Lê Lựu là một trong những cây bút có đóng góp quan trọng đối với văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Khuynh hướng nhận thức lại hiện thực cùng với sự trở lại của cảm hứng bi kịch trong Thời xa vắng và các tác phẩm tiếp theo của ông đã góp phần đổi mới tư duy tiểu thuyết nước ta. Sự thành công của Thời xa vắng và những cuốn tiểu thuyết được dư luận chú ý như Đại tá không biết đùa, Chuyện làng Cuội, Sóng ở đáy sông, Hai nhà không những khẳng định được phong cách Lê Lựu mà còn ghi dấu ấn đậm nét tên tuổi nhà văn trong quá trình vận động của tiểu thuyết Việt Nam đương đại.

Khuynh hướng nhận thức lại hiện thực

Ngay khi Thời xa vắng ra đời, nhiều nhà nghiên cứu đã quan tâm đến khuynh hướng nhận thức lại hiện thực trong tác phẩm(1). Có thể nói rằng, với văn học thời kì đổi mới, Lê Lựu là một trong những người đầu tiên nhìn nhận hiện thực đời sống xã hội một cách tỉnh táo và khách quan. Để cắt nghĩa, lý giải hiện thực, nhà văn đi sâu phân tích đời sống tinh thần con người, chỉ ra những tồn tại trong ý thức hệ tư tưởng. Các tiểu thuyết của Lê Lựu cho thấy sự phản ứng đối với quan niệm duy ý chí một thời, cái thời mà với lối tư duy bảo thủ và thói vị kỷ, những kẻ nhân danh gia đình, đoàn thể có thể áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác. Lê Lựu nhận thức rất rõ điều đó và ông tỏ thái độ phản ứng khá mạnh mẽ qua việc tái hiện mâu thuẫn giữa các thế hệ. Trong Thời xa vắng, cuộc đời Sài đã chịu sự áp đặt một cách phi lý bởi những quan niệm, niềm tin của người khác. Hồi nhỏ, Sài phải lấy vợ theo sự sắp đặt của cha, lớn lên, Sài không được bỏ vợ vì chú Hà và anh Tính là những cán bộ xã, cán bộ huyện, bản thân Sài cũng là liên đội trưởng, phải gương mẫu “không được bỏ vợ”. Sợ mất danh tiếng, ảnh hưởng đến uy tín gia đình, dù thâm tâm muốn tốt cho Sài nhưng các bậc cha chú đã buộc anh phải theo lối nghĩ của họ. Khi Sài đi bộ đội, theo sự chỉ đạo của tổ chức, anh phải “kiên quyết cắt đứt quan hệ với người mình yêu để “thực sự yêu vợ”. Với đại tá Hoàng Thủy trong Đại tá không biết đùa, để rèn luyện con, ông đã yêu cầu công an huyện cho Tùy đi tập trung cải tạo, tự xin hoãn đi học đại học ở nước ngoài để làm công nhân, bắt con phải từ bỏ tình yêu với cô gái đã từng yêu một người khác vì cho rằng “người ta đã bỏ được người thứ nhất cũng dễ dàng bỏ đến người thứ một trăm”. Ông quen nói những điều to tát, nghiêm trọng mà không ý thức được về cách sống quá nguyên tắc với những giáo điều cứng nhắc của mình. Cũng như người bố của Núi trong Sóng ở đáy sông, đến chết vẫn không thay đổi cách nghĩ về đứa con của mình. Lạnh lùng và vô cảm, không chấp nhận đứa con mắc lỗi, đứa con “loại hai”, ông dồn nó vào tình thế phải tự kiếm sống. Ông đẩy trách nhiệm giáo dục con người cho xã hội, chuẩn bị mọi tình huống để không ai có thể chê trách, pháp luật không thể ràng buộc, nhưng đó là cách ứng xử phi nhân tính. Trong tiểu thuyết Lê Lựu, những nhân vật “quyền huynh thế phụ” ấy đại diện cho ý chí một thời. Thời mà ý thức cá nhân bao giờ cũng được đặt ở đằng sau tinh thần tập thể, cá thể không được phép tồn tại mà chỉ có hoạt động của “tổ tam tam”, đoàn thể, hợp tác xã,… ở đó có những con người chỉ tôn sùng ý chí, dùng ý chí chủ quan áp đặt người khác, không cho phép ai vượt khỏi “cái khuôn đã đúc sẵn”. Chủ nghĩa duy ý chí đã triệt tiêu bao nhiêu khát vọng chính đáng của con người. Điều này thực ra không phải chỉ có trong tiểu thuyết Lê Lựu mà còn được nói tới trong nhiều tác phẩm khác cùng thời. Qua nhân vật Bời (Phiên chợ Giát) Nguyễn Minh Châu cũng đã ý thức sâu sắc hậu quả của quan niệm duy ý chí. Ông chủ tịch “toàn nghĩ những việc to tát vĩ đại”, say sưa với lý luận về “hai con đường” ấy khiến cho cuộc đời những nông dân như lão Khúng thành ra khốn khổ. Cảm nhận về sự mất tự do, lão Khúng thấy mình giống như con Khoang đen, làm việc quần quật cả đời dưới cái ách đè lên vai buộc chặt bằng dây chão và hoàn toàn mất ý thức về tự do. Trong hầu hết các tiểu thuyết của mình, Lê Lựu chỉ ra rất rõ quan niệm, lối tư duy duy ý chí đã trở thành sợi dây trói buộc đời sống tinh thần con người gây ra bi kịch cho mỗi số phận. Nhà văn thấy được sự thất bại của lối tư duy cực đoan đó và dứt khoát phủ nhận. Bằng sự đối thoại với những quan niệm, lối tư duy của một thời, các tiểu thuyết của Lê Lựu đã đóng góp vào sự hình thành khuynh hướng nhận thức và đánh giá hiện thực của tiểu thuyết thời kỳ đổi mới.

Nguyên Ngọc trong bài thuyết trình về văn học Việt Nam nhắc đến trào lưu Đổi Mới với biểu hiện trước hết là “phơi bày cái tiêu cực, mô tả và tố cáo nó”(2), nhiều nhà văn đã tham gia tích cực vào trào lưu này, trong đó có Lê Lựu. Vậy phải chăng con đường mà Lê Lựu và các nhà văn đổi mới đang đi chỉ là dẫm lên lối cũ của các nhà văn hiện thực chủ nghĩa? Thực ra, nếu đặt toàn bộ các tác phẩm văn học có nội dung “phơi bày” đó và tác phẩm của các nhà văn hiện thực 1930-1945 dưới một cái nhìn bao quát sẽ thấy được tiến trình vận động với những nỗ lực đổi mới không chỉ ở bề mặt mà cả ở chiều sâu. Không chỉ là sự mở rộng phạm vi hiện thực được phản ánh, không chỉ là sự tiếp nhận kỹ thuật hiện đại mà còn là tư duy mới mẻ về đời sống. Với cái nhìn trực diện vào những mặt trái trong xã hội và thái độ phê phán sự xấu xa, tha hoá của con người, nhà văn đặt ra những vấn đề của thời đại mà nhờ trải nghiệm cá nhân trở thành những thông điệp có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tiểu thuyết Lê Lựu mở ra một hiện thực sống động nhưng hết sức phức tạp. Qua số phận của nhân vật, nhà văn tái hiện một cách chân thật nhất gương mặt lịch sử và đời sống xã hội. Ông giúp cho chúng ta nhìn sâu vào mọi ngóc ngách của cuộc sống nông thôn trước những thay đổi lớn như cách mạng, chiến tranh, cải cách ruộng đất, hợp tác hóa… Tiểu thuyết Lê Lựu toát lên được không khí thời đại, đó là khí thế bừng bừng của công cuộc cải tạo xã hội, là tinh thần cách mạng nhiệt tình của nhiều tầng lớp, nhiều thế hệ nhưng bên cạnh những thành quả đạt được, những khẩu hiệu, thành tích còn có cả sự ấu trĩ, có cả cay đắng và thất bại, cả những bất hạnh và ngang trái mà trước đó người ta chưa nói hết ra, chưa thể đi đến tận cùng.

Tiểu thuyết gắn bó với đề tài nông thôn từ Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan, Vỡ đê của Vũ Trọng Phụng, cho đến Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng của Dương Hướng,… đã đi những chặng đường dài. Với Lê Lựu, ở cả truyện ngắn và tiểu thuyết, người đọc đều dễ dàng nhận ra miền đất quen thuộc của nhà văn là làng quê, đồng bãi, với dòng sông, con đê làng, luống khoai, vồng cải… Lê Lựu viết về nông thôn bằng sự thông hiểu và những âu lo về sự biến đổi từng ngày ngay trong từng ngôi nhà, từng thửa đất. Sự quan sát tinh tế cộng với vốn sống phong phú về nông thôn và khiếu hài hước đã đem lại cho tiểu thuyết của ông nhiều chi tiết rất “đắt”. Chẳng hạn đoạn viết về buổi họp gia đình, bữa cơm khi nhà có khách hay đám ma ông đồ trong Thời xa vắng được miêu tả sống động và hài hước. Nếp sống của “người nhà quê” theo chân nhân vật vào tiểu thuyết của Lê Lựu thật ấn tượng, như cách biểu lộ tình cảm qua lời chào mời rối rít, chộp tay lắc lắc, hay thói quen sống tuềnh toàng, ăn uống xì xoạp, ăn xong ngồi xỉa răng nhanh nhách, hoặc như việc tiết kiệm kiểu dồn lẫn các thức ăn thừa vào nhau để dành cho bữa sau. Nhà văn thấy ở đó là cái hồn nhiên chất phác của người dân quê khác biệt rõ rệt với lối sống thị thành. Ông viết về nông thôn với tình cảm tha thiết của người đã sinh ra và lớn lên nơi đây có cả niềm khắc khoải về cuộc sống và số phận những người quê đã “nhuốm bụi” phố phường. Và ông không thể không thừa nhận rằng tư duy làng xã, tâm lý tiểu nông đã cản trở đáng kể đời sống của họ, nhất là khi họ cố gắng để hoà nhập với nếp sống thành thị.

Bên cạnh đó, hiện thực đời sống thành thị thời hậu chiến với những vấn đề gai góc cũng được ngòi bút Lê Lựu quan tâm khai thác. Nếu như ở phần hai của Thời xa vắng, quãng đời bi kịch tiếp theo của Sài đã cho thấy phần nào mặt trái của cơ chế quan liêu bao cấp, sự phức tạp xô bồ nơi phố phường thì ở Hai nhà phạm vi và cấp độ phản ánh hiện thực được mở rộng, nâng cao hơn. Tái hiện lại một thời thiếu thốn và khó khăn, Lê Lựu nhìn thấy những bất hợp lý trong cơ chế xã hội. Nhà văn khái quát hóa lối sống thực dụng, ích kỷ đang dần hình thành. Đó còn là sự tấn công mạnh mẽ từ bên ngoài vào “tế bào” gia đình làm tan rã môtip gia đình truyền thống. Bằng cái nhìn sắc sảo, ráo riết, Lê Lựu phân tích, lý giải những biến động của đời sống xã hội, sự tác động đến số phận con người. Không chỉ phê phán sự tha hóa, cái xấu xa, ông cảm nhận thấm thía những lầm lẫn, hạn chế của cả một thời. Nhận thức quá khứ và thực trạng đời sống, tiểu thuyết Lê Lựu còn có khả năng dự báo xu thế phát triển tất yếu và những đổi thay trong xã hội. Có thể nói đây là sự khởi đầu của dòng văn học “tự vấn”, một hướng đi mới của tiểu thuyết nước ta mà trước đó chưa có.

Sự trở lại của cảm hứng bi kịch

Lê Lựu bắt đầu cầm bút với thể loại truyện ngắn, cho đến những năm 80, tập hợp những sáng tác của Lê Lựu từ Người cầm súng, Phía mặt trời, đến Người về đồng cói đã “định hình” một cây bút văn xuôi khá rõ nét khiến người ta có thể nói đến “chất Lê Lựu tương đối ổn định”(3). Cuốn tiểu thuyết đầu tay Mở rừng được viết trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước khắc hoạ đậm nét hình ảnh những con người lý tưởng, những nhân vật anh hùng. Điều đáng ghi nhận là ở cuốn tiểu thuyết này nhà văn đã hướng tới số phận của cá nhân trong chiến tranh bằng một tư duy khá mới mẻ: hầu như nhân vật nào cũng có đau khổ mất mát riêng. Nhưng tất cả những khổ đau mất mát ấy chủ yếu để tô đậm sự khốc liệt của chiến tranh. Xu hướng làm mờ nhạt bi kịch cá nhân là đặc điểm chung của văn học thời kỳ kháng chiến, Mở rừng cũng vậy, nhưng Lê Lựu đã khai thác yếu tố bi kịch trong số phận mỗi cá nhân bằng những phân tích khá kỹ với cách nhìn không đơn giản, phiến diện. Tiểu thuyết Lê Lựu ở chặng đường tiếp theo, với khởi đầu là Thời xa vắng, lấy cảm hứng bi kịch cá nhân làm đối tượng đã đem lại cho người đọc hứng thú suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc sống. Thực ra vấn đề bi kịch cá nhân đã từng là nguồn cảm hứng lớn của văn học nhân loại, nhưng suốt một thời gian dài hầu như nó chỉ thấp thoáng xuất hiện trong văn học của ta. Bởi vậy, không thể phủ nhận vai trò đi đầu của Thời xa vắng đối với sự trở lại của cảm hứng bi kịch nhân văn trong giai đoạn văn học mới.

Nếu như ở tiểu thuyết Ma Văn Kháng bi kịch thường xảy ra từ những mối quan hệ xã hội như giữa các thế hệ trong gia đình (Mùa lá rụng trong vườn), đối với đồng nghiệp trong quan hệ công việc (Mưa mùa hạ, Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ), thì với tiểu thuyết Lê Lựu, phạm vi hiện thực nhỏ hẹp hơn, bi kịch thường ở ngay trong bản thân mỗi cá nhân. Bi kịch của Sài trong Thời xa vắng là tự đánh mất chính mình. Nhân vật Sài “nửa đời người phải yêu cái người khác yêu, nửa đời còn lại đi yêu cái mình không có”. Thời trẻ, Sài sống theo ý muốn của gia đình, đoàn thể “cố phồng mình lên để cái phần sống ở chỗ đông người, chỗ ban ngày được khen ngợi trầm trồ còn ban đêm với riêng mình, nó tự giết đi những xao xuyến thèm khát một hạnh phúc thực sự”, đến khi được tự do lựa chọn hạnh phúc thì lại phải sống “không phải là mình, không còn là mình, cái mình có thì thừa ra, cái không có thì phải ứng xử hàng ngày, cố mãi từng ngày vẫn thấy thiếu hụt…”. Mười bốn tuổi Sài “đã phải sống hai cuộc đời thật và giả”, đến “bốn mươi tuổi đầu không biết mình là thế nào để tự định đoạt lấy cuộc sống của mình”. Bi kịch của Sài là trường hợp khá phổ biến trong cái “thời xa vắng” ấy, thời mà ai cũng sợ, nhưng không biết “sợ ai, sợ cái gì”, và bi kịch của nhân vật không chỉ do nó là nạn nhân của thời đại mà còn bắt nguồn từ chính những mâu thuẫn nội tại trong bản thân nó. Trong Đại tá không biết đùa ta có thể thấy được bi kịch của sự lầm lạc qua hình tượng đại tá Hoàng Thuỷ. Ông đã sai lầm từ quan niệm đến phương pháp giáo dục con cái (muốn con phải sống theo cách của mình, nghĩ giống như mình) nhưng con trai ông dù làm theo ý ông mà vẫn đeo đuổi những ý định riêng. Ông đã tự đánh mất đứa con trai duy nhất, cái chết của con ông là lời kết án chính ông. Ở Hai nhà, bi kịch của nhân vật Tâm tuy có chỗ giống Sài là đánh mất bản thân, song ở một góc độ khác, là bi kịch bị phản bội. Tâm càng chăm sóc, nín nhịn vợ thì cô ta càng lăng loàn, càng tin tưởng, thân thiết với người hàng xóm thì càng tạo cơ hội cho ông ta ngoại tình với vợ anh, kết cục hai đứa con mà anh dốc lòng chăm bẵm đều không phải con đẻ của anh, cay đắng hơn, đứa con của một người bạn thân chết oan trong trò gian dâm của vợ anh. Câu chuyện ở làng Cuội bắt đầu từ cái chết thảm thương của bà cụ Đất, người phụ nữ cả cuộc đời là chuỗi bi kịch, bi kịch bởi quá giầu yêu thương. Hiền lành như đất, câm lặng hy sinh, chịu đủ mọi điều tiếng nhục nhã cho đến tận sau khi chết. Có thể thấy trong hầu hết các tiểu thuyết của mình, Lê Lựu đều quan tâm tới những số phận bi kịch không chỉ do nguyên nhân khách quan mà bắt nguồn từ chính tính cách nhân vật. Với sự đồng cảm sâu sắc, Lê Lựu đã nhìn thẳng vào những đau khổ, bất hạnh của con người, những bi kịch đời thường đầy rẫy trong cuộc sống này. Không nhằm mục đích chỉ ra giải pháp để giải quyết bi kịch nhưng ông đã giúp người đọc ý thức hơn ý nghĩa cuộc sống và sống có trách nhiệm với chính mình.

Đi tìm căn nguyên của những bi kịch, Lê Lựu đã phân tích khá sắc sảo tính cách các nhân vật. Rất nhiều nhân vật trong tiểu thuyết Lê Lựu là những người đàn ông hèn đuối, nhu nhược. Dù thông minh giỏi giang như Sài (Thời xa vắng), dù nhiệt tình, hăng hái như Tâm, hiểu đời, sâu sắc như Địa (Hai nhà), hay khôn ngoan, lọc lõi như Hiếu (Chuyện làng Cuội) họ đều thiếu sự “đàng hoàng, dứt khoát, một sự quyết đoán đầy bản lĩnh” của người đàn ông. Họ dễ dàng bị lừa dối, bị phản bội trong tình cảm. Những con người đó có thể có vị trí, được tôn trọng trong xã hội nhưng trong vai trò người chủ gia đình thì họ chịu sự sai khiến, coi thường của vợ, bị vợ ngang nhiên “cắm sừng”. Có thể thấy thế giới nhân vật của tiểu thuyết Lê Lựu khá ấn tượng với hai đối cực: một bên là những người vợ trẻ đẹp quyền uy, khát khao yêu đương mãnh liệt một bên là những anh chồng cục mịch, cúc cung tận tuỵ. Trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng, những nhân vật trí thức như Tự (Đám cưới không có giấy giá thú), Khiêm (Ngược dòng nước lũ), Luận (Mùa lá rụng trong vườn) luôn tinh tế, sâu sắc trong cảm nhận đời sống, quan sát và phân tích cuộc sống kỹ lưỡng. Nhân vật của Lê Lựu thì trái lại, thường là những người đàn ông thô kệch và giản đơn trong lối sống hàng ngày, cả tin, thậm chí mù quáng trong tình cảm. Lê Lựu cũng có những trang viết về đòi hỏi được yêu chiều, khát khao được thoả mãn cả về thể xác và tinh thần của người đàn bà thành phố như Châu (Thời xa vắng), như Linh Anh (Hai nhà), những nhân vật gợi đến hình ảnh bà Bôvary trong văn học Pháp. Thực ra ở một hướng nhìn khác, có thể thấy cuộc sống của những người phụ nữ đó cũng là những tấn bi kịch khi phải ghép tạm bợ đời mình vào một mảnh đời hoàn toàn khác, ngày càng cách biệt, phải che giấu khát khao thực sự của mình bên trong lớp vỏ nanh nọc, quá quắt. Đại loại, bi kịch trong tiểu thuyết Lê Lựu thường không nảy sinh từ mâu thuẫn gay gắt giữa thiện ác, xấu tốt mà từ chính bản thân nhân vật. Lôgic nhân quả ở đây là tính cách quyết định số phận. Và đúng như tính chất của bi kịch, đó là những mâu thuẫn không thể giải quyết. Cùng với hàng loạt các tác phẩm có cảm hứng bi kịch cùng thời (Mùa lá rụng trong vườn, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Đám cưới không có giấy giá thú, Những thiên đường mù,…) những bi kịch trong tiểu thuyết Lê Lựu đặt ra nhiều vấn đề có ý nghĩa sâu sắc về số phận con người, giúp con người nhận thức về cuộc sống của mình rõ hơn.

Những hiệu ứng nghệ thuật

Xoáy sâu vào bi kịch tự thân của con người, nhà văn tập trung khai thác những mâu thuẫn, những xung đột gây hiệu ứng tâm lý mạnh mẽ ở người đọc. Có thể coi đây là một thành công của nghệ thuật tiểu thuyết Lê Lựu. Lê Lựu không có nhiều cách tân trong lối viết, nỗ lực của ông chủ yếu thể hiện ở việc khai thác cốt truyện. Tiểu thuyết Lê Lựu hấp dẫn người đọc ở sự dồn đẩy tình huống truyện, khi kéo căng khi lại nhẩn nha kích thích xúc cảm yêu ghét của độc giả. Thời xa vắng là những xung đột liên tiếp giữa khát vọng của cá nhân với ý chí của số đông thông qua những mâu thuẫn dai dẳng trải dài suốt một đời người. Nhiều tình huống bất ngờ và kịch tính, chẳng hạn khi chuyện gian díu của Sài và Hương bị phát hiện, ông chú của Sài chỉ bằng một “thao tác nhà nghề” đã lật ngược tình thế, “vô hiệu hóa” mọi đồn thổi. Nút thắt của câu chuyện được đẩy đến cao độ khi Sài cố ”yêu vợ” để được kết nạp Đảng nhưng kết cục không được kết nạp Đảng vì lý lịch gia đình vợ có vấn đề, Hương cũng căm giận Sài mà đi lấy chồng nhưng “anh không thể phát điên, không thể nổi khùng, không thể nằm ỳ, không thể nói năng vô trách nhiệm và thiếu tính tổ chức”… Hai quãng đời của Sài được đặt bên cạnh nhau, chênh vênh và mỏng manh, những đổ vỡ rình rập, bi kịch nối tiếp bi kịch, khiến người đọc phấp phỏng lo âu cho số phận nhân vật. Tài năng của nhà văn là đã tạo dựng được tình thế, trạng huống đặc biệt để cho nhân vật được sống, được hạnh phúc, được đau khổ, được trải nghiệm trong đó. Tiểu thuyết Sóng ở đáy sông tập trung khai thác sự tương phản giữa ý chí lạnh lùng, thái độ bất biến của người cha trước những biến động của thời đại và thế giới tâm hồn của những đứa con. Vợ chết, ông tuyên bố cắt khẩu phần lương thực mà khi còn sống người vợ đã đong thêm cho các con, đứa nào học đúp thì tự nuôi lấy thân. Khi “ngã ngửa” ra là Núi đã bỏ học để kiếm sống nơi bến tàu, có liên quan đến những kẻ gian, ông lập tức từ mặt để hắn không thể làm ô danh ông. Từ đó, ông vô cảm trước bất kỳ một sự kiện nào của cuộc đời hắn, thậm chí còn viết đơn xin toà án nâng mức án của hắn thành tù chung thân. Tính cách người bố đã tác động sâu sắc đến tình cảm và thái độ người đọc, giúp họ tìm thấy căn nguyên tội lỗi bằng sự phán xét tỉnh táo. Hiệu ứng tâm lý trong Hai nhà là cách mở dần từng ô cửa để thấy được thực chất “ngôi nhà” bên trong, mỗi cánh cửa hé mở là mỗi lần thôi thúc sự dò tìm của người đọc: lần thứ nhất mượn lời người chú rể của Linh Anh để tiết lộ quá khứ của cô gái thành thị lọc lõi, hư hỏng; lần thứ hai nhấm nháp từng trang nhật ký của cô ta để vén thêm bức màn bí mật về những hoan lạc của thời con gái buông thả, những cảm giác bức bối khi phải sống với người chồng không như mong ước, những thèm khát dẫn tới cuộc tình vụng trộm và trận đánh ghen bẽ bàng; lần thứ ba bức thư tuyệt mệnh của ông Địa đã xé toang tất cả, làm rõ vì sao lại có cái chết oan uổng của thằng cháu ngoan ngoãn, học giỏi và được tất cả mọi người yêu mến. Khi đọc tác phẩm của Lê Lựu ta luôn “nơm nớp” lo âu cho nhân vật, liệu những thứ mà Sài cố gắng hết sức để đánh đổi có đạt được không, cậu con trai ông “đại tá không biết đùa” có sống sót không, cái gì đang chờ đợi ở phía trước một con người mà cả cuộc đời vào tù ra tội như Núi,… Một cách để gây hiệu ứng tâm lý nữa là Lê Lựu đảo ngược thời gian cốt truyện, đưa ngay kết thúc lên đầu tác phẩm, thường là những tin tức quan trọng, sự kiện “giật gân”, gây chú ý. Mở đầu Chuyện làng Cuội là “cái chết của bà Hiêu Đất lại tạo cho làng Cuội ta một khí thế tưng bừng, sôi nổi, rất là tự hào”, Hai nhà đưa sự kiện của mười năm sau “Thằng Hồng con trai nhà thơ, bạn anh chết rồi. Nó hứng lấy cái chết để vợ anh khỏi bị lưỡi dao phay chém vào mặt…”, Đại tá không biết đùa bắt đầu bằng việc con trai đại tá bị mất tích trong tình huống oái oăm, phức tạp… Cũng có thể coi đây là “xảo thuật” câu khách trong những tiểu thuyết thời thị trường, nhưng vượt lên trên đó, bằng tài năng triển khai cốt truyện, Lê Lựu đã đem đến cho độc giả những thông điệp về cuộc sống một cách hữu hiệu. Hiệu ứng tâm lý còn được tạo bởi không gian bức bối trong các tiểu thuyết Lê Lựu. Vẫn là những làng quê, phố phường, có cả thời bình, có cả thời chiến, nhưng bị chi phối bởi những mâu thuẫn căng thẳng, bởi công lực của quan niệm duy ý chí,… không gian trở nên tù đọng, bức bối đến nghẹt thở. Trong Thời xa vắng, chỉ lúc Sài ở chiến trường, đối mặt với cái chết và muôn vàn gian khổ, anh mới có được một không gian tự do của riêng mình, còn khi ở nhà, Sài luôn phải im lặng, sợ hãi một cái gì đó vô hình, luôn phải trốn chạy, sau này khi lấy người vợ thứ hai, anh lại luôn như bơi trong cánh đồng nước lụt không biết đâu là bờ. Không gian Chuyện làng Cuội bị ám ảnh bởi cái chết đầy bí ẩn của bà Đất, từ đó mở ra những trang đời nhiều gam màu trầm tối bởi những lừa gạt, oan ức, nhục nhã, khổ đau chất chồng. Không gian chiến tranh của Đại tá không biết đùa với vô vàn hiểm nguy, bất trắc càng thêm ngột ngạt bởi những cuộc kiếm tìm vô vọng người con bỏ trốn và bởi nỗi dày vò, ân hận bị kìm nén, che giấu. Có thể nói Lê Lựu đã thừa hưởng được tài năng nghệ thuật của các cây bút hiện thực lớn như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng trong việc tạo dựng không gian tù đọng, bức bối để làm nổi bật trạng thái của con người. Cái khác của Lê Lựu là sự mở rộng chiều kích không – thời gian và soi chiếu nó từ nhiều góc độ. Nhờ đó tiểu thuyết Lê Lựu tạo ra hiệu ứng tâm lý không nhỏ, thu hút sự chú ý của công chúng.

Lê Lựu là nhà văn thường trực tiếp bộc lộ suy tư chiêm nghiệm thông qua người kể chuyện. Trước mỗi tình huống, sự kiện, chi tiết, người kể chuyện đưa ra lời bình luận, khái quát có ý nghĩa chỉ dẫn cho độc giả. Những nhận xét tinh tế và hóm hỉnh làm cho mạch văn uyển chuyển và cuốn hút. Đôi khi nhà văn “nhờ” những nhân vật có uy tín như chính uỷ Đỗ Mạnh (Thời xa vắng), Trung tướng tư lệnh (Đại tá không biết đùa) phát biểu suy ngẫm, tổng kết một cách khá nhuần nhị. Sự giàu có về vốn sống giúp cho Lê Lựu có những kiến giải sâu sắc trong tác phẩm của mình về lẽ sống, cách ứng xử ở đời, về nhân tình thế thái… Khuynh hướng triết luận đem lại thành công cho nhiều cây bút văn xuôi Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, và có thể nói nó cũng đã gia tăng tính tư tưởng cho tiểu thuyết Lê Lựu. Tuy còn có chỗ cách thể hiện hơi sượng và cứng, nhưng những suy tư, trăn trở nghiêm túc của nhà văn đã nhận được sự chia sẻ của nhiều thế hệ người đọc.

M. Bakhtin đã từng soi chiếu tác phẩm của Rabelais dưới ánh sáng của văn hoá trào tiếu dân gian được thể hiện ở ngôn ngữ suồng sã – quảng trường, ở sự tràn trề những nhân tố xác thịt của đời sống(4). Ở tiểu thuyết Lê Lựu, tố chất dân gian đưa các tác phẩm của ông trở về đúng nghĩa là tiểu thuyết, phá vỡ khoảng cách sử thi mà suốt một thời gian dài trước đó tồn tại trong văn học của ta. Tiểu thuyết Lê Lựu đầy ắp ngôn ngữ đời sống, có cả cãi vã, chì chiết, có cả ngoa ngoắt, đáo để, có cả tình tứ, bồng bột, có cả thâm trầm, sâu sắc…. Nhà văn khá táo bạo khi đề cập đến dục tính, tất nhiên không phải lúc nào sự táo bạo đó cũng làm cho tác phẩm hay hơn (chẳng hạn ở Chuyện làng Cuội Hai nhà nhiều lúc bị ảnh hưởng của chủ nghĩa tự nhiên và hơi cường điệu hoá). Song cũng phải nhìn thấy cái “duyên” của Lê Lựu khi đưa được nét cười của dân gian hóm hỉnh vào tác phẩm: từ cách đặt tên nhân vật (Sài, Lưu Minh Hiếu – Lưu Manh Hiêu, Tâm và Địa,…) cho đến cảm quan phồn thực về cuộc sống. Nếu như có thể nêu dẫn chứng cho nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng bằng cảnh đám ma cụ cố Hồng (Số đỏ) thì cũng có thể lấy cảnh đám ma ông đồ Khang (Thời xa vắng) hoặc bà cụ Đất (Chuyện làng Cuội) để thấy được cái hài hước “sắc lẻm” của Lê Lựu. Tiếp thu ảnh hưởng của văn hóa trào tiếu dân gian vẫn là một lối đi khá rộng mở của tiểu thuyết hiện đại, có thể nói tới sự thành công của Mảnh đất lắm người nhiều ma,Dòng sông Mía …

Không cố cách tân trong lối viết nhưng không phải Lê Lựu không có ý thức tìm tòi, thay đổi ở từng tác phẩm. Điều đó giúp cho tiểu thuyết của ông tránh được sự đơn điệu. Thời xa vắng là “lịch sử một số phận” với những đoạn đường đời cụ thể dưới cái nhìn chiêm nghiệm, từng trải. Sóng ở đáy sông lại có vẻ như hồ sơ của một phạm nhân được lần giở từng sự kiện qua sự phân tích chặt chẽ những nguyên nhân sâu xa và trực tiếp dẫn tới hành vi phạm tội. Ở Chuyện làng Cuội, sự đan xen quá khứ và hiện tại làm cho mạch truyện thêm linh hoạt, người đọc tuy khó nắm bắt truyện hơn nhưng cũng chủ động hơn trong tiếp nhận tác phẩm. Nếu như ở Hai nhà, Lê Lựu thay đổi điểm nhìn trần thuật bằng việc đưa những trang nhật ký vào tác phẩm để người đọc có thể hiểu rõ hơn tâm trạng, cảm xúc, động cơ… của nhân vật thì trong Đại tá không biết đùa, nhà văn chuyển hẳn đối thoại vào đoạn trần thuật, kể chuyện bằng nhiều điểm nhìn. Không thoát ly khỏi tiểu thuyết truyền thống nhưng Lê Lựu đã cố gắng làm mới cách viết của chính mình và điều đó cũng ít nhiều đem lại thành công.

Bằng những thay đổi trong quan niệm về hiện thực và con người cũng như những nỗ lực trong sáng tạo nghệ thuật, tiểu thuyết Lê Lựu đã góp phần đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại, trở thành một “gương mặt” riêng trong bức tranh đa dạng của văn xuôi. Bảo Ninh, một nhà văn thuộc thế hệ cầm bút kế tiếp đã khẳng định:“Cánh cửa mà nhà văn Lê Lựu đã mở ra cho tiểu thuyết thời Đổi Mới tuy rằng đã cũ nhưng mà vẫn vô cùng mới đối với các nhà văn lứa kế sau ông. Những quan niệm về tiểu thuyết có thể đúc rút được từ Thời xa vắng cũng không lạ thường gì song với những người viết văn trẻ tuổi hồi đó thì vẫn có tác dụng gần như sự bừng tỉnh”(5). Nhìn lại chặng đường văn học hai mươi năm qua, chúng ta có thể khẳng định những đóng góp đáng kể đó của Lê Lựu đối với tiểu thuyết Việt Nam.

Đ.H .N

Nguồn: Viện Văn học

_____________

(1) Xem các bài của Thiếu Mai: Nghĩ về một thời xa vắng chưa xa; Nguyễn Văn Lưu: Nhu cầu nhận thức lại thực tại qua Thời xa vắng; Nguyễn Hoà: Suy tư từ một Thời xa vắng in trong Lê Lựu tạp văn. Nxb. Văn hoá thông tin, H, 2002.

(2) Nguyên Ngọc: Bài thuyết trình tại Trường Đại học Diderot – Pari VII Văn học Việt Nam đang ở đâu http://perso.wanadoo.fr/diendan.

(3) Bích Thu: Sáng tác của Lê Lựu. Tạp chí Văn học, số 3-1980.

(4) M. Bakhtin: Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư dịch). Nxb. Hội Nhà văn, H, 2003.

(5) Bảo Ninh: Hiệu ứng Thời xa vắng. Báo Văn nghệ trẻ, số 47 – 2005.

Exit mobile version