Giữa tháng 7, Nhà xuất bản Gold Wall của Trung Quốc đã phát hành Nước Tử (Sui Shi; tên tiếng Anh là Death by Water, tạm dịch: Chết vì nước), cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Nhật Bản từng đoạt giải Nobel Văn học Kenzaburo Oe. Nhiều nhà văn và nhà phê bình Trung Quốc nhận thấy cuốn tiểu thuyết này cực kỳ khó đọc.
Nhà văn Yan Lianke, một trong những độc giả trung thành của Oe, cho biết ông chỉ mất 1 ngày để đọc xong cuốn The Silent Cry và 2 ngày đọc cuốn Nàng Annabel Lee xinh đẹp đã bị gió thổi cuốn đi (2007) của Oe, trong khi với cuốn tiểu thuyết Nước Tử, sau 3 ngày ông mới chỉ đọc được nửa cuốn.
“Tiểu thuyết khó đọc vì cấu trúc rất phức tạp. Thật thú vị khi thấy phong cách viết của nhà văn Oe đã trưởng thành hơn, uyên thâm và sâu sắc hơn trong giai đoạn sau này của sự nghiệp” – Yan Lianke nói.
“Thai nghén” tiểu thuyết khi đang phải hầu tòa
Cuốn tiểu thuyết Nước Tử của nhà văn Kenzaburo Oe được phát hành bằng tiếng Hoa
|
Nước Tử, được phát hành ở Nhật từ năm 2009, là cuốn sách phức tạp nhất của nhà văn Oe từ trước tới nay. Cuốn tiểu thuyết này được ông “thai nghén” ở tòa án, khi bị buộc tội vu cáo các cựu binh Nhật Bản từng tham gia Thế chiến II.
Trong tiểu luận Những ghi chép về Okinawa mà Oe xuất bản năm 1970, ông đã coi binh lính của Nhật Hoàng trong Thế chiến II là những kẻ sát nhân, từng khiến những người dân thường ở hòn đảo tự sát tập thể, khi quân đội Mỹ tấn công vào đây năm 1945.
Những nhận định đó đã trở thành cái cớ để nhà văn bị kiện ra tòa. Người kiện Oe là một cựu sĩ quan của quân đội Nhật Hoàng, từng cầm súng ở Okinawa cùng em trai của một sĩ quan quân đội khác. Hai người này cho rằng, trong tiểu luận của Oe, các sĩ quan Nhật đã bị miêu tả như những kẻ vô nhân tính và không đúng sự thật.
Tuy nhiên, thẩm phán Toshimasa Fukami sau đó ra phán quyết khẳng định là quân đội Nhật Hoàng đã dính líu tới những vụ tự sát hàng loạt ở Okinawa trong năm 1945.
Nước Tử là câu chuyện xoay quanh Kogito Choko, nhà văn từng đoạt giải văn học quốc tế và có trải nghiệm tương tự với Oe, cùng cuộc điều tra của ông về một chiếc va li màu đỏ huyền thoại. Cuộc điều tra nhằm tìm kiếm sự thật về cái chết của cha ông.
Choko đã trở về quê hương mình, ở khu rừng Shikoku, để lấy chiếc va li. Choko tin những bí mật trong chiếc va li đó sẽ giúp ông tái tạo được hình ảnh của người cha cho cuốn tiểu thuyết mới của mình. Tuy nhiên, ông đã bối rối hơn khi thấy những tài liệu trong chiếc va li nói rằng, cha ông chết trong một vụ đắm tàu, sau khi thất bại trong vụ ám sát Hoàng đế Mikado. Việc ám sát Nhật Hoàng nhằm cứu Nhật Bản khỏi bại trận trong Thế chiến II.
Ông Xu Jinlong, dịch giả cuốn tiểu thuyết Nước Tử, cho biết việc chuyển ngữ câu chuyện phức tạp này là một thách thức lớn. Nhận xét của Xu gây ngạc nhiên bởi ông là chuyên gia hàng đầu trong việc dịch tác phẩm của Oe và bản thân ông cũng rất thân thiết với nhà văn. Cần biết rằng Xu Jinlong là một nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc. Năm 2007, ông đã đoạt giải Văn học Lỗ Tấn về dịch thuật.
|
Ảm ánh về hạt nhân
Sinh năm 1935 ở đảo Shikoku, Oe bắt đầu xuất bản truyện ngắn vào năm 1957 khi đang là sinh viên nghiên cứu văn học Pháp tại trường Đại học Tokyo. Luôn lấy cảm hứng từ văn học Pháp, Anh và Đức, ông đã thể hiện sự ngưỡng mộ các nền văn học này qua những tác phẩm của mình. Tất cả các tác phẩm của Oe đều cho thấy, sau khi con người ta rơi vào tuyệt vọng, hy vọng sẽ lại xuất hiện.
Với hơn 40 năm cầm bút, ông đã có hơn 60 tác phẩm đã được dịch ra tiếng nước ngoài. Ngoài giải Nobel Văn học năm 1994, Oe được tặng nhiều giải thưởng cao quý của Nhật và của nhiều nước trên thế giới. |
Năm 1994, ông được trao giải Nobel Văn học vì đã tạo nên “một thế giới giàu hình ảnh tưởng tượng, nơi đó cuộc sống và những câu chuyện tưởng tượng hòa quyện lại để tạo nên một bức tranh đảo lộn về con người trong tình trạng khó khăn hiện nay”.
Con trai cả của ông, Hikari, sinh năm 1963, nhưng bị dị tật do ảnh hưởng của bom nguyên tử. Nhìn đứa con trai tật nguyền, ông rất đau lòng, tuyệt vọng và năm 1964 đã cho ra đời cuốn Một vấn đề cá nhân (A Personal Matter), trong đó ông kể lại việc đã chấp nhận đứa con trai tàn tật trong cuộc sống của mình như thế nào. Ông cố gắng cho con trai mình một “tiếng nói” thông qua các tác phẩm của mình. Nhiều cuốn sách của Oe cũng mô tả các nhân vật được xây dựng dựa theo cậu con trai Hikari của mình.
Ngoài việc cầm bút, Oe còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội và thường xuyên tham gia các cuộc biểu tình chống hạt nhân. Vụ nổ nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản năm 2011 đã khiến ông vô cùng lo lắng.
“Oe rất lo lắng và sau đó vô cùng thất vọng. Ông còn nghĩ tới việc đốt hết các bản thảo của mình” – dịch giả Xu Jinlong cho biết và kể thêm hằng ngày trước khi đi ngủ bao giờ Oe cũng vào phòng Hikari để “ngó nghiêng” và đắp chăn cho con trai – “Thế rồi Oe bỗng nhiên nhận ra rằng, chúng ta có tương lai vì chúng ta vẫn còn con cái để chăm lo.”
Việt Lâm (tổng hợp)
TT&VH