Trung tuần tháng 6 năm 2013, nhà xuất bản Tân Tinh cho ra mắt truyện dài vừa được nhà văn Dư Hoa hoàn thành. Truyện mở đầu bằng mấy dòng như sau :

“Tôi bước ra khỏi căn nhà ở trọ lúc sương mù dầy đặc giăng mắc, một mình đi trong thành phố hỗn độn trống vắng. Nơi tôi đến có tên là Nhà Tang Lễ. Đó là tên hiện nay, còn tên trước kia là Nhà Hỏa Táng. Tôi nhận được một thông tri, bảo tôi đến đó trước 9 giờ sáng. Giờ hỏa táng của tôi định vào lúc 9 giờ 30”.

Sau Anh em bảy năm, lần này bằng bút pháp huyền ảo, Dư Hoa kể một câu chuyện tuyệt vọng hơn cả Phải sống và hoang đường hơn cả Anh em để bạn đọc “được nếm mùi lạnh giá ở những dòng sông tù túng đóng băng trong năm tàn tháng tận một mùa đông rét mướt, được nếm mùi đau đớn xé lòng như bị lưỡi cưa sắc lẹm cứa đi cứa lại trên da thịt, được nếm mùi tuyệt vọng khi cả thân xác và con tim đều mệt mỏi giữa cánh đồng hoang vắng mênh mông, nhìn trước ngó sau đều không nơi bám víu ….” . Vì thế, chưa đến một ngày, các thư viện lớn đã đăng ký với nhà xuất bản mua hơn 700.000 cuốn, vượt cả tiểu thuyết bán chạy siêu cấp là Trăm năm cô đơn hồi mới in.

Lần này Dư Hoa thuật lại những điều mắt thấy tai nghe của một thường dân là Dương Phi sau khi chết được bảy ngày với giọng kể bình thản, gần như lạnh lùng. Lời kể đi, vê như con thoi giữa thế giới có hai cực là sống và chết. Những gì Dương Phi trải qua không ngoài những gì có trong cuộc sống hàng ngày hiện nay, chỗ nào cũng có thể bắt gặp hiện tượng quái dị đủ loại : có gạo trộn chất phụ gia độc hại cho trơn bóng, có đánh cắp thận và mua bán thận, có người quản lý ở cấp cao thối nát, có nhà tang lễ phân biệt đẳng cấp, có trẻ sơ sinh chết trong bệnh viện, có tình yêu ấm áp và đau lòng, có tình cảm chí thân giữa cha con nuôi, có án oan, án giả, có cưỡng chế di dời v.v….Tiểu thuyết như một cuốn phim chiết xạ hiện thực tàn khốc và quái đản, tác giả dùng thé giới hiện thực huyền ảo để soi xét, phê phán hiện thực đương thời. Ngày thứ bảy của Dư Hoa chính là tác phẩm kinh điển hiện thực phê phán có cự ly bằng 0 với hiện thực ngày nay. Có ý kiến đánh giá tác phẩm ngang với Trăm năm cô đơn, nhưng ý kiến của số đông lại không như vậy.

Trước ý kiến trái chiều nhau của đông đảo bạn đọc, ngày 3 tháng 7 vừa qua, một cuộc hội thảo của giới phê bình, nghiên cứu văn học hàng đầu đã được tổ chức tại trường Đại học sư phạm Bắc Kinh để trao đổi, tranh luận về Ngày thứ bảy. Ý kiến nhận xét, đánh giá thật đa dạng, câu hỏi đặt ra với tác giả cũng không ít.

Điều rất đông bạn đọc-fan của Dư Hoa không hài lòng là những câu chuyện, hiện tượng được kể trong truyện, dù quái dị đến mấy cũng quá quen thuộc, họ không có cảm giác nào khi đọc lại. Dường như tác giả nhặt những chuyện ấy trên mạng, trên báo chí hay đâu đó, dùng lối viết gọn gàng mạch lạc làm que xiên chúng lại với nhau thành một xâu thịt, tránh không nói chúng đến từ con cừu, con dê tươi sống nào. Tuy ưu điểm của truyện là tác giả thành tâm tôn trọng những con người ở thế yếu nhưng như thế cũng chỉ như đổ một cốc nước xuống mảnh đất khô cằn nứt nẻ, người đọc chưa kịp cảm động thì nước “xèo” một tiếng rồi mất hút.

Bạn đọc không thể hiểu nhà văn đương độ sung sức như Dư Hoa (sinh năm 1960), mà tiểu thuyết của anh như Phải sống, Hứa Tam Quan bán máu, Tiếng gào trong mưa bụi…từng làm con tim họ thổn thức khôn nguôi thì nay đọc một mạch, Ngày thứ bảy cũng chẳng để lại được gì trong trí óc họ, ngoài ấn tượng hai bóng người màu trắng, một thực một hư trên bìa sách. Người ta đặt câu hỏi : tác giả cạn kiệt tài năng hay không đủ nhẫn nại ? Số đông cho Dư Hoa nôn nóng, nôn nóng cả trong lời văn. Người thời nay thường muốn nhanh chóng gặt hái cả danh lẫn lợi, bạn đọc không đòi hỏi nhà văn vượt lên trên thời đại nhưng họ mong Dư Hoa không nên nóng ruột vì bảy năm trời mới viết xong truyện mới. Năm ngoái, nhà văn nổi tiếng Mã Nguyên (sinh năm 1953, một trong năm hổ tướng của văn học tiên phong cùng với Dư Hoa, Cách Phi, Hồng Phong và Tô Đồng) ra tiểu thuyết Quỉ trâu thần rắn sau 20 năm ngừng viết cũng làm bạn đọc rất thất vọng. Có bạn đọc còn đặt dấu hỏi, phải chăng Dư Hoa viết truyện này cho Tây đọc ?

Trước những nhận xét, thắc mắc và câu hỏi của người dự hội thảo, nhà văn Dư Hoa “hồi ứng” như sai :

– Nhà văn thuật kể hiện thực thường không theo một phương trình nào. Gần hay xa hiện thực đều tùy từng nhà văn và cách viết của họ quyết định. Hiện thực dưới bút nhà văn khác nhau cũng khác nhau, cho dù chỉ một nhà văn thì hiện thực viết không cùng thời gian cũng khác. Tuy nhiên tác phẩm bao giờ cũng có khoảng cách với hiện thực. Trong Ngày thứ bảy, tôi dùng góc độ thế giới ngươi chết để miêu tả thế giới hiện thực, đó là cự ly thuật kể của tôi và cự ly này là lần gần nhất. Sau này trong tác phẩm khác có thể không gần nữa bởi vì tôi cảm thấy không thể tìm ra phương thức nào vừa gần lại vừa xa như vậy. Trước khi viết Anh em, tôi đã có ước muốn tập trung viết những việc tựa hồ hoang đường, quái đản nhưng thật ra lại rất chân thực trong cuộc sống của chúng ta, đồng thời còn phải khống chế số trang. Sau đó tôi tìm ra phương thức bảy ngày của một người mới sang thế giới khác để thế giới hiệm thực xuất hiện như bóng lộn ngược. Hiện thực tuy dầy đặc sự việc nhưng phải làm cho bóng của chúng sáng rõ.

– Cuộc sống của chúng ta do rất nhiều nhân tố tạo nên. Chúng phát sinh ngay bên cạnh chúng ta, tại nơi chúng ta ở, đi vào bản tin, bài báo….Chúng bao vây chúng ta, ta không cần phải nhặt nhạnh bởi vì hàng ngày chúng tự đến với chúng ta, có trốn tránh cũng không trốn tránh nổi, trừ phi trông mà không thấy. Hiện thực tôi viết là hiện thực cuộc sống như thế.

– Ngôn ngữ trong Ngày thứ bảy có khác chút ít với ngôn ngữ trong Anh em. Ở Anh em, có lúc tôi cố ý dùng lời lẽ thô tục vì lúc đó cần phải thế. Tôi nghĩ ngôn ngữ trong Ngày thứ bảy sẽ không bị ai chửi mắng, thế mà người ta vẫn mắng là nhợt nhạt, khô khan, vô vị, chẳng khác gì nước lã. Thật ra tôi rất trau chuốt ngôn ngữ trong truyện, sửa chữa hết lần này đến lần khác, nhất là khi sửa bông lần 1 và 2, những chỗ sửa chữa đều là ngôn ngữ. Đây là câu chuyện thuật lại từ góc độ người chết, ngôn ngữ cần tiết chế, lãnh đạm, ngữ khí không thể hồ hởi, sinh động như của người sống. Chỉ khi nào viết đến cuộc sống hiện tại, tôi mới thêm chút ít ấm áp cho ngôn ngữ.

– Thật ra, khi Phải sống và Hứa Tam Quan bán máu xuất bản cũng có tranh cãi, chỉ có điều lúc đó bó hẹp trong giới văn học. Lúc đó, báo đài không chú ý đến văn học, chưa chú ý đến tôi, cũng chưa có internét. Khi Anh em ra đời, báo, đài chú ý đến văn học và cả tôi nữa. Tranh cãi được mạng phóng to lên. Lần này Ngày thứ bảy xuất bản có thêm trang web , tranh cãi càng được phóng to. Tôi biết hễ tôi ra sách mới thế nào cũng có người mắng chửi nhưng tôi nghĩ đó là điều tốt, không phải điều xấu, bởi vì thông thường người nào được quan tâm chú ý nhiều thì cũng có nhiều lời chửi mắng, không thể ai cũng khen hay cả. Bảy năm trước, Anh em bị chửi là tiểu thuyết nát nhất trong số tiểu thuyết của cả nước. Lần này Ngày thứ bảy cũng bị chửi là nát, tôi thấy như thế còn là khách sáo.

– Tiểu thuyết của tôi đã được dịch và xuất bản ở hơn 20 nước, nhưng không độc giả nước nào lại nhiệt tình đọc như độc giả Trung Quốc (để trả lời câu hỏi phải chăng tác giả viết cho Tây đọc). Nếu muốn nói tiểu thuyểt nào tiêu biểu nhất cho phong cách của tôi thì đó là cuốn này.

Trong tình hình bạn đọc ngày một ít đọc tiểu thuyết in trên giấy, tranh cãi sôi nổi về Ngày thứ bảy của Dư Hoa cũng là hiện tượng đáng mừng đối với văn đàn Trung Quốc hiện nay.

Nguồn: Vannghetre