NGUYỄN HUY HOÀNG dịch từ nguyên bản tiếng Anh
Stephen King là nhà văn nổi tiếng người Mĩ thiên về thể loại kinh dị giả tưởng, đặc biệt với motif biến đổi những tình huống căng thẳng bình thường thành hiện tượng khiếp đảm. Những cốt truyện kinh dị và lối viết đa dạng của ông đã khiến thể loại kinh dị giả tưởng trở thành một bộ phận đáng kể của văn học thế kỉ 20. Ông đã xuất bản hơn 50 tiểu thuyết, trên 200 truyện ngắn và tổng số sách của ông được bán ra khoảng hơn 300 triệu cuốn.
Có nhiều định đề bất thành văn trong phê bình văn học, một trong số đó là khi một tác giả viết càng nhiều thì các tác phẩm của họ càng có xu hướng ít đáng chú ý hơn. Joyce Carol Oates, tác giả của hơn 50 tiểu thuyết (không kể 11 cuốn được viết dưới các bút danh Rosamond Smith và Lauren Kelly), hoàn toàn hiểu việc các nhà phê bình chẳng mấy ưa các nhà văn sung mãn ra sao. Trong một bài tạp chí, bà viết rằng bà dường như đã tạo ra “chắc chắc là nhiều hơn cái thế giới văn học chỉ có chỗ cho một nhà văn “nghiêm túc.”
Cũng như với hầu hết các định đề liên quan đến nhận thức chủ quan, quan điểm cho rằng viết nhiều đồng nghĩa với viết dở phải được đón nhận với sự thận trọng. Điều đó đa phần có vẻ đúng. Chắc chắn sẽ không ai đưa tiểu thuyết gia thần thoại John Creasey, tác giả của 564 cuốn tiểu thuyết dưới 21 bút danh khác nhau, vào thánh đường anh hùng văn học; cả ông và các tác phẩm của ông (Toff, Inspector Roger West, Sexton Blake, v.v.) phần lớn đều đã bị lãng quên.
Điều đó cũng đúng với tiểu thuyết gia người Anh Ursula Bloom (hơn 500 tác phẩm đã xuất bản, dưới nhiều bút danh), Barbara Cartland (hơn 700) và một lô các tác giả khác. Chúng ta còn nhớ câu nói nổi tiếng của Truman Capote về Jack Kerouac: “Đấy không phải viết, mà là gõ [văn].”
Nhưng cũng có một số nhà văn sung mãn đã gây được ấn tượng sâu sắc trong ý thức cộng đồng. Chẳng hạn Agatha Christie, có thể nói là nhà văn nổi tiếng nhất thế kỉ 20, toàn bộ sự nghiệp của bà vẫn đang được in ấn. Bà đã viết 92 cuốn tiểu thuyết, 82 cuốn dưới tên thật và 9 cuốn dưới bút danh – Mary Westmacott – hoặc dưới tên sau hôn thú, Agatha Christie Mallowan.
Những cuốn tiểu thuyết này có thể không phải là văn chương, nhưng chúng giá trị hơn nhiều cái nồi cháo quấy của John Creasey, và một số cuốn cũng rất đáng chú ý. Christie đã cho chúng ta hai nhân vật – Miss Marple và Hercule Poirot – những người đã đạt được một dạng bất tử. Thêm vào đó là sự thống nhất trong phong cách và chủ đề của các cuốn tiểu thuyết của Christie (không khí ấm cúng trong cấu trúc và các khuôn mẫu Anh, đặt trong bối cảnh sự đánh giá lạnh lẽo đáng ngạc nhiên của bà về bản chất con người), và chúng ta phải nhìn nhận nhiều cuốn trong số đó theo một góc nhìn khác.
Có thể nói tương tự về nhà văn sung mãn John D. MacDonald giữa thế kỉ 20. Các cuốn tiểu thuyết về nhân vật Travis McGee của ông giờ có vẻ đã quá đát một cách đáng xấu hổ, và rất nhiều trong số hơn 40 cuốn tiểu thuyết độc lập của ông là một sự pha trộn khó có thể tiêu hóa được giữa Ernest Hemingway và John O’Hara, nhưng khi MacDonald quên đi những anh hùng văn học và viết đúng chất cá nhân của mình thì ông đã tạo ra được những tác phẩm xuất sắc. Các cuốn tiểu thuyết tốt nhất của ông, The End of the Night và The Last One Left, đã đạt tới tầm của con thú biến hình mà chúng ta gọi là nền văn học Mĩ.
Không một ai tỉnh trí có thể cho rằng số lượng đảm bảo được chất lượng, nhưng để mà nói số lượng không bao giờ sản sinh ra chất lượng thì với tôi là thật lố bịch, ngớ ngẩn, và sai rõ ràng.
Giờ hãy xem xét điều ngược lại. Donna Tartt, một trong những tiểu thuyết gia người Mĩ xuất sắc nhất trong 50 năm qua, chỉ xuất bản 3 cuốn tiểu thuyết kể từ năm 1992. Jonathan Franzen, tiểu thuyết gia người Mĩ duy nhất ngang tầm Tartt, đã xuất bản 5 (cuốn mới nhất, Purity, sẽ ra mắt vào mùng 1 tháng 9 tới).
Thật dễ để nhìn vào những cuốn sách này, mỗi cuốn đều có chất lượng đặc biệt, mà kết luận rằng càng ít thì càng tốt. Có lẽ: Nhà văn Philip Roth mới giải nghệ viết nhiều gấp nhiều lần so với cả hai người cộng lại, và cuốn Our Gang thì khá tệ. Nhưng với tôi thì American Pastoral có vẻ tốt hơn rất nhiều so với The Goldfinch của Tartt và Freedom của Franzen.
Tôi từng là người nghiện rượu, đã không uống gần 27 năm nay, và trong những ngày đó ý nghĩ uống rượu hiếm khi xuất hiện trong tâm trí tôi. Nhưng khi nghĩ về 8 cuốn tiểu thuyết của Tartt và Franzen – chúng chưa đủ để lấp đầy một phần tư kệ sách thư viện – tôi bỗng nhớ lại một bữa trưa cùng vợ ít lâu sau khi tôi cai rượu.
Có hai phụ nữ lớn tuổi trên chiếc bàn gần đó. Họ chuyện trò sôi nổi trong khi những chiếc li vang trắng uống dở bị bỏ quên ở giữa bàn. Tôi muốn đứng dậy mà nói với họ. Chỉ thế thì không phải. Tôi thực sự muốn quát nạt họ. “Tại sao hai bà không uống nốt rượu đi? Chúa ơi, nó ở ngay kia kìa. Tôi đây không thể uống rượu, chúng tôi không có cái đặc ân đó, nhưng hai bà thì có, thế sao mà hai bà không uống luôn đi?”
Khoảng thời gian dài giữa các cuốn sách của các nhà văn thiên tài như vậy cũng khiến tôi phát điên như thế. Tôi hiểu rằng mỗi người đều làm việc ở một tốc độ khác nhau, và có quá trình hơi khác nhau. Tôi hiểu rằng họ đều cẩn thận, muốn mỗi câu – mỗi từ – đều có sức nặng (hay nói như nhan đề của một trong những cuốn sách xuất sắc nhất của Jonathan Franzen là có “sức vận động mạnh.”) Tôi biết đó không phải là lười biếng mà là tôn trọng công việc, và tôi hiểu từ chính tác phẩm của tôi rằng vội vàng sinh cẩu thả.
Nhưng tôi cũng hiểu rằng cuộc sống là ngắn ngủi, và rằng cuối cùng thì chẳng ai trong chúng ta là sung mãn. Các tia lửa sáng tạo dần tàn lụi, rồi cái chết dập tắt nó. William Shakespeare chẳng hạn, ông đã chẳng viết vở kịch mới nào trong 400 năm qua. Điều đó thật đáng thất vọng, bạn tôi ạ.
Nói như vậy không phải là tôi đang quanh co biện minh cho sự sung mãn của chính mình. Phải, tôi đã xuất bản hơn 55 cuốn tiểu thuyết. Phải, tôi có một bút danh (Richard Bachman). Phải, tôi từng xuất bản bốn cuốn trong một năm (cũng như James Patterson… chỉ trừ việc tôi viết dài hơn và không cần sự trợ giúp của một cộng tác viên). Và phải, tôi từng viết một cuốn (The Running Man) chỉ trong một tuần. Nhưng với tất cả lòng thành, tôi có thể nói rằng tôi không hề có sự lựa chọn.
Khi còn trẻ, cái đầu của tôi giống như một rạp chiếu phim đông đúc, nơi mà ai đó vừa hét lên “Cháy!” thì mọi người đã đổ dồn ra ngoài cùng lúc. Tôi có cả ngàn ý tưởng nhưng chỉ có mười ngón tay và một máy đánh chữ. Tôi không đùa hay phóng đại đâu, đó là những ngày mà tôi nghĩ rằng tất cả những tiếng hò hét trong tâm trí tôi sẽ khiến tôi điên dại. Những năm tuổi 20 và đầu 30, tôi thường nghĩ về bài thơ của John Keats, mở đầu là câu “When I have fears that I may cease to be/Before my pen has glean’d my teeming brain…” (“Khi tôi có nỗi sợ rằng tôi có thể ra đi /Trước khi chiếc bút lượm lặt được bộ não đầy ứ…”)
Tôi hình dung thực tế là như thế với Frederick Schiller Faust, người được biết nhiều hơn dưới cái tên Max Brand (và nổi tiếng nhất trong vai trò là người sáng tạo ra Dr. Kildare). Ông đã viết ít nhất 450 bài thơ, một kì công trước bệnh tật và cái chết sớm ở tuổi 51. Alexandre Dumas đã viết Bá tước Monte Cristo và Ba chàng lính ngự lâm – và khoảng 250 tiểu thuyết khác. Còn cả Isaac Asimov, ông đã bán cuốn truyện ngắn đầu tiên ở tuổi 19, viết ra hơn 500 cuốn sách, và cách mạng hóa dòng sách khoa học viễn tưởng.
Tôi đưa ra ở đây một luận điểm khiêm nhường: sự sung mãn nhiều khi là không thể tránh khỏi, và có chỗ đứng của riêng nó. Định nghĩa “sung mãn” – “tạo ra nhiều hoa trái, cành lá, hoặc nhiều con cái” – nghe có vẻ tích cực, ít nhất là với tôi.
Không phải ai cũng thấy như vậy. Tôi còn nhớ một bữa tiệc mà một số trọng tài phong vị văn học tự phong đùa rằng Joyce Carol Oates là người phụ nữ già sống trong một chiếc giày, có nhiều đứa con và không biết phải làm gì. Thật ra Oates biết chính xác bà đang làm gì, và tại sao bà lại làm vậy. “Tôi còn nhiều câu chuyện để kể,” bà viết trong bài tạp chí của mình, và “nhiều cuốn tiểu thuyết.” Tôi thật vui vì điều đó, bởi tôi muốn đọc chúng.
Phạm Thuý Quỳnh đưa bài