Nhà văn Inrasara viết về tiểu thuyết Hoang tâm: “Lịch sử Việt Nam giai đoạn qua đầy thiếu khuyết. Cải cách ruộng đất, đã có vài tác phẩm động cập đến, nhưng chưa nhiều. Chiến tranh biên giới Tây Nam càng hiếm hơn nữa. Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú nằm trong dạng hiếm ấy. Nhưng Hoang tâm không phải là tiểu thuyết sử thi, nơi người đọc hi vọng tìm thấy ở đó những trận đánh lớn, những chiến lược thể hiện vai trò và tài năng của các tướng lĩnh, hay tinh thần chiến đấu của binh sĩ các bên tham chiến. Nguyễn Đình Tú muốn nhấn vào khía cạnh khác, nhỏ lẻ và phân mảnh. Cho nên, nó người hơn.” VanVN.Net trân trọng giới thiệu 6 chương đầu trích trong cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Nguyễn Đình Tú.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú (ảnh: Internet)

Một

Chuyến tàu dừng lại ở ga Nguyên Thủy vào lúc 2 giờ đêm.

Xuống ga với Anh còn có một vài người nữa nhưng Anh không quan tâm. Khoác chiếc ba lô to tổ bố lên vai, Anh phăm phăm bước xuống khỏi toa tàu rồi lầm lũi tiến ra phía cửa ga.

Vì không phải ga chính nên mọi hoạt động đưa đón diễn ra nhanh chóng. Qua cái liếc mắt của Anh, mấy chiếc taxi vẫn nằm im nơi cửa ra chật hẹp, vài ba gã xe ôm không tìm được khách lại trở về chỗ ngồi của mình, gà gật, mấy người bán hàng rong mắt nhắm mắt mở lượn lờ quanh bậc tam cấp rồi cũng biến đâu mất tăm. Chút lao xao gợn lên nơi ga xép như hòn đá thia lia lướt đi trên mặt hồ. Trước mặt Anh lúc này là sự im ắng đến rã rời của đêm hôm khuya khoắt.

Anh bỗng nhìn thấy một bình ủ nước trà đặt ngay xéo cửa ga. Cái lưỡi khô khát của Anh như khua khoắng trong vòm miệng. Tự nhiên có cảm giác thèm nước trà! Anh bước lại chỗ mấy chiếc ghế nhựa và nhìn thấy bà cụ bán nước đang ngồi dựa lưng vào chiếc cổng sắt. Lúc đầu Anh thoáng ngại khi nghĩ bà hàng nước đang ngủ, không muốn có khách quấy rầy. Nhưng rất may là có một người khách đã ngồi đó rồi. Thậm chí giữa người khách và bà hàng nước còn đang mặn chuyện gì đó. Người khách quay lưng lại phía Anh. Một tấm lưng con gái. Anh mạnh dạn bước đến, kéo một chiếc ghế nhựa và ngồi xuống. Cả bà hàng nước và người khách đều quay sang nhìn Anh.

– Cho xin chén trà nóng.

Anh gọi xong, xoạc cẳng chân ra, móc bao thuốc trong túi quần. Chiếc ba lô vẫn đè nghiến trên vai nhưng Anh chả buồn gỡ nó ra. Lấy được điếu thuốc, gắn lên môi, chưa kịp bật lửa châm hút thì chén nước trà đã dâng lên đến tận mặt. Anh vội đón chén nước và chưa kịp buông ra lời cảm ơn thì mắt Anh chạm phải khuôn mặt biến dạng vì… son phấn ngồi xế bên bà cụ chủ quán nước.

Đưa nước cho anh không phải bà cụ đang ngáp vặt kia mà là người khách đang sở hữu khuôn mặt đầy son phấn này. Không cần phải từng trải cho lắm cũng có thể đoán ra cô ta thuộc hạng người gì. Chỉ loại gái quá đát (date) mới phải ra ga ngồi giờ này. Nhưng đó là việc của họ. Anh không quan tâm và không thừa cảm xúc để vấn vương với thân phận của họ.

– Anh không có người đón à? – Cô ta hỏi Anh.

– Không – Anh đáp.

– Anh về đâu?

– Tôi muốn vào Cửa Núi.

– Khách du lịch à? Từ đây vào đó khoảng bốn mươi cây số. Anh vào nhà nghỉ chợp mắt tí, sáng mai bắt xe đi. Khoảng chín giờ sẽ có xe mười hai chỗ lượn qua các nhà nghỉ đón khách đi Cửa Núi – Cô bỗng đưa tay lên che miệng, ngáp, rồi nói tiếp – Nhưng mùa này ít khách, Tây nó không vào, có khi chưa chắc đã có xe…

– Thế thì đi vào đó bằng gì?

– Taxi. Anh yên tâm. Mai em sẽ gọi xe cho anh.

– Cảm ơn!

Cô gái nhìn anh như đã thân thiết, khẽ nhoẻn cười rồi đứng dậy:

– Nào, đi!

– Đi đâu?

– Em đưa anh về nhà nghỉ. Chỗ người quen. Rẻ thôi. Hai trăm một phòng.

Bà cụ bán nước nói thêm vào:

– Anh theo cô ấy về đó mà nghỉ cho khỏe rồi sáng mai đi Cửa Núi. Khách Tây vào đây cũng nghỉ ở đấy, rộng rãi, thoải mái lắm.

Anh móc túi lấy ra đồng tiền lẻ đưa cho bà bán hàng nước rồi đứng dậy bước theo cô gái. Bây giờ anh mới để ý cô gái mặc bộ quần áo kiểu bà ba, cắt khéo, ôm lấy thân hình còn khá gọn. Bên ngoài khoác thêm một chiếc áo giống như áo chống nắng. Dáng đi cũng khá nhanh nhẹn, uyển chuyển chứ không mệt mỏi như khuôn mặt lúc nãy. Cô dẫn anh ra cổng ga rồi rẽ về bên phải. Ánh đèn nhà ga vón lại sau lưng Anh. Phía trước mỗi lúc một tối thui. Anh đi theo như một mạt sắt bị hút bởi nam châm. Đi được nửa dãy phố trổ ra từ cổng ga thì trong Anh thoáng dâng lên một chút e ngại. Cô gái này là ai, xấu hay tốt, có ý đồ gì với Anh không, tại sao Anh lại theo cô ta đến một nơi mà anh chẳng hề biết nó sẽ như thế nào? Nếu Anh dừng lại, không theo cô ta nữa thì Anh sẽ làm gì lúc này? Quay lại nhà ga hỏi bà hàng nước chỉ cho một nhà nghỉ nào đó ư? Nếu bà già bán nước cũng giống cô gái này, tức là không đáng tin cậy, thì còn biết hỏi ai? Nhà ga bây giờ không một bóng người. Chả lẽ gọi cửa hỏi mấy người lái taxi? Hay Anh ngồi bệt xuống đất, dựa người vào bức tường của nhà ga, thao thức cho đến sáng?

Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng bước chân Anh vẫn cứ bước theo cô gái.

Đi thêm một đoạn phố nữa thì cô gái rẽ vào một nhà nghỉ có cửa kính. Ánh điện vẫn còn phát ra từ bóng điện nhỏ phía sau quầy lễ tân. Cậu bảo vệ kiêm nhân viên trực phòng của nhà nghỉ vừa ngáp vừa đưa cho Anh chìa khóa sau khi đã mắt nhắm mắt mở ngó qua chứng minh thư. Anh cảm ơn rồi theo hướng tay chỉ của cậu lễ tân, bước về phía cầu thang. Leo hết hai cầu thang gỗ thì gặp một hành lang mờ tối. Chưa biết sẽ phải rẽ theo ngả nào để tìm đến phòng số 203 thì cô gái đi theo Anh nãy giờ kéo Anh sang bên phải: “Đây, phía này”. Anh rất muốn nói một câu, đại loại là việc thuê phòng đến đây là xong rồi, cô còn đi theo tôi làm gì, nhưng quả thật hơi khó mở lời trước sự nhiệt tình thái quá này. Cô gái son phấn dẫn Anh đến trước cửa phòng 203 thì dừng lại, chờ anh mở cửa. Khi cánh cửa mở ra, trong lúc anh còn đang làm quen dần với bóng tối trong căn phòng thì cô gái đã bước vào, đưa tay bật công tắc điện. Có khi cô ta thuộc các căn phòng ở nhà nghỉ này còn hơn cả nhân viên ở đây. Anh thoáng nghĩ thế và bước về phía chiếc bàn con, gỡ ba lô trên người xuống.

Sau Anh, cô gái đóng cửa phòng lại rồi tự nhiên bước vào. Cô tiến đến từng vị trí công tắc trên tường, bật hết điện lên, sau đó mở tủ quần áo lấy chăn gối ra đặt lên chiếc giường phía ngoài cho Anh. Phòng có hai giường, một bộ bàn ghế nhỏ, một tủ đứng, ngoài ra đồ đạc chả có gì. Sắp chăn chiếu cho Anh xong, cô gái quay sang bảo: “Anh nằm nghỉ luôn đi, cho đỡ mệt, mai còn đi”.

– Còn cô thì sao?

– Em nằm giường này.

Cô gái tiếp tục ném cái chăn thứ hai lên chiếc giường đặt ở phía trong và tỏ ý sẽ ngủ ở đấy đêm nay.

– Sao cô không về nhà? – Anh cố dùng thái độ nhẹ nhàng nhưng thực sự bắt đầu thấy khó chịu về cái sự tự nhiên như ruồi của cô nàng son phấn.

– Cũng muộn rồi, bọn bạn em ở nhà trọ chắc đã ngủ hết, thôi, em qua đêm ở đây với anh cũng được, anh thích thì em ngủ chung, anh mệt, muốn ngủ để mai đi cho khỏe thì em ngủ riêng.

Anh thoáng cảm giác bất an trước cô gái lạ này. Chẳng lẽ lại cứ bị cuốn đi theo ý muốn của cô ta một cách dở hơi như thế này sao? Không được, anh cần phải tỏ thái độ một cách dứt khoát với cô nàng, kẻo sau này lại không đỡ nổi những phiền muộn mà cô ta gây ra. Anh nhìn thẳng vào cô nàng son phấn và hỏi:

– Nếu tôi không thích có người lạ ngủ chung phòng thì sao?

Son Phấn, không hiểu sao, từ lúc này, Anh thích gọi cô ta bằng cái tên đó, ngước mắt nhìn anh với vẻ ngạc nhiên:

– Anh không làm gì thì thôi, em có đòi anh phải trả tiền đâu. Em chỉ ngủ nhờ thôi mà?

– Nếu không gặp tôi thì cô ngủ ở đâu?

– Chắc em gà gật ngoài ga cho đến hết đêm…

– Cô làm gì ngoài đó?

– Thì em… em tìm khách.

– Đêm nào cũng ở ngoài đó đến tầm này à?

– Vâng. Nhưng hôm nay chả có khách gì cả.

– Nhà cô gần đây không?

– Ở mãi sâu trong núi cơ.

– Gần khu du lịch à?

– Xa hơn nhiều.

– Sao không bắt khách ở khu du lịch cho gần mà phải ra tận đây?

– Dân trong núi đổ ra đó nhiều lắm. Em ngại gặp người quen.

– Làm nghề này lâu chưa?

– Nghề gì ạ?

“Bố khỉ! Nghề bán trôn nuôi miệng chứ còn nghề gì?”, Anh thầm nghĩ nhưng không tiện nói thẳng ra như vậy. Các cô gái làm nghề này đôi khi vẫn thế,  thân xác ô uế lắm rồi nhưng vẫn tỏ ra ngờ nghệch trước khách hàng của mình.

– Thì… cái nghề bắt khách ấy! – Anh cố diễn đạt sao cho cô gái không bị tổn thương.

– Khi nào thích thì em đi.

– Thích? Chẳng lẽ lại thích làm nghề này?

– Vâng.

– Tôi tưởng cứ có tiền thì làm, dù thích hay không thích?

– Không, em không cần tiền. Em chọn người nào mà em thích.

“Hâm mẹ nó rồi!”, Anh lại thầm chửi bậy trong đầu. Cả ngày chả tìm được nổi một khách lại còn đòi “chọn người nào em thích”. Vậy người thế nào thì cô thích? Nghe Anh hỏi câu đó, cô gái khẽ che miệng cười: “Người nào có nhu cầu và em cũng có nhu cầu”. Gớm thật, gái điếm mà nói chuyện cứ như chuyên gia tư vấn về tình dục học vậy. Nếu theo ý cô ta nói thì Anh là người mà cô thích chăng? Cô ta có quyền lựa chọn ư? Ôi trời, cảm ơn sự lựa chọn quý hóa của cô nàng nhé, Anh không có nhu cầu.

– Vậy anh cứ ngủ đi. Em nằm nhờ đến sáng mai thôi.

Cô nói vậy khi thấy Anh tỏ ra không sẵn sàng với việc có thể ngủ với cô. Cứ với cách nói chuyện như thế này thì Anh chưa biết sẽ phải dùng lời lẽ như thế nào mới đuổi được Son Phấn ra khỏi phòng. Anh đành dừng cuộc tra hỏi lại và móc thuốc ra hút. Thấy Anh dừng lời, Son Phấn liền đứng lên, cởi áo khoác ngoài rồi vừa ngáp vừa nói: “Buồn ngủ rũ mắt ra, nhưng mà đói quá, chả biết có ngủ được không?”.

– Cô đói?

– Vâng, cả ngày hôm nay, nói chính xác ra là từ chiều hôm qua đến giờ em chưa ăn gì. Toàn uống nước trà, sót hết cả ruột.

Anh chợt nhận ra là mình cũng đói. Chuyến tàu đi hết mười tiếng đồng hồ để đưa Anh rời khỏi nhà đến đất Nguyên Thủy. Anh có ăn một bữa trên tàu. Bữa thứ hai Anh chưa thấy đói nên không gọi cơm mà mua sẵn hai ổ bánh mì. Hình như hai ổ bánh kẹp thịt đó vẫn còn nằm trong túi cóc ba lô. Anh vội lục túi lấy ra hai ổ bánh, đưa cho Son Phấn một, giữ lại một. Son Phấn không chút e ngại, cầm ổ bánh trên tay là đưa vào mồm nhai ngấu nghiến. Anh móc ở túi cóc còn lại chai nước suối uống dở, đặt lên bàn rồi đứng dậy, bước vào toa lét. Khi Anh quay ra thì Son Phấn đã ăn xong ổ bánh, uống hết nửa chai nước, lên giường nằm, kéo chăn đắp ngang bụng rồi. Bây giờ đến lượt anh thấy đói. Anh cầm phần bánh mì của mình và chai nước, mở cửa ngách, bước ra ban công đứng ăn.

Đêm tối đen. Giờ này tất cả đều đang ngủ say. Những ngọn đèn còn sót lại đây đó cũng trở nên mệt mỏi với ánh sáng mờ nhòa. Nguyên Thủy là đây ư? Mọi thứ vẫn nằm trong bóng tối, chưa hiển lộ điều gì trong ánh mắt anh. Trước khi đến đây anh cũng chỉ nghe qua loa về địa danh này. Nguyên Thủy là một huyện nghèo thuộc một tỉnh miền núi phía bắc đất nước. Chục năm trở lại đây nó được khách du lịch biết đến vì người ta phát hiện ra Cửa Núi. Còn trong tâm thức của nhiều người, Nguyên Thủy không có gì đáng nói ngoài bảy mươi phần trăm dân số là người dân tộc Mụ và sơn tra nhiều hơn lúa.

Anh cũng chỉ biết đến Nguyên Thủy khi Hương đưa thầy phù thủy đến khám bệnh cho Anh và thầy đã phán: “Phải đến đất nguyên thủy, vào cửa núi mà tìm lại mình”.

Lúc đầu Anh còn không nghĩ hai từ “nguyên thủy” trong câu nói của thầy phù thủy là địa danh, ngỡ là một tính từ hư ảo nào đấy mà các thầy bói thường nói cho sướng miệng. Hai từ “cửa núi” cũng không làm anh nghĩ đến địa điểm du lịch mới mở này, chỉ mường tượng đến một hình ảnh nào đó như là dưới địa ngục trong hệ thống tư duy rối rắm của các ông thầy phù thủy. Nhưng rồi Hương, một cô giáo dạy địa lý, đã kịp phát hiện ra “nguyên thủy” là tên một huyện miền núi, và nhất quyết giục Anh nên đến đó một lần xem có “tìm lại được mình” không? Hương bảo: “Có bệnh phải vái tứ phương, thầy đã nói thế, anh cứ làm theo, chả mất gì, coi như đi du lịch một chuyến”. Hỏi rộng ra vài người nữa thì Anh mới bắt đầu giật mình về cái sự tưởng như ngẫu nhiên đến kỳ bí từ lời phán của thầy phù thủy. Ông ta đã nói về một vùng đất có tên là Nguyên Thủy và một địa điểm cần phải đến là Cửa Núi. Đúng là có khu du lịch Cửa Núi nằm trên đất Nguyên Thủy thật. Vậy thì đừng có đùa với lời phán bí ẩn của thầy phù thủy. Anh liền bỏ công sức ra để tìm hiểu về huyện Nguyên Thủy. Hầu như không có tài liệu nào nói sâu, nói kỹ về vùng đất này. Chỉ có một cuốn sách mỏng, dạng cẩm nang du lịch, giới thiệu sơ qua về Cửa Núi. Theo như tài liệu này thì Cửa Núi được phát hiện ra hết sức tình cờ, từ việc hai người Mụ đi tìm hái quả sơn tra bị lạc đường…

Ăn xong ổ bánh mì, nhấm nháp chút nước lọc còn lại trong chai, hút hết hai điếu thuốc, Anh thấy cần phải vào nằm một chút cho các cơ đỡ mỏi sau một hành trình dài.

Son Phấn đã ngủ, nghe tiếng thở đều đều rõ dần lên trong góc phòng, Anh biết là cô ta đang ngon giấc. Anh đưa tay tắt các công tắc điện rồi lên giường nằm.

Tấm đệm rẻ tiền làm cơ thể Anh lún xuống. Kéo chăn đắp ngang ngực, Anh nhắm mắt lại, và ngay lập tức rơi vào một trạng huống rất quen thuộc. Thân hình Anh có vẻ như đang dập dềnh theo sự phập phồng của tấm đệm. Lưng Anh bị kéo xuống rồi lại được đẩy lên. Anh đã từng nằm thế này trong một đêm – không phải một mà là nhiều đêm, ngắm sao trời – không phải ngắm mà là nhìn, những ánh sao phản chiếu từ dưới mặt nước.

Nhưng, ở đâu nhỉ?

Anh đã nằm như thế này ở đâu nhỉ?

Hai

Anh là người đầu tiên nghĩ ra nằm trên tấm pông sô sẽ dễ chịu hơn vùi mình trong nước.

Sau này Anh mới thấy ý nghĩa của trận đánh đầu tiên trong đời làm lính của mình.

Đó là trận đánh trên nước.

Và Anh đã bắn chết thằng K đầu tiên cũng trong tư thế đang nằm trên nước.

Không phải ngẫu nhiên mà Anh lại được giao cho cái chức tiểu đội phó, ngay cả khi mới tập tễnh làm tân binh, cho đến khi được điều về nằm phục bọn K ở bên này biên giới. Tiểu đội trưởng thì đương nhiên phải là lính cựu rồi. Còn tiểu đội phó thường là một thằng trai có tuổi đời cưng cứng, hoặc ít ra cũng phải có cái mặt trông bản lĩnh một tí. Anh có được cả hai tiêu chuẩn ấy. Anh nhiều hơn đám tân binh đồng lứa tới bốn tuổi, bởi vì Anh đã qua một trường đại học, Anh cũng có một khuôn mặt “rất ngầu” bởi đói nghèo thì không thể sinh ra những thằng bụ sữa. Thế là ngay hôm đầu tiên, khi tập hợp đội hình để chia về các tiểu đội, Anh được xướng tên với chức danh a phó. Còn a trưởng là lính mùa trước, ở lại làm cán bộ dẫn dắt anh em lính mới, tên Vu, có già dặn hơn đám tân binh một chút nhưng vẫn kém tuổi Anh.

Sau thời kỳ huấn luyện tân binh, cả trung đoàn được điều ngay lên biên giới để chặn bọn K thường mò sang quấy nhiễu. Cái vùng biên giới mà Anh được điều đến cách quê hương bản quán tới tám trăm cây số. Tức là một nơi rất xa xôi với những con người rất xa lạ và những tập quán rất khác biệt. Nhưng Anh vẫn rất thích thú. Thích thú nên mới nhất quyết không chịu ở lại để làm “cán bộ dẫn dắt” cho lớp tân binh năm sau. Thích thú vì được thỏa mãn khát vọng trai trẻ và hoài bão của một cậu sinh viên văn khoa đọc quá nhiều những trang sách ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Thích thú vì những tưởng đã không bao giờ còn có cơ hội được cầm đến khẩu súng nữa, nhưng đất nước lại báo hiệu có thêm một cuộc chiến mới, và chút mơ mộng chiến chinh thành hiện thực ngay tức thì.

Cái mộng mơ trong Anh cho thấy phần nội tâm của anh khác hẳn với vẻ ngoài dãi dầu sương gió. Sự mâu thuẫn ấy làm anh trở nên khác biệt trong tiểu đội, một sự khác biệt không dễ chấp nhận nhưng lại gây ấn tượng và mang lại thiện cảm cho mỗi cá nhân từng sống với Anh. A trưởng Vu là người đầu tiên thực sự thích Anh, trọng Anh và sẵn sàng trả lại chức vụ trên giao để xin làm lính của Anh. Trong tiểu đội Anh đứng ở vị trí khiêm tốn hơn Vu nhưng lại là nhân tố đặc biệt, tạo nên sự kết dính gần chục thằng trai trẻ với nhau.

Những buổi học chính trị đầu tiên cho thấy bọn K liều lĩnh lắm rồi, dám mò sang đất nước chúng ta rồi, dám sờ dái ngựa rồi. Thông tin như những hạt a xít gieo vào tâm hồn đám lính trẻ. Chúng nó, cái bọn K phản thầy hại bạn ấy, đã tràn qua biên giới thảm sát dân ta rồi. Toàn tuyến biên giới đã được căng ra để chặn bọn K. Đây đó, còn có thông tin rò rỉ rằng, có thể quân ta sẽ vượt qua biên giới, để “vào tận nhà nó, đánh bỏ mẹ cái bọn K mất dạy ấy, cho chúng nó biết thế nào là lễ độ”. Những hạt a xít thông tin ấy đốt cháy khát vọng trả thù trong Anh. Nhận lệnh nằm phục ở bên này biên giới, cả tiểu đội đều hồi hộp. Hồi hộp nhưng mà hào hứng. Ai cũng lơ mơ nghĩ đến trận đánh đầu tiên, lơ mơ nghĩ đến súng nổ và những thây giặc sẽ ngã xuống, lơ mơ hình dung ra những chiến công. Nhưng lên biên giới nằm tới cả tháng trời vẫn không thấy mặt mũi thằng K nào.

Trung đội của Anh được phân công án ngữ một con đường mòn nằm vắt qua biên giới. Những ngày đầu tất cả đều thao thức, các con mắt đều hắt ánh nhìn về phía đường mòn, cứ như thể bọn K sẽ xuất hiện bất cứ lúc nào, và những ngón tay sẽ được xiết vào cò súng, đốn cho chúng, những kẻ xâm lược mất nhân tính, đổ như thân chuối gặp dao rừng.

Nhưng rồi những ánh mắt hừng hừng khí thế ấy cũng mỏi mệt dần. Trên thì lúc nào chả quan trọng hóa vấn đề, làm đếch gì có thằng K nào dám mò sang bên này. Bắt đầu có những giọng nói kiểu ấy cất lên. Đời lính thường phân hai cực, hoặc là ngứa chân ngứa tay, chỉ muốn chiến, hoặc là buồn chân buồn tay, chỉ muốn bỏ về. Anh không để mình sa vào một trong hai cực đó. Anh tìm những dư vị lãng mạn của đời lính. Anh muốn nhìn chiến tranh qua lăng kính của chàng sinh viên văn khoa. Nếu lăng kính ấy có bị chặn lại, bị đập vỡ hay bị o ép cho mờ nhòa, thì Anh sẽ dùng những giác quan khác để cảm nhận cuộc chiến theo cách của Anh.

Trong khi cả đơn vị bắt đầu nơi lỏng sự cảnh giác và sa vào một không khí buông tuồng, có phần dễ dãi thì Anh thích thú khi phát hiện ra bọn Anh đang đóng quân trong một căn cứ cũ của ngụy. Các lô cốt nửa chìm nửa nổi, các đoạn hào lún sụt, những cuộn dây thép gai, những bãi tập thể lực đóng dấu “made in USA” gây cho Anh sự thích thú khi được thả những suy nghĩ không tiền khoáng hậu về một đội quân đã từng thất trận, về những thằng lính đã từng ở đây, về một tiền đồn từng đi vào thơ nhạc của chế độ Sài Gòn cũ. Và Anh nổi máu tò mò. Những năm tháng học văn ở giảng đường đại học cho Anh hiểu giá trị của văn học nghệ thuật đối với những người lính khi ra trận là như thế nào. Nhưng đó là văn học nghệ thuật của phía bên ta. Còn văn học nghệ thuật của họ, của địch, của phía bên kia thì sao? Là nhạc vàng, là truyện diễm tình, là thơ sầu thảm, là xi nê giường chiếu, là triết học hiện sinh, là sống gấp và thực dụng? Sự tò mò ấy cứ lớn dần lên, nhất là sau khi Anh phát hiện ra một kho quân nhu của ngụy còn sót lại trong lòng đất.

Buổi chiều hôm ấy, Anh ra quả đồi phía sau lô cốt của tiểu đội để ngồi ghi nhật ký. Anh vẫn làm cái việc ghi chép này một cách rất chăm chỉ từ hồi mới bước chân vào đại học. Vào lính, Anh càng thích thú với công việc này dù đôi khi việc Anh làm có vẻ trái tai gai mắt một số đồng chí trong đơn vị, nhất là với các cấp chỉ huy trung đội, đại đội. Nhưng rồi mọi người cũng chấp nhận những sở thích cá nhân của nhau, và trong đơn vị có một thằng lính lãng mạn từng tốt nghiệp văn khoa ra như Anh cũng là một thứ của lạ, không đáng trân trọng thì cũng chả có gì phải ghét bỏ. Từ ngày lên biên giới nằm phục bọn K, Anh thường mang sổ ra sau đồi ngồi ghi chép vào các buổi chiều. Chiều vùng biên có màu trời rất dễ làm cho tâm hồn người ta lên men. Và đó là lúc câu chữ trở nên dồi dào để Anh có thể mặc sức trút lên trang giấy. Mỗi khi mở cuốn sổ ra Anh lại nhìn thấy bông hoa bướm ép khô đính ở ngay trang đầu tiên. Hoa bướm ấy hái nơi bồn hoa giữa sân trường đại học. Người đính những cánh hoa ấy vào sổ tặng Anh giờ này chắc đang dạy học ở một làng quê nào đó. Và Anh thường bắt đầu những dòng đầu tiên là để dành cho người đó. “Hoa Bướm có biết không, lại một hoàng hôn nữa đang buông xuống và A ngồi đây viết những dòng này, ghi dấu những khoảnh khắc quý giá của đời trai nơi tiền tuyến…”. Những dòng chữ cứ thế tuôn ra, lặp đi lặp lại, sáo mòn, cũ kỹ, cải lương không chịu được. Nhưng không có những thứ “không chịu được” ấy thì Anh không phải là Anh và cuộc đời này chả đáng hình dung như Anh vẫn hình dung.

Hôm ấy Anh cũng bắt đầu những dòng đầu tiên cho Hoa Bướm. Và khi Anh ngẩng đầu lên để nhìn xa xăm vào chân trời biên ải tìm ý tứ cho những đoạn ghi chép tiếp theo, thì Anh bỗng giật mình khi nhìn thấy dưới lòng hào bỏ hoang có một bụi hoa giống hệt như những bụi hoa bướm ở trường Anh. Chả lẽ hoa bướm cũng có ở vùng đất này, nơi biên cương xa ngái, cách quê anh gần ngàn cây số? Anh vội khép sổ lại, nhảy xuống đoạn hào mọc đầy cỏ dại, tiến đến bụi hoa đang bị gió táp liên hồi về phía biên kia biên giới. Tới nơi, cầm bông hoa dại trên tay, Anh mới thấy là nó rất giống hoa bướm nhưng không phải là thứ hoa được trồng ở trường đại học của Anh. Phóng tầm mắt theo con hào ngoằn nghoèo, sụt lún, đứt gẫy, lượn quanh chân đồi Anh nhận ra còn rất nhiều những bụi hoa như thế đang chen chúc giữa đám cỏ dại. Lạ thật, Anh đã sống ở đây cả tháng, đã lên xuống, qua lại nhiều mỏm đồi nhưng không hề thấy loại hoa này. Chả lẽ đây là thứ hoa chỉ mọc ở dưới lòng hào? Anh đã từng nhìn thấy loại hoa này ở các tòa biệt thự nơi những thành phố phương Nam mà Anh từng đi qua, trước khi lên đây trấn ải lưu đồn. Liệu đây mới là vùng đất sinh ra thứ hoa này hay chính là người thành phố đã mang hoa lên đây trồng? Hoa thường từ đại ngàn về thành phố chứ có khi nào hoa lại từ thành phố mà ngược lên núi rừng? Anh tiếp tục men theo lòng hào, đi tìm những bụi hoa lạ với những suy nghĩ ngược xuôi như thế. Cuối cùng con hào đã dẫn Anh đến một lô cốt gần như được chôn sâu trong lòng đất. Cửa vào lô cốt là cả một bụi hoa vĩ đại đang bị gió táp tơi tả với vô vàn ong bướm bay quanh. Anh ngắt một bông hoa to nhất, nhìn kỹ và nhận ra nó cùng họ với loài hoa bướm nhưng cánh dày hơn, màu sắc đậm hơn, đưa lên mũi ngửi thấy phảng phất một mùi hương dìu dịu…

Anh quyết định ngắt một bó để mang về, và khi búi hoa được giật lên thì Anh nhìn thấy một cái hố hiện ra. Đó chính là cửa hang dẫn vào bên trong chiếc lô cốt bị vùi lấp bên lưng đồi.

Anh dọn dẹp đám cỏ dại và hoa lá xung quanh miệng hố, mở rộng lối để đi vào bên trong. Chính tại đây Anh đã phát hiện ra dấu vết của một kho quân nhu, tuy không còn nguyên vẹn nhưng rõ là chưa có ai đặt chân đến kể từ khi cứ điểm này được giải phóng.

Tất nhiên Anh phải báo cáo lên trung đội, trung đội báo cáo lên đại đội, và đại đội trưởng đích thân dẫn mấy đứa bọn Anh vào kiểm tra kho hàng. Không có một khẩu súng hay một vật liệu nổ nào, chỉ có quần áo, pông sô, lương khô, đồ hộp, thiết bị y tế và một ít thuốc tây. Tất cả được ghi vào biên bản, lập danh mục từng mặt hàng hẳn hoi, rồi niêm phong lại như cũ, chờ đại đội báo cáo lên cấp trên cho ý kiến xử lý. Vậy là chiếc lô cốt được lắp thêm một cánh cửa gỗ. Trung đội cắt cử người ra gác.

Tự nhiên lại thêm một chốt gác, rách việc!

Mấy cậu trong tiểu đội xầm xì thế. Anh thì rất vui, không phải vì lập thành tích cho đơn vị, cũng không phải vì việc này mà Anh có thể sẽ được khen thưởng, chỉ đơn giản là chiếc hầm quân nhu đó đã ít nhiều thỏa mãn thú khám phá trong Anh. Cái gọi là tiền đồn của một quân đội đã bị xóa sổ, chỉ còn trong sách vở, chả phải đang ở ngay trước mắt Anh đấy thôi. Và chiếc hầm quân nhu này mở ra cả một thế giới hiện thực vẫn thường chọc ngoáy vào trí tò mò của Anh. Đồ hộp của Mĩ là đây, những bộ quần áo lính ngụy vẫn mặc để trở thành hiện thân của cái ác là đây. Cả những thứ bông băng, gạc cứu thương, ống thuốc sặc mùi tư bản nữa, chúng đang ở ngay trước mắt anh đây. Và những bông hoa bướm mang sắc màu trưởng giả mọc quanh lô cốt này nữa, chúng làm Anh liên tưởng đến một câu chuyện lãng mạn. Trong một tối đứng gác cùng với Vu, Anh đã hỏi:

– Mày có biết cái loại hoa mọc đầy trên lối đi vào lô cốt này không?

Vu bảo: “Giống như hoa bướm ở quê em nhưng to và cứng hơn”.

– Cả vùng này không có loại hoa đó. Chứng tỏ hoa này không phải được sinh ra ở đây. Mày có biết nó từ đâu đến không?

Vu lắc đầu: “Làm sao em biết được”

– Hoa này vốn giống quyền quý, được mang từ nước ngoài vào, thường được trồng ở các tòa biệt thự sang trọng trên thành phố. Chỗ bọn mình đang đứng đây vốn là một tiền đồn của bọn ngụy. Trong số lính của đồn có một thằng có người yêu là tiểu thư con nhà giàu có ở trên thành phố. Một lần cô tiểu thư đó đến đây thăm người yêu đã mang theo theo bụi hoa này. Khi cô trở về thành phố thì người yêu cô đã trồng bụi hoa bướm ngay rìa hào, để rồi một thời gian sau, hoa bướm mọc lan ra như cỏ dại, rải khắp lòng hào, bao bọc lấy chân đồi. Nhưng một ngày kia quân ta nã pháo vào đây. Thằng người yêu cô tiểu thư bị dính mảnh pháo, chết ngay cửa lô cốt. Chỗ thằng ấy chết hoa mọc thành bụi to, và từ ấy hoa này có tên là hoa Lòng Hào.

– Sao lại là hoa Lòng Hào?

– Vì thứ hoa này chỉ mọc dưới lòng hào và ven các bức tường lô cốt, không hề lây lan ra các mỏm đồi. Khi cô tiểu thư kia quay lại đây đưa xương cốt người yêu về thành phố, bọn lính ngụy ở đây đã bảo, hoa như hồn người lính trẻ ấy, chỉ vương vấn trên những lối đi của người yêu cô gái khi còn sống. Riêng nơi cửa lô cốt, chỗ thằng lính kia chết thì máu loang đến đâu hoa mọc thành bụi đến đấy.

– Thật không? – Vu tỏ vẻ nghi hoặc.

– Mà mày biết không? Chỗ ấy, chỗ hoa mọc thành bụi to và dày ấy, chính là nơi tao đã phát hiện ra cửa vào hầm quân nhu…

– Anh định trêu em đấy hả? Em không phải là thằng sợ ma đâu nhé!

– Tao trêu mày làm gì? Cô tiểu thư đài các ấy là một ca sĩ khá nổi tiếng ở Sài Gòn trước đây. Vì câu chuyện tình này mà một nhạc sĩ đã sáng tác bài Hồn Hoa, và người hát bài ấy cực hay chính là cô người yêu của thằng lính đã chết ngay cửa lô cốt này. Cái tên hoa Lòng Hào cũng phổ biến từ bài hát ấy. Mày có bao giờ nghe câu hát: Ơi bông hoa lòng hào, vương bụi máu chiến binh…?

Vu đột nhiên im lặng. Anh cũng không kể nữa, lấy thuốc ra hút. Cuối phiên gác ấy, khi hai đứa đi về nhà nghỉ của tiểu đội, Vu bảo: “Anh lãng mạng bỏ mẹ, cứ nghĩ ra những chuyện linh tinh. Em đéo tin chuyện Anh nói đâu. Nhưng mà cũng hơi sờ sợ…”.

Quả tình là Anh cũng từng phịa ra nhiều chuyện để kể cho đám lính cùng tiểu đội nghe. Với cái đầu giàu trí tưởng tượng của một cựu sinh viên văn khoa, nhìn đâu Anh cũng tưởng tượng ra thành chuyện được. Nhưng chuyện về những bông hoa Lòng Hào này thì Anh không hề bịa chút nào.

Vậy Anh có được câu chuyện đó từ đâu?

Từ cuốn sổ tay của một tên lính ngụy.

Khi báo cáo lên trung đội về căn hầm quân nhu vô tình được phát hiện, Anh đã báo cáo rất trung thực, chỉ duy nhất có một điều anh giấu, đó là Anh đã nhặt được một cuốn sổ dày cộp của một người lính phía bên kia.

Trong cuốn sổ ấy ghi chép rất nhiều thứ, chủ yếu là văn chương, thơ phú, bài hát, kinh cầu nguyện, và câu chuyện về hoa Lòng Hào cũng được Anh đọc trong cuốn sổ đó.

Ba

Người lái xe taxi dừng lại trước một con đường mòn dẫn vào rừng và bảo: “Đến rồi, anh xuống đi”.

Anh nhìn qua cửa kính, chỉ thấy một tấm biển cũ kỹ, tróc sơn, viết dòng chữ cẩu thả: “Khu du lịch Cửa Núi”. Cứ như là tấm biển báo khu vườn ươm của các cụ hưu trí, anh nghĩ vậy và lưỡng lự chưa muốn bước xuống.

Thấy người lái taxi tỏ vẻ chờ đợi, Anh liền hỏi:

– Đây là cổng chính hay cổng phụ? Khu du lịch mà sao chả nhìn thấy nhà cửa gì cả?

– Chỉ có một cổng này thôi. Anh cứ vào đi, trong đó có nhiều khu nghỉ dưỡng lắm. Nhà cửa họ xây trong các vách núi, ở ngoài này nhìn không thấy đâu!

– Xe không chạy được vào trong à?

– Dạ không, chỉ đến đây thôi.

Anh đành phải xuống vậy. Nếu cứ gặng hỏi mãi thì hóa ngớ ngẩn trước anh chàng lái xe này. Dân du lịch mà cứ ú a ú ớ, chả biết gì về Cửa Núi, tưởng nó giống như mấy cái rì-sọt mà công đoàn trường Anh thường tổ chức cho giáo viên đến tham quan, ai dè nó lại hoang vu, thô kệch và thiếu dấu chân người như thế này. Chiếc xe taxi chỉ chờ Anh rời khỏi ghế ngồi là phóng ào đi, để lại một mình Anh đứng trước con đường mòn dẫn vào lòng núi.

Thực ra con đường mòn khá dốc. Càng đi càng thấy cây dại mọc nhiều và ở phía cuối con đường, tức là đỉnh dốc, hiện ra một hang đá. Từ ngoài nhìn vào Anh thấy lòng hang khá dài và tối. Có vẻ như người ta đã khoan vào lòng núi đá để tạo ra cái hang này cho khách vào trong khám phá những bí ẩn của thiên nhiên. Phía ngoài cửa hang rất rộng, nhưng càng đi sâu vào trong thì càng hẹp. Có vẻ như khoảng rộng nhất của cửa hang là nơi các đoàn người ngồi nghỉ, chờ đợi nhau để chuẩn bị cho một cuộc vượt thoát kỳ vĩ nên vỏ bánh, trái cây, nilon, chai, hộp vất bừa bãi, lổn nhổn. Anh cũng định ngồi xuống để nghỉ ngơi và suy nghĩ về cái gọi là Khu du lịch Cửa Núi này nhưng ngay lúc đó mắt Anh chạm phải một bóng người đang ngồi khuất trong lòng hang.

Người ấy nhìn là nhận ra ngay.

Bởi cô ta vừa ngủ cùng phòng với Anh đêm qua.

Son Phấn!

Sáng nay, mặc cho cô ta vẫn đang nằm trên giường với tiếng thở đều đều, Anh khẽ bước ra khỏi phòng và mò ra quán cháo lòng tiết canh ở đầu phố ăn sáng. Anh không quên để lại trên bàn cho cô ta ít tiền, coi như trả công chỉ đường đến nhà nghỉ cho Anh đêm qua. Khi đặt tiền lên bàn, Anh nghĩ đến cái mặt của Son Phấn khi cô kêu đói. Nhân loại cả chục tỉ người, còn biết bao nhiêu người đói, trong khi biết bao nhiêu người no, mọi sự san sẻ đều trở nên cần thiết và đó là một việc nên làm.

Anh thấy thanh thản khi ngồi xơi hết bát cháo ở một phố huyện xa lạ vào một bình minh hiếm có trong đời.

Rồi Anh gọi nước trà. Nhưng người ta bảo ở đây không ai uống trà. Vậy uống gì? Uống nước quả sơn tra. Ừ thì có nước gì uống nước ấy. Chua chua, chan chát và ngọt hậu. Anh nhấm nháp thứ nước lạ lùng do người dân tộc Mụ nghĩ ra ấy và phì phèo nhả khói thuốc. Sau cùng Anh bước ra chiếc taxi đỗ ở đầu phố, bảo người lái xe cho anh vào Cửa Núi.

Chính khoảng thời gian Anh khệnh khạng ăn sáng và nhăn nhó với thứ nước được làm từ quả sơn tra, Son Phấn đã vội vàng gọi xe ôm chở cô vào Cửa Núi. Cô ta đến lòng hang này trước Anh mười lăm phút và đúng như cô ta đoán, Anh không thể đi nhanh hơn cô được, tức là việc cô ta ngồi chờ Anh ở đây là một việc làm sáng suốt.

– Để được gì? – Anh tự hỏi rồi lại tự trả lời – Hay là muốn vòi thêm tiền cho việc cô ta đã giúp Anh có một chỗ nghỉ đêm?

– Em biết là anh chưa đi Cửa Núi bao giờ, cần phải có người dẫn đường – Son Phấn nói – Thỉnh thoảng em vẫn dẫn khách đi. Đã có những người lạc trong đó mà không ra được đấy. Nhiều người mang quốc tịch Âu, Mỹ phải sang tận đây tìm chồng, tìm con bị mất tích sau Cửa Núi. Mới đây cũng có một cô gái người Niu Di Lân gì đó, vào núi cả tháng rồi mà chưa thấy ra…

– Họ là những khách du lịch xịn. Còn tôi sợ mình không đủ tiền để lo thêm cho một hướng dẫn viên đi cùng?

– Quan trọng gì đâu anh. Em cũng đang rỗi việc. Mùa này sơn tra đã hết quả, khách du lịch thì không có, nằm chơi dài cũng chán.

– Cô thực sự không còn việc gì để làm à?

– Thì cũng giống anh thôi, nếu có việc để làm thì anh đã không vào Cửa Núi. Trong ấy chả có đếch gì. Nhưng anh vẫn muốn đi. Thì em đi cùng cho vui. Chúng ta đều đang rỗi rãi cả mà…

Thôi được rồi, hãy coi như cùng rủ nhau đi phượt, thứ mà thanh niên bây giờ rất thích. Nhưng mà nói trước nhé, không nợ nần gì nhau đâu đấy, thích thì đi cùng, không thích thì thôi, dở mấy trò lưu manh ra là không được với tôi đâu. Tôi vốn là lính cựu, chả ngán gì thằng nào. Đừng để phải nói chuyện kiểu giang hồ với nhau, mất hay!

Son Phấn chỉ cười. Càng lúc Anh càng khó đoán biết được độ tuổi của cô ta. Hôm qua, trong đêm tối, dưới ánh sáng vàng vọt, Anh thấy cô son phấn lòe loẹt, khuôn mặt và ánh mắt biểu lộ sự mệt mỏi và già nua. Còn bây giờ, cô trẻ trung và tươi tắn hơn rất nhiều, dù son phấn vẫn bự trên mặt. Có lẽ khí sắc thanh xuân ấy là từ ánh mắt hắt ra. Khí sắc ấy làm cô dễ mến hơn. Khí sắc ấy cũng làm người ta dễ bỏ qua thành kiến về cái sự xuất thân bèo bọt của cô.

Anh bỗng nhìn thấy sau lưng Son Phấn có một chiếc túi dù to. Thấy ánh mắt của Anh nhìn chăm chăm vào đấy, Son Phấn bảo:

– Em phải mang theo đồ. Cứ như anh thì không chết đói cũng chết rét…

– Vào đấy không có cái ăn à? – Anh chột dạ.

– Thực ra cái ăn thì không đáng lo lắm. Nhưng cần nhất là chỗ ngủ. Và lúc nào cũng phải mang theo lửa. Thiếu lửa là không chống chọi nổi với cái lạnh trong đó đâu.

– Tôi tưởng trong đó có nhiều nhà nghỉ, chúng ta chỉ việc chọn xem ở nhà nghỉ nào nhiều tiền hay ít tiền thôi chứ?

– Tiền không có ý nghĩa gì khi vào Cửa Núi.

– Vậy khách du lịch vào đó tiêu bằng gì?

– Tiêu bằng cái mạng sống của mình.

Nói xong câu đó, từ ánh mắt của Son Phấn như hắt về phía Anh một luồng khí lạnh. Ngoài cửa hang bỗng tối sầm lại. Phía trong lòng hang thì âm âm u u, chả có dấu hiệu gì cho thấy cuối đường hầm là một khu du lịch hấp dẫn, gọi mời cả. Hay là quay ra, tìm xem có đoàn khách nào thì đi cùng họ, đi lẻ thế này cứ thấy có vẻ bất an thế nào ấy. Anh định bước chân ra cửa hang, nhìn lên trời xem có mây mù gì không mà tự dưng mọi thứ lại trở nên nhợt nhạt, ảm đạm thế. Nhưng Son Phấn đã kéo tay Anh lôi vào phía trong. “Đi thôi, Cửa Núi mở rồi, không thì lại chậm mất”.

– Tức là… có… có cánh cửa thật à? – Anh ngơ ngác hỏi.

– Có chứ. Cửa Núi mà. Cửa mở không theo quy luật nào cả. Có người đến gặp cửa mở thì vào ngay, có người đợi đến cả tháng cửa vẫn không mở. Anh gặp may đấy, cửa đang mở rồi, vào thôi.

– Mỗi khi cửa mở thì trời đất trở nên âm u thế này sao?

– Ừ, đi nhanh đi, đừng hỏi nữa, tí nói sau – Son Phấn kéo tay Anh đi như chạy về phía cuối lòng hang.

Càng đi càng thấy xung quanh tối đen. Và gió thổi hun hút. Lạnh giá và ẩm ướt bám lấy từng bước chân Anh. Chạy trong lòng hang đá không biết bao lâu thì Anh nhìn thấy những ánh chớp lóe lên ở phía trước mặt. Rồi như có thứ gì đó mềm như cỏ đang ở dưới chân Anh. Vậy là Anh đã ra khỏi hang đá. Gió ngừng thổi và ánh sáng hảnh lên. Anh nhận ra mình đang đứng trước một thung lũng, xung quanh là trùng trùng điệp điệp những ngọn núi màu xanh xám, chồng lấn lên nhau đến tận chân trời. Son Phấn vẫn đang cầm tay anh. Cả hai không chạy nữa mà dừng lại nghỉ. Anh quay lại phía sau, không thấy hang đá đâu, chỉ thấy một vạt núi sáng lên như bị lưỡi dao thần vừa chém xuống. Son Phấn bảo: “Cửa Núi đóng lại rồi”. Anh chỉ vào vệt núi sáng lạnh, hỏi: “Chúng ta vừa đi qua quả núi đá kia?”. Son Phấn gật đầu.

– Đây đâu phải là một khu du lịch? Chúng ta đang ở giữa một cao nguyên đá thì đúng hơn…

– Chỉ những khách du lịch gặp duyên may thì mới vào được Cửa Núi. Cái mà anh gọi là khu du lịch, tức là những nhà nghỉ, những rì-sọt, những công trình nhân tạo, nhưng chỗ vui chơi giải trí… có rất nhiều, nhưng đều nằm rải rác ở bên ngoài Cửa Núi. Nhiều khách du lịch nhầm tưởng đến đó là vào được Cửa Núi rồi, nhưng không phải, đây mới là bên trong Cửa Núi.

– Nhưng sao ở đây có vẻ như không có ánh mặt trời vậy?

– Vì xung quanh chúng ta là tầng tầng lớp lớp các dãy núi nên mặt trời chỉ chiếu được những tia yếu ớt xuống đây như thế thôi. Em đã bảo với anh rồi mà, trong này rất lạnh, không có lửa thì sẽ chết cóng…

– Ở đây lúc nào cũng thế này à?

– Ý anh muốn nói là…?

– Ở đây quanh năm không có ánh mặt trời?

– Đừng tưởng mọi thứ chỉ tồn tại dưới ánh mặt trời.

Đến bây giờ thì Anh buộc phải có những ý nghĩ khác về Son Phấn. Cô gái này không phải là một thứ gái làng chơi tầm thường. Những gì cô ta nói, cô ta hành động, và đặc biệt là thần thái của cô cho thấy cô không giống với những cô gái vẫn đứng đón khách ở nhà ga. Mọi việc diễn ra đối với Anh từ đêm qua đến giờ cứ như trong một giấc mơ vậy. Có lẽ nào Anh đã ngủ được sau từng ấy năm không biết đến giấc ngủ là gì để rồi sa vào cơn mộng mị này? Anh đưa tay cấu vào đùi non. Vẫn cảm nhận được nguyên vẹn cảm giác đau lan tỏa dưới làn da. Vậy là Anh không mơ. Nhưng lẽ nào Anh lại đang tỉnh? Nếu tỉnh thì Anh đang rơi vào một trạng thái gì đây? Người mất ngủ kinh niên có thể bị suy nhược cơ thể, thần kinh rối loạn. Việc Anh phải đối mặt với một hiện thực lạ lùng đến quái gở như thế này liệu có phải là biểu hiện của chứng trầm cảm do mất ngủ kéo dài?

– Nào, bây giờ chúng ta bắt đầu đi nhé.

Son Phấn quay sang giục Anh.

“Đi đâu?”.

– Thì đi khám phá cho hết phía sau Cửa Núi là gì. Chả phải anh đến Nguyên Thủy là để đi tìm hiểu Cửa Núi sao?

– Tôi không nghĩ Cửa Núi lại thế này…

– Vậy anh nghĩ nó thế nào?

– Đại loại là một thắng cảnh thiên nhiên tràn ngập ánh mặt trời và… và… giàu sức sống, chứ không thiếu sinh khí và hiếm vắng ánh mặt trời như thế này. Tóm lại là một nơi đến để vui chơi chứ không phải để nhận về những cảm giác bất an. Và… và…

– Bây giờ anh có quay trở ra thì cũng không được nữa. Cửa Núi không mở cho anh ra đâu. Tốt nhất là anh hãy tiếp tục đi về phía trước.

– Nhưng toàn đồi núi thế này thì biết đi đâu? Và đi vào núi thì có gì hay ho? Tôi đã từng ở mãi trong núi rồi.

– Thế anh nghĩ thế nào mới là hay ho? Nhiều người chỉ muốn nhìn thấy núi một lần mà cũng không được đấy. Anh đã từng ở núi rồi à?

– Rồi. Ở lâu nữa là khác. Những vùng rừng núi tôi ở ít ra cũng có trận địa, có những mưu mô, có những thằng người bên ta – bên địch, có sự khát máu và tiếng súng nổ, tức là có việc để làm, có điều để nghĩ, có tâm trạng để dằn vặt, khổ đau hay sung sướng. Tóm lại là có những vui buồn để mà tồn tại. Còn cái Cửa Núi này…?

– Anh cứ đi đi, mới bước qua Cửa Núi mà anh “tóm lại” đến mấy lần rồi vẫn chưa quyết định được điều gì cả. Tôi cam đoan là phía trước anh cũng có rất nhiều những vui buồn. Và anh hãy tin rằng, anh vào được đây là một cơ duyên hiếm có trong đời, không phải ai cũng gặp được đâu.

Nói nốt những lời đó, Son Phấn có vẻ không còn kiên nhẫn được nữa, cô quay lưng bỏ đi. Anh nhìn lại phía sau mình, chỉ thấy vệt sáng của vách núi đá, nơi có thể hình dung là tấm cửa núi vĩ đại đã được đóng lại. Có muốn thì cũng chẳng còn đường về. Thôi thì số phận đã muốn Anh đến đất Nguyên Thủy tìm Cửa Núi, Anh hãy ngẩng mặt lên và bước tiếp về phía trước vậy. Dù đây là một cơ hội hiếm có trong đời hay là điều bi thảm đang chờ đợi thì xét cho cùng cũng là định mệnh đã muốn thế, tốt hơn hết Anh hãy chấp nhận, có tránh cũng chẳng được.

Bỏ Anh lại một khoảng khá xa, Son Phấn đeo chiếc túi dù choán hết cả tấm lưng, lầm lũi bước. Cô đã tiến ra đến gần giữa thung lũng. Anh vội đi như chạy theo cô. Mặt đất dưới chân Anh có vẻ mềm nhưng cỏ mọc rậm rì, cao đến đầu gối, làm bước chân mỗi lúc một trở nên vất vả hơn. Son Phấn bỗng dừng lại nơi một tảng đá giống hình người, có ý đợi Anh. Khi Anh đến bên thì cô lại xoay lưng bước tiếp. Cả hai không nói không rằng cứ đạp cỏ mà đi. Anh nhận ra họ đang đi vào giữa một đội quân đá. Không phải một, hai mà có đến cả trăm ngàn khối đá hiện ra trước mắt Anh. Đá được tạc thành đủ loại hình thù, nhưng nhìn kỹ thì sẽ nhận ra đó là tư thế của các chiến binh. Cả một quân đoàn đá đang nằm phơi mình giữa thung lũng, lẫn với bạt ngàn cỏ dại, ẩn hiện trong nền trời xám nhạt. Anh dừng lại, ngắm nhìn một tảng đá giống hình người cầm thanh gươm đang lao thẳng về phía trước. Liệu đây là tác phẩm nhân tạo hay chỉ đơn giản là do thiên tạo một cách vô tình? Anh khẽ đưa tay sờ lên hình đá. Có cả những vết đục, đẽo, khắc, chạm làm nổi lên vẩy sắt của giáp trụ. Thiên tạo thì không thể có những đường nét sắc cạnh và tinh tế như thế này. Còn nhân tạo thì lấy đâu ra sức người để đục đẽo cả vạn tấm đá rồi đưa về đây xếp trong lòng thung? Có thể là các tảng đá đã có sẵn từ thủa hồng hoang, con người chỉ việc tận dụng thứ nguyên liệu có sẵn ấy rồi bỏ công sức ra để tạo nên một vườn tượng vĩ đại. Nhưng phải cần đến rất nhiều người, rất nhiều đôi tay nghệ sĩ, rất nhiều thời gian và sức lực mới làm nên đội quân đá đông đảo và hùng dũng này. Liệu có phải do con người làm ra không? Nếu phải thì những nghệ sĩ tài hoa ấy nay đâu? Họ đã biến khỏi thế gian này rồi chăng? Họ cũng giống như nhiều tộc người kỳ lạ trên thế giới, có tuổi thọ đoản hơn những tác phẩm nghệ thuật, để hậu thế đứng trước những di sản văn hóa cứ bâng khuâng không biết chủ nhân của nó đang tan biến trong cõi hư vô nào? Người làm ra đội quân đá này cũng vậy thôi. Chắc đã bị tuyệt diệt sau những cơn bấn loạn của vụ trụ. Chả phải đã có biết bao tộc người  vĩnh viễn biến mất khỏi mặt đất bởi những chấn động kinh hoàng từ thiên tai, địch họa, dịch bệnh và tự hủy đấy thôi.

Anh cứ lạc bước giữa những khối đá có hình thù kỳ dị, ngẩn ngơ suy nghĩ về những điều có tính khởi thủy. Những ý nghĩ cuộn lên sau mỗi bước chân của anh, không đầu không cuối, trồi sụt trong suy diễn và phản biện. Rồi Anh dừng lại bên một bức tượng đá có dáng vẻ một chiến binh đang ôm bụng ngã ngửa về phía sau. Thân người đã đổ nghiêng khoảng 15 độ nhưng chân vẫn trụ vững trên mặt đất, một tay vung khiên, tay kia ôm lấy phần thân giữa, khuôn mặt lính đá tỏ ra đau đớn, tuyệt vọng. Anh sờ tay lên khuôn mặt của hình đá, chợt phát hiện người lính này có những nét rất giống một chiến binh La Mã cổ đại. Tóc xoăn, mũi lõ, mắt to, râu rậm, giáp sắt, khiên đồng… Dáng người cao to quá khổ! Cả cái nét chính quy, thiện chiến của một chiến binh chuyên nghiệp nữa. Những sắc thái này rất khó tìm thấy ở những người lính phương Bắc, lại càng không thấy trong những người lính Việt cổ. Anh nhìn ra xung quanh và tiến đến một hình đá to lớn hơn. Đó là con chiến mã với một chiến binh đang cưỡi trên nó. Bờm ngựa xõa ra, hất ngược trong gió, yên cương tả tơi, ngọn lao ép sát bên mình, rõ là một kỵ binh đang xốc tới, băng đi trong chiến trận. Phải là một nhà điêu khắc đại tài mới tạc ra được khối tảng kiêu dũng đến thế. Không còn nghi ngờ gì nữa, Anh đang chứng kiến một đội quân La Mã bằng đá hiện diện giữa lòng thung lũng. Anh muốn chia sẻ điều này với Son Phấn nhưng cô ta đã lạc đâu mất giữa đoàn người đá. Anh chạy quanh tìm cô. Rất muốn gọi to tên cô ta lên nhưng lúc này Anh mới nhớ ra là chưa từng biết đến tên của cô gái. Son Phấn chỉ là một ý niệm, một ký hiệu, một cái tên mà Anh tự đặt cho cô ta thôi, không thể gào lên hai cái từ đó giữa lòng thung đầy gió. Nếu lạc mất cô ta thì không biết Anh sẽ phải xoay sở như thế nào. Trong lúc Anh đang loay hoay tìm kiếm thì bất ngờ Son Phấn lại hiện ra từ phía sau một bức tượng. Ánh mắt cô lấp lánh niềm vui và hình như cô cũng đang muốn chia sẻ với Anh điều gì đó. Anh bước lại gần cô, chưa kịp nói gì thì cô đã chỉ xuống một cái hố và bảo:

– Hoa lòng hào kìa!

Hoa Lòng Hào? Anh có nghe nhầm không vậy? Đã lâu lắm rồi Anh không còn nghe thấy ai nhắc đến loại hoa này.

– Hoa lòng hào. Cứ đi theo những bụi hoa lòng nào này, sẽ đến những ngôi nhà của người Mã.

Anh tiến đến bên cái hố mà Son Phấn chỉ, cúi xuống giật lên một bông hoa lòng hào. Đúng là nó thật. Giống hoa bướm nhưng không phải là hoa bướm. Cứ tưởng nó chỉ mọc ở chân đồi nơi biên giới phương Nam xa xôi kia, ai dè Lòng Hào lại có ở cái huyện miền núi phía bắc cheo leo, hiu hắt này.

Và lại được Son Phấn gọi bằng cái tên rất ít người biết đến. Anh định nêu thắc mắc ấy với cô ta nhưng đất trời bỗng tối sầm lại. Từ các đỉnh núi xuất hiện những đốm lửa, rồi hàng trăm, hàng ngàn những mũi tên lửa bay tới, tung hỏa lưới xuống lòng thung. Rồi tiếng tù và rúc. Tiếng trống trận. Tiếng gươm khua. Tiếng ngựa hý. Tiếng thét gào đoạt mệnh. Tiếng chiến xa chạy trên vách núi. Tiếng rầm rập bước chân của những đoàn quân lớn. Tiếng giáp trụ va vào nhau xủng xẻng. Trong thứ ánh sáng mờ ảo của lòng thung, Anh thấy những chiến binh đá cựa quậy. Cả đội quân đá thoắt chốc hiện hình thành những con người thật. Một trận chiến kinh hoàng đang diễn ra trước mắt Anh. Anh thấy mình đứng giữa bãi chiến trận đang hồi khốc liệt nhất. Bản năng tự vệ mách bảo Anh cần phải tìm một chỗ ẩn nấp. Anh lao mình vào đám cỏ ngay dưới chân nhưng cỏ không che kín được cả người Anh. Anh bỗng nhớ ra cái hố có mọc những cây hoa lòng hào. Anh chồm người về phía đó, định rúc vào ẩn mình trong lòng hố. Nhưng Anh chưa kịp trốn thì có tiếng gió rít bên tai. Một sợi dây có thòng lọng đã được tung ra từ đâu đó, quấn chặt lấy người Anh. Tiếng ngựa phi thảng hoặc. Tiếng gươm khua mơ hồ. Không phải một sợi mà hai sợi, ba sợi, nhiều sợi dây nữa được tung về phía Anh, choàng khắp người Anh, thít chặt thân thể Anh.

Rồi những đầu dây được nới lỏng.

Anh ngã úp mặt xuống miệng hố trong tư thế toàn thân cứng ngắc.

Kể từ giây phút đó Anh không còn nhìn thấy gì nữa.

Nhưng Anh cảm nhận rõ những âm thanh kỳ lạ đang dần biến mất phía sau lưng Anh. Lòng thung trở lại yên ắng như khi Anh và Son Phấn mới đặt chân tới. Có ai đó nhấc Anh lên, quẳng lên lưng một con vật. Vẫn với tư thế nằm sấp, Anh không dám chắc là mình đang ở trên lưng một con bò, một con ngựa hay là một con lợn. Chỉ biết là con vật chở Anh không cao lớn lắm, thân hình nó có rất nhiều lông, thứ lông màu trắng ngà, dày và bết lại như những cục bông. Con vật lững thững đi vào khe núi. Có vẻ như không chỉ có một con? Anh cố cúi sâu xuống để nhìn qua bụng con vật. Anh nhìn thấy một con nữa đang đi bên cạnh, trên lưng nó cũng đang nằm vắt vẻo một hình người. Đó là Son Phấn.

Vậy là cả Anh và cô ta đều đã rơi vào một cảnh huống giống nhau.

Khe núi phía trước sẽ dẫn họ tới đâu?

Bốn

Ơi bông hoa lòng hào, vương bụi máu chiến binh. Ơi bông hoa lòng hào, gọi hoàng hôn viễn xứ. Ơi bông hoa lòng hào, nơi đồi hoang sương gió…

Khi Anh hát nho nhỏ cho Vu nghe bài hát ấy, nó trợn mắt lên hỏi: “Chuyện Anh kể là có thật hả?”. Anh chỉ cười tủm tìm, chả biết trả lời nó thế nào. Thì cứ tin là có thật đi. Chiến tranh loạn lạc, đẻ ra nhan nhản những câu chuyện thật như bịa và chuyện bịa như thật, muốn tin thì tin mà không tin thì thôi. Còn Anh là dân văn chương, là kẻ ưa mơ mộng, nên những câu chuyện tình lãng mạn nhuốm màu bi thương dễ ngấm vào tâm hồn, nằm lại mãi ở đó, thành một thứ ám ảnh ma quái. Cuốn sổ của tên lính ngụy vẫn được Anh giữ, thỉnh thoảng lại mang ra sau đồi nghiền ngẫm. Tên lính này biết đâu cũng học văn khoa như Anh, và chắc chắn cũng vào lính với một tư thế lãng mạn chiến chinh như Anh. Sổ tay của hắn viết rất nhiều thơ, không có bài thơ nào được ghi tên tác giả nên Anh không biết là thơ của hắn làm hay hắn chép từ đâu ra. Thi thoảng Anh có đọc được những câu thơ nhang nhác quen, nhang nhác thuộc, kiểu như của Thâm Tâm, Vũ Hoàng Chương hay Trần Dần, Hữu Loan gì đó. Tất nhiên đó đều là thứ thơ cấm, là thứ độc hại đối với những lớp thanh niên như Anh. Có cái độc thì hại, nhưng có cái độc thì lạ. Anh nghĩ nếu mình có thuộc vài câu thơ bị cấm, lẩm nhẩm vài bài hát ngoài luồng, thì Anh chỉ lạ thêm trong mắt mọi người chứ không phải là thứ bị nhiễm độc đến mức có thể hại ai.

Và Anh có lý do để giữ cuốn sổ của tên lính ngụy ấy lại bên mình. Nếu hắn còn sống thì giờ này hắn đang nằm trong trại cải tạo, đang cố gắng thích nghi để hòa nhập với xã hội mới hoặc cũng có thể đã chuồn ra nước ngoài, ôm chân đế quốc sài lang rồi. Còn nếu hắn chết thì xương thịt hắn đã tan trong lòng đất, cái câu chuyện hắn viết (hay hắn chép) về hoa lòng hào biết đâu lại chính là sự tiên báo về kết cục bi thảm của đời hắn. Trang sổ đầu tiên được hắn dùng để viết mấy câu thơ như thế này:

Trong ba lô lính có gì

Poncho, gạo sấy, xuân thì, giấc mơ

Người đi

kẻ ở

đôi bờ

Sông sâu núi thẳm

bây giờ trăm năm…

Nếu xét theo tiêu chí phê bình văn học thông thường, thì mấy câu thơ đó chả có gì ghê gớm. Nhưng không hiểu sao ngay lần đọc đầu tiên Anh thấy xúc động. Cái nỗi lòng lính nó chạm vào nhau nên nó rung lắc, nó mưng mưng, nó rầu ruột rầu gan, nó gây ra thứ men buồn buồn tủi tủi chăng? Những lần sau nữa, mỗi khi dừng mắt lại trang sổ đầu tiên ấy, những câu thơ vẫn có sức hồi cảm mãnh liệt trong Anh. Cuốn sổ dày còn nhiều câu thơ, bài văn buồn đến rơi nước mắt như vậy. Những gì được ghi chép trong cuốn sổ này khác xa với những điều Anh đọc được trong những cuốn sổ của các cựu binh từng vượt Trường Sơn vào Nam đánh Mĩ. Những cuốn sổ tay, nhật ký chiến tranh đó được trưng bày trong nhà truyền thống của trường đại học. Có cả những cuốn nhật ký còn dính máu liệt sĩ, được đồng đội mang về trao tặng lại cho đời sau, trở thành báu vật thiêng liêng của nhiều thế hệ sinh viên. Anh đã từng đọc say sưa những trang viết tay ấy và nhận ra thế giới quan và nhân sinh quan của những đấng bậc anh hùng đó rất khác với những gì mà tên lính ngụy này thể hiện trong cuốn sổ của mình.

Nếu cuốn sổ là sự phản chiếu nỗi lòng của người lính chiến thì cái nỗi lòng của tên lính ngụy mà Anh đang cầm trên tay đây ủ ê, sầu thảm, bi thương, ủy mị quá. Thế này thì còn đánh đấm mẹ gì được nữa. Mới chỉ đọc mấy câu thơ ngắn đầu sổ thôi mà đã toàn những từ những chữ sái xẩm, thối mồm thối miệng, báo hiệu cái điều khốn nạn chẳng ra gì đang đợi ở phía trước rồi. Vậy mà còn nhiều những bài thơ dài đến mấy trang giấy đọc lên cũng toàn một giọng khóc than cho đời trai nghiệp lính. Thơ trong ba lô người ra trận mà toàn những vần những điệu níu bước người lên đường thế này:

Nếu anh ra đi

Mẹ già anh khóc

Trai thời loạn ly

Thương con khó nhọc

Nếu anh ra đi

Người vị hôn thê

Những giọt nước mắt

Đọng trên hàng mi

Nhưng

Nếu anh không đi

Mẹ già anh khóc

Trai thời loạn ly

Mà con không đi

Mẹ thà thương con tóc trắng

Ngày mai cờ về chiến thắng

Mà con không về

Mẹ thà như lá rụng chiều quê

Đến khi con về

Cỏ vàng nấm đất

Nhưng khi nước mất

Vì vị hôn thê

Mà con không đi

Nếu anh không đi

Người vị hôn thê

Mặt nghiêng tay che

Đêm thương lời thề

Thà đợi người đi

Già trên lời thề

Nhưng khi nước mất

Mà anh không đi…

Đấy là thơ. Còn các ca khúc cũng bi lụy đến mủn cả người. Bài nào cũng xáo động tâm can, mịt mù tâm trí. Có đôi ba bài Anh thoáng như đã thuộc giai điệu mà không biết là từng nghe ở đâu đó. Riêng bài Kỷ vật cho em của Phạm Duy thì Anh biết. Chính Anh đã được nghe bài hát này từ miệng mấy tên phế binh ngụy ở bến xe, trong lần nghỉ phép về thành phố chơi.

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại? Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về. Anh trở về chiều hoang trốn nắng, poncho buồn liệm kín hồn anh. Anh trở về bờ tóc em xanh, chít khăn sô lên đầu vội vã…

Tâm hồn con người ta vốn dĩ là một bãi bờ hoang lạnh, nghệ thuật là những dòng sông chảy qua, để lại bãi bờ đó những thảm phù sa tươi tốt cho nhân cách mọc lên. Nhân cách tạo lên ý chí. Trong chiến tranh ý chí của người lính quyết định đến sự thắng thua khi mặt đối mặt với nhau giữa đôi bờ chiến tuyến. Thế mà những người lính từng đóng giữ ở tiền đồn này chứa đầy một hồn thơ gặm nhấm khí phách cùng những bản nhạc phong bế can trường, thử hỏi còn đánh đấm gì nữa?

Thua là phải.

Mà sao không thua sớm đi, dai dẳng làm chi tới mấy chục năm cho dân thêm khổ, cho nước thêm nghèo, cho hận thù chất cao như núi!

Nhiều lúc Anh cũng tự bật cười trước những suy nghĩ nhuốm mầu “phản động” của mình. Vu là người nhiều lần quẳng vào mặt anh hai từ phản động. “Anh lắm lúc phản động bỏ mẹ. Em hiểu Anh, chứ cán bộ đại đội mà nghe được những điều anh nói, nó riềng cho anh thành phân”. Gần đây nhất, nhân dịp phát hiện ra hầm quân nhu, Vu đã nói với Anh như thế. Quả là khi thấy những xấp quần áo ngụy còn mới tinh, Anh đã nói ước gì mỗi thằng được phát một bộ lính trận của ngụy, mặc cái loại đó mới sướng, vải ra vải, may ra may, mặc vào lính ra lính, oách!

Đó từng là suy nghĩ thật của Anh, và chắc khối thằng cũng có ý nghĩ ấy. Nhưng Anh nói ra thì bị coi là phản động. Hai từ này nếu soi theo nghĩa triết học mà anh từng được học thì nó cao siêu và hay ho hơn nhiều. Nhưng người ta chỉ thích dùng nó theo cái nghĩa chính trị thuần túy, chính trị kiểu chuyên chính. Ừ thì thôi, đây là tiền đồn, là mặt trận, là sắp đánh nhau, là đầu rơi máu đổ, không nói chuyện triết học vớ vẩn nữa. Anh phải nhìn vào thực tế là mấy thứ mộng mơ tiểu tư sản đã làm nên cái nền tảng tâm hồn khiếp nhược của cả triệu quân ngụy nên chúng mới sụp đổ trước sức mạnh tổng hợp của quân đội cách mạng. Chả nên bâng khuâng làm gì trước những trang sổ tay sực mùi suy đồi ấy, rồi có ngày không chết vinh quang trước họng súng kẻ thù lại chết bởi viên đạn bọc đường từ một nền mĩ học sa đọa thì nguy.

Thế nhưng câu chuyện về hoa lòng hào đã loang khắp trung đội. Nhiều thằng dát ma, khi bị cắt gác tại khu hầm quân nhu, sợ đến té đái, tìm đủ mọi cách để xin chuyển vị trí. Cán bộ trung đội gọi anh lên nhắc nhở. Tưởng cũng bình thường thôi nhưng nghe chừng gân cốt của Anh cũng bị nắn cho ra trò. “Chúng tôi đang định làm thành tích xin cấp trên khen thưởng cho đồng chí về việc tìm ra hầm quân nhu của ngụy còn sót lại, nay đồng chí lại phịa ra cái chuyện ma quái này dọa anh em, việc khen phải đình lại, còn kỷ luật thì trong tầm tay, đại đội đang cân nhắc trường hợp của đồng chí đấy”.

Lời nhắc nhở ấy khiến Anh phải tình nguyện xin gác thay cho mấy thằng sợ ma vào ca đêm ở cái góc đồi mọc đầy hoa lòng hào ấy. Vu bảo: “Chắc cũng tại do em bép xép nên chuyện mới loang ra. Nhưng thôi, anh chịu khổ tí, vài hôm nữa mà không có chuyện gì thì mọi thứ cũng qua, thông cảm cho mấy thằng sợ ma anh ạ”.

Anh nhận gác ở nóc hầm quân nhu được hai đêm thì trên cho người đến chuyển hàng đi. Có hai nhóm đến lấy hàng. Nhóm thứ nhất khuân hàng ra địa điểm tập kết, nơi ô tô có thể vào được để đưa hàng về phía sau, nơi đóng sở chỉ huy trung đoàn. Nhóm thứ hai là bốn cô thanh niên xung phong, đến khuân hàng về nơi trú quân. Anh và Vu là người sắp sẵn hàng cho mấy cô gái này. Họ đều là người miền Nam, giọng nói ngọt ngào, ánh mắt thăm thẳm, mấy anh lính miền Bắc cứ là mềm nhũn cả người khi được loanh quanh phục vụ mấy cô nàng. Anh và Vu cõng hai thùng hàng nặng chịch ra tận bờ ruộng, nơi dẫn vào xóm Tân Lập cho các cô. Bốn cô cảm ơn rối rít rồi giục các anh quay trở về kẻo bị chỉ huy la. Cái từ “la” nghe cũng khoái hơn từ “mắng”. Mang tiếng vào đóng quân ở trong Nam nhưng mấy khi bọn Anh được tiếp xúc với dân Nam đâu. Giờ nghe các cô nói thứ giọng địa phương này, thấy sao mà đáng yêu thế. Vu còn mê các em ra mặt. Mang vác nặng, thở còn không xong, vậy mà Vu cứ nói liên hồi. Anh chỉ tủm tỉm cười, lặng lẽ đi theo, bao nhiêu mồm mép để cho Vu mượn hết. Vu hỏi tên, hỏi tuổi các em, rồi hỏi quê quán, đơn vị, nơi chốn đóng quân. Rúc ra rúc rích một đoạn đường, tới đầu bờ ruộng thì chia tay. Đưa tiễn thì chỉ thế thôi, nếu đi xa nữa, về muộn lại khó ăn nói với đơn vị. Nhìn mặt Vu lúc ấy, Anh biết Vu sẵn sàng vác đồ cho các cô về tới tận nhà.

Nhưng tiểu đội đang dở việc nên bọn Anh phải quay lại.

Tối hôm sau, Vu rủ Anh đến xóm Tân Lập chơi. Anh lưỡng lự: “Liệu có chai mặt quá không, mới gặp nhau có một tí, chưa kịp thân thiết gì?”. Không ngờ Vu bảo: “Sao lại chưa kịp thân thiết. Lúc chia tay, Gấm còn hẹn em là nhớ đến chơi mà”.

– Hay là mày rủ thằng khác đi? – Anh ngần ngại.

– Anh ăn nói văn hoa, gái nó mê, em mới cần, chứ mấy thằng khác đi chỉ hỏng việc. Với lại cái Hằng nó có vẻ thích anh đấy.

– Hằng là cô nào?

– Hằng là cô xinh nhất hội, buộc tóc hai ngoe ấy.

– Tao tưởng đó là cô Gấm?

– Không, Gấm là cái cô tóc ngắn, lúc chia tay ở bờ ruộng, cô ấy bảo em xuống hái hộ mấy bông hoa súng…

– À, nhớ rồi, cô Gấm xinh hơn chứ.

– Em chỉ thấy Gấm tươi tắn, trẻ trung và dễ gần hơn thôi. Chứ xinh thì không bằng cô Hằng. Cô Hằng là dân thành phố, có ăn có học hơn nên tính nết cũng tiểu thư hơn, có vẻ hợp với anh.

– Tao tưởng họ đều là dân thành phố?

– Đúng rồi, đơn vị thanh niên xung phong này là của Sài Gòn, họ lên đây phục vụ quân địa phương của họ là chính. Nhưng Hằng là dân nội thành, còn lại toàn ở các huyện ngoại thành. Dạng chém to kho mặn như em không hợp với cô Hằng. Cô ấy thích kiểu trí thức như anh. Khi nghe em bảo anh tốt nghiệp đại học rồi, em thấy cô ấy toàn liếc trộm anh…

Nghe Vu nói thế Anh cũng thấy thinh thích. Tối hôm ấy, chờ họp hành, kiểm điểm xong, hai đứa mò đi chơi. “Đi đến phiên gác, hai anh em mình về đổi ca luôn”, Vu bảo. “Mày định ăn vạ ở đấy hay sao mà tính đi đến ca gác. Cán bộ trung đội nó kiểm tra không thấy về trước chín rưỡi, nó quạt bỏ mẹ”. “Em hay có việc chạy lên đại đội báo cáo nên mấy ông ấy không để ý đâu, cứ đi cho thoải mái, lúc nào thích thì về”.

Hai thằng hào hứng ra đến chỗ bờ ruộng thì mới nhớ ra là không biết xóm Tân Lập ở đâu. “Gấm bảo cứ đi theo đường này, qua vài khúc ngoặt là tới”, Vu chỉ vào lối rẽ của bốn cô gái hôm trước bảo. Mấy khúc ngoặt là những khúc nào, tối như thế này, không cẩn thận sang mẹ nó bên kia biên giới thì chết. Anh cứ yên tâm, lính tráng như anh em mình lo gì lạc đường.

Nghe Vu nói vậy anh cũng vững tâm. Vu thủ sẵn chiếc đèn pin nên những lúc tối quá, lại lia vài đường sáng để xác định lối đi. Đi mãi mà toàn thấy ruộng là ruộng. Sáng hôm qua, nhìn theo bốn cô gái đi về phía mấy bụi tre, tưởng đó là xóm ấp rồi, nhưng hóa ra, sau đấy vẫn chỉ là những cánh đồng bỏ hoang. Dân vùng biên đã chạy hết về phía sau, bỏ lại ruộng đồng hoang hóa, nhìn quanh không thấy ngọn đèn nào, cứ thế này thì hết đêm có khi cũng chưa tìm ra xóm Tân Lập. “Ngu quá, biết thế em hỏi kỹ một tí thì giờ mình khỏi phải mày mò tìm đường giữa đêm hôm thế này”, Vu đứng lại, ngẩng mặt nhìn trời nói.

– Thôi cứ đi đi, đứng ở đây mãi thì hết mẹ nó đêm – Anh giục.

Hai thằng lại bám theo đường ruộng để đi. Đi mãi, lúc thì thấy đường nhánh, lúc thì thấy một quả đồi, lúc lại thấy mấy bụi điền thanh, nhưng chả thấy nhà cửa gì cả. Thế này là thế nào? Lạc mẹ nó đường rồi? “Gấm bảo tiểu đội của cô ấy ở xóm Tân Lập, gần một trận địa pháo. Nhiệm vụ của các cô ấy là đào hào bảo vệ và phục vụ trận địa pháo này chiến đấu mà”, Vu bảo. Nhưng bây giờ chả thấy mẹ gì, xung quanh trống trơn thế này, biết tìm xóm Tân Lập ở đâu?

Lại đi tiếp.

Lại đường ruộng và lại gặp một quả đồi nhỏ. Đến đây thì chán nản quá, Anh dừng lại vạch quần đái, rồi rút thuốc ra hút. Đang không biết phải tiếp tục đi như thế nào thì bỗng từ phía sau vạt đồi bốn năm ánh đèn pin ở đâu ra, rọi thẳng vào mặt hai thằng cùng tiếng quát hỏi mật khẩu vang lên. Chết cha rồi. Anh còn đang chưa biết xử trí thế nào thì Vu vội hô lớn: “Bọn tớ là lính Xê hai đây, đi lạc đường, các cậu cho hỏi thăm tí”. Cũng may là quân ta chứ lạc sang bên kia, gặp bọn K thì tiêu đời rồi. “Cầm giấy ra tay, giơ cao lên”. Tiếng quát từ phía sau ánh đèn pin dội lại. Anh và Vu vội rút chứng minh quân nhân ra, giơ lên. Có tiếng bước chân tiến lại gần trong khi mấy người cầm đèn vẫn ở xa rọi sáng về phía hai đứa. Một đồng đội có dáng người cao lớn giật tấm giấy trên tay anh đưa lên trước ánh đèn pin xem rồi hỏi: “Hai đồng chí định đi đâu?”. Vu đáp: “Chúng tôi đến xóm Tân Lập gặp tiểu đội thanh niên xung phong để hợp đồng công việc cho ngày mai”.

– Đây là trận địa pháo của Dê trực thuộc, các bố đi nhầm đường rồi, mà sao lại làm việc vào buổi tối, giờ này chị em nó đi ngủ lâu rồi.

– Bọn tôi đi từ sớm cơ, chả hiểu sao cứ lòng vòng mãi, không đến cũng không về được – Vu đối đáp.

– Thế thì bây giờ mấy bố đi đường này để về đơn vị là gần nhất.

Đồng đội cao lớn lia một vòng đèn pin rồi chỉ chỏ, hướng dẫn cách rẽ phải rẽ trái, đi lên, đi xuống… Nghe ra thì cũng có vẻ đơn giản, cứ như đi vài bước là về đến nhà. Vu gật gù nghi nhớ lời dặn dò xong, quay sang hỏi: “Thế còn xóm Tân Lập thì ở đâu?”.

– Kia kìa! – Đồng đội cao lớn lia một đường đèn pin để chỉ xóm Tân Lập.

– Đâu? – Vu kiễng chân lên vừa nhìn vừa hỏi lại.

Anh cũng cố căng mắt ra nhìn nhưng chả thấy xóm ấp nào cả.

– Đấy, mấy cái nhà nằm ở giữa ruộng ấy – Đồng đội pháo binh lại bảo.

– À, vâng vâng, cảm ơn đồng đội nhé!

Vu như đã hiểu ra điều gì đó, vội chào đồng đội pháo binh rồi kéo Anh đi. Hai đứa rẽ phải, rẽ trái được hai cua đường thì tới một cánh đồng rộng. Vu đứng lại, giọng hào hứng: “Anh em mình cứ đi trên đường ruộng mà không để ý dưới ruộng. Làm đếch gì còn xóm ấp nào nữa, tự dựng lên mấy cái nhà ở tạm thôi, và gọi là xóm cho oách. Anh em mình đúng là ngu quá”. Nói xong, Vu rẽ xuống đường nhánh, đi ra giữa ruộng, vừa lia đèn pin vừa gọi: “Gấm ơi, Hằng ơi… Ngủ chưa?”

Bỗng trước mắt Vu xuất hiện một người cầm súng chĩa về phía trước, và một giọng nữ cất lên: “Đứng lại, anh là ai, ở đâu tới, mật khẩu?”. Người này bước ra từ một cái chòi nằm tách khỏi khu nhà lá mà tiểu đội thanh niên xung phong đang ở. Hình như lúc trước Anh và Vu đã đi qua đây và Anh có nhìn thấy chiếc chòi này. Hóa ra nó là chiếc chòi mà các cô gái dùng để thay phiên nhau đứng gác. Còn cả đơn vị thì ở trong mấy căn nhà mái lá nằm kề giữa ruộng kia. Vu có vẻ như đã nhận ra người gác là một trong bốn cô gái hôm qua đến nhận hàng ở hầm quân nhu, liền khoa môi múa mép: “Bọn anh ở Xê hai đây, hôm qua đơn vị các em đến nhận hàng đấy. Gấm đâu em? Đến chơi với các em mà lạc đường, tí nữa thì đi thẳng sang bên kia biên giới. Đang là phiên gác của em à? Mọi người đã ngủ chưa em?”.

Ánh đèn pin được bật lên trong mấy căn lán, sau đó là đèn dầu khơi đồng loạt. Vậy là vui rồi, chị em còn chưa ngủ, chắc thấy có khách đến nên đang bảo nhau soạn sửa để đón tiếp. Gấm có mặt ngay sau đó, dẫn Anh và Vu vào thăm nơi ở của tiểu đội. Phải đi qua một cây cầu nhỏ được sắp bằng những thân tre mới vào được nhà. Xóm Tân Lập là đây sao? Nghe Vu kể lại chuyện bị lạc, Gấm và mấy cô bạn tỏ vẻ thích thú, cười rinh rích. Đất này của Tân Lập nhưng bà con đi hết rồi, làm gì còn nhà cửa xóm thôn gì nữa đâu mấy anh. Tụi em ở đây một tiểu đội. Mấy tiểu đội kia cũng ở rải rác quanh đây, nhưng chủ yếu là tự dựng lán lên mà ở thế này thôi. Mấy anh qua chơi, ở lại đây tụi em nấu mì ăn nha? Dạ, các anh đi ban ngày thì dễ kiếm hơn, tụi em cũng quên mất, không giải thích cho mấy anh hiểu. Dạ, các anh đến làm tụi em bất ngờ quá, cứ tưởng mấy anh quên tụi em rồi. Dạ, anh Vu bữa nay còn đau vai không, hôm qua bê cái hòm nặng thiệt là nặng, vất vả quá anh hén?

Ôi trời, cứ một “dạ”, hai “dạ” thế kia thì lạc đường thế chứ lạc nữa cũng đáng lắm. Sắn luộc xong được mang ra, các em vừa xuýt xoa thổi, vừa đưa tận tay cho “mấy anh” ăn xem củ mì trong này có ngon bằng ngoài đó không hè? Sao ở đây lại có cây đàn thế này? Dạ, đàn của chị Hằng đó mấy anh. Hằng biết chơi đàn à? Dạ, cũng biết chút chút anh! Thế thì hát bài gì cho vui đi? Dạ, mấy anh muốn ca bài gì? Bài gì cũng được. Mấy anh ca bài gì về Hà Nội đi? Thôi, hát tập thể cho vui.

Cứ thế, giọng Nam lẫn với giọng Bắc, chuyện từ miền này vắt qua miền kia, cuối cùng là hòa đồng theo mấy câu ca trong bài Cô gái Sài Gòn đi tải đạn. Hằng ôm cây ghi ta, đệm theo. Bài hát dài nên hầu như mỗi người chỉ thuộc một đoạn, riêng Hằng là thuộc cả bài. Cô gái vốn từng là giáo viên dạy nhạc bậc tiểu học này không chỉ đàn giỏi mà còn hát rất hay. Giọng Hằng trở nên cao vút khi vào điệp khúc: Hôm qua… hôm qua chưa hề vác nặng em chưa từng vượt suối qua bưng, em chưa từng giãi nắng dầm mưa. Hôm nay… hôm nay em là chiến sĩ, vai dạn dày vững vàng bước chân. Bài hát được hát đi hát lại đến cả chục lần mà ai nấy vẫn còn thấy háo hức, cứ muốn hát mãi không chịu dừng. Giữa lúc không khí văn nghệ đang bốc lên ngùn ngụt như thế thì Gấm bỗng đứng lên và nói bằng một giọng rất nghiêm trang: “Em phải nói điều này mấy anh thông cảm nghen, giờ đã hơn mười một giờ rồi, tụi em mà thức vui với mấy anh nữa thì mai mốt mấy anh mấy chị ở trên phê bình tụi em chết. Mấy anh biết chỗ rồi, bữa khác qua chơi với tụi em, bây giờ em phải cho chị em đi ngủ, mai còn khiêng hàng lên chốt. Riêng em có thể thức để nói chuyện với mấy anh nhưng anh em mình phải lên bờ, mấy anh thấy được không?”

Sững sờ và có phần hẫng hụt nhưng Gấm đã nói thế thì không nên nấn ná ở lại thêm làm gì. Anh và Vu chào mọi người ra về. Gấm nói nhỏ vào tai Hằng điều gì đấy, sau đó quay ra dẫn hai đứa bọn Anh lên bờ. Gấm đưa hai người qua chốt gác nơi bờ ruộng, lại đưa tiễn thêm một đoạn đường đất nữa rồi mới quay lại. Hai thằng Anh cũng nghĩ đến chuyện phải về đơn vị ngay vì sắp đến phiên đổi gác rồi. Anh nghe rõ tiếng bước chân nằng chình chịch của Vu ở bên cạnh. Nhưng bước đi được vài bước, Vu như chợt nhớ ra điều gì đó, bảo Anh đứng chờ rồi quay lại đuổi theo Gấm. Anh hút hết điếu thuốc vẫn chưa thấy Vu đâu. Anh không chờ nữa, tự tìm đường về. May là vừa kịp ca gác. Hết ca gác vẫn không thấy Vu về. Anh không quan tâm nữa, lên giường đi ngủ. Sáng hôm sau, khi còi báo tập thể dục buổi sáng, chạy ra chân đồi thì đã thấy Vu đang hô ở đấy rồi. Vậy là yên tâm. Khi vào bể nước đánh răng, Vu khẽ hích vào người Anh, nói nhỏ: “Em vừa về đến đây thì còi tập thể dục. May quá. Cuối tuần này mình lại qua đó chơi nhé. Gấm bảo sẽ nấu cơm cho anh em mình ăn. Mình cắt tiêu chuẩn mang sang đó ăn cùng chị em cho vui”.

Cuối tuần tức là chủ nhật.

Từ hôm ấy đến chủ nhật phải chờ tới ba ngày nữa.

Nhưng chưa đến chủ nhật thì cả tiểu đội thanh niên xung phong đã bị bọn K mò sang giết rồi.

Nhận được lệnh báo động, Anh và Vu cùng tiểu đội có mặt thì xóm Tân lập đã không còn một bóng người.

Chỉ còn những xác chết biến dạng nằm vương vãi trong mấy căn lán nhỏ giữa đồng không mông quạnh mà thôi.

Năm

Hóa ra đó là những con cừu.

Chúng chở Anh và Son Phấn đi hết khe núi dài, vượt mấy đoạn dốc ngắn, ngang qua vài nương hoa lòng hào, thì dừng lại trước một lâu đài đá.

Chủ nhân của những con cừu cởi bớt dây trói cho Anh và Son Phấn, chỉ  dùng một sợi dây da nhỏ, buộc cổ tay hai người lại với nhau. Họ dẫn hai người đi qua những khoảng sân, những thềm đá dốc, những gian nhà tối om, chật hẹp, đến một sàn đá rộng. Sàn đá như một lan can nhô ra từ tầng áp mái của tòa lâu đài, phía trên có mái tre bằng đồng, được nâng đỡ bởi những cột trụ vững chãi. Tại đây họ để hai người ngồi lại bên nhau. Không ai canh gác hay trông chừng. Dựa lưng vào cột đá nhìn xuống đám người xa lạ đang đi phía dưới sân, Anh thực sự cảm thấy lo lắng. Còn cô gái đi cùng Anh hầu như không biểu lộ cảm xúc gì trên khuôn mặt đã bắt đầu nhạt nhòa son phấn. Khi những con cừu đưa Anh vào lâu đài đá này, Anh cứ có cảm giác như mình lạc vào một pháo đài bỏ hoang thời trung cổ. Nhìn bên ngoài thì nhỏ nhưng vào bên trong mới thấy nó được thiết lập như một ngôi làng. Rất nhiều đường đi lối lại, rất nhiều gian nhà to nhỏ chồng lấn lên nhau, rất nhiều những bậc đá được xếp hình cầu thang xoắn ốc, và rất nhiều lều bạt giăng mắc khắp nơi. Ngôi nhà hay tòa lâu đài hay tòa thành, gọi nó là cái gì cũng đều có vẻ không đúng. Son Phấn thì bảo đây chỉ là một ngôi nhà của người Mã. Như vậy có nghĩa là còn nhiều những ngôi nhà như thế này nữa của người Mã? Phải, trong một ngôi nhà như thế này có thể có tới cả trăm hộ, họ sống với nhau như một đại gia đình. Vậy cái người chủ của đại gia đình bắt Anh và Son Phấn vào đây là ai, già hay trẻ, nam hay nữ, dữ dằn hay thân thiện, độc ác hay nhân ái? Son Phấn bảo, cứ từ từ rồi Anh sẽ biết. Đi du lịch mà Anh chả chịu khám phá những điều kỳ lạ gì cả.

Kỳ lạ ư?

Anh đã định nói một câu gì đó, độc địa và chua cay, nhưng rồi nén lại được.

Cũng bởi lúc ấy có một người Mã mang đến cho Anh và Son Phấn hai bộ quần áo. Đúng hơn là ai tấm áo choàng. Thế cũng quá tốt. Cái lạnh đang làm Anh sun hết các lỗ chân lông. Để mặc được những tấm áo choàng làm bằng da cừu đó, người Mã phải cởi trói cho Anh và Son Phấn. Sau khi khoác tấm da lên người, thắt đai lưng lại, Anh thấy cơ thể ấm lên rất nhanh. Rõ là cái loại da thú này giữ ấm rất tốt. Không đợi Anh mặc áo xong, người Mã bỏ đi luôn, không thèm trói Anh lại nữa. Được tự do chân tay, Anh đứng dậy lắc người cho khoan khoái rồi móc thuốc ra hút. Một lát sau, vẫn cái người Mã ấy quay lại, mang cho Anh và Son Phấn đồ ăn. Hai chiếc bánh to như hai cái đĩa, dày như phôi bánh ga tô, nướng vàng, thơm phức. Lại thêm một bình sữa nóng. Bánh được để trong túi da, thoạt trông hơi mất vệ sinh, nhưng ăn vào thì thấy rất ngon. Sữa đựng trong bình đồng, cốc cũng bằng đồng. Anh vừa ăn vừa uống. Sữa tươi mới vắt, uống vào là biết ngay, vẫn còn nóng và hơi hoi hoi. Nhồi thức ăn vào dạ dày đến đâu thấy nóng người lên đến đấy. Đúng là sống ở vùng đất rét mướt, lạnh giá, quanh năm không có ánh mặt trời như thế này, tộc người Mã đã rất biết tìm ra đồ ăn thức mặc để mà tồn tại. Vẫn người Mã ấy, còn quay lại lần nữa để mang cho Anh và Son Phấn một ôm cỏ khô. Son Phấn thấy ôm cỏ khô thì tỏ ra mừng rỡ. Cô nàng ngả mình lên đó, co người lại, lát sau đã thấy thở đều đều.

Anh ngó nhìn cái sự ngủ của người khác như người béo nhìn mỡ, thèm mà phải tỏ ra khinh bỉ. Anh đã không ngủ cả chục năm nay rồi. Người không ngủ thì thường hay nghĩ. Nghĩ nhiều mà không đâu ra đâu thì dễ thành điên loạn. Anh đã sắp trở nên điên loạn, vì thế mới chịu để thầy phù thủy đến trừ ma diệt tà, bắt bệnh cứu người. Bây giờ Anh đang làm theo lời ông ta, mò đến đất Nguyên Thủy này xem có cơ may tìm lại được giấc ngủ của mình không? Giấc ngủ vẫn chẳng thấy đâu, chỉ thấy quá nhiều những điều bực bội.

Có vẻ như lúc đó đang là buổi trưa. Sau khi Son Phấn ngủ xong một giấc dài, ngồi dậy chuyện trò với Anh một lúc thì sang chiều. Thời gian trong Cửa Núi chỉ áng chừng chứ không biết đâu mà xác định cho chính xác được. Đồng hồ trên tay Anh vẫn còn đó nhưng kim dài và kim ngắn không xê dịch, vẫn chỉ đúng những con số mà nó từng chỉ trước khi vào Cửa Núi. Gần tối thì một đoàn người Mã kéo đến. Có cả nam và nữ, cả người già và trẻ con, cả mấy thanh niên ra dáng chiến binh với giáp nhẹ, cung tên và bao kiếm. Tất cả bọn họ đều mũi lõ, mắt xanh, tóc bạch kim. Một người ra dáng thủ lĩnh, cao ráo, dáng đi hơi khòng, râu tóc rậm rạp, túi mắt chảy xệ, lộ rõ sức nặng của tuổi tác. Ông ta đeo một vương miện bằng đồng, lưng thắt đai da nạm đá quý, có mặt ngọc to như quả trứng gà ngay trước bụng. Họ nói với nhau rất nhiều nhưng bằng ngôn ngữ của người Mã nên Anh không hiểu. Họ rất muốn nói chuyện với Anh và Son Phấn nhưng không đồng ngôn ngữ nên bất lực. Có mấy người được đưa đến, chắc không phải người Mã mà thuộc những tộc người khác, để làm phiên dịch nhưng không ai trong số họ nói được tiếng nói của Anh và Son Phấn. Những người Mã quay ra bàn bạc với nhau rất lâu. Cuối cùng họ đi đến một quyết định mà Anh cảm nhận được là sẽ rất khủng khiếp.

Sau cái vẫy tay của vị thủ lĩnh già, mấy chiến binh liền tiến đến lôi Anh và Son Phấn đi. Họ dẫn hai người rời khỏi sàn đá có mái che bằng đồng, rồi cứ men theo các bậc thang hình trôn ốc đi xuống. Không phải quay ra phía cửa trước, cả đoàn người được dẫn xuống một cánh cửa đã mở sẵn, hướng ra khe núi đối diện với hông tòa lâu đài. Anh phát hiện ra, để vào được ngôi nhà đá khổng lồ này, có nhiều cổng khác nhau, cổng nào cũng to và rộng, có thể tiến cả đoàn người ngựa vào được. Đây đúng là kiểu nhà nửa lâu đài nửa pháo đài, chủ nhân của nó khi xây dựng đã tỏ ra rất chú ý đến việc phòng thủ trước những cuộc tấn công từ bên ngoài.

Lại qua những vạt đồi, những khe núi, những lòng thung, những cụm sa mộc, càng đi càng thấy phía sau tập trung thêm nhiều người Mã mới. Họ háo hức theo sau Anh và Son Phấn, như thể được nhìn thấy sinh thể lạ lạc vào đất Chúa vậy. Dọc đường Anh nhìn thấy nhiều ngôi nhà bằng đá nữa. Nếu đúng như Son Phấn nói, mỗi ngôi nhà như thế này là một đại gia đình chứa cả trăm hộ ở bên trong, thì sẽ có hộ giàu ở trong gian đá, cũng sẽ lại có hộ nghèo ở trong những căn lều da thú. Dấu vết thiên tạo lẫn với nhân tạo hiện lên rất rõ trong những ngôi nhà/lâu đài/ tòa thành vô cùng kiên cố này. Không biết bao nhiêu phần trăm là vách núi có sẵn, bao nhiêu phần trăm là kết quả đục khoét, chạm khắc của con người, và không biết chúng đã tồn tại được bao nhiêu năm hay bao bao nhiêu trăm năm rồi. Sức người bỏ ra cũng là ghê gớm so với sức hủy diệt của thời gian cho nên nhìn các tòa thành đá cứ thấy cũ kỹ, lạnh lẽo và hoang phế. Dọc đường đi Anh cũng nhìn thấy những vạt nương trồng hoa lòng hào được trồng rất nhiều bên những tán sa mộc. Hoa lòng hào ở đây không phải mọc tự nhiên mà được con người gieo trồng, chăm bón hẳn hoi. Chúng là thứ hoa để người Mã cắm chơi trong những gian nhà đá hay chúng còn có ích lợi gì nữa? Liệu có chuyện họ lấy hoa lòng hào làm rau ăn không nhỉ? Chắc là không thể. Anh tin thế.

Đi mãi rồi cũng đến cái chỗ họ muốn đưa Anh và Son Phấn đến. Đó là một ngôi nhà đá (Tất nhiên rồi, ở đây ngoài đá ra có vẻ như chẳng còn vật liệu xây dựng nào khác) nằm chơ vơ trên đỉnh đồi. Để vào được ngôi nhà này phải bước qua rất nhiều bậc thang bằng đá, xếp thoải theo triền đồi. Sa mộc mọc nhiều vô kể, có những cây cao tới cả trăm mét, thân to bằng một người ôm. Nếu nhìn từ những phía khác thì ngôi nhà nơi đỉnh đồi này sẽ bị che khuất bởi những tán sa mộc ken dày. Anh cứ cảm thấy có cái gì đó khang khác, cho đến khi bước đến bậc thang đá cuối cùng để chuẩn bị bước vào bên trong ngôi nhà thì Anh nhận ra đây là một ngôi nhà đặc biệt, hay gọi cho chính xác hơn, đây là một đền thờ. Và Anh có thể khẳng định chắc chắn rằng đền thờ này hoàn toàn được xây dựng bằng công sức của con người chứ không phải dựa vào những vách núi có sẵn từ thiên nhiên. Đền xây rộng rãi với những cột trụ bằng đá khổng lồ. Người Mã đã rất vĩ đại để đưa những phiến đá lớn lên đỉnh đồi, tạo ra một công trình tâm linh đáng kinh ngạc như thế này. Trụ đá, nền đá, tường đá, mái đá, các tượng thần đặt rải rác từ chân đồi lên đến đỉnh đồi cũng bằng đá. Bên trong đền rất thoáng đãng, không bày biện rối mắt như những đền, chùa, miếu mạo mà Anh từng đặt chân tới. Chính điện tọa lạc một bức tượng hình đầu người. Anh và Son Phấn được dẫn tới trước tượng đầu người thì phải quỳ xuống. Anh ngẩng lên nhìn và ước lượng tượng đầu người cao khoảng 5 mét. Nhìn đầu người có thể đoán đó là ông tổ của tộc người Mã. Cũng tóc xoăn, mũi lõ, cằm trẻ, râu quai nón. Riêng con mắt được khắc sống động với những nếp nhăn ở đuôi và mí, cho thấy tổ sư của người Mã cũng nhiều đăm chiêu, lắm nghĩ ngợi, chứ chẳng hồn nhiên mà thoát trần. Chiếc đầu người bằng đá được đặt trên một trụ đá hình vuông. Trụ đá ấy nhô lên khỏi mâm đá khoảng ba mươi phân. Mâm đá đặt cao hơn nền đá chừng nửa mét. Hai bên đầu đá mỗi bên có bốn chân nến bằng đá. Trên tường có nhiều lỗ cắm đuốc. Khi Anh và Son Phấn bước vào trong ngôi đền thì đèn đuốc đã được thắp sáng trưng rồi. Có hai chiến binh to lớn đứng trực sẵn hai bên tượng đầu đá, tay ôm đại đao sáng quắc. Cảnh tượng ấy cho thấy một  kết cục không mấy tốt đẹp đang đợi Anh ở phía trước. Tuy nhiên Anh vẫn luôn tự hỏi: Thế này là thế nào? Chẳng lẽ họ định giết Anh và Son Phấn?

Vị thủ lĩnh già đeo vương miện đồng tiến đến trước Anh và hỏi một câu gì đó. Anh trơ mắt ra nhìn, không biết trả lời ra sao? Son Phấn bảo, ông ấy hỏi lại lần cuối cùng, anh có phải là do thám của Su không? Thủ lĩnh già lại nói một tràng dài nữa. Son Phấn lại bảo, ông ta nói rằng, nếu anh không nói gì thì ông ta buộc phải tin rằng anh là do thám của Su, và như vậy thì ông ta buộc phải chém đầu anh trước Marcus vĩ đại. Vì sự tồn vong của quân đoàn hai nhăm, Anh có chết cũng đừng oán hận họ. Có Marcus vĩ đại làm chứng, họ chỉ ra tay vì sự sống còn của những người Mã cuối cùng!

Anh vừa khiếp sợ những điều từ miệng Son Phấn nói ra, lại vừa kinh ngạc trước cái sự bỗng dưng lại biết tiếng Mã của cô gái đang đứng bên cạnh Anh lúc này. Anh vội gào lên: “Thế thì cô hãy nói đi, rằng chúng ta không phải là do thám gì hết, cô định để họ chém chúng ta rồi mới nói sao?”.

Mặc Anh hoảng loạn trước cái chết đang đến gần, Son Phấn vẫn thản nhiên như không. Cô nhìn chăm chăm vào mắt vị thủ lĩnh già, như muốn nói rằng, tôi biết những điều ông nói rồi, bây giờ thì ông cứ việc làm điều mà ông muốn, còn chờ đợi gì nữa?

Sau cái phất tay của vị thủ lĩnh già, một đao phủ tiến đến định lôi Anh đi, nhưng Son Phấn đã đứng lên, có ý xin nhận được khai đao trước. Tên đao phủ đành phải lôi Son Phấn đến trước mâm đá, ấn đầu cô xuống. Khi tên này vén tóc cô sang một bên để lộ ra chiếc cổ thì hắn bỗng sững lại khi nhìn thấy vết chàm trên phần da sau gáy. Hắn cúi xuống sâu hơn, vạch lớp áo trong, nhìn kỹ vết chàm lần nữa trên người Son Phấn rồi vội buông cây đao xuống, chạy lại phía thủ lĩnh già. Họ trao đổi với nhau điều gì đó, ngắn gọn nhưng Anh thấy rõ ánh mắt ngạc nhiên và có phần mừng rỡ lóe lên dưới chân mày bạc của vị thủ lĩnh già. Ông đích thân tiến tới bên Son Phấn, vạch cổ áo cô ra xem. Rồi ông ngẩng mặt lên nhìn tượng đầu đá, lầm rầm những tiếng rất nhỏ, như cha đạo cầu kinh trước tượng Chúa. Rồi ông quay ra, phất tay áo, ban một mệnh lệnh. Anh không hiểu đó là mệnh lệnh gì nhưng tất cả những người Mã có mặt trong đền thờ lúc ấy đều bật lên tiếng hò reo sung sướng.

Mấy người Mã nãy giờ vẫn đứng sau vị thủ lĩnh già vội bước đến đỡ Anh và Son Phấn đứng dậy. Vị thủ lĩnh già tới trước mặt Son Phấn nói điều gì đó, kèm theo là động tác cúi đầu. Anh hiểu đó là hành động thành tâm nhận lỗi. Son Phấn cũng đáp lại vị thủ lĩnh già bằng một ngôn ngữ rất lạ. Kể từ lúc đó, Son Phấn giao tiếp một cách hết sức tự tin và thoải mái với những người Mã bằng ngôn ngữ của chính họ.

“Không phải, em không nói được tiếng của người Mã, em chỉ nghe và hiểu họ nói gì thôi”.

– Vậy cô nói với họ bằng thứ tiếng gì suốt từ lúc ở đền tượng đầu đá đến giờ?

– Tiếng Mụ – Son Phấn khẳng định chắc nịch với Anh như thế.

– Sao cô lại biết tiếng Mụ?

– Vì em là người Mụ.

– Sao ngay từ đâu cô không nói tiếng Mụ với họ?

– Họ có hỏi em bằng tiếng Mụ đâu?

– Tôi thấy họ mang tới mấy người phiên dịch cơ mà, không ai trong số đó nói tiếng Mụ sao?

– Không, họ nghĩ chúng ta là quân do thám của Su. Mà người Mụ thì không bao giờ là do thám của Su cả.

– Tại sao người Mụ lại không thể là quân do thám?

– Vì người Mụ đã cứu tổ tiên người Mã. Người Mụ chỉ có thể là ân nhân chứ không thể là kẻ thù.

– Vậy chúng ta đang ở đất nước của người Mã à?

– Không, đất nước người Mã ở đâu em không biết, cũng không có người Mụ nào biết, hình như họ ở rất xa, xa lắm. Đây chỉ là mảnh đất cưu mạng họ sau khi được người Mụ cứu.

– Họ là người La Mã à? Cô nói thật không đấy? Cô có biết là La Mã cách xa chúng ta như thế nào không? Họ có thiên di bằng cánh thì cũng không thể đến đây được.

– Em không biết. Từ xa xưa đến nay, tổ tiên em vẫn gọi họ là người Mã. Em cũng gọi họ là người Mã. Còn họ ở đâu đến, có phải là người La Mã như Anh nói không, em chịu.

– Tại sao họ lại có mặt ở đây?

– Vì họ đi theo Marcus vĩ đại của họ để chinh phục những vùng đất mới. Nhưng Marcus đã bị tử trận. Mười lăm quân đoàn của họ đã bị đánh cho tan tác. Quân đoàn hai nhăm bị truy đuổi đến đây và gặp được người Mụ. Họ được cứu sống và vĩnh viễn lưu lại trong khe núi này.

– Marcus là ai?

“Chuyện này người Mã kể cho Anh nghe thì sẽ rõ hơn, còn theo tổ tiên em truyền lại thì Marcus là người giàu nhất nước Mã. Ông đã bị cám dỗ bởi những vinh quang trong chiến tranh nên bất chấp sự ngăn cản của nghị viện, đưa mười lăm quân đoàn băng qua sa mạc Lưỡng Hà để xâm lược vùng Parth. Nhưng rồi trận Thị Trấn đã xảy ra và tướng Su đã lãnh đạo những chiến binh Parth đánh tan quân của Marcus”.

– Cô có biết mười lăm quân đoàn là một đội quân lớn thế nào không? Làm sao mà người Parth có thể chống lại được đội quân khổng lồ ấy?

“Đúng, đó là một đội quân khổng lồ, lại được dẫn dắt bởi Marcus vĩ đại nên sẽ bách chiến bách thắng. Chính suy nghĩ ngạo mạn đó đã làm nên thất bại của quân Mã ở trận Thị Trấn, từ đó đế quốc Mã chính thức suy tàn và bị chia ra thành nhiều vương quốc nhỏ”.

– Họ đã thua vì thời tiết hay địa hình không ủng hộ họ, chứ tôi nghĩ quân Parth không thể thiện chiến hơn quân Mã được?

“Em không biết Anh đang đề cao cái đội quân nào, nhưng theo câu chuyện mà em được biết thì họ đã thua vì họ yếu hơn trong tác chiến chứ không phải vì Chúa Trời muốn phạt họ. Mỗi quân đoàn khoảng hơn bốn ngàn quân. Nghe có vẻ to tát thế chứ mười lăm quân đoàn chưa đến bảy vạn quân. Nếu anh từng đọc sử nước ta thì chắc Anh biết chúng ta từng diệt năm vạn quân Xiêm chỉ trong một trận đánh cấp chiến thuật, còn hai mươi vạn quân Thanh cũng đã từng bị tiêu diệt chỉ trong một trận đánh cấp chiến dịch. Còn thực tế thì quân Mã mạnh về bộ binh nặng nhưng quân Parth lại giỏi về kỵ binh. Mang quân đến địa hình lạ với bộ binh cồng kềnh và chiến thuật không thích hợp thì thua là chuyện có thể hiểu được”.

– Thế nào là chiến thuật không thích hợp?

“Nếu triển khai thế trận theo kiểu truyền thống của quân đội Mã, tức là đội hình bộ binh ở trung tâm, kỵ binh ở hai bên cánh thì Marcus có thể sẽ cầm cự được lâu hơn, thậm chí chưa chắc đã thất bại. Nhưng ông lại bố trí quân Mã thành những khối rỗng hình vuông, mỗi bên được hình thành bởi mười hai đơn vị hợp thành quân đoàn. Điều này bảo vệ được lực lượng của ông khỏi bị rối loạn hàng ngũ, nhưng lại bị bó cứng lại, không cơ động nổi. Và kỵ binh của Su đã xuất hiện để làm mưa làm gió…”

– Quân Mã cũng có kỵ binh chứ?

“Trong số bảy vạn quân Mã có gần một vạn là kỵ binh. Nhưng trong số kỵ binh đó chỉ có khoảng một ngàn là thực sự thiện chiến, họ đều là những người xuất thân từ quê hương của Marcus vĩ đại. Nhưng một ngàn kỵ binh thiện chiến ấy lại cùng quân đoàn hai nhăm đi thực hiện một chiến thuật nghi binh. Vì thế khi trận Thị Trấn diễn ra, những chiến binh giỏi nhất của Marcus đã không cứu được chủ của mình. Kỵ binh của Su thì ngược lại, đều là những chiến binh dũng mãnh, sử dụng được nhiều vũ khí khác nhau, có thể ăn ngủ và làm tình trên lưng ngựa cả tháng trời không cần bước chân xuống đất. Su còn những đội quân bắn cung cực kỳ xuất sắc nữa. Đội quân này thường dùng những quả cầu rơm tẩm dầu lăn vào trại quân Mã rồi bắn lửa tới, tạo những cơn sóng lửa phá vỡ thế trận của đối phương. Với trận Thị Trấn, Su đã tiêu diệt và bắt sống gần như toàn bộ quân Mã mặc dù quân Parth chỉ bằng một phần ba quân của Marcus”.

– Rồi sao?

“Marcus vĩ đại xin đàm phán ngừng chiến nhưng Su không cho, cuối cùng người giàu nhất nước Mã, một vị tướng huyền thoại của đế quốc Mã đã chết trong cơn loạn chiến”.

– Còn quân đoàn hai nhăm thì sao?

“Quân đoàn hai nhăm tổn thất ít nhất vì là quân đoàn nghi binh, không phải lực lượng được điều động để tham gia trận Thị Trấn. Su đã không quan tâm đến bước tiến của quân đoàn nghi binh mà vẫn mở mặt trận chính ở Thị Trấn, để rồi sau đó đã điểm đúng huyệt của Marcus. Khi quân đoàn hai nhăm quay trở lại, tiến vào đại bản doanh để cứu Marcus thì vị chiến tướng ấy đã đầu lìa khỏi cổ. Những người lính của quân đoàn hai nhăm chỉ kịp dùng áo choàng quấn đầu của Marcus bỏ vào hòm rồi lập tức rút khỏi Thị Trấn”.

– Sao họ không quay trở về nước Mã?

“Thất bại của Marcus cũng chặn luôn đường về của những quân đoàn trung thành với ông ta. Nước Mã rơi vào nội chiến và phe đối lập với Marcus đã kịp ăn mừng chiến thắng sau khi chia hết của cải của người giàu nhất nước Mã cho những nghị viên tham lam. Quân đoàn hai nhăm chỉ còn biết tiến lên phía trước, bỏ xa Thị Trấn, bỏ xa vùng Parth ghê rợn, nhưng đi đến đâu cũng vẫn bị kỵ binh của Su truy kích”.

– Và họ đã đến đây?

“Đúng. Sau trận Thị Trấn, Parth nổi lên, trở thành một đế quốc mới. Các bộ tộc xung quanh vùng Parth đều quay đầu về thần phục. Vì thế quân Mã chạy đến đâu cũng bị đánh đuổi. Họ đã vượt qua những dãy núi cao, những đầm lầy rộng, những thảo nguyên bao la, để rồi gặp được người Mụ, và dừng chân tại khe núi này. Họ cũng không biết đường để trở về quê hương bản quán của mình nữa”.

– Thế nghĩa là họ đã ở đây từ lâu lắm rồi?

“Trăm năm, ngàn năm hay mấy ngàn năm gì đó, em cũng không biết nữa. Chỉ biết là họ đã ở đây rất lâu đời”.

– Vị thủ lĩnh già đeo vương miện đồng ấy là ai?

– Tốt nhất, anh hãy tự đi mà hỏi họ.

– Còn cô nữa, Son Phấn ạ, cô là ai?

– Em?

– Phải.

“Em là một người Mụ!”

Sáu

Vậy là bọn K đã mò sang xóm Tân Lập vào ban đêm và chúng tàn sát cả tiểu đội thanh niên xung phong một cách vô cùng dã man, chỉ trước chủ nhật đúng một ngày.

Sau này, mỗi khi có ai nhắc lại câu chuyện thảm khốc ấy, Anh thường gạt đi, không muốn nghĩ đến. Nhưng Anh biết, những hình ảnh mà Anh chứng kiến hôm đó không dễ gì xóa nhòa đi được. Nó ám lấy đầu óc Anh, hễ có dịp là lại hiện về bủa vây, bóp nghẹt lồng ngực tưởng đã bê tông hóa trước vô vàn những biến cố của cuộc đời.

Thoạt tiên là Hằng. Cô bị cắt đứt cuống họng, chết trong tư thế ngồi, tay buông thõng, hai gối chạm vào nhau, đầu gác lên thanh tre dùng để gá các tấm liếp. Ngay bên cạnh, chiếc đàn ghi ta bị dẫm bẹp, đứt tung dây, nằm quay lơ như người bạn chủng thủy, luôn theo Hằng cho đến lúc chết. Đêm ấy là phiên gác của Hằng. Cô đã vi phạm nguyên tắc của một người cảnh giới, tức là không được làm việc riêng và không được để lộ mình trước đối phương. Bọn K phát hiện ra cô ở chòi gác có lẽ là vì tiếng đàn ghi ta lảnh lót trong đêm vắng. Chúng đã bí mật bò đến và ra tay với cô bằng dao. Khi cầm đàn thì cô không thể cầm súng, và tiếng đàn tắt lịm cũng là lúc hơi thở trong cô bị cắt đứt. Giết được người gác cho cả tiểu đội rồi, bọn K tập trung lực lượng tấn công mười cô gái còn lại đang ngủ say trong lán trại. Có dấu vết vật lộn nhưng sự kháng cự là yếu ớt vì cả khu lán trại không vương lại một vỏ đạn nào. Như thế có nghĩa là Gấm và những đồng đội của cô không kịp bắn một phát súng để báo hiệu cho những đơn vị xung quanh đến cứu. Bọn K cũng cố ý không dùng đến tiếng nổ để có nhiều thời gian hơn cho việc thỏa mãn cơn hứng thú giết người. Chắc chắn chúng không hề vội vã sau khi đã hoàn toàn chế ngự được những cô gái chân yếu tay mềm này. Cứ nhìn tư thế của chục cái xác rải khắp khu đồng trống, đủ biết bọn K đã tàn bạo ra sao sau khi hạ sát đối thủ. Có cái xác chúng cắt vú, có cái xác chúng cắt mũi, có cái xác bị xẻo môi, có cái xác chúng mổ bụng… Chưa kể việc vật lộn, chống cự của các cô gái khiến cho dao kéo vung lên không có mắt, cắt cứa tất cả những gì là da thịt chạm vào ánh thép sắc lạnh trong đêm đen. Khi đặt những bước chân đầu tiên vào khu lán trại, chân Anh dẫm phải một vật gì đó như là cành củi khô. Anh cúi xuống và kinh hoàng nhận ra đó là ba ngón tay bết máu bị chém lìa khỏi bàn tay. Sau này, bọn Anh còn phải đi dò tìm khắp mấy căn lán, khắp khu đồng trống để nhặt nhạnh những mẩu thịt vung vãi, mang về trả lại cho các thân xác trước khi khâm liệm. Nhiều lần cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng khi Anh khẽ nhặt lên một đoạn tóc, một mảng da đầu, một cánh tay, một ống chân, một con mắt, một mẩu môi, một vành tai, một chóp mũi, một đầu vú, một mảnh mông… Không một thân xác nào còn nguyên vẹn. Không một thân xác nào còn sót lại trên người một mảnh quần áo, trừ Hằng. Có lẽ sau khi nhanh chóng hạ gục chốt gác quan trọng, bọn K mải ra tay với chục chị em còn lại trong lán nên đã quên mất Hằng. Mấy căn lán đã biến thành cái lò sát sinh cho lũ K thỏa sức làm công việc của những tên đồ tể. Sau khi làm tình làm tội với những cái xác vô hồn, bọn K mang rải cốt nhục chị em lên mặt ruộng, phơi bày một thảm cảnh rùng rợn trên diện rộng. Anh cùng Vu cố kìm những tiếng nấc uất hận, nâng niu từng mảnh xác, khẽ khàng đặt ngay ngắn thân thể các em trên đường ruộng. Cả trung đội được huy động ra để dọn xác. Tổng đội cũng điều lên một tiểu đội nữ để cùng làm với các Anh. Quân y trung đoàn có mặt sớm nhất. Mọi người được trang bị bao tay da và khẩu trang. Hầu hết đều nôn khi nhìn thấy xác người đầu tiên. Chỉ có Vu là không nôn, cũng không tỏ ra ngần ngại khi tiếp xúc với xác chết. Vu còn tháo cả khẩu trang và bao tay ra để dễ làm việc.

Ai cũng tỏ ra khẩn trương và lặng lẽ với công việc quá ư cọ xát thần kinh này. Không một lời trao đổi, những suy nghĩ thầm kín chỉ được thả lên trời, để gió đưa đi khắp cánh đồng. Gió hôm ấy thổi rất mạnh. Nhưng không xua đi được không khí nặng nề đang lơ lửng trên đầu mỗi người. Anh luôn đi bên cạnh Vu. Cả hai rất muốn nói một câu gì đó nhưng lại không thể mở lời, cứ lảng ánh mắt đi như sợ người khác nhìn thấy. Được cái xác nào, tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo xong thì quấn lại trong những chiếc pông sô (poncho) cho kín đáo. Cả chục thi thể được để sẵn lên cáng, chờ đông đủ sẽ đồng loạt khênh ra xe, chuyển về tổng đội. Có những cái xác nằm thẳng ra được, có những cái xác phải bóp rượu mãi mới duỗi ra, chịu mặc những bộ quân phục mới tinh mang từ tổng đội lên. Chính Anh là người đề nghị nên quấn thêm cho các em một lớp pông sô nữa vì người ngợm các em có còn nguyên vẹn đâu mà mặc quần áo, khi vận chuyển sẽ rất khó khăn. Pông sô ở trong hầm quân nhu còn rất nhiều, sau mấy lần chuyển hàng đi vẫn chưa hết, trên để lại cho trung đội tùy ý sử dụng. Khi quấn Hằng vào pông sô Anh đã không quên đặt cây đàn vỡ vào trong đó. Sống làm cô giáo dạy nhạc, chết hãy tiếp tục làm cô giáo dạy nhạc cho thế giới bên kia khỏi buồn tẻ em ạ. Anh thầm nói với Hằng thế.

Chục bộ thi thể đã được yên nghỉ trong những tấm pông sô rồi nhưng Anh và Vu vẫn không ngừng tìm kiếm. Vì cái xác thứ mười một, xác của Gấm, vẫn chưa tìm thấy đầu. Gấm là người phải chịu sự hành xác ghê rợn nhất từ bọn K. Cơ thể Gấm hầu như không còn nguyên vẹn, đã đành, nhưng Gấm cũng là người duy nhất bị bọn K cắt đầu. Xác Gấm được vứt ngay gần lán trại, trong một tư thế như con ếch nằm ngửa, cửa mình bị cắm một củ sắn (mà em vẫn gọi là củ mì). Vu là người đầu tiên nhận ra Gấm. Trong khi Anh không ngừng ôm bụng để chống lại những cơn cuộn khủng khiếp trong người thì Vu đã ôm lấy Gấm, bế xốc lên, chạy lại chỗ mấy chị em bên tổng đội. Vu câm lặng quỳ bên xác Gấm, một lúc sau mới đứng lên, cùng mọi người tiếp tục tìm kiếm những thân xác còn lại. Khi tất cả được tìm về đầy đủ, ai nấy đứng thở dốc, riêng Vu vẫn lùng sục các hốc ruộng xem đầu Gấm ở đâu. Cũng may là ruộng cạn nên việc nhặt nhạnh những mảnh thịt rơi vãi không khó nhọc lắm. Nhưng tại sao lại không thấy đầu Gấm? Hay là bọn K đã mang đầu nữ tiểu đội trưởng về bên kia biên giới để báo công lĩnh thưởng? Anh chạy tới chỗ Vu, kéo tay cậu ta lại, bảo: “Nghỉ một tí đi, hãy nghĩ xem bọn nó có thể mang cái đầu ấy đi đâu?”. Mắt Vu vằn đỏ: “Anh có thấy tay Gấm còn giữ chặt một nắm tóc không?”.

– Tao không để ý.

– Chắc chắn Gấm là người chống trả bọn nó quyết liệt nhất. Có khả năng Gấm đã gây thương tích cho bọn K. Tóc trong tay cô ấy là tóc bọn K. Vì thế, Gấm là người bị tàn sát dã man nhất.

Vu móc trong túi ra nhúm tóc đã được gói lại trong chiếc khẩu trang, giơ lên trước mặt Anh và bảo: “Tóc ngắn, còn dính nguyên cả mảng da đầu, của bọn K đấy, em sẽ giữ lại để luôn nhắc mình phải trả thù cho Gấm”.

Lại một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng Anh. Chuyện trả thù tính sau, bây giờ phải nghĩ xem đầu Gấm đang ở đâu đã, Anh quay sang nói với Vu: “Tao nghĩ bọn K không vứt đầu Gấm ở khu ruộng này đâu”.

– Vậy chúng nó đưa đi đâu?

– Nếu không đưa về bên kia biên giới thì bọn nó phải đặt ở một nơi gây ấn tượng mạnh cho những ai nhìn thấy.

– Nơi ấy là nơi nào, anh nói ra đi, cứ lẩm bẩm như làm thơ thế, mệt bỏ mẹ.

– Từ từ, thì tao đang nghĩ. Khi vào đây, mọi người đều đi xuôi, xong đâu đấy, mọi người sẽ đi ngược. Đi vào thì thấy hết rồi, còn quay trở ra thì sao? Quay trở ra sẽ gặp một bụi tre. Bụi tre. Đúng rồi, thử đến đấy tìm xem có không?

Anh nói chưa hết câu, Vu đã lao lên bờ, chạy một mạch đến bụi tre, nơi bọn Anh từng nghĩ đó là bờ lũy đầu tiên của làng Tân Lập. Anh cũng rời mặt ruộng, đuổi theo Vu đến đứt cả hơi. Tất cả những người có mặt ở đó đều ngạc nhiên nhìn theo Anh và Vu, không hiểu hai thằng phát hiện ra điều gì mà chạy như điên như dại thế? Đúng như Anh dự đoán, chạy đến gần bụi tre hai đầu gối Vu khuỵu xuống. Phía trước, ngay chính giữa bụi tre, đầu Gấm được cắm vào một ngọn măng mới nhú, xoay mặt về phía Anh. Vu không đứng dậy nổi, từ từ gục đầu lên hai gối, khi Anh đến bên thì người Vu giật lên từng cơn, phát ra những tiếng nấc liên hồi. Anh nhìn trừng trừng vào chỗ bụi tre. Mặt Gấm đã biến dạng nhưng mái tóc cắt ngắn thì không thay đổi.

Gấm đã chết không chỉ một lần!

Và bọn K cũng đã giết Gấm không chỉ một lần!

Chúng đã nghĩ đến chuyện cả đoàn người sẽ quay trở ra đoạn đường này, và chiếc đầu của Gấm sẽ là hình ảnh khủng khiếp cuối cùng, gieo nỗi ám ảnh kinh hoàng lên đồng đội của cô. Mái tóc ngắn tạo vẻ đẹp trẻ trung, cá tính của Gấm bây giờ bết lại, ốp vào đầu cô những mảng máu đông, thâm tím. Anh cúi xuống xốc Vu lên, nhưng Vu bỗng chồm ra khỏi tay Anh, lao đến bụi tre. Thoáng  trong mắt Anh là một sợi dây phía dưới đầu Gấm lắt lay trong gió. Một ý nghĩ vụt đến rất nhanh trong đầu, Anh vội hét lên:

– Dừng lại, Vu, có mìn!

Vu đứng khựng lại. Đúng lúc đó có thêm nhiều đồng đội chạy đến. Anh thận trọng tiến sát lại bụi tre và xác định sợi dây từ đầu Gấm được nối với một chùm lựu đạn. Trung đội trưởng cũng đã có mặt. Anh ta lệnh cho mọi người lùi ra xa rồi trực tiếp tiến vào tháo chùm lựu đạn. Bọn K mò sang cắn trộm vào ban đêm nên không mang theo mìn, chúng chỉ buộc sơ sài mấy quả lựu đạn rồi giấu dối dá trong bụi tre. Với kinh nghiệm lính cựu của mình, trung đội trưởng vô hiệu hóa mấy quả nổ đó một cách đơn giản. Khi đầu Gấm được gỡ ra, tưởng Vu sẽ đỡ lấy, nhưng Vu đã bỏ ra bờ ruộng gần đó ngồi ôm mặt, ủ rũ như bị rút hết sinh khí. Anh cùng mấy người bên tổng đội mang chiếc đầu về đặt bên thi thể Gấm. Vậy là thân xác cuối cùng đã được lắp ghép đầy đủ. Cả trung đội lập tức chia nhau khênh mười một cáng tử sĩ về tuyến sau. Bàn giao cho tổng đội xong, Anh cùng mọi người lập tức quay về đơn vị họp rút kinh nghiệm. Không thấy có mặt Vu. Cả ngày hôm sau cũng không thấy Vu đâu. Vu đã theo xe về sở chỉ huy tổng đội, ở lại đấy dự lễ truy điệu mười một nữ thanh niên xung phong rồi tận tay đưa các em vào nằm yên nghỉ trong nghĩa trang. Vu vắng mặt ở đơn vị hai ngày. Khi Vu quay về thì tình hình biên giới đã có những xáo trộn, không khí đánh nhau bao trùm, toàn tuyến vô cùng căng thẳng. Đơn vị cũng không còn ở tập trung như trước nữa. Nhiều tổ công tác được tung ra nằm sát đường biên. Các chốt nhỏ mọc lên để chặn bọn K sang đánh lén. Anh cùng hai chiến sĩ nữa hợp thành một tổ đi phục bọn K ở ngay bên rìa con đường mòn. Được đêm thứ nhất bình yên. Từ đêm thứ hai trở đi thì trời mưa. Mưa xuống, vùng biên trở nên nguy hiểm hơn. Mưa xuống, việc đi phục của các tổ đội cũng trở nên khổ cực hơn. Mưa xuống, con người ta thu mình lại trong co ro và cảm thấy cô độc khủng khiếp. Làm thằng lính trấn ải lưu đồn mà thấy cô độc tức là đang tự đánh mất đi sức mạnh của mình. Thiếu lửa, thiếu hơi ấm, thiếu cơm, thiếu cả những buổi sinh hoạt kiểm điểm nhau. Chỉ còn đầu bù tóc rối và những con mắt đỏ ngầu, hắt ánh nhìn mệt mỏi pha lẫn hờn căm sang bên kia biên giới. Tin xấu vẫn liên tục được mang tới. Cứ một hai tuần, các tổ trưởng lại được triệu tập để nhận thông báo khẩn về việc bọn K mò sang quấy phá. Sau vụ Tân Lập, chúng tiếp tục lẻn sang giết một nhóm sơn tràng ở cánh rừng phía tây đơn vị. Tiếp đó chúng lại tàn sát bảy hộ dân cư gần lòng hồ phía đông. Đây là những hộ dân làm nghề đánh cá trên sông nước, gắn bó với lòng hồ, chưa chịu rời đi dù biết tình hình biên giới gần đây không yên. Tiếp đó chúng lại chặn đánh một tiểu đội thanh niên xung phong đang nghỉ giải lao sau khi chuyển hàng lên trận địa pháo. Đỉnh điểm của sự liều lĩnh là chúng đã tấn công một chốt nhỏ, bắn chết hai bộ đội và bắt một đồng chí mang về biên kia biên giới. Chưa hết, tin quân báo trên sư đoàn còn cho biết, đã thấy có dấu hiệu chúng muốn đánh lớn và lần này mục tiêu của chúng là sở chỉ huy các đại đội, tiểu đoàn trở lên.

Nóng ruột như lửa đốt. Thù hận dâng cao đến nghẹt thở. Nhưng không hiểu sao quân ta vẫn không đụng độ bọn K. Chả lẽ chúng thuộc đất đai của ta hơn chính ta hay sao? Liệu chúng có do thám dẫn đường? Chúng luồn lách bằng cách nào mà lại lọt qua những tổ chốt như thiên la địa võng để vào sâu trong đất ta mà giết chóc, phá phách như chốn không người vậy? Chính đồng chí đại đội trưởng đã hỏi câu này và nhìn xuống các tổ trưởng như chờ đợi câu trả lời. Anh mang câu hỏi ấy trong đầu, về chốt nằm nghĩ mãi, lật lên xới lại vẫn không tìm ra câu trả lời. Chẳng lẽ chúng nó mọc cánh bay qua đường biên? Hay chúng được máy bay đưa vào sâu trong nội địa rồi nhảy dù xuống đánh ta từ phía sau lưng? Hay chúng học được phép độn thổ, kiểu như đặc công ta vẫn từng đánh Mĩ? Không thể! Vậy thì loại trừ các khả năng đó ra, hãy nhìn nhận lại cách bày binh bố trận của ta xem thế nào? Các tổ đội của ta được bố trí quanh các đường mòn, các khe cạn, các mỏm đồi. Bố trí như thế ta nắm được lợi thế và gần như khóa chặt các tử lộ nếu bọn K dẫn xác vào. Nhưng thử đặt Anh là bọn K thì Anh sẽ xử trí ra sao? Rõ ràng Anh phải chọn lối đi khác, nơi mà các tổ đội của ta không ngờ tới. Chỗ nào không ngờ tới? Bỏ đường suối, cứ theo những đỉnh đồi mà đi chăng? Không được, có thể qua được một đỉnh, hai đỉnh chứ không thể qua được hết các đỉnh đồi, vì những ngọn đồi cao nhất, có khả năng án ngữ tốt nhất, ta đều đặt vị trí đóng quân cả. Không theo đường mòn, cứ đường rừng rậm mà đi chăng? Như thế có thể qua được vài khu rừng nhưng cũng sẽ không làm gì được, muốn áp sát mục tiêu, nhất định phải ra khỏi rừng, mà ra khỏi rừng thì phải theo đường mòn, như thế sẽ chạm mặt các tổ đi phục. Anh lắc đầu, câu trả lời không thể nằm ở đấy. Khả năng cuối cùng, không đi đường trên cạn mà đi theo mặt nước chăng? Lúc này đang là mùa mưa. Ruộng đồng, các thung lũng đầy nước, cứ bám theo mặt nước mà len lỏi vào sâu trong đất ta, tiến sát tới mục tiêu, ra tay chớp nhoáng rồi chuồn về thì sao nhỉ? Anh đưa tay lên vỗ bộp vào đầu. Đúng rồi. Ta lấy mặt nước làm lợi thế thiên nhiên ngăn chân địch. Hầu như không có tổ đội nào quay súng ra hướng mặt nước cả. Vậy thì bọn chó K sẽ chọn hướng mà chúng ta không đề phòng để mò vào sau lưng ta. Chính Anh và Vu khi đi tìm xóm Tân Lập cũng đã không để ý đến mặt ruộng. Đích thị là nó rồi. Chính mặt ruộng kia là con đường dẫn giặc vào nhà. Sao Anh không nghĩ ra điều này nhỉ? Bây giờ, các tổ đội hãy chia ra, một nửa trông chừng trên cạn, một nửa chống mắt ngó xuống nước, thử xem còn thằng K nào lọt được vào đất ta nữa không?

Anh đã băng mình trong đêm, chạy về nhà chỉ huy đại đội, trình bày câu trả lời của mình trước Xê trưởng. Vị đại trưởng vốn là lính tái ngũ khẽ gật đầu và bảo: “Cậu sẽ ngâm mình trong nước vào mùa mưa như thế này chứ?”. Anh ưỡn ngực lên đáp: “Đại trưởng cứ giao nhiệm vụ này cho tiểu đội của em. Em với Vu sẽ dàn anh em ra trên khu ruộng trống dưới chân trận địa pháo. Án ngữ được hướng ấy, đảm bảo tiền đồn của tiểu đoàn ta sẽ an toàn”.

Nhưng khi ngồi bàn với Vu về việc lập tổ chốt chặn địch trên nước thì một câu hỏi lại được đặt ra: “Anh em sẽ chôn mình trong nước được bao lâu?”. Ban ngày thì có thể yên tâm nằm trên bờ quan sát cả một khu vực rộng lớn, bọn K xuất hiện là nhìn ra ngay. Còn ban đêm, muốn phục được bọn K thì phải vùi mình trong nước, súng sẵn trong tay, thấy nó xuất hiện là diệt. Cứ cho là bó mình trong bao ni lông, vùi xuống nước nửa thân mình, chờ đợi, nhưng điều kiện chiến đấu như thế, liệu có đánh nhau được không? Súng đạn để đâu, tư thế bắn thế nào, triển khai đội hình ra sao?

Nhìn cái mặt Vu anh lại chợt nhớ đến hôm Vu từ đám tang tập thể của các nữ thanh niên xung phong trở về. Khi ấy Anh đang chờ phân công để dẫn tổ tam tam đi phục. Anh băn khoăn không biết có nên cho cuốn sổ của tên lính ngụy vào ba lô không, để lại đơn vị sợ có ai phát hiện ra, quy cho Anh cái tội tàng trữ văn hóa phẩm độc hại thì nguy. Chính khi ấy Vu bước vào. Vu tưởng Anh đang ghi nhật ký, liền hỏi:

– Anh đang ghi lại cái buổi hãi hùng hôm nọ à?

Anh ậm ừ:

– Không, đang đọc lại mấy thứ linh tinh thôi…

Vu bỗng tiến tới bảo:

– Anh đưa em đọc với. Anh phải ghi lại cho kỹ vào, không được bỏ sót một cái gì. Để mà nhớ lấy mối thù này.

Anh vội úp cuốn sổ vào ngực, lấp liếm:

– Được rồi, được rồi, nhưng đây là nhật ký, chuyện riêng tư, không đọc được…

Không ngờ Vu cứ lao vào giật bằng được cuốn sổ trong tay Anh. Lúc ấy, Anh nghĩ rằng nếu Vu có đọc được những gì ghi trong cuốn sổ thì cũng chẳng sao. Anh hiểu Vu, Anh có thể giải thích cho Vu và Anh tin là Vu sẽ nghe theo Anh, sẽ nghĩ rằng cuốn sổ ấy không có gì độc hại cả. Vu cầm cuốn sổ, ngồi xuống đầu giường và lật từng trang ra đọc. Bất ngờ, Vu vùng đứng dậy, quắc mắt nhìn Anh, giọng đanh lại:

– Hóa ra trong lúc mọi người đang đau đớn vì đồng đội bị giết thì anh lại ngồi đây đọc cái thứ thơ văn phản động này. Trước đây bọn chúng nó từng mách tôi là anh giữ nhiều thơ văn của ngụy nhưng tôi không tin. Bây giờ thì tôi biết là anh còn có nguyên cả một cuốn sổ của mấy thằng lính ngụy bỏ lại nữa. Anh kiếm nó ở đâu ra vậy? Anh đọc những thứ này thì anh còn đánh đấm được nữa không? Anh có thấy mọi người chết thảm như thế nào không? Tôi đéo còn tin gì ở anh nữa. Anh làm tôi sôi máu rồi đấy. Tôi chỉ muốn đánh nhau với anh thôi. Nhưng như thế không hay. Tôi đang cố ghìm mình đây. Từ nay tôi với anh đéo còn đồng chí đồng đội gì nữa…

Anh ngồi đơ người trước một đống ngôn từ rát rạt ném ra từ cái miệng giận dữ của Vu. Chưa bao giờ Anh thấy Vu nổi đóa lên như thế. Vu cũng đã chuyển đại từ nhân xưng từ “em” sang “tôi”, và tuyên bố dứt khoát là “đéo còn đồng chí đồng đội gì” với Anh nữa. Rồi như để tránh một cuộc đụng độ không thể không nổ ra, Vu đứng dậy xé đôi cuốn sổ, vứt sang hai bên, thậm thịch bỏ ra khỏi lô cốt. Vừa khi ấy liên lạc của đại trưởng xuống gọi Anh lên nhận nhiệm vụ. Anh vội nhặt những mảnh rời của cuốn sổ, đút vào ba lô, lên nhà đại đội dẫn tổ tam tam đi ra đường biên nằm phục. Từ hôm ấy Anh không gặp mặt Vu nữa. Những lần về họp tổ trưởng, Vu toàn ngồi trước Anh, xong việc là biến đâu mất, coi như không hề có Anh trên đời này.

Vu không biết rằng, chính chỗ Vu xé đôi cuốn sổ, là trang ghi chép về pông sô rất hay. Anh không biết đó là tâm sự của người lính ngụy hay hắn ta chép ra từ một bài tùy bút nào đó, nhưng những tấm áo mưa tầm thường của người lính trận đã được miêu tả như một hình tượng văn học đầy ám ảnh. Trong những ngày nằm ở cái chốt tự tạo cho tổ ba người, chờ bọn K tới, Anh đã đọc đi đọc lại trang sổ ấy.

Bất cứ ai đã một thời ca bài “Ta đi tòng quân” đều không thể nào quên được đời lính. Trong đời lính, dù là lính già hay lính trẻ đều mặc bộ đồ trận, vui buồn theo tiếng kèn đồng đếm nhịp thời gian. Và một trong những món hành trang cần thiết thân yêu của người lính ngoài cây súng nhân tình, phải kể đến thành phần quân dụng này: Chiếc Poncho. Nhà binh gọi là “Pông Sô”.

Poncho lớn bằng chiếc chiếu, mầu xanh cứt ngựa, làm bằng vải pha nylon, gọi là vải ngụy trang, bốn cạnh chung quanh có lỗ, có khuy bấm bằng sắt. Chính giữa có một lỗ chui đầu làm thành cái mũ che, có giây buộc đàng hoàng.

Poncho có công dụng chính là làm cái áo đi mưa. Khi trời bắt đầu nổi cơn mưa gió, người lính chỉ việc mở chiếc Poncho ra chui đầu vào giữa, đội nón là xong. Phần còn lại của Poncho nó lùng tùng xòe quanh cổ, quanh vai, quanh người che chở từ súng đạn đến ba-lô rất ư kín đáo an toàn.

Poncho giản dị, đơn sơ nhưng lại có rất nhiều công dụng. Ðến ngay người sáng chế ra nó cũng không thể nào ngờ rằng Poncho được dùng trong nhiều việc như thế.

Poncho mắc vào cành cây có thể làm chỗ che nắng che mưa khi canh gác một mình. Với hai chiếc Poncho ghép lại có thể thành một cái lều cho hai quân nhân tá túc. Với bốn hoặc sáu, hoặc tám, hoặc mười Poncho, dùng cọc dã chiến nối lại cho dài, dùng dây ghép cho kín là có một cái lều cho cả tiểu đội, nom rất ngon lành.

Khi quân ta sang sông trong một chiều hành quân, Poncho có công dụng như phép lạ. Nếu không có chuyến đò vĩ tuyến chuyển quân, nếu không có dây đu bắc ngang dòng nước ngược, nếu không có chiếc cầu khỉ, cầu treo nối hai đầu khe rộng… thì nhất định người chiến sĩ phải dùng đến chiếc Poncho làm phao di chuyển. Mở rộng chiếc Poncho ra, túm chặt lỗ chui đầu lại, bao nhiêu ba lô đạn dược tập trung vào đó. Xong bỏ vài cành cây khô cho cồng kềnh, gấp Poncho lại theo kỹ thuật nhà binh làm sao cho kín mít, nước không lọt, thắt dây xong là Poncho chẳng khác gì một chiếc phao. Thả Poncho xuống nước, gác súng trên Poncho, người lính ôm cái phao cá nhân tà tà sang sông, nhìn rất chi là đẹp mắt.

Ngoài công dụng che nắng che mưa, làm phao nổi, lều cá nhân, lều tập thể, Poncho còn dùng làm chiếu, làm nệm, có khi làm võng.

Trong các trại gia binh, anh em ở dưới mái nhà tôn nóng như lò bánh mì thì lại có sáng kiến dùng Poncho làm trần làm vách cho vợ con đỡ được đôi ba phần nắng nôi gió máy.

Còn các cấp chỉ huy ở nhà gạch, mái ngói không cần đến Poncho làm trần nhưng nhiều vị có sáng kiến lấy Poncho may thành chiếc bạt phủ xe nhà cho khỏi bụi bậm, đỡ trầy nước sơn.

Khi đi vào những vùng khan hiếm nước, hay không có nước như mật khu Hắc Dịch thuộc tỉnh Phước Tuy chẳng hạn, người lính đào một cái hố cạn, phủ poncho lên trên, tạo thành một cái giếng cạn để hứng những giọt sương đêm, hay gặp may, có một cơn mưa nào bất ngờ chợt ngang qua, để hứng nước.

Sau cùng, khi người lính hy sinh nơi chiến địa, tấm poncho sẽ trở thành chiếc áo quan phủ kín thân xác người chiến sĩ, “liệm kín hồn anh” như câu ca của nhạc sĩ Phạm Duy mà lính vẫn nghe trong đêm dài nơi tiền đồn nhung nhớ…

Vào một đêm mưa, khi Anh đang trực cho hai đồng đội ngủ thì Vu mò đến. Vu bảo, em xin lỗi anh, hôm ấy thần kinh em căng quá, nhìn cái gì em cũng muốn đập phá, sau nghĩ lại em mới nhận ra anh là dân văn chương, trách anh như thế là quá đáng. Anh rút thuốc ra mời Vu. Hai đứa hút xong điếu thuốc thì Vu lại trùm áo mưa lên người, trườn đi về phía triền đồi, nơi tổ tam tam của Vu đang nằm chốt.

Bây giờ nhìn khuôn mặt Vu có vẻ căng thẳng khi hỏi câu “Anh em sẽ chôn mình trong nước được bao lâu?”, Anh chợt nhớ ra ngay tấm pông sô.

Đúng rồi, trong chiếc hầm quân nhu cuối con hào kia, pông sô còn rất nhiều. Anh đứng lên bảo Vu: “Mày đi theo tao, sẽ có cái để anh em mình nằm trên nước phục bọn K”.

(còn tiếp)

Exit mobile version