Tiểu thuyết “Cô gái Không Là Gì” (1994) của nhà văn Ba Lan Tomek Tryzna do Lê Bá Thự dịch (NXB Hội Nhà văn và Phương Nam Book xuất bản, 2013), đã được Czeslaw Milosz, (1911-2004) – nhà thơ lớn của Ba Lan đoạt giải Nobel 1980 gọi là: “Tiểu thuyết hậu hiện đại thật sự đầu tiên của Ba Lan”. Tiểu thuyết đã được dịch ở nhiều quốc gia như: Thụy Điển, Anh, Mỹ, Ca-na-đa, Niu Di-lân, Ô-xtrây-li-a… Đặc biệt, “Cô gái Không Là Gì” đã được dựng thành phim do đạo diễn nổi tiếng Ba Lan Andrzej Wajda thực hiện. Và theo quy định của Bộ Giáo dục Quốc dân Ba Lan, “Cô gái Không Là Gì” là một trong sáu cuốn sách đọc bắt buộc đối với học sinh lớp III (tương đương lớp 9 ở Việt Nam) tại các trường THCS ở Ba Lan trong 2 niên học từ 2011 đến 2013.
Cuốn tiểu thuyết kể về ba cô gái tuổi 15 học cùng lớp là Marysia, Kasia và Ewa gồm hai phần gần bằng nhau. Phần một viết về tình bạn giữa Marysia – một cô gái quê chân chất mới chuyển lên thành phố học với Kasia cô gái thành phố khá giả, có tài năng sáng tác âm nhạc. Phần hai viết về tình bạn giữa Marysia và Ewa giàu có. Câu chuyện được kể ở ngôi thứ nhất của nhân vật Marysia kể về sự tha hóa của chính cô khi bị Kasia và Ewa lôi cuốn vào lối sống hưởng thụ, thái độ sống bất cần đời không thèm ngó ngàng gì đến gia đình. Cao trào của tiểu thuyết chính là lúc Marysia giật mình phát hiện ra sự thật những gì Kasia và Ewa nghĩ về mình, khi hai cô bạn đang cười khúc khích bàn tán về Marysia, nhạo báng, khinh thường Marysia vô tích sự, thậm chí gọi Marysia là “Cô gái Không Là Gì”.

Dịch giả Lê Bá Thự


Trong tiểu thuyết này, nhà văn Tomek Tryzna không ngần ngại sử dụng nhiều đoạn đối thoại gây “sốc” giữa cô giáo và học sinh, những chi tiết phỉ báng niềm tin tôn giáo, những đoạn văn hơi hướng tình dục nhạy cảm… Nhiều người ngạc nhiên là vì sao một cuốn sách có nội dung không hề “dễ chịu” lại được Bộ Giáo dục Quốc dân Ba Lan bắt học sinh phải đọc? Ngoài yếu tố giáo dục, cảnh tỉnh học sinh, có lẽ những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục Ba Lan muốn học sinh sớm nhận ra cuộc đời không chỉ có mỗi màu hồng. Và đừng bao giờ trượt dài trên lối đi tự đánh mất mình như Marysia tội nghiệp đã phải kết thúc cuộc sống bằng cái chết do chấn thương tâm lý.
Một số “siêu độc giả” khi đọc cuốn sách này cho rằng, Czeslaw Milosz đánh giá “Cô gái Không Là Gì” là tiểu thuyết hậu hiện đại đầu tiên của Ba Lan có vẻ là hơi quá lời vì nghệ thuật xây dựng của cuốn tiểu thuyết rất gần với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ La-tinh quen thuộc. Nếu quan niệm một chiều đơn giản về chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) trong văn chương là sự thay đổi thủ pháp nghệ thuật thì rõ ràng “Cô gái Không Là Gì” chưa thoát khỏi phương pháp sáng tác hiện đại. Nhưng chủ nghĩa hậu hiện đại nói chung và trong văn chương nói riêng vốn có nhiều cách hiểu! Có lẽ, Czeslaw Milosz đã hiểu chủ nghĩa hậu hiện đại theo nghĩa rộng như quan niệm nhà triết học Pháp Jean-François Lyotard (1924-1998) là “hoài nghi các đại tự sự (grand narrative)”. “Đại tự sự” ở đây là sự đặt niềm tin về lý trí và khoa học kỹ thuật phát triển sẽ tỷ lệ thuận với sự tiến bộ của đời sống xã hội và tinh thần con người. Trên thực tế, ai cũng nhận ra điều này không đúng khi những điểm nóng xung đột chính trị-tôn giáo, chủ nghĩa khủng bố… vẫn gây bất an cho con người. Vì vậy, theo Czeslaw Milosz, chủ nghĩa hậu hiện đại trong “Cô gái Không Là Gì” thể hiện “mối quan tâm sâu sắc và những trăn trở đối với lịch sử và xã hội”, tức là “điểm nhìn” và thông điệp của tiểu thuyết mang tinh thần hoài nghi về cuộc sống con người liệu chăng sẽ càng ngày càng tốt đẹp?
Viết một tác phẩm về các nhân vật nửa trẻ con nửa người lớn thật chẳng dễ dàng nhưng Tomek Tryzna đã vượt qua khó khăn khách quan để viết một cuốn tiểu thuyết để đời. Bề ngoài cuốn tiểu thuyết là những câu chuyện hiện thực về ba cô gái tuổi 15 lắm chiêu trò, thậm chí hơn 40 trang đầu tiểu thuyết khá tẻ nhạt. Song càng đọc càng bị lôi cuốn khi Tomek Tryzna lồng yếu tố kỳ ảo lẫn với hiện thực, đến mức đọc cuốn sách này cần ghi chép cẩn thận mới có thể hiểu được dụng ý của tác giả. Chẳng hạn, Kasia như thể bị quỷ ám, cô luôn luôn cho rằng bên trong cô có một con quỷ tên là Di-gi đã điều khiển cô sáng tác nhạc rất hay, ra lệnh cho cô hành động và ăn mặc kỳ quặc…
Trên hết, Tomek Tryzna đã đặt nhân vật trước những câu hỏi lớn: Làm thế nào để tồn tại mà không đánh mất bản thân mình khi mà xã hội càng phát triển cho ta nhiều sự lựa chọn? Trả lời câu hỏi này là tùy thuộc ở từng con người phải tự tìm kiếm một đáp án cho riêng mình!

Nguồn tin: Quân đội nhân dân cuối tuần

Exit mobile version