Có một nghịch lý không dễ phá bỏ, ấy là việc thơ chẳng phải gió nhưng cố định nó thật khó khăn. Thi sĩ đầu tiên và thi sĩ cuối cùng của loài người chắc chắn chẳng bao giờ gặp nhau mặc dù họ đều là kẻ thất trận trước cửa ải đó.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương

Tìm thấy và đánh mất

tiểu luận

Viết là tìm thấy hay đánh mất? Đó là câu hỏi luôn luôn vang lên trong tâm trí tôi kể từ sau khi tác phẩm đầu tiên của mình ra đời. Có lúc tôi nghĩ là tìm thấy, nhưng không ít lần tôi lại cho rằng viết là đánh mất. Thật khó biết chính xác khi viết mình tìm thấy gì và đánh mất gì. Nhưng điều rõ nhất là tôi có một thế giới ăm ắp trong tâm trí tôi, thế giới ấy kết tạo bởi đời sống và trí tưởng tượng. Thế giới ấy biến hóa sinh động và luôn luôn hỗn độn. Khi tôi viết ra, là đã tiết lộ với mọi người cái thế giới thầm kín kia, cũng đồng nghĩa vừa tìm thấy vừa đánh mất. Tôi tìm thấy một khoảnh khắc, cố định được nó, nhưng đánh mất những sinh trưởng của chính cái được cố định. Tôi có nhiều phương án cho cuộc đời của các nhân vật, có rất nhiều, nhưng khi viết ra tôi chỉ chọn một và tôi đã đánh mất đi sự biến hóa, sự phong phú của các nhân vật ấy, tôi đánh mất những phương án mà có thể lúc nào đó sẽ là tối ưu chứ không phải phương án đã viết ra. Cầm cuốn tiểu thuyết đầu tay, cảm giác của tôi là tiếc nuối vì vừa hao khuyết một thế giới hỗn độn nguyên sơ trong tâm trí mình và đó là lúc câu hỏi hoài nghi vang lên trong tôi. Tôi nhận ra mình tìm thấy sự mạch lạc trong mớ hỗn mang, nhưng tôi cũng đồng thời đánh mất một thế giới bát nháo, sống động của những cảm tính. Tìm thấy và đánh mất đan xen quấn quýt nhau như thế, như những mảng đậm nhạt vờn đuổi trên mặt trăng. Nhưng dù sao thì tôi đã tìm thấy những độc giả đầu tiên của mình và một phần trong số đó đi cùng tôi tới tận bây giờ. Tôi tìm thấy lòng can đảm vì đã trình ra một thế giới lâu nay ủ kín trong tâm trí, dù thế giới đó không hẳn đã hoàn hảo vì không hẳn đã chính xác với thế giới trong tâm trí tôi. Nhà văn nào cũng mong muốn đạt tới sự hoàn hảo, mà sự hoàn hảo chỉ đến khi người ta ngừng viết. Tôi cho rằng thực ra mỗi nhà văn chỉ viết duy nhất một tác phẩm, đó là tác phẩm đầu tay, những tác phẩm tiếp theo, dù có tinh tế, điêu luyện đến thế nào cũng chỉ là sự bổ sung, gia cố, bồi đắp cho những gì chưa có, chưa hoàn chỉnh, những gì thừa ra, hoặc những gì thô ráp, ngớ ngẩn của tác phẩm đầu tay vụng dại mà trong trẻo kia. Đó là câu trả lời vì sao đối với nhà văn, tác phẩm hoàn hảo nhất, đỉnh nhất chưa bao giờ tới lúc họ còn đang viết. Khi nhà văn nằm xuống đồi núi mới trồi lên.

Văn học không lành mạnh thẳng thớm như thể thao, nó là thứ khiến người ta ngước lên chỉ sau khi đã cúi xuống nhìn sâu vào chính bản thân mình. Tôi nghĩ, về cơ bản có hai loại người, một loại cúi nhìn trái tim mình và một loại cúi nhìn hạ bộ mình. Và tôi không xác quyết loại nào tốt, loại nào xấu, loại nào cần lên án hay loại nào cần tụng ca. Thiên chức nhà văn, nếu có, là chỉ ra rằng trong trái tim có bóng dáng của hạ bộ, và ngược lại. Đấy là lúc nhà văn tìm thấy tiếng nói của mình và đấy cũng chính là chỗ hiểm nguy nhất của nghề viết, hiểm nguy nhưng không thể khước từ nếu anh thực sự là nhà văn. Nhà văn tìm thấy sự trong sáng ở phần đen tối nhất, tìm thấy hòn đảo lạc quan giữa trùng trùng những lớp sóng bế tắc. Như thế, tức là anh ta đánh mất đi con người lí tưởng, theo mẫu số chung của đám đông, và bù lại, anh ta tìm thấy con người theo đúng nghĩa của nó, con người như một sự hỗn độn bát nháo nhưng không thể phủ định rằng rất thơ ngây.

Tôi nhận ra thời này, dấu hiệu tâm thần có mặt ở tất cả mọi hạng người, không chỉ là đặc ân cho đám trí thức nữa và nó không còn là một căn bệnh mà trở thành một yếu tố của con người. Nhân vật của tôi, sống giữa những dấu hiệu tâm thần và họ không quan tâm tới điều ấy, dấu hiệu tâm thần chỉ là cái nhìn lệch lạc của kẻ bên ngoài, bản thân họ thì thấy thuận với tự nhiên của họ. Nhà văn là một tế bào của xã hội và anh ta chứa đủ những gì mà cơ thể xã hội đang mang. Xã hội tràn lan dấu ấn tâm thần thì nhà văn cũng chẳng tránh khỏi, những gì anh ta viết ra cũng chẳng tránh khỏi. Hành vi tâm thần luôn là những hành vi hồn nhiên nhất vì thế mà nó cũng là tự do nhất. Con người càng hồn nhiên thì càng tự do, càng tự do thì càng tiến sâu vào huyền ảo. Đó là lộ trình tôi tin tưởng. Trong thế giới huyền ảo tôi được các nhân vật rỉ tai rằng cần thận trọng với lòng tốt của người chưa bao giờ xấu xa, rằng rốt cuộc lí tưởng vẫn là thứ cần thiết cho một đời người, rằng huyền ảo là chốn bình đẳng tuyệt vời nhất. Tôi tìm thấy nhiều  điều ngay với nhân vật của mình, nhưng tôi đã đánh mất tính nhân ái phổ thông mà thế hệ nhà văn trước gieo vào tôi, thông qua các nhân vật lí tưởng hóa của họ. Tôi tìm thấy mặt đất cho nhân vật và đánh mất bầu trời của họ. Viết là tìm thấy và viết cũng là đánh mất.

Tuyệt không làm đề cương khi viết. Với tôi, một bài thơ hay một tiểu thuyết luôn bắt đầu giống nhau, là sự réo gọi, bứt dứt, gần như không phương hướng. Chỉ có những u ơ đâu đó trong tâm trí, và rồi nó rõ dần lên thành tiếng gọi, sau đó thì nó thúc giục mình ngồi vào bàn viết. Những trang đầu tiên không nói được gì cả, những trang đầu tiên luôn luôn lừa mị tôi mặc dù nó là thứ tôi gửi vào đó nhiều hăm hở nhất. Phải tới dăm mười trang sau mọi sự mới thực sự bắt đầu và khi ấy bàn chân sinh ra con đường chứ không phải con đường réo gọi bàn chân. Tôi quan niệm viết văn cũng giống như cưỡi ngựa, người mới bắt đầu thì loạng quạng, khó điều khiển theo ý mình, đến khi quen rồi, thành thạo rồi thì tự do tự tại, làm chủ tình huống theo ý mình mà không cần phải dùng tới yên cương. Một nhà văn, khi mới vào nghề là kẻ để cho tâm hồn mình bộc lộ tự nhiên, anh ta bị cảm xúc dẫn đi vì thế tác phẩm đầu tiên bao giờ cũng loạng quạng, chệch choạc, hớ hênh. Khi thành nghề thì anh ta chủ động điều khiển cảm xúc, anh ta tìm thấy kỹ thuật, sự kín đáo và trớ trêu thay, lại đánh mất tính hồn nhiên.

Tiểu thuyết đầu tay của tôi có một kết cấu cân đối như phần lớn kết cấu của các tiểu thuyết xoàng xĩnh khác cùng thời. Nói một cách khác, tôi đã tìm thấy gần như ngay lập tức kết cấu cho một tác phẩm vì nó có sẵn trong đầu tôi, nó nhập vào tôi thông qua các lần đọc, nói trắng ra thì nó là sự sao chép cấu trúc của các tác phẩm phổ thông khác mà tôi đọc được. Đến tác phẩm thứ hai thì tôi không bằng lòng với cái kết cấu mình đã tìm thấy dễ dàng, mà tìm kiếm kết cấu đa tuyến, sau đó tới song tuyến và song tuyến là kết cấu mà tôi yêu quý, yêu quý tới mức thậm chí trở thành lạm dụng. Tất nhiên, một nhà văn thì chỉ có một đến hai kiểu kết cấu cơ bản thôi, tôi tin như thế. Vấn đề ở chỗ tôi đã tìm thấy, rồi đánh mất, một cách cố tình, rồi lại tìm và chắc chắn sẽ lại đánh mất lần nữa. Tôi đã quy củ, nghiêm ngắn, sau đó băm nát ra để sắp xếp lại, theo cách mà tôi hình dung với ý đồ mô phỏng được sự chằng chéo, đan xen, cả hỗn độn nữa, của đời sống. Tôi đã có tác phẩm phá tung như thế, một cách bất nhã, rồi ngay sau đó tôi cũng có tác phẩm cân đối, trật tự như một lời cải chính khiêm nhường. Kết cấu là thứ làm đau đầu các nhà văn bởi nó biểu hiện cho khát khao thiết lập thế giới theo cách độc đoán của mỗi người. Nhưng rồi chẳng gì thoát được quy luật, đảo lộn cuối cùng cũng là để đi tới sự quy củ khác. Viết là tìm thấy một quy tắc trên cơ sở đánh mất một quy tắc.

Khi chưa có câu trả lời xác quyết thì hành động khôn ngoan hơn cả vẫn là tiếp tục viết để duy trì câu hỏi.

Đường bay của quả bóng màu

(tiểu luận)

1. Có một nghịch lý không dễ phá bỏ, ấy là việc thơ chẳng phải gió nhưng cố định nó thật khó khăn. Thi sĩ đầu tiên và thi sĩ cuối cùng của loài người chắc chắn chẳng bao giờ gặp nhau mặc dù họ đều là kẻ thất trận trước cửa ải đó. Đơn giản, họ là những kẻ khác nhau, không bao giờ trùng khít nhau, nếu trùng khít nhau họ cũng chẳng thay thế cho nhau. Tự nhiên không cho phép điều ấy xảy ra, huống hồ thơ chỉ là câu chuyện của loài người.

Mỗi nhà thơ là một chân trời của thơ và mỗi bài thơ là một định nghĩa về thơ. Đây chính là cuộc vờn đuổi bất tận giữa các nhà thơ với nhau và giữa nhà thơ với chính bản thân anh ta. Cuộc vờn đuổi của mở và đóng, của cố định và biến đổi. Kết cục là: chẳng có kết cục gì cả. Chỉ có sự góp mặt cho một cuộc trình diễn miên man, say đắm pha hơi hướng của sự mù quáng đáng yêu.

Thơ rộng lớn bởi sự chia nhỏ của từng cá nhân như thế. Và như thế, mãi mãi không có sự cố định, không có mẫu số chung cho thơ. Có thể kết luận này dẫn tới những phản ứng, nhưng tôi vẫn cho rằng nhà thơ là kẻ làm phân rã thế giới, xin hiểu chữ phân rã ở mức độ trìu mến nhất. Nói cách khác, thơ nới rộng khoảng cách giữa các thế giới quan, hơn nữa nó nới rộng kích thước của một con người và không ai đảm bảo chắc chắn rằng sự nới rộng này còn giữ được tính thống nhất chặt chẽ. Con người có thể bị phân chia khỏi chính mình thông qua khoảng cách của các cảm giác. Sự phân chia không có giới hạn, thậm chí càng chia nhỏ thế giới, thơ càng tồn tại lâu bền, bởi xét cho cùng thơ chính là những khoảnh khắc không lặp lại.

Thơ  thuần tuý là cuộc chuyện trò, một cuộc chuyện trò ngang bằng với tất cả. Trước thơ mọi đẳng cấp xã hội bị gạt bỏ, chỉ có sự chênh lệch của những giá trị được đón nhận mà giá trị đó phụ thuộc vào nhu cầu nội tại của đối tượng đón nhận. Đôi khi một kẻ thất học nhận được ở thơ nhiều giá trị hơn một kẻ có bằng cấp học vị cao và đôi khi những kẻ thua trận lại tìm thấy ở thơ sức mạnh mà những người thắng trận không dám mơ tới.

Thơ là ái kỷ vì nó luôn lấy chính bản thân nó làm đích để đạt tới dù cho chính thơ nhiều lúc cũng lúng túng về giá trị của mình. Thơ là chính nhà thơ với sự nhân rộng lên trong một khoảnh khắc hứng khởi. Khi hứng khởi tan biến thì thơ lặn mất hút đi, ở nơi nào đó trong sự thăm thẳm khôn cùng của chính nhà thơ ấy. Vì thế mà các nhà thơ chịu đựng sự đơn độc khá hơn các nhà văn và cũng vì thế sự thất vọng của các nhà thơ cũng êm ái hơn, kín đáo hơn.

Thơ là quả bóng màu bay vẩn vơ trong trí nhớ của con mèo. Đã có ai nhìn thấy đường bay phù phiếm và quái đản ấy chưa? Nếu trả lời rồi thì chắc chắn chỉ là ảo giác của ta, còn nếu chưa thì càng tệ hại hơn nữa, nó thông báo rằng chẳng bao giờ ta chạm tới được cốt lõi của thơ cả. Rất dễ tan biến khi ta tìm cách cố định thơ. Nhưng lảng tránh công việc đó, ta không phải là nhà thơ. May mắn thay, có một nghịch lý an ủi ta: Khi ta cố định thơ thì cũng có nghĩa ta đang mở tung giới hạn của nó.

2. Bởi thơ ca là những giấc mơ cho nên chắc chắn trái đất cũng phải hình thành từ giấc mơ nào đó. Chắc chắn hơn nữa: thế giới chúng ta đang sống được đánh nhịp bởi những giấc mơ.

Không gì xa như giấc mơ, cũng không gì gần như giấc mơ. Giấc mơ là vòng lăn tít mù của bánh xe, triệu triệu vòng quay cho một hình hài. Sống, xét cho cùng là tiến từ giấc mơ này tới giấc mơ khác.

Chẳng ai biết vì sao giấc mơ đến với chúng ta, nhưng tất cả đều biết, nếu không có giấc mơ, con người là bạo tàn. Quá nhiều giấc mơ thì thế giới sa vào hoang tưởng, mụ mị. Cái lợi của giấc mơ là cán phẳng lại thì hiện tại gồ ghề, cái hại là làm hoang tàn hiện tại.

Những giấc mơ là quái đản. Thiếu quái đản, thế giới tẻ nhạt, sống sượng, chỉ là thảo nguyên gối đầu lên thảo nguyên. Giấc mơ là núi chen vào thảo nguyên, khuất khúc, dữ tợn. Giấc mơ là vực chen vào mặt phẳng, thẳm sâu, lạnh gáy. Thơ ca, nếu thiếu những suy tư đen rợn, chỉ còn là bãi lầy của sự lãng mạn, giống như đời sống thiếu những giấc mơ.

Vẻ đẹp không thể thay thế của giấc mơ là vẻ đẹp của sự vô lí. Nhưng giấc mơ tàn nhanh hơn ý nghĩ. Ý nghĩ thì dai dẳng, giấc mơ chỉ tồn tại không quá dăm phút. Ở chỗ này, giấc mơ tách khỏi thơ ca để tiến gần tới loài phù du. Con phù du và giấc mơ là hai bậc thầy trác tuyệt của chúng ta, trên phương diện tận dụng triệt để, ráo riết thời gian. Chúng cho ta những bài học quí hơn những bài học mà ông trời đích thân dạy bảo chúng ta.

Trong mơ, chúng ta có thể nói mà không nhấp miệng, vì trong mơ cơ thể chúng ta mở tuyệt đối. Chúng ta có thể nói chuyện với chính ta qua một bầu trời trong vắt. Và nỗi buồn vời vợi trong giấc mơ không làm ai tàn héo theo. Và khoái cảm ngã từ đỉnh núi xuống ngọt ngào hơn bất cứ lời yêu thương nào.

Trong mơ ta sẵn sàng chết, cho bất kỳ ai, kể cả kẻ ta căm ghét, vì những lí do cực vớ vẩn. Trong mơ ta không ích kỷ nhưng gan lì. Trong mơ chẳng có lòng dũng cảm, còn sự sợ hãi chỉ tô đẹp thêm chứ không làm tổn thương lòng kiêu hãnh. Trong mơ ta có thể phản bội mà tuyệt không day dứt, bởi nụ hôn trong mơ chẳng có mùi vị. Nụ hôn trong mơ là siêu phẩm dành cho những kẻ đa tình nhưng vẫn muốn giữ được đức hạnh. Hôn trong mơ như ăn cơm chay, có giả cầy, thịt gà, giò lụa mà vẫn chay tịnh. Các bà vợ nên yên tâm khi chồng viết thơ tình.

Thần thánh không mơ. Giấc mơ là thứ để phân biệt con người với thần thánh, nói cách khác, là cánh cửa duy nhất để con người có cơ hội ngó mặt thần thánh.

Bầu trời là những giấc mơ xếp chồng lên nhau, càng nhiều giấc mơ trời càng cao. Khi trời xẹp xuống có nghĩa giấc mơ của chúng ta đang vơi đi.

Giấc mơ là thứ muốn không có, tìm không thấy, chối từ không được. Giấc mơ lạc vào chúng ta nhưng chúng ta không thống trị được nó mà bị nó thống trị. Chúng ta là vật chủ nuôi những giấc mơ. Cũng như thi sĩ không phải là kẻ làm ra bài thơ mà bài thơ làm ra thi sĩ. Bài thơ và giấc mơ là một, người mơ và thi sĩ là một. Đọc một bài thơ có nghĩa là lang thang trong giấc mơ, với tinh thần phó mặc. Nhưng chúng ta là những kẻ yểu ớt, không chịu được sự vô tận nên chúng ta gán cho chuyến lang thang một mục đích: tìm giới hạn.

Đâu là giới hạn của bài thơ?

Lời đáp nằm mãi mãi trong những giấc mơ.

 

(Nguyễn Bình Phương – Nguồn: Vanvn.net)

Exit mobile version