Ngày 17-3 vừa qua, nhà văn sinh năm 1974 – Lưu Sơn Minh công bố cuốn tiểu thuyết lịch sử “Trần Khánh Dư” sau 8 năm kiên trì theo đuổi. Trước đó, năm 2015, cây bút 7X khác là Uông Triều (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) ra mắt cuốn tiểu thuyết “Sương mù tháng giêng” (tái hiện một giai đoạn đầy sóng gió và vang dội của nhà Trần)…

Nhà văn Lưu Sơn Minh ký tặng sách cho độc giả.

Sự xuất hiện của những cuốn tiểu thuyết lấy nguyên mẫu từ lịch sử của các tác giả trẻ bên cạnh những nhà văn lão làng là tín hiệu vui của dòng văn học khó viết này.

Xúc cảm trẻ giúp lịch sử thêm hấp dẫn

Buổi ra mắt cuốn tiểu thuyết “Trần Khánh Dư” diễn ra khá thú vị không chỉ bởi sự xuất hiện của những độc giả rất trẻ mà còn bởi những câu hỏi do chính các em đặt ra. Nhà văn Lưu Sơn Minh cũng bất ngờ trước thái độ trân trọng lịch sử nước nhà và sự quan tâm ấy của các bạn trẻ. “Điều đó có thể sẽ làm thay đổi chính suy nghĩ của mình từ góc độ của người viết, về việc chúng ta tiếp cận những câu chuyện lịch sử thế nào cho hấp dẫn, bổ ích với độc giả hôm nay, thay vì chỉ nghĩ theo thói quen là tiểu thuyết lịch sử chỉ dành cho người… đứng tuổi” – anh nói.

Không còn là những con số khô khan, những cuốn tiểu thuyết lịch sử mang đến cho nhân vật ánh mắt, giọng nói và đặc biệt là một đời sống tâm hồn với tất cả sự đa chiều như nó vốn có. Có lẽ đây là sự khác biệt lớn nhất của văn học, bổ sung vào những thông tin giáo khoa lịch sử vốn rất khó chạm tới trái tim bạn đọc ngồi trên ghế nhà trường. Minh Anh, học sinh lớp 7, Trường THCS Giảng Võ, Hà Nội có mặt trong buổi ra mắt sách kể trên xúc động nói: “Con đọc cuốn “Trần Quốc Toản” của bác Lưu Sơn Minh từ hồi lớp 2. Con rất thích và mong tác giả sẽ viết nhiều truyện lịch sử hơn cho con đọc”.

Uông Triều, một nhà văn áo lính, tác giả của tiểu thuyết “Sương mù tháng giêng” chia sẻ với Hànộimới: “Tôi cho rằng thân phận các nhân vật lịch sử vẫn chưa được khai thác đúng mức. Chúng ta còn biết rất ít về cái thực sự là con người của các nhân vật lịch sử, nhất là qua chính sử. Tương lai gần, ở đề tài lịch sử, thân phận cá nhân con người sẽ là điều đáng nói nhất, hấp dẫn nhất bên cạnh các sự kiện, chiến tích. Các nhà văn cần ở đây để làm điều các nhà lịch sử không làm được, đó là viết về con người quá khứ với độ lùi xa và tất cả những hình dung sinh động nhất”. 

Còn nhớ, truyện “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” với hình ảnh về người anh hùng nhỏ tuổi Hoài Văn Hầu do nhà văn Nguyễn Huy Tưởng xây dựng đã đi vào tâm hồn nhiều thế hệ bạn đọc với độ rung vang nhiều hơn những dòng chép của sử gia.

Hiệu quả từ những xúc cảm này có thể dẫn đường cho độc giả trẻ đến việc tiếp cận lịch sử với tư duy đặc thù của môn khoa học này. Như Richard Paul và Linda Elder, các nhà tâm lý học giáo dục nổi tiếng của Mỹ nói, tư duy lịch sử giúp ta nhìn ra những kết nối của chúng với tư duy trong các tình huống hằng ngày, chứ không phải việc ghi nhớ hay thuộc lòng các nhận định có sẵn. Như vậy, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và khả năng tự bồi đắp các giá trị tốt đẹp của con người hôm nay ai dám bảo sẽ không được chuyển tải nhẹ nhàng và thấm sâu qua những tác phẩm hay?

Dùng tài năng để chuyển hóa sử liệu

Trong khoảng 20 năm qua, có rất nhiều tiểu thuyết lịch sử ra đời, trong đó nổi bật như các tác phẩm: Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn (Nguyễn Xuân Khánh); Hội thề (Nguyễn Quang Thân); Tám triều Vua Lý, Bão táp triều Trần (Hoàng Quốc Hải)… Tất nhiên, để hấp dẫn và thuyết phục bạn đọc thì các tác giả không thể đơn giản là một dạng kết hợp cơ học, bê nguyên si sử liệu rồi đắp thêm câu chữ kiểu “sữa đặc pha nước sôi” như cố nhà văn Hà Ân từng nói. Văn chương về đề tài lịch sử được viết ra luôn với một mục tiêu sâu xa nhất là thông qua hình tượng văn học để giải mã những câu chuyện của quá khứ, soi bóng vào hiện tại với cảm hứng nhân văn lớn. Vì thế, tôn trọng lịch sử và sử liệu là nguyên tắc nhưng phải cần thêm tài năng để chuyển hóa sử liệu, tìm ra những tầng thông điệp ẩn sau mỗi dòng thông tin khô khan ấy những nỗi niềm, nguồn cơn của nhân vật.

Nhà văn Lưu Sơn Minh cho hay, sở dĩ anh phải nhiều lần dừng viết cuốn “Trần Khánh Dư” là bởi viết đến một đoạn nào đó, tự thấy gượng với nhân vật thì phải dừng lại, suy ngẫm tiếp… Cũng như vậy, việc cẩu thả trong xử lý tư liệu hay thiếu một động lực nhân văn thì… tác phẩm văn học về lịch sử không những không có ích mà còn gây hại cho bạn đọc. Chuyện độc giả phản hồi khá dữ dội khi phát hiện một đoạn văn trong tiểu thuyết lịch sử gần đây của tác giả 9X “chép” y trang sử liệu đã cho thấy rõ điều này.

Có lẽ vì thế chăng mà không có nhiều người chọn viết tiểu thuyết lịch sử. Và đương nhiên, các nhà văn trẻ theo đuổi, quan tâm tới đề tài này còn ít nữa như Uông Triều, Lưu Sơn Minh, Nguyễn Thị Kim Hòa… Một số cây bút trẻ bước đầu gây ấn tượng với truyện ngắn đề tài lịch sử như Đinh Phương (Quảng Ninh) nhưng cũng không nhiều… 

Vậy nên, để thế hệ hôm nay có thêm một kênh trở về quá khứ, cảm nhận nỗi niềm cha ông và tự biết tự soi mình qua lịch sử thì thật sự cần có thêm nhiều tác phẩm văn học hay về đề tài này. Mà muốn có tác phẩm hay, nhà văn trước hết, nhất là các cây bút trẻ không thể thờ ơ với quá khứ.


Theo Thi Thi – Hanoimoi
Exit mobile version