Haruki Murakami được đánh giá là “người trầm lặng nói được nhiều điều với rất nhiều người”, nhưng nhà văn Nhật Bản không phải là trường hợp duy nhất. Nhiều nhà văn vĩ đại cũng vậy, trong đó có nhà văn Mỹ thế kỷ 20, J. D. Salinger.

Salinger sống một cuộc đời thực sự ẩn dật, ngập chìm trong những vết thương tinh thần, nhưng lại là tác giả của tiểu thuyết Bắt trẻ đồng xanh (The Catcher In The Rye) thuộc top 10 đầu sách văn học bán chạy nhất mọi thời đại và dẫn dắt tinh thần cho nhiều thế hệ.

Khó sống khi yêu ghét đều quá mãnh liệt

Trong truyện ngắn Zooey của Salinger, mẹ nhân vật chính nói với hai người con: “Các con không thể sống trong thế giới này với những niềm yêu ghét mãnh liệt đến thế được”.

Câu nói đó ám vào cuộc đời của chính tác giả – người đã chủ động rời bỏ “thế giới này” ngay khi đang sống. Nhờ cuốn tiểu thuyết ngắn phẫn nộ Bắt trẻ đồng xanh năm 1951, ông nhanh chóng nổi danh nhưng cũng sớm “trốn” về một thị trấn nhỏ ở nước Mỹ sống trong nửa thế kỷ cuối đời (từ năm 1965 đến khi qua đời vào năm 2010).

Nhà văn J. D. Salinger viết văn trong rừng khi đang là quân nhân Thế chiến II. Phim tài liệu về ông Salinger (cùng tên với cuốn sách tiểu sử) vừa ra rạp ngày 6/9.

Salinger trở thành huyền thoại, lạ lẫm như một người ngoài hành tinh, dù tiểu thuyết của ông quá đỗi thân thuộc. Hai tác giả David Shields và Shane Salerno cố gắng làm sáng tỏ huyền thoại đó qua sách tiểu sử mới ra mắt – Salinger.

Theo New York Times, cuốn tiểu sử đã dựng nên chân dung một con người có cuộc đời như “một vụ tử tự được quay chậm”. Tinh thần Salinger không bao giờ hồi phục sau những vết thương do chiến tranh gây ra – ông từng ở Đức trong thời Đức Quốc xã, chứng kiến cảnh những xác chết cháy âm ỉ sau một cuộc bắn giết.

Cuộc đời của nhà văn gắn với nghệ thuật và tôn giáo. Hai nhà tiểu sử đã viết những dòng rất hay về Salinger: “Chiến tranh đã phá hủy con người trong ông nhưng lại dựng nên một nghệ sĩ vĩ đại, sau đó tôn giáo an ủi tinh thần nhưng lại giết chết nghệ thuật của ông”.

Nhà văn J. D. Salinger tôn thờ và theo đuổi rất nhiều cô gái trẻ, quyến rũ và rồi bỏ rơi họ. Đó là vì ông từng bị mỹ nhân Oona O’Neill bỏ rơi để chạy theo danh hài Charlie Chaplin vào 1943.

Cuốn tiểu sử cho thấy bên trong Salinger đậm đặc hình ảnh của Holden Caulfield, nhân vật chính bất hủ trong Bắt trẻ đồng xanh. Ông có sự ngạo mạn của tuổi trẻ (bạn bè nói Salinger từng chê Hemingway kém tài) và sự bất mãn với thế giới tư sản của cha mẹ mình. Sau chiến tranh, thái độ đó chuyển thành một nỗi ác cảm sâu sắc, thậm chí ghê tởm, với hầu hết mọi vật thể và ý niệm.

Cũng như Holden, một thiếu niên trong sáng, giận dữ và bất lực, Salinger ghê tởm nhất thói đạo đức giả và sự giả dối ở con người. Không lạ, nếu còn sống tiếp có lẽ ông vẫn vậy: con người ngày càng giả dối hơn và những người nhìn thấu điều đó ngày càng cô độc.

Các nhân vật trong trang viết của Salinger còn quan trọng hơn gia đình và những mối quan hệ đời thực. Khi viết, ông tuyên bố “đừng làm phiền tôi vì bất cứ việc gì, trừ cháy nhà”.

Căm ghét thế giới và đầy quyến rũ

Một góc tối trong con người Salinger cũng được hé lộ qua cuốn tiểu sử: ông tôn thờ và theo đuổi rất nhiều cô gái trẻ, quyến rũ và rồi bỏ rơi họ. Đó là vì ông từng bị mỹ nhân Oona O’Neill bỏ rơi để chạy theo danh hài Charlie Chaplin hồi năm 1943.

Cách nhìn đời và nói chuyện hằn học đậm chất Holden của Salinger lại có sức hấp dẫn khó cưỡng với phái nữ. Một người tình cũ của nhà văn là Joyce Maynard từng kể rằng Salinger tự mô tả ông như “chàng ngự lâm cuối cùng của phía Đông Nhà Trắng”.

Maynard mới 18 tuổi khi hẹn hò với Salinger. Cô cho biết ông kéo phụ nữ về phía mình bằng cách cho họ gia nhập “câu lạc bộ tinh hoa” của ông. Nhưng khi thấy các cô gái không đủ đặc biệt, ông lại đá bay họ. “Vấn đề của em, Joyce, là em lại yêu thế giới này” – Salinger từng nói với Maynard.

Sách tiểu sử Salinger dù được dự báo là “sự kiện xuất bản của thập kỷ”, nhưng báo chí Mỹ vẫn nhận xét rằng cuốn sách không có nhiều tình tiết mới và độc như họ mong đợi.

TT&VH