Cách đây ít lâu, tôi tình cờ đọc được một số bài viết về cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn trẻ Nguyễn Đình Tú. Cuốn tiểu thuyết mang tên “Hoang tâm” khai thác đề tài về chiến tranh biên giới. Đề tài không mới song được nhà văn viết trong thời kỳ mới với bút pháp nhân văn đặc trưng của văn học Việt.

“Hoang tâm” – Tiểu thuyết về chiến tranh đầy chất văn học.

Lăng kính nhân văn của nhân vật

Chiến tranh được tái hiện qua lăng kính của một người lính có chất văn học. Và đó cũng là cách nhà văn gửi gắm quan điểm nhân văn của mình trong tiểu thuyết này. Anh lính ấy trong khói bom lửa đạn, trong những giờ khắc tập luyện khắt khe và phút sinh tử vẫn luôn có những điểm dừng đầy lãng mạn. Sự lãng mạn tạo nên niềm tin lạc quan của người lính và cũng giúp tăng thêm sức mạnh của anh khi đối chọi với địch. Như những câu chuyện về bông hoa lòng hào, cuốn nhật ký của người lính ở phía bên kia, những tâm sự, câu chuyện kể của anh với đồng đội vào giờ nghỉ ngơi.

Cách tả của nhà văn gợi cho người đọc cảm giác an tâm trong những phút giây lãng mạn đầy nhân văn của nhân vật chính. Mối quan hệ của anh với đồng đội. Sự tôn trọng người lính tri thức và có chất lãng mạn như anh của những người anh em chân tình… Tất cả cũng đều hướng đến một mục tiêu giúp tính nhân văn tỏa sáng. Chất lãng mạn vốn có của nhân vật ấy tạo nên những điểm nhấn về lăng kính nhân văn trong cuộc chiến khốc liệt của nạn diệt chủng trong chiến tranh biên giới. Như khi nhân vật chính cùng đồng đội chứng kiến cảnh hoang tàn của nạn diệt chủng, anh đã thốt lên rằng, cứ như thế thì “dân K chết hết còn gì”… Trong câu cảm thán có đầy sự thương cảm, xót xa và nỗi chia sẻ với những người dân vô tội bị trở thành bia đỡ đạn. Chiến tranh nào cũng vậy, chỉ người dân thiệt thòi. Nếu như, ai cũng nhìn ra được điều ấy thì hẳn sẽ không bao giờ có chiến tranh.

Thời gian đan xen và chất hư ảo trong tiểu thuyết

Điều đặc biệt trong cuốn tiểu thuyết mới xuất bản của Nguyễn Đình Tú là bút pháp sắp xếp thời gian của anh. Nhà văn đan cài thời gian giữa hiện tại và quá khứ theo hướng song hành. Cứ một khúc về thời gian trong chiến tranh của anh lính giàu chất văn kia lại là một khúc hiện tại của hành trình đi chữa bệnh của anh với cô gái Son Phấn trong Cửa Núi. Hành trình ấy đầy ắp những hình ảnh hư ảo, nhân vật hư ảo và những biến hóa như thần thoại. Có cảm giác, Nguyễn Đình Tú đưa người đọc lạc vào một mê cung với những sắc màu lấp lánh. Thiên nhiên hoang sơ có, phong tục tập quán đa dạng có, những nhân vật thần thông, kỳ lạ có… Theo cách này, nhà văn thực sự cuốn hút những người đã cầm “Hoang tâm” trên tay. Cầm lên rồi khó lòng đặt xuống. Bởi ai cũng sẽ tò mò chuyện gì tiếp tục xảy ra phía sau Cửa Núi? Thực hư nhân vật Son Phấn là ai? Và Anh có điều trị được dứt điểm bệnh lý của mình không?

Đọc tiểu thuyết về chiến tranh mà không hề thấy sự lên gân, lên cốt bởi những chi tiết lịch sử. Vì các chi tiết ấy trở thành những tình tiết, cảnh truyện, phân đoạn ẩn sau những thoại, những diễn tả tâm lý, phân tích tình huống và mô tả cảnh quan rồi. Đó chính là cách văn học tái hiện lại chiến tranh trong một lăng kính nhân văn. Không đào sâu và gợi lại những gì đau thương mà chiến tranh gây ra. Chỉ nên nhìn lại để thấy, chiến tranh đừng nên diễn ra thì người dân sẽ bớt khổ. Và người với người nhìn nhau sẽ bằng đôi mắt cảm thông, chia sẻ, thương yêu chứ không chỉ vằn lên những nghi ngờ do hoàn cảnh xô đẩy.

Có thể nói, nhà văn đã sử dụng thành công những chất liệu hư ảo của mình trong cuốn tiểu thuyết này. Rõ là về đề tài chiến tranh đấy nhưng hoàn toàn hiện đại. Và đặc biệt hơn bởi tính hư cấu với ngồn ngộn các tư liệu từ nhiều nền văn minh, văn hóa khác nhau. Đọc “Hoang tâm”, ngoài những thông tin về chiến tranh biên giới, người đọc sẽ có thêm cho mình những trải nghiệm thú vị về những thế giới tưởng tượng đầy màu sắc huyền bí trong hành trình của nhân vật.

Chiến tranh đã lùi xa. Những sáng tác văn học về đề tài chiến tranh trong giai đoạn mới không nhiều. Với những gì Nguyễn Đình Tú thể hiện trong “Hoang tâm” về chiến tranh biên giới và nạn diệt chủng, thấy hiện lên là một tác phẩm văn học thuần túy với bút pháp, xếp đặt và sử dụng nhuần nhuyễn các hình ảnh và nhân vật. Tôi chợt nghĩ, giá như có nhiều những sáng tác văn học về đề tài chiến tranh hơn. Và nếu bất cứ ai khi viết về chiến tranh sử dụng bút pháp mang tính nhân văn sẽ thấy niềm tin, yêu đời và sự lạc quan của nhân vật. Cũng như niềm tin một thời của quân và dân ta cùng làm nên chiến thắng vẻ vang của các giai đoạn kháng chiến.

(Nguồn: Báo Hải Phòng cuối tuần)