Tiểu thuyết tình cảm Pháp đương đại khiến nhiều độc giả say mê, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng đó là một dòng văn chương thị trường, bình dân.
Tác phẩm của các nhà văn Marc Levy, Guillaume Musso… Ảnh chụp màn hình. |
Tác phẩm của các nhà văn Marc Levy, Guillaume Musso, Anna Gavalda… ngày nay không chỉ được say mê ở Pháp, Việt Nam, mà còn hấp dẫn bạn đọc trên thế giới.
Trong buổi tọa đàm “Tại sao văn học tình cảm Pháp hấp dẫn bạn đọc” quy tụ nhiều bạn trẻ yêu văn chương ở Hà Nội thảo luận tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (l’Espace) mới đây, đông đảo độc giả tham gia và sôi nổi thảo luận.
Văn chương của số đông
Tiến sĩ Phùng Ngọc Kiên (công tác tại Viện Văn học, tốt nghiệp đại học Paris – Diderot, là tác giả nhiều công trình nghiên cứu văn học Pháp) nói về lịch sử văn học tình cảm.
Ông nói xuất xứ rất xa của tiểu loại ra đời từ khoảng thế kỷ 15, 16, với một nhà văn Bồ Đào Nha. Cho tới khoảng thế kỷ 18, khi thị dân phát triển, nhu cầu đọc văn hóa phẩm của thị dân lớn, thị trường sách trở thành đối tượng được quan tâm của những người kiếm tiền.
Chính lúc đó, tác phẩm Nàng Heloise mới của Jacques Rousseau ra đời, làm thay đổi hoàn toàn thị hiếu thẩm mỹ đương thời, đánh dấu bước khởi đầu cho văn học tiền lãng mạn.
Dịch giả Bằng Nguyên là người chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học tình cảm Pháp quen thuộc như: Ngày mai, Cuộc gọi từ thiên thần, Ngày đầu tiên, Ba mét phía trên bầu trời, Mọi điều ta chưa nói…Chị cho rằng, sức hút của văn học tình cảm Pháp nằm ở chỗ nó mang lại sự nhẹ nhàng, lãng mạn trong cuộc sống.
|
Một số tác phẩm văn được cho là kinh điển thể loại văn học tình cảm – Ảnh: NHO QUÂN |
Không chỉ kể câu chuyện lãng mạn, văn học tình cảm Pháp còn được thể hiện ở những đề tài đa dạng. Như Marc Levy có nhiều độc giả bởi ông luôn thay đổi, làm mới mình.
Tác phẩm tình cảm của Marc Levy kết hợp với đề tài đa dạng như trở về tuổi thơ, đề tài chiến tranh (trong tác phẩm Những đứa con của tự do, Nếu được làm lại), tình bạn, chủ đề nhân quyền (Chàng và nàng)… Còn Guillaume Musso – một tác giả đứng đầu dòng văn học tình cảm Pháp – cũng đi vào yếu tố trinh thám, kỳ bí.
Độc giả Vũ Hữu Hảo (sinh viên mới ra trường) cho biết đã đọc nhiều tác phẩm của Guillaume Musso với sự say mê. Theo Vũ Hữu Hảo, các tác phẩm này tạo được sức hấp dẫn bởi đã miêu tả tâm lý khéo léo.
Độc giả Nguyên Trang (sinh viên Đại học Ngoại Thương) văn học tình cảm Pháp hiện đại luốn có yếu tố kỳ diệu đan cài khéo léo với thực tế, tạo niềm tin trong tâm thức người đọc.
Văn học tình cảm Pháp có vượt được những kinh điển trước đó?
Nhà nghiên cứu nghệ thuật Nguyễn Văn Thành (ngoài 60 tuổi) cho rằng tác phẩm tình cảm của các nhà văn châu Âu trước đây có chiều sâu hơn văn học tình cảm Pháp đương thời.
Ông nói: “Nếu đọc Nỗi đau chàng Wether, 24 giờ trong đời người đàn bà, Ngõ hẻm dưới ánh trăng… thì chúng ta sẽ biết những Marc Levy, Musso thời nay chỉ ở tầm thấp”.
MC Đặng Hương Giang cung cấp thêm thông tin: “Dẫu được tìm đọc một cách say mê không chỉ ở Pháp, Việt Nam mà còn nhiều quốc gia trên thế giới, thể loại văn học này vẫn vấp phải nhiều chỉ trích”.
Một số tác phẩm văn học tình cảm Pháp đương đại có ấn bản Việt ngữ – Ảnh: NHO QUÂN |
Trả lời cho câu hỏi văn học tình cảm Pháp có thuộc dòng văn chương bình dân, dịch giả Bằng Nguyên đưa ra các thông số. Ở bảng xếp hạng 10 tác giả Pháp được đọc nhiều nhất thế giới, hai tác giả tình cảm Marc Levy và Guillaume Musso luôn thay nhau đứng vị trí thứ nhất và thứ hai.
Về mặt chất lượng nghệ thuật, trong vòng sáu năm trở lại đây, hội đồng nghệ thuật Nobel Văn chương hai lần xướng tên các nhà văn Pháp. Đó là Le Clezio, người luôn xóa nhòa ranh giới giữa tình cảm, lãng mạn và sự chiêm nghiệm trong tác phẩm. Gần đây nhất là Patrick Modiano – nhà văn luôn viết về hoài niệm tuổi trẻ, nỗi buồn miên man, day dứt của tuổi trẻ.
“Như vậy văn học tình cảm Pháp ghi bàn ở cả hai mặt trận: đông đảo độc giả (10 tác giả Pháp đọc nhiều nhất thế giới), và ở giới phê bình (hai tác giả Nobel) – dịch giả Bằng Nguyên kết luận.
Về độ nông, sâu của văn học tình cảm Pháp đương thời, TS Phùng Ngọc Kiên cho rằng đó là câu chuyện của sự lựa chọn cá nhân.
Theo TS Kiên, mỗi thể loại văn chương có thể phù hợp với từng cá nhân khác nhau, và có thể phù hợp với từng giai đoạn trong cuộc đời của một cá nhân.
Bởi thế, điều quan trọng là độc giả lựa chọn được tác phẩm phù hợp với mình.
Theo Nho Quân – Tuổi trẻ