ, như một thói quen xác thịt thường ngày của cuộc sống.

Nhưng trong sự bế tắc và trầm luân ấy, có những bài hát như là nơi gửi gắm vào đó những gì cao đẹp còn sót lại của cõi đời ô trọc này. Không phải ngẫu nhiên là trong tiểu thuyết Hát dày đặc những lời bài hát, trong đó, những lời ca trù của Xuân Nương, những lời ca trù mà Kỷ ư ử hát, lại như những sợi dây giúp người ta đu ra khỏi những chán nản, trì trệ, u ám của đời thường. Nhưng mà cũng chỉ là đu ra khỏi thôi, rồi theo quán tính, những sợi dây  bài hát lại khiến con người ta trở về chỗ cũ. Nhưng, Hátdù chỉ một lần hay nhiều lần vẫn là hát, vẫn là sự vẫy vùng đáng quý của con người khi muốn thoát ra khỏi những ô trọc đời thường.

Vậy nên hãy Hát, dù chỉ là hát lên một lần như những câu cuối trong tiểu thuyết của Trần Nhã Thụy, bởi lẽ: “Giác quan cuối cùng mất đi khi người ta chết chính là thính giác. Có nghĩa là khi không còn thấy bằng mắt, không còn ngửi bằng mũi, tê liệt hết vị giác, thì con người ta vẫn còn có thể nghe”.

Như vậy người ta có thể nghe nhiều thứ, chứ không phải chỉ nghe Hát. Hát chỉ là một trong vô vàn phương cách để người ta níu kéo lại cuộc đời này. Điều quan trọng của Hát không chỉ là hát. Điều quan trọng của Hát là thúc giục chúng ta hãy mở lòng ra nghe.

 

Theo Hà Thanh Vân – Vnexpress