Một tiểu thuyết dày 256 trang, dễ đọc, khá mạch lạc, có cốt truyện, kết thúc bi thảm, ấn tượng.

Đã lâu các cây bút văn xuôi làng văn xứ ta ít viết về phong tục, về văn hóa làng quê trong bối cảnh đời sống đương đại. Mấy tiểu thuyết nổi tiếng của Nguyễn Xuân Khánh viết khá đậm về phong tục, tín ngưỡng, nhưng lại đặt trong bối cảnh lịch sử thuộc về quá khứ, gần nhất là thời kì chống thực dân Pháp. Có lẽ sau Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, ít thấy cây bút nào có hứng thú này.


Đọc Hình nhân thụ huyết của Đỗ Doãn Quát tự nhiên lại có cái thích thú được tiếp cận với một vùng văn hóa cổ của dân tộc: văn hóa xứ Đoài. Thú lắm. Một vùng đất với làng nghề gốm ven sông Hồng cùng những tục mai táng người chết, kiến trúc dân gian cổ xưa; với làng làm nghề hàng mã, với những tục thờ cúng thành hoàng, với những truyền thuyết, thần tích thần phả u u minh minh còn cắm rễ dai dẳng trong tâm thức của người hiện đại. Trong cái thế giới hư thực đó, nổi lên cái lu sành màu máu chim bồ câu trở đi trở lại trong câu chuyện, can dự vào cuộc đời của hai nhân vật: “tôi” và Hậu. Nó bắt đầu từ quà tặng của thành hoàng làng này tặng cho công chúa thành hoàng làng khác, rồi theo mạch truyện, hai nhân vật đó chính là tiền thân của “tôi” và Hậu, và kết thúc là việc Hậu trao lại chiếc lu ấy cho “tôi”. Hình như đó là câu chuyện của nhân quả, của kiếp luân hồi nhà Phật mà tác giả vận vào. Nhà văn đã khéo léo đưa vào câu chuyện của các nhân vật cả một lớp địa-văn hóa khá đặc sắc và hấp dẫn. Nó lại được miêu tả theo cách trộn lẫn giữa cõi hư và cõi thực, có lúc hồi nhớ, có khi đồng hiện. Nó tạo ra lớp sương mờ huyền thoại phủ lên toàn bộ lõi truyện rất thực. Chính vì thế mà tiểu thuyết khá gợi và ám ảnh.

Tuy nhiên, người cầm bút nào cũng vậy, cho dù nói về thời nào và bất cứ cái gì cũng có tham vọng quy chiếu vào đời sống đương đại, hôm nay, thời mà chúng ta đang sống. Tác giả để cho hai hình nhân được thụ huyết, nên đã hóa thành người trà trộn vào đời sống trần thế. Trong lời người kể chuyện, đây đó tác giả bộc lộ một tương quan: cứ tưởng cõi ma làm hại cõi trần, độc ác hơn cõi trần, nhưng hóa ra cõi trần người trần còn ác độc hơn cõi ma, đáng sợ hơn cõi ma. Cuộc đấu tố địa chủ thời cải cách ruộng đất, cuộc truy bức tình yêu của hai ông bố đối với hai đứa con, đòn sát phạt trả thù của người đàn bà đối với tình nhân của chồng, sự đổ đốn nhân cách và ý đồ cầm tù Hậu của nhân vật người chồng… thực chất là những biểu hiện ác độc ghê gớm mà cõi ma (giả tưởng) cũng phải thua xa. Nói cái ác để tôn vinh cái tốt, cái lương thiện, cái tử tế luôn là ý hướng nhân văn của bất cứ nhà văn nào.

Khi viết tiểu thuyết này, tác giả đã rất chủ động lựa chọn một nhân vật ngôi “tôi” trong một nhân tính có phần khiếm khuyết: thể tạng yếu đuối, hay động kinh, trầm cảm, hay bị ám ảnh bởi người cõi âm, đôi lúc tâm thần bất định và hoang tưởng. Với cách lựa chọn này, nhà văn đã tiêu hóa hết được những trường đoạn có tính mộng mị, hư thực, khiến không ai có thể bắt bẻ. Đây là một cách làm sáng tạo, thuộc về một năng lực hư cấu và cấu trúc. Tác giả đã cài cắm, gói mở những tình tiết: thần tích thần phả, mối tình của các bậc thành hoàng, chiếc lu, mối tình của đôi trai gái “tôi” và Hậu, kết thúc truyện một cách khá hợp lí, với một tay nghề vững vàng, nên mạch truyện đi trôi chảy, không bị cản trở nào.

Cũng nói thêm, nhìn trên tổng thể, mạch truyện được kể theo hình thức tuyến tính; trong từng trường đoạn kết hợp giữa hiện tại và hồi cố, trong hồi cố lại gọi về thế giới hư ảo. Đây là một cách làm có tính truyền thống. Nó được ở chỗ mạch lạc, người đọc dễ theo dõi. Nhưng nó cũng hạn chế ở chỗ, toàn truyện là một mặt phẳng, để mất khả năng hướng tới một cấu trúc biến hóa, đứt nối, tạo khoảng trống, gợi nghĩa… Riêng điều này, một số cây bút thế hệ sau Đỗ Doãn Quát tiến hành tốt hơn.

Nhưng mà lạ lắm, văn chương ăn nhau ở nhiều thứ chứ không chỉ là kĩ thuật. Với tiểu thuyết Hình nhân thụ huyết này, tác giả đã dựng nên một thế giới nghệ thuật khá nhất quán: trộn lẫn hiện thực và huyền ảo một cách nhuần nhuyễn, hướng về phong tục thuộc trầm tích văn hóa xứ Đoài, các nhân vật vận động, hô ứng với nhau một cách linh hoạt.

Đỗ Doãn Quát là người cắm rễ ở làng, một ngôi làng cổ Đường Lâm nức tiếng và cũng nhiều… tai tiếng trong công cuộc bảo tồn và phát triển văn hóa hôm nay. Tuy nhiên, không phải cứ ở làng mà đã hiểu văn hóa làng. Ông có đọc, có nghiên cứu, có trải nghiệm cuộc sống của người làng một cách kĩ lưỡng. Ông là một con dân, một thôn dân của làng. Ông có một tâm thức làng dày dặn. Ông lại mẫn cảm với thời thế hôm nay. Chính vì vậy, toàn bộ sự sống làng trong bối cảnh rộng của đời sống đương đại đã đi vào trang văn của Đỗ Doãn Quát một cách khá tự nhiên, nhuần nhuyễn.

Tôi cho rằng tiểu thuyết của Đỗ Doãn Quát sẽ được bạn đọc tìm đến và thích thú, kể cả những bạn đọc khó tính

Cuối thu 2014

Văn Giá

Theo vannghequandoi.com.vn

Exit mobile version