Lấy bối cảnh Iraq vào năm 2005, cuốn tiểu thuyết mới “Frankenstein ở Baghdad” của nhà văn người Iraq, Ahmed Saadawi*, kể câu chuyện về nhân vật Hadi al-Attag, một người đàn ông gầy gò rách rưới sống ở một quận đông dân của thủ đô Baghdad.

football1

Hadi lượm  lặt các bộ phận cơ thể của những người bị chết trong các vụ đánh bom, rồi khâu chúng lại với nhau, tạo ra một cơ thể mới. Một linh hồn lang thang đã nhập vào cơ thể này và làm nó sống lại. Hadi gọi “sinh vật” này là thứ “tên nó là gì đó”; các nhà chức trách gọi cái thây sống ấy là “Tội phạm X”; và dân chúng gọi nó là “Frankenstein”…

“Frankenstein ở Baghdad” là cuốn tiểu thuyết hiện đại bóc trần thực trạng bạo lực tại Iraq cũng như trên thế giới ngày nay, đã giành được giải thưởng International Prize for Arabic Fiction (IPAF – Giải thưởng Quốc tế cho tiểu thuyết Ảrập) năm 2014 – một giải thưởng văn học được giới phê bình coi tương đương như giải Man Booker của thế giới Ảrập.

Trong những cảnh mở đầu của “Frankenstein ở Baghdad”, một cuộc đánh bom cảm tử ở thủ đô Iraq đã diễn ra: “Tất cả bọn họ đều quay về hướng vụ nổ khi một ngọn lửa và đám khói khổng lồ nuốt trọn lấy những chiếc ô tô và xác người xung quanh đó, cắt đứt nhiều đường dây điện và có lẽ đã giết chết một số lượng lớn chim- với những mảnh thủy tinh vỡ, những cánh cửa bị phá hủy, các bức tường gần đó nứt rạn, một vài mái nhà cũ của khu Bataween đổ sụp, và một số những thiệt hại khó lường khác đổ ra cùng lúc, chỉ trong một tích tắc.”

Sự bùng nổ của bạo lực, không thể tránh được và bí ẩn như cơn bão, là một phần tạo nên không khí của cuốn sách này. Saadawi đã đặt câu chuyện trong bối cảnh hiện thực với những chi tiết kinh hoàng: một người đàn ông bị bấn loạn sau khi nhìn thấy “vết máu và những mảnh da đầu còn cả tóc”; sau một vụ nổ khác, một người đàn ông chết bên cạnh con lừa của ông ta, “thịt của cả hai trộn lẫn vào nhau”; những tình tiết như thế khiến cho truyện chuyển sang hướng siêu nhiên mà không hề làm người đọc bất ngờ.

Nhân vật Hadi al-Attag, một người đàn ông trung niên, nghiện rượu, chuyên bới rác và bán đồ cổ, lảng vảng quanh hiện trường sau vụ nổ, miệng ngậm điếu thuốc lá. Khi lính cứu hỏa đã mang đi những mảnh thi thể nạn nhân còn lại, ông ta cúi xuống và nhặt lên được một cái mũi, phần cuối cùng ông ta cần để ghép nên một thân xác, hoàn toàn chắp lên bằng các bộ phận cơ thể vung vãi của những nạn nhân trong các vụ đánh bom, mà ông đã bí mật thu thập và lắp ghép. Một cơn bão ập vào thành phố và cái thân xác đó biến mất. Tiếp đó xảy ra một chuỗi các sự kiện kì quặc: quái vật này sống dậy và bắt đầu đi trả thù những kẻ đã giết nó. Nó nhận ra rằng các bộ phận cơ thể mình thuộc về cả  bọn tội phạm cũng như người vô tội; quan niệm độc đoán về lẽ phải của nó hình thành chỉ do nhu cầu tiếp tục giết chóc để tự bù đắp vào thân xác mình.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Saadiwi nói nhân vật “Frankenstein” của ông là “đại diện hư cấu của quá trình mọi người giết lẫn nhau”.

Câu chuyện xoay quanh một dàn nhân vật lớn, các cảnh chuyển nhanh từ những con hẻm đổ nát tới những cánh cổng sắt cao, kéo người đọc vào một mạng lưới những vụ án bí ẩn, với những khoảnh khắc nhẹ nhõm tình cờ xen vào qua những chuyện trò tầm phào trong đám dân cư, hay lời các hồn ma khuyên bảo. Tính bạo lực và cảm thức xã hội bức bối của cuốn sách là một điều thường gặp trong tiểu thuyết Ảrập đương đại. Với độc giả phương Tây, các bản dịch văn học Ảrập là một “đối âm” vô giá, phơi bày trước chúng ta bề rộng sáng tạo của con người ở đây cũng như độ sâu trong những kinh nghiệm cá nhân của họ.

Saadiwi là người Iraq đầu tiên giành được giải thưởng của IPAF, và chiến thắng của ông được những nhà văn Iraq và Ảrập khác ca ngợi như một dấu hiệu phục hồi của tinh thần Baghdad, một thành phố lịch sử của văn học và tri thức.

Tổ chức IPAF được tài trợ bởi Abu Dhabi (Các tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất) và, giống như nhiều hoạt động bảo tồn nghệ thuật trên một phần các tiểu vương quốc giàu có của Bán đảo Ảrập, đây là một nỗ lực nhằm hướng tới sự công nhận của khu vực và quốc tế. Đối với những nhà văn khó khăn của khắp các vùng thế giới Ảrập ngày nay, thì giải thưởng 50.000 đôla và lời hứa được dịch và xuất bản ở nước ngoài là rất đáng hy vọng.

Từ sau sự kiện 11-9, độc giả phương Tây đã quan tâm hơn đến văn học Ảrập. Có một sự thúc đẩy đáng kể từ thành công quốc tế của tiểu thuyết bán chạy của Ai Cập, cuốn “Tòa nhà Yacoubian” (tiểu thuyết của Alaa Al-Aswani, được dịch sang tiếng Anh năm 2004, viết về chiến tranh vùng Vịnh 1990).

Một trong những tác phẩm lọt vào vòng chung kết giải IPAF lần thứ 7 này, cùng với truyện của Saadiwi, là “Con chim hiếm, màu xanh, bay cùng tôi”, một câu truyện về cuộc đảo chính bất thành chống lại vua Morocco và sự đàn áp dã man trong thời kỳ được mệnh danh là những-năm-đạn-chì. Một tác phẩm được đề cử khác có tên là “Tashari”, cũng là một cuốn tiểu thuyết Iraq nói về cuộc đời của một nữ bác sĩ vùng quê vào những năm 1950, và sự ly tán của những đứa trẻ di cư mà cô chăm sóc (“Tashari” có nghĩa là “phát đạn ria”); và tiểu thuyết “Con voi xanh”, một truyện phiêu lưu của Ai Cập, nói về vụ giết người bí ẩn, lấy bối cảnh ở một bệnh viện tâm thần.

Cuốn sách của Saadawi được hứa sẽ được xuất bản bằng tiếng Anh. Cho đến nay, 6 trong số 7 tác phẩm thắng cuộc ở IPAF đã đều có hợp đồng xuất bản bằng tiếng Anh. Nhìn chung, những ứng cử viên cùng tác phẩm chiến thắng từ năm 2008 đã được chuyển thể sang hơn 20 ngôn ngữ khác nhau.

Bloomsbury Qatar, một nhánh nhà xuất bản mới với mục tiêu đưa đến nhiều hơn tác phẩm văn học Ảrập đã được dịch, vừa phát hành một bản dịch tiếng Anh của tác phẩm chiến thắng IPAF năm 2010, một tiểu thuyết Ảrập có tên “She Throws Sparks” (“Nàng phẫn nộ”, được xuất bản tại Mỹ dưới cái tên “Phẫn nộ”), một cuốn sách cực kì đen tối và sinh động. ở trang đầu tiên, người kể chuyện- một chấp hành viên được thuê từ một khu ổ chuột ở Jeddah, sống và làm việc trong cung điện của một chủ nhân bí ẩn và đáng sợ- đang thủ dâm cho một trong những kẻ thù của chủ nhân anh ta, một hình thức tra tấn mà ta hiểu là công việc anh ta không mong muốn.

Mùa xuân 2014, Bloomsbury Qatar cũng đã cho xuất bản tác phẩm chiến thắng IPAF năm 2011, “Cửa tò vò và con bướm” của nhà văn Marốc Mohammed Achaari, câu chuyện kể về một người đàn ông trung niên thuộc cánh tả phát hiện ra con trai mình đã chết trong một cuộc thánh chiến ở Afghanistan. Một tác phẩm đứng thứ hai giải IPAF, “Không dao trong bếp của thành phố này” của tiểu thuyết gia người Syria Khaled Khalifa, một bộ tiểu thuyết bi kịch gia đình lấy bối cảnh ở Aleppo trong vòng nửa thế kỉ nằm dưới sự cầm quyền của đảng Baath, cũng sắp được xuất bản.

Những giải thưởng như giải mà “Frankenstein ở Baghdad” đã giành được, dẫn đến những cuộc tranh luận sôi nổi về văn học, và nâng cao nhận thức về những nhà văn trẻ và những xu hướng của khu vực, trong đó những cuốn sách không được lưu hành rộng rãi như chúng ta tưởng, chỉ do kiểm duyệt, quan liêu hay một ông chủ xuất bản nào đó đang chật vật. ủy ban giải thưởng đã thêm hội thảo của nhà văn vào những hoạt động của mình và một hội thảo của Saadawi chắc chắn sẽ được tổ chức.

Các quốc gia Ảrập chưa bao giờ rơi vào khủng hoảng trầm trọng hơn ngày nay, dù là sự mất ổn định do những can thiệp từ bên ngoài, những cuộc xung đột sắc tộc, chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, hay là nhu cầu của những công dân đã chán ngán với tình cảnh hiện tại. Chúng ta chỉ có thế cảm thấy tiếc về những chất thải đáng kinh ngạc, sự hỗn loạn và đau khổ, mà việc này đã gây ra. Nhưng những nhà văn Ảrập đang khâu các mảnh ghép lại với nhau; phần nổi lên có thể không đẹp, nhưng nó đã đủ hấp dẫn rồi.

Ahmad Saadawi là một tiểu thuyết gia, nhà thơ và nhà viết kịch người Iraq. Ông sinh năm 1973 tại Baghdad, nơi ông làm việc như một nhà sản xuất phim tài liệu. Ông đã tham gia vào giải thưởng “Nadwa” của IPAF, hay còn gọi là Hội thảo văn học dành cho những nhà văn trẻ đầy triển vọng vào năm 2012.

Thay mặt cho Ban giám khảo giải thưởng của IPAF năm 2014, ông Saad A. Albazei đã bình luận: Chúng tôi đã chọn “Frankenstein ở Baghdad” vì nhiều lý do. Trước hết là vì sự độc đáo trong cấu trúc tường thuật của truyện, điều được thể hiện thông qua nhân vật “Tên nó là gì đó”, người hiện thân cho tình trạng bạo lực hiện nay đang tồn tại ở Iraq, ở các nước Ảrập khác, hay cả trên khắp thế giới. Câu truyện đã được kể theo một cách chuyên nghiệp trên nhiều cấp độ, và từ nhiều điểm nhìn khác nhau.

Vì những lý do trên và nhiều điều khác nữa, “Frankenstein ở Baghdad” là một sự bổ sung quan trọng cho tiểu thuyết Ảrập đương đại.

Giáo sư chuyên ngành nghiên cứu Ảrập hiện đại, Yasir Suleiman, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tín đồ IPAF, nhận xét: “Tác phẩm Frankenstein ở Baghdad của Ahmed Saadawi là một thành tựu xuất sắc, đầy ắp những nhân vật vừa thực tế lại thật sự siêu thực. Nó đặt ra câu hỏi về một di sản ngột ngạt mà các cá nhân hay cả xã hội đều không thể thoát khỏi. Cuốn tiểu thuyết làm người đọc kinh ngạc với lối kể truyện quyến rũ, sử dụng những kỹ thuật của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo để lộ ra chiều sâu của tâm hồn con người trong những giờ khắc tối tăm nhất của nó. Mặc dù được lấy bối cảnh tại Baghdad, chủ đề của nó vượt ra xa khỏi thành phố này để ôm lấy nhân loại ở khắp mọi nơi.”


BÍCH ĐÀO dịch từ BANIPAL, BBC và The NewYorker

Nguồn: Báo Văn Nghệ số 30