Patrick Deville sinh năm 1957, tác giả mười tiểu thuyết, giải thưởng Femina năm 2012, được coi là một trong các nhà văn Pháp hàng đầu hiện nay. Theo giới phê bình nghiên cứu, tác phẩm của Patrick Deville đã góp phần cách tân tiểu thuyết Pháp đương đại.
Sáng tác của Patrick Deville thường được chia làm hai phần khá cân xứng với hai chiều hướng rõ rệt. Phần một gồm năm tiểu thuyết có thể gọi là « thuần hư cấu » – « Cordon-bleu », « Longue vue », « Le feu d’artifice », « La femme parfaite », « Ces deux-là » – thuộc giai đoạn 1987-2000, được in tại nhà xuất bản Minuit danh tiếng.
Phần hai trong sáng tác của Patrick Deville gồm năm tiểu thuyết – « Pura Vida : Vie et mort de William Walker », « La Tentation des armes à feu », « Equatoria », « Kampuchéa »[1], « Peste & Choléra » – thuộc giai đoạn 2004-2012, xuất hiện tại Seuil, liên đoàn xuất bản thuộc cỡ bề thế nhất Pháp. Tác phẩm của Patrick Deville thời kỳ này mang tính « phi hư cấu » và « tạp chủng » – tồn tại song song nhiều thể loại như thư từ, ghi chép sổ tay, giai thoại, ký, tiểu sử, tài liệu lưu trữ, báo chí, v.v – nhưng vẫn đậm chất văn chương bởi lối viết đặc sắc của ông, nhờ những câu chữ, tiết tấu, giọng điệu riêng biệt. « Peste & Choléra », tiểu thuyết mới nhất, được coi là đỉnh cao của lối viết này[2].
« Viễn vọng » (Longue vue), in năm 1988, tiểu thuyết thứ hai của Patrick Deville, được dịch ra hơn mười ngoại ngữ, là tác phẩm làm nên danh tiếng của ông.
Hậu-Tiểu thuyết Mới ?
Viết tiểu thuyết thế nào sau khi thế hệ đàn anh đã lên án nó, thậm chí diệt trừ nó ? Tiểu thuyết có còn nghĩa gì khi nền tảng của nó đã lung lay ? Con đường nào cho tiểu thuyết hôm nay ? Đó là những câu hỏi mà lớp nhà văn hậu sinh của Tiểu thuyết Mới đặt ra.
Vấn đề không phải là dán « mác » cho tác giả – người ta thường gắn cho Patrick Deville và một số nhà văn khác của nhà xuất bản Minuit cùng thời với ông những étiquettes sành điệu như « Hậu-Tiểu thuyết Mới » (Nouveau-Nouveau Roman), « Trường phái tối giản » (Minimalisme), « Tiểu thuyết phi biểu cảm » (Roman impassible). Đương nhiên, một tác phẩm không thể tách rời khung cảnh lịch sử, chính trị, văn hóa chung. Nhưng trên hết, nó phải được đọc như một hệ thống độc lập. Và việc tìm hiểu về hình thức, cấu trúc, lối viết cũng như mối quan hệ mà cuốn sách thiết lập với thời đại của mình, là không thể thiếu được. Tóm lại, đọc một tác phẩm, tức là ý thức được khoảng cách giữa nó và thế giới.
Vậy « Viễn vọng » mới ở chỗ nào ? Như tên gọi của nó, tiểu thuyết của Patrick Deville xoay quanh chủ đề « nhìn ». Ai nhìn ? nhìn gì ? nhìn bằng gì ? nhìn như thế nào ? nhìn để làm gì ? ảnh hưởng của kẻ nhìn xuống mục tiêu nhìn ? Ngắm nghía, quan sát, rình mò, là hành động thường xuyên của các nhân vật trong tiểu thuyết. Họ nhìn trời để biết thời tiết, nhìn đồng hồ để biết thời giờ, nhìn ra xa để biết thời thế. Chưa hết, họ nhìn trộm những người xung quanh qua đủ loại dụng cụ quang học : kính lúp, kính viễn vọng, ống nhòm, ống kính máy ảnh, gương xe,… Từ đó, tác phẩm của Patrick Deville khảo sát các môn khoa học đã đánh dấu thế kỷ 20 như địa chất học, hóa học, toán học, khí hậu học, động vật học, cơ học lượng tử,… để cuối cùng công phá một trong những phạm trù cơ bản nhất của lý thuyết văn chương : điểm nhìn. « Viễn vọng » buộc chúng ta đặt lại những câu hỏi tưởng như đã cũ : Nhìn để thay đổi thế giới ? Nhìn có đem lại ý nghĩa cho thế giới ? Dạng thái mới nào cho văn chương để thể hiện tương quan giữa con người và thời đại ?
Trong tác phẩm của Patrick Deville, các nhân vật không ngừng chuyển động, theo dõi nhau, tiến lại gần, đi ra xa, nhưng không bao giờ gặp nhau. Số phận và hành trình của họ gắn khớp với nhau, tạo nên một câu chuyện, thậm chí một cuộc phiêu lưu. Tuy nhiên chính họ lại không hề ý thức được điều đó. Tiểu thuyết là một chuỗi những tình cờ và ngẫu hứng, bịa đặt và ảo tưởng.
Dường như, nhà văn luôn nhắc người đọc rằng họ không ở đâu khác ngoài… tiểu thuyết, rằng văn học không tuân theo logique nào khác ngoài logique… của chính nó. Ngay từ những dòng đầu, câu chuyện được mở ra vào năm 1957. Một con số chính xác và bất ngờ, khi ta biết rằng đây cũng chính là năm sinh của tác giả. Qua cái nháy mắt đó, Patrick Deville khẳng định rằng nhân vật của nhà văn sinh ra cùng lúc với anh ta và chỉ tồn tại trong thế giới hư cấu của anh ta.
Điểm nhìn/người kể chuyện : những phá cách
Nếu phần lớn các tác phẩm của Tiểu thuyết Mới chọn một cái nhìn « trung tính », « khách quan », thì « Viễn vọng » xuất hiện như một tiểu thuyết có dạng thức trần thuật ở ngôi thứ nhất, như để khẳng định tính « chủ quan » của nó. Tác phẩm mở ra với một ai đó xưng « tôi », trong vai người kể chuyện, tuyên bố : « Skoltz và Körberg, tôi đều đã biết họ ».
« Tôi » cũng là một nhân vật của tiểu thuyết, bằng xương bằng thịt – « Tôi đang ở trong vườn. Nắng nhiều…», có địa chỉ nghề nghiệp rõ ràng – đó là một họa sĩ trong vùng. Ông ta không chỉ « biết » các nhân vật mà còn thân quen với họ. Dần dần, « tôi » hiện lên như điểm nối duy nhất giữa bốn nhân vật chính, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của họ, dẫn dắt câu chuyện, điều khiển các tình tiết để mang lại một sự thống nhất, dù nhỏ nhoi, trong những mảnh đời lộn xộn, phân đoạn và đầy lỗ hổng, mà họ đang sống. Để đạt được mục đích này, Patrick Deville đã làm một phá cách lớn, hiếm có trong lịch sử văn học : cho « tôi » vừa là người kể chuyện bên trong – một nhân vật trong truyện -, vừa là người kể chuyện bên ngoài, mang thị năng của thượng đế, có thể đọc thấu nội tâm con người, nhìn xuyên không gian và thời gian[3]. Để « tôi » cuối cùng có một cái nhìn vừa chủ quan vừa khách quan, vừa trung tính vừa cảm tính.
« Viễn vọng » vì vậy là sự lồng ghép bất tận của hai cái nhìn đó.
Tiểu thuyết không ngừng chỉnh sửa tiêu điểm và tiêu cự : nhìn xa, nhìn gần, nhìn lên cao, nhìn xuống thấp, nhìn gián tiếp, nhìn trực tiếp, vân vân. Đây đó, « tôi »/ người kể chuyện đề nghị với độc giả : « Chúng ta hãy mở rộng tầm mắt nhé », « chúng ta hãy dịch chuyển nhé ». Cũng trong « Viễn vọng », chúng ta đọc được những đoạn văn lẫn lộn lối nói trực tiếp và lối nói gián tiếp : « Tên bác sĩ, tóc vàng da đỏ au, đi từ phòng tắm ra tay đang thắt lại cà vạt. Bây giờ, hắn ta nói, mọi chuyện chắc sẽ khá hơn, nhưng – hắn ta vẫn khuyên nàng uống mấy viên thuốc vàng và trắng, đúng không nào, cùng với một ít nước, sau mỗi bữa ăn ».
Với Patrick Deville, tiểu thuyết không là một hình ảnh chính xác, một phản ánh trung thành, một « cái gương » phản chiếu thực tế xã hội, lịch sử, tâm lý loài người như Stendhal, tác gia tiêu biểu của hiện thực chủ nghĩa, đã từng tuyên bố. Với « Viễn vọng », tiểu thuyết cũng không là sự « nhân đôi » lạnh lẽo, vô tình, của « thế giới đồ vật » trong sự cắt đứt hoàn toàn với con người, như một số tác giả Tiểu thuyết Mới quan niệm. Với « Viễn vọng », tiểu thuyết là một chiếc kính vạn hoa, nơi những mảnh vỡ của thực tế muôn hình vạn trạng được xếp đặt, kết nối một cách bất ngờ, phóng túng, ngông cuồng.
Văn chương & khoa học
Trong « Viễn vọng », cả ba nhân vật nam đều nuôi ý định viết, và qua mô tả của họ, rõ ràng cách họ quan sát thế giới sẽ có ảnh hưởng lớn đến ba tác phẩm tương lai. Nhà điểu học tin vào sự chính xác như ta đã biết, sẽ viết một cuốn sách « mang tính đơn thuần bác học ». Nhân vật họa sĩ/người kể chuyện, ở cuối tác phẩm, đang viết « một câu chuyện nhỏ » mà ông ta muốn là phải « thật mẫu mực ». Rất có thể đó chính là cuốn sách chúng ta đang đọc và « mẫu mực » chỉ lại là cái nháy mắt hài hước của tác giả với độc giả.
Còn Skoltz, « nghệ sĩ tương lai », đang viết một « đề cương », tuy chưa rõ ràng nhưng chắc hẳn tham vọng nhất. Trong cuốn sổ tay của anh, xen lẫn các đoạn văn là những « nét vẽ hình học biểu thị cấu trúc lý tưởng » mang « vẻ đẹp duyên dáng của một bức họa ». Nhiều khả năng cuốn sách anh đang hướng tới cũng chính là « Viễn vọng », nếu ta biết rằng như một số tiểu thuyết của Patrick Deville, tác phẩm này có một cấu trúc đặc biệt khoa học. Gồm 3 phần 8 chương được xếp như sau : 1 (1.2.3), 2(4.5.6), 3 (7.8), nó gợi đến qui tắc bộ tám (Octet) trong hóa học phân tử.
Dường như, qua tiểu thuyết « Viễn vọng » và nhân vật Skoltz, dần dần hiện lên ý tưởng sẽ trở thành chủ đạo trong các tác phẩm của Patrick Deville : một tổng thể vừa mỹ học vừa bách khoa toàn thư. Có lẽ vì thế mà phải đọc câu đầu tiên của « Viễn vọng » – « Đây là một cuốn sách khoa học » – ở cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Như một lời tự trào. Hài hước và xấc xược…
Trang bị tri thức là nhiệm vụ của sách giáo khoa và sách nghiên cứu. Vậy mục đích của những đoản văn « thuần khoa học » trong tác phẩm của Patrick Deville là gì ? Chúng không nói gì khác ngoài ảnh hưởng của khoa học, đặc biệt khoa học-kỹ thuật đương đại, xuống khả năng cảm nhận thế giới của các nhân vật, và qua đó, tác giả.
Tuy nhiên phải mở ngoặc lưu ý rằng các tiểu thuyết của Patrick Deville không bao giờ là một hư cấu khoa học nhằm « quần chúng hóa », như ta vừa nói ở trên, các hiểu biết và phát minh khoa học. Chúng cũng không mang chất khoa học viễn tưởng như các tác phẩm của Michel Houellebecq, nhà văn đương thời cùng thế hệ với Patrick Deville, tác giả « Hạt cơ bản » (1998), « Khả năng một hòn đảo » (2005), « Bản đồ và vùng đất » (2010)[4].
Nhưng sự khác nhau của hai nhà văn trong cách xử lý đề tài này có lẽ chỉ bề ngoài. Dù Patrick Deville có chọn bối cảnh là những năm 1867 hay 1957, dù Michel Houellebecq có cho tác phẩm của mình kết thúc năm 2079, thì họ đều đang biến văn chương thành nơi thẩm thấu triết lý khoa học. Gắn tìm kiếm nghệ thuật với tìm kiếm khoa học, đó vẫn là một trong nhiều cách để người nghệ sĩ diễn giải và tra hỏi xã hội mình đang sống.
Cũng chính trong mối quan tâm của họ đến khoa học mà chúng ta nhận thấy tính tiên phong của một số tác giả như Patrick Deville và Michel Houellebecq. Đi tìm lời giải đáp mới cho những câu hỏi về bản chất con người, về tự do, tình dục, tình yêu,… nhưng từ chối xây dựng nhân vật theo tiêu chuẩn kinh điển – tâm hồn, tâm lý, đạo đức, ý thức/vô thức, họ nối văn học với tri thức của thế hệ mình, kể về thời đại họ bằng ngôn ngữ của chính nó.
————————–
[1] Năm 2011, tiểu thuyết « Kampuchéa » được tạp chí Lire bầu là tiểu thuyết Pháp hay nhất trong năm.
[2] « Peste & Choléra » do Đặng Thế Linh dịch dưới tựa đề “Yersin : dịch hạch & thổ tả”, NXB Trẻ 2013. Ngoài giải Femina, tác phẩm này còn nhận « Giải của Các giải văn học » (Le Prix des Prix littéraires) và « Giải tiểu thuyết » của tập đoàn Fnac (Prix du roman Fnac).
[3] Về vấn đề này, có thể xem bài viết của Cao Kim Lan, in trong tạp chí « Phê bình văn học » : « Người kể chuyện và mối quan hệ giữa người kể chuyện với tác giả » (http://phebinhvanhoc.com.vn/?p=227).
[4] Trong « Hạt cơ bản », nhân vật chính, Michel Djerzinski, đã góp phần vào cuộc cách mạng sinh học nhằm tạo nên một nhân bản vô tính, bất tử, chủ nhân của xã hội hậu nhân loại. Xoá bỏ loài người, thiết lập một thế giới hậu nhân loại với những khái niệm hoàn toàn mới, phi cá nhân, phi gia đình, phi truyền thống, phi giai cấp: đó chính là cuộc cách mạng mà các tác phẩm của M.Houellebecq hướng tới. Trong chừng mực nào đó, Houellebecq nói với chúng ta rằng physique (vật lý) đang trở thành métaphysique (siêu hình học).
Nguồn: vannghequandoi