Đã từ lâu chúng ta tốn khá nhiều thời gian, công sức và giấy bút cho việc thảo luận đề tài: Tiêu chí của dịch văn học là gì? Ý kiến tuy nhiều nhưng cuộc luận bàn xem ra vẫn chưa đến hồi kết.

Ba chữ tín, đạt, nhã (do Nghiêm Phục đưa ra từ cuối thế kỉ XIX) được bàn đến nhiều nhất và được nhiều người xem là tiêu chí của dịch thuật. Người thì bảo một bản dịch vừa phải trung thành với nguyên bản, vừa phải dễ hiểu, lĩnh hội được nguyên ý của tác giả, vừa phải văn vẻ trôi chảy, lưu loát, đó chính là tín, đạt, nhã. Người thì bảo chỉ cần hai chữ tínđạt là đủ và “giải tán” chữ nhã, vì chữ nhã là vô nghĩa. Lại có những người còn hăng hái hơn thế, đề nghị “giải tán” cả hai chữ đạt, nhã và chỉ để lại chữ tín, bởi họ cho rằng, trong dịch thuật chỉ cần một chữ tín là đủ. Theo số người này, chữ tín bao gồm tất cả, tức là chuyển được toàn bộ những cái gì mà tác giả làm và người đọc cảm nhận được ở nguyên bản trong một ngôn ngữ khác. Riêng tôi thì tôi đề nghị “giải tán” luôn cả ba chữ tín, đạt, nhã và chỉ cần dùng một chữ tiếng Việt mà vẫn bao hàm tất cả, đó là chữ ĐÚNG – tiêu chí của dịch văn học phải là đúng, tức là dịch đúng, thế thôi.

Đúng có nghĩa là phải dịch chuẩn xác lời văn và tinh thần của nguyên bản. Phải tìm cho được những từ, những thuật ngữ tương ứng trong tiếng Việt để dịch cho đúng với nội dung bản gốc. Thực tế cho thấy, trên cơ sở tinh thần của câu văn, của văn cảnh trong nguyên tác, bao giờ chúng ta cũng có thể tìm được những thuật ngữ tiếng Việt chuẩn xác nhất để có được lời văn, câu văn đúng với nguyên tác. Lắm khi chỉ tìm một từ tiếng Việt cho thật chuẩn xác với bản gốc thôi mà người dịch phải loay hoay, trăn trở mất mấy ngày liền, có khi còn ăn không ngon, ngủ không yên. Nghề dịch lắm công phu là như vậy. Trong tiếng Ba Lan, và có lẽ trong nhiều ngôn ngữ châu Âu khác cũng vậy, từ minister có nghĩa là bộ trưởng và cũng có nghĩa là thượng thư. Trong một tác phẩm văn học cổ điển mà ta dịch minister bộ trưởng là không đúng với văn cảnh, dẫu rằng nghĩa của từ này không sai. Có những lời văn, câu văn thậm chí đoạn văn chúng ta có thể dễ dàng dịch sang tiếng Việt trung thành trăm phần trăm với bản gốc, chính xác đến từng chữ một. Đó là khi lời văn và câu văn, hình thức ngôn ngữ của nguyên bản có sự đồng điệu và tương đồng với tiếng Việt. Hoặc có những câu văn đơn giản, hoàn toàn có thể, thậm chí cần phải dịch đúng từng chữ. Chẳng hạn “anh yêu em”, “tôi ăn cơm” thì ngôn ngữ nào cũng nói như vậy thôi, người dịch chỉ việc dịch đúng từng chữ là ổn. Kinh nghiệm cho thấy, trong mỗi cuốn tiểu thuyết hay tác phẩm văn học thường có ít nhất 50% câu văn, lời thoại, người dịch có thể dịch y chang. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp ta lại không thể làm như vậy, nhất là khi gặp những thuật ngữ, những lời văn, những câu văn, những thành ngữ, ngạn ngữ… phản ánh phong tục tập quán, lối sống, cách nói mang bản sắc của một địa phương, vùng, miền, một bộ tộc, một dân tộc… Đây là những tình huống đòi hỏi người dịch chẳng những phải thành thạo ngôn ngữ được dịch mà còn phải am tường lịch sử, văn hoá, phong tục tập quán và lối sống của dân tộc sử dụng thứ ngôn ngữ được dịch sang tiếng Việt đó. Một khi có được như vậy thì người dịch chẳng mấy khó khăn trong việc tìm ra lời văn, câu văn đúng với tinh thần nguyên bản. Theo tôi, không có thuật ngữ nào, không có khái niệm nào lại không thể diễn đạt đựợc bằng ngôn ngữ khác. Cái tài của người dịch là tìm được những thuật ngữ, những khái niệm tiếng Việt đắc địa, chuẩn xác nhất, đúng nhất. Thực tế cho thấy không phải người dịch nào cũng làm tốt điều này. Và làm tốt điều này cũng không phải dễ.

Dịch một tác phẩm văn học cổ điển khác dịch một tác phẩm văn học hiện đại. Như tôi đã nói ở trên, cùng một từ minister trong bản gốc, nếu là tác phẩm văn học cổ điển ta phải dịch thượng thư, còn nếu là tác phẩm văn học hiện đại thì ta phải dịch bộ trưởng. Việc Việt hoá và sử dụng thuật ngữ đóng một vai trò cực kì quan trọng, quyết định chất lượng của bản dịch. Cách ứng xử, lối xưng hô, văn phong của ngày xưa khác với ngày nay. Bản dịch tác phẩm văn học cổ điển phải làm toát lên được cái không khí ngày xưa, cái không khí và phong cách của thời đại mà tác phẩm đề cập. Dịch một cuốn tiểu thuyết lịch sử ta phải sử dụng các thuật ngữ, các từ cổ thích hợp, văn phong phải thích hợp với lối xưa thì mới tạo được không khí nói trên. Chẳng hạn phải dùng các thuật ngữ tiểu thư, công nương, ái khanh, tiện thiếp, hạ thần, huynh, đệ, hạ quan, bản quan, sứ thần, tiên sinh v.v… Để cho bản dịch có không khí cổ, văn phong cổ ta thường phải sử dụng nhiều từ Hán – Việt. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trong thời hiện đại dùng quá nhiều từ Hán- Việt cũng không phải là tốt, lắm khi làm cho các đọc giả, nhất là các đọc giả trẻ tuổi khó hiểu, thậm chí không hiểu, hiệu quả của bản dịch do vậy bị hạn chế. Theo tôi, đây cũng là vấn đề cần bàn. Liều lượng từ Hán – Việt trong một bản dịch nên như thế nào là vừa.

Đúng còn có nghĩa là bản dịch phải giữ cho được văn phong của tác giả. Đọc bản dịch người đọc cảm nhận được phong cách của tác giả như đọc bản gốc vậy. Mỗi tác giả có phong cách của riêng mình, người dịch phải hành văn trong tiếng Việt sao cho đúng với phong cách đó, giữ cho được phong cách đó. Một bản dịch làm giảm hoặc làm lệch văn phong của tác giả là một bản dịch không đạt. Henryk Sienkiewicz là Henryk Sienkiewicz, Boleslaw Prus là Boleslaw Prus, Slawomir Mrozek là Slawomir Mrozek, Katarzyna Grochola là Katarzyna Grochola, không thể lẫn lộn được. Mọi sự “sáng tạo” làm sai lệch bản gốc là không thoả mãn tiêu chí đúng nói trên.

Có người nói, dịch văn học là sáng tạo lại tác phẩm thêm một lần nữa. Theo tôi, sử dụng thuật ngữ “sáng tạo” trong trường hợp này e rằng hơi quá. Sáng tạo là một khái niệm rất rộng, là làm ra cái mới chưa ai làm. Người dịch không làm ra cái hoàn toàn mới mà là tái tạo tác phẩm bằng ngôn ngữ khác. Trong bản dịch của mình người dịch có thể có những “sáng tạo” trong khuôn khổ “Việt hóa” để cho bản dịch hay, thuần Việt, đọc bản dịch mà như đọc bản gốc tiếng Việt vậy. Thông qua cách hành văn, cách dùng từ của mình, người dịch cũng có thể đưa “cái tôi” vào bản dịch, nhưng “cái tôi” này phải hợp lý và không đi chệch tiêu chí “Đúng”. Phải ý thức một điều là, chúng ta là người dịch, chúng ta bị cái khung bản gốc khống chế, bó buộc và không được phép vượt ra khỏi cái khung đó. Thực chất, chúng ta là những người ở trong thế bị động, tuân theo ý của tác giả. Tác giả sướng ở chỗ được tự do sáng tạo, biết gì viết nấy, thêm bớt theo chủ quan của mình. Còn dịch giả thì không được làm như vậy. Dịch giả không được thêm và cũng không được bớt một cách tuỳ tiện, khi cái sự thêm và cái sự bớt đó làm cho bản dịch của chúng ta không còn trung thành với nguyên tác, không còn đúng với nguyên tác nữa, dịch như vậy gọi là phản, sáng tạo kiểu như vậy gọi là “nhanh nhẩu đoảng”. Chung quy, tác giả viết những gì mình biết, còn dịch giả phải dịch tất cả những gì tác giả viết và xét cho cùng, dịch giả phải biết tất cả những gì tác giả viết. Đây là một công việc lắm nhọc nhằn, nhiều công phu, càng đọc nhiều, càng biết nhiều, càng trải nghiệm nhiều, càng có lợi cho công việc dịch thuật. Khi chúng ta tìm được những từ, những thuật ngữ chuẩn nhất, chính xác nhất trong tiếng Việt để dịch là chúng ta đã cố gắng làm cho bản dịch được Việt hoá đúng theo bản gốc. Đó không phải là sự sáng tạo mà là sự trung thành. Trung thành, theo từ điển, có nghĩa là đúng như vốn có, đúng như sự thật. Theo tôi, người dịch cần sự sáng suốt hơn là sự sáng tạo. Tôi rất tâm đắc và chia sẻ quan điểm dịch thuật của anh Trần Thiện Đạo, thể hiện trong bài “Dịch loạn”, đăng trên báo Văn nghệ số 16, ngày 21 tháng 4 năm 2012: “…hắn (tức dịch giả – LBT) chỉ tự do trung thành, tuyệt đối trung thành, nghĩa là phải bám sát gót, đặt chân mình vào đúng dấu chân tác giả, không chệch choạc, chệch đường, chệch hướng. Hệt một tấm kính phản chiếu hình dạng đứng trước mặt mình, hệt con khỉ mô phỏng động tác của tác giả. Không chỉ y chang dáng dấp bên ngoài mà còn cả nội tâm”. Hoặc: “ngoài chỗ bản dịch phải xuất hiện như một tác phẩm viết thẳng bằng tiếng Việt, dịch giả đồng thời còn phải tôn trọng bút pháp và văn phong của tác giả, thể loại và nhịp điệu của tác phẩm – tôn trọng ngay cả những chỗ sai sót, thiếu mạch lạc, quá dở”. Tôi ủng hộ những quan điểm xác đáng này.

Xét cho cùng, một bản dịch tiếng Việt đúng phải là một bản dịch hoàn hảo tới độ gây cho người đọc cảm giác như đọc nguyên tác. Bản dịch mang lại cho người đọc hiệu quả y như đọc bản gốc. Nội dung và hình thức của nguyên bản như thế nào thì nội dung và hình thức của bản dịch được giữ đúng như vậy. Tác giả có tác phẩm – bản gốc, dịch giả có dịch phẩm – bản dịch. Tác phẩm và dịch phẩm tuy hai mà một.

Nghề dịch là nghề vất vả, lắm công phu, người dịch phải oằn lưng trên từng trang sách, gọi dịch giả là “phu chữ” cũng không ngoa. Dịch giả phải thông thạo ngôn ngữ mình dịch, am hiểu lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của đất nước sử dụng ngôn ngữ mình dịch, phải giỏi tiếng Việt, hiểu nhiều, biết lắm, càng uyên thâm càng tốt, và phải có những tố chất của một dịch giả. Giỏi ngoại ngữ chưa chắc có thể làm dịch giả văn học. Người dịch càng dịch nhiều, càng trải nghiệm, thì dịch càng ngày càng lên tay và hạn chế được sai sót. Sai sót trong dịch thuật là điều khó tránh khỏi, kể cả những người đã dịch lâu năm, không thể nói mạnh được. Chỉ có điều, người dịch phải làm tất cả những gì mình có thể làm để nâng cao chất lượng bản dịch và hạn chế tối đa những sai sót, nhất là những sai sót không đáng có. Sau khi dịch xong một tác phẩm, tôi thường phải đọc đi đọc lại rất nhiều lần, mỗi lần đọc như vậy lại phát hiện ra những sai sót mà lần đọc trước mình chưa phát hiện ra. Có khi bản thảo đã gửi đến nhà xuất bản rồi, lúc rỗi ngồi xem lại, lại phát hiện sai sót, và thế là tôi lại đề nghị biên tập viên NXB cho tôi sửa lại chỗ này, chỗ nọ… Tôi dám chắc, còn đọc lại bản thảo thì còn phát hiện ra sai sót và những chỗ chưa ưng ý. Sách in rồi, đọc lại, thể nào cũng phát hiện ra những lỗi còn để sót. Lúc đó chỉ còn chờ tái bản sách để có cơ hội sửa sai. Có những lỗi ngẫu nhiên, người dịch đọc đi đọc lại vẫn không phát hiện ra, nhưng khi người khác đọc thì thấy ngay lỗi này. Nếu vì chủ quan, vì cẩu thả, vì lười biếng, vì nóng vội, và vì vụ lợi, để xảy ra quá nhiều lỗi, có khi là những lỗi ngớ ngẩn, thì người dịch phải chịu trách nhiệm và đáng bị phê phán. Cũng xin nói thật, với mức nhuận bút như hiện nay, thì không ai sống được bằng nghề dịch. Nếu không vì đam mê dịch văn học và những động lực cao cả khác, thì chắc chẳng mấy người dám dấn thân vào con đường dịch thuật vốn lắm gian nan, nhiều khổ sở và không đủ sống này. Các phát biểu gần đây của dịch giả Dương Tường, Di Li, Phạm Anh Tuấn và một số dịch giả khác cho ta thấy điều này.

Vai trò của văn học dịch đối với đời sống xã hội và văn học Việt Nam chắc ai cũng biết. Nền văn học Việt Nam, cụ thể: thơ ca Việt Nam, văn xuôi, tiểu thuyết Việt Nam, nền lý luận phê bình văn học của Việt nam, các nhà văn, nhà thơ Việt Nam và người dân Việt Nam nói chung được hưởng lợi như thế nào từ văn học dịch và dịch văn học thì chắc ai cũng biết. Xin hãy mường tượng, diện mạo của văn học Việt Nam như thế nào, văn học Việt Nam phát triển, cách tân và hòa nhập ra sao, nếu không có văn học dịch. Chính dịch văn học đã mang đến cho người đọc Việt Nam những tinh hoa và những giá trị của văn học thế giới. Không có đội ngũ những người dịch văn học, thì chắc người đọc Việt Nam đã không được thưởng thức những hoa thơm, quả lạ văn chương, đang càng ngày càng được cặp nhật, của các nền văn học ở năm châu. Những “hoa thơm quả lạ” này đang chiếm một tỷ lệ rất đáng kể tại các kệ sách văn học ở các nhà sách khắp miền đất nước, trong các thư viện, trường học, thu hút một lượng người đọc rất lớn. Đó là điều ai cũng biết. Và xin lại hãy mường tượng, nền văn học Việt Nam, người đọc Việt Nam sẽ bị hụt hẫng ra sao khi dịch thuật trì trệ, những người dịch văn học hết đam mê, bỏ bễ công việc dịch thuật của mình? Hậu quả nhỡn tiền là các tác phẩm văn học của thế giới sẽ không đến được với người đọc Việt Nam và tiếp theo là những hậu quả khác. Chỉ cần nói ngắn gọn như trên cũng đủ thấy vai trò của văn học dịch đối với đời sống xã hội và nền văn học nước nhà quan trọng như thế nào. ấy vậy mà, những người dịch văn học ở nước ta lại không phải là đối tượng của việc xét Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước. Ứng xử như vậy với văn học dich, cụ thể là những người dịch văn học, liệu có hợp lý, hợp tình và công bằng?

Lê Bá Thự

Nguồn: vanhocquenha.vn.