1- Sau ba tháng mười ngày đi “công tác”, cô giáo Hường lại về nhà. Thật ra thì ngành giáo dục nước mình không nhẫn tâm bắt cô Hường, một bà mẹ hai con, đứa hai tuổi, đứa năm tuổi đi đâu lâu thế. Đấy chỉ là lời bố bọn trẻ dỗ ngọt, khi cứ chiều tối là hai đứa lại ra cổng ngóng và i ỉ khóc: “Mẹ ơi, mẹ về với con…”
Cô Hường đi, là chuyện cực chẳng đã – lời cô ấy nói.
Mẹ chồng cô thì bảo, thôi chuyện đã qua rồi, không nhắc lại làm gì nữa.
Còn Thận chồng cô không nói lời nào. Rất lạ. Mà hàng xóm thì đang rất tò mò. Rất muốn nghe Thận nói vài lời. Hoặc ít ra là vài câu chửi bậy văng tục như trước. Nhưng tuyệt đối không thấy lời nào được văng ra. Lạ.
Cô Hường năm nay ba mươi nhăm tuổi.
Đang ở cái thì mà người phụ nữ chín nhất. Chồng cô kém ba tuổi nhưng không được ngon lắm. Ở cái ngõ xóm này, người đứng tuổi hay dùng thành ngữ tốt mái hại sống khi nói về vợ chồng Hường – Thận. Chả là chồng thì gầy nhẳng. Đầu tóc mắt mũi lúc nào cũng lem nhem như người vừa ngủ dậy. Còn cô vợ căng tràn, mọi thứ trong người cứ như sắp nổ tung. Mắt long lanh, má hồng môi thắm…
Thận cưới Hường từ hồi cả hai còn đang học. Thận học Bách khoa, đang năm thứ hai thì Hường trên núi xuống học một lớp nghiệp vụ sư phạm, tới trọ cùng xóm. Chả là Hường đã có bằng cử nhân tiếng Anh. Thận ở phòng bên cạnh. Gọi Hường là chị vì kém ba tuổi. Hường hay sang phòng Thận chơi. Lần lần, có vẻ như là bà chị cảm mến cậu em. Bọn xóm trọ đã tán, hay là chị bế luôn em đi ngủ… Tình yêu sinh viên thường xảy ra nhanh như chớp. Thì tuổi trẻ mà, khi người ta trẻ, máu trong huyết quản sôi sùng sục, cái gì cũng muốn luôn và ngay. Tình yêu lại càng không phải là thứ để dành, cất kỹ… Nhưng vụ này diễn ra khá từ tốn, chứ không như thông lệ. Bọn sinh viên cùng xóm kháo rằng, mọi sự là bắt đầu vào hôm thứ bảy, mùa hè năm ấy. Khi mà cả bọn đã thi xong, về quê nghỉ hè thì Thận vẫn phải ở lại, trần lưng ra học để trả nợ mấy môn thi trượt. Nguy cơ “tăng ca” hiển hiện nên hắn hoảng. Bị đuổi học về quê thì… chỉ nghĩ đến đấy Thận đã lạnh người. Thận nghiến răng ngồi cày giáo trình, quyết trả nợ cho xong. Hường thì học lớp bổ túc không chính quy nên không có hè. Cả khu trọ đang nhộn nhịp đông vui, bỗng chỉ còn mỗi hai nhân bơ vơ chiều thứ bảy…
– Thận ơi sang đây chị bảo.
Đang cắm đầu vào quyển giáo trình “Sức bền vật liệu”, nghe tiếng Hường gọi, Thận vươn vai đứng dậy, cứ thế quần đùi áo may ô sang. Thận vẫn coi Hường là chị, nên chả để ý cách ăn mặc.
– Chị bảo gì em đấy?
– Vào đây uống bia hơi cho mát, chị đi học về, qua quán bia hơi mua một can năm lít đây. Giải lao tí, uống cho giải nhiệt rồi học tiếp.
Thận vào, ngồi xếp bằng tròn trên chiếc chiếu trải giữa phòng. Hường ngồi đối diện, giữa họ là một cái can bia hơi vàng óng mát lạnh. Mồi nhậu là đĩa lạc luộc, gói nem chua và một đĩa mì xào thịt to Hường vừa làm xong còn đang bốc khói thơm phức. Hai cái cốc nhựa chạm nhau, không phát ra tiếng keng rộn rã như khi ngồi ngoài quán. Nhưng cũng không vì thế mà kém khí thế. Đời sinh viên mà không biết bia rượu thì không còn gọi là đời… Thận mới năm thứ hai, tửu lượng chưa khá lắm. Theo kinh nghiệm, tửu lượng sinh viên sẽ cao nhất vào năm thứ tư. Có ngoại lệ, tay nào càng thi lại nhiều thì trình uống sẽ càng chóng lên. Thận mới chỉ tải được khoảng ba, bốn vại. Nhưng cũng đã thấy khoái cái loại bia hơi đặc thù riêng của đất Hà Thành. Thỉnh thoảng liên hoan tổ, lớp, bọn Thận cũng kéo nhau vào quán bia hơi. Đôi khi dư dật vài đồng, Thận cũng ghé làm đôi vại. Cái chất lỏng vàng óng, thơm mát, sủi bọt trắng xoá. Tợp một ngụm, cái nóng của chiều hè oi ả bỗng như tan biến… Chiều thứ bảy, xóm trọ yên ắng. Nóng nực. Bà chị hàng xóm mời bia hơi, thật đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh. Vài lần chạm cốc, Thận bắt đầu lơ mơ. Nhìn bà chị nhoài người về phía mình xẻ mì xào vào bát và giục “ăn cho no luôn đi” Thận bỗng thấy tim loạn nhịp. Hường mặc bộ quần áo lửng bằng vải hoa mỏng, thứ mà các nữ sinh hay mặc trong nhà mùa hè vì nhẹ, mát. Nhưng chiếc áo cổ khá rộng, lại không đồ lót bên trong. Khi Hường cúi xuống, cặp vú trắng muốt lồ lộ trưng bày ngay trước mắt Thận. Rung rinh… Thận vớ cốc bia, làm luôn một hơi như muốn giải cái cảm giác nóng bỏng đang bốc lên giần giật trong người mình. Một can năm lít, tương đương chục vại bia ngoài quán. Một nam một nữ cưa đôi. Nhưng không biết ai uống nhiều ai uống ít. Thận ngà ngà. Bên ngoài trời đã tối. Im ắng lạ. Cái yên ắng lạ lẫm ấy nó khơi gợi, thúc đẩy con người ta muốn xích lại gần nhau. Và hơi men đến độ, hình như làm cho những bản năng thường ngày vốn vẫn bị kìm giữ bởi lý tính bỗng trôi tuột… Thận bảo: “Em say quá rồi, không về nổi nữa”. Hường đồng loã: “Lên giường mà nằm, lát về…”. Đèn phòng bỗng nhiên tắt phụt. Màn đêm vừa chụp xuống gian phòng thì những thanh âm của gái trai tình tự vang lên. Mới đầu còn khẽ khàng run rẩy rụt rè cố nén. Một lúc sau, mọi ức chế, mọi vỏ bọc được trút bỏ hết. Họ chỉ còn sống với đam mê ngút trời của tuổi trẻ. Gian phòng trọ rùng rùng chuyển động với những âm thanh của tình ái thăng hoa…
Sáng hôm sau, không như trong phim thường diễn, khi thấy mình trần như nhộng nằm bên một nhân cũng họ nhộng. Một người vội vàng quấn chặt chăn. Một đằng vơ vội mền che thân chạy vào nhà tắm. Không. Khi mở mắt ra, nhìn nhau rõ ràng trong thanh thiên bạch nhật, cả hai bỗng bật cười khinh khích rồi lại bổ vào nhau. Quấn riết. Xong, Thận đèo Hường trên chiếc xe đạp lên phố ăn bún riêu. Họ chính thức trở thành một đôi.
Ba tháng sau, Thận đưa Hường về quê báo cáo với gia đình. Khi mà mẹ Thanh thấy con trai bỗng dưng dẫn một cô bạn gái về chơi lần đầu. Rất xông xáo, lao thẳng xuống bếp nấu nướng cất dọn. Bà mới hỏi: “Thế là thế nào đây?” “Là hai vạch rõ lắm rồi bác ạ!”- Ý Hường nói đến hai cái vạch đỏ tươi rực rỡ hiện lên trên chiếc que thử thai sáng nay. Và đó cũng là câu đầu tiên của Hường nói với bà mẹ chồng tương lai.
2– Trong xóm vẫn nói, nhà Thận tốt phúc.
Cả gia đình gồm bốn thế hệ vẫn ở cùng nhau trong một ngôi nhà cổ tứ đại đồng đường. Hồi xưa, các cụ nhà Thận cũng có lúc bị quy là địa chủ, ngôi nhà chia cho bần cố nông đến ở. May làm sao khi các ông bà ấy chưa kịp dỡ vì kèo, cánh cửa đem bán thì sửa sai. Ngôi nhà được trả về cho chủ cũ.
Đó là một ngôi nhà năm gian, làm toàn bằng gỗ tốt. Tường gạch, mái ngói, cửa bức bàn. Trên các đầu hồi, xà ngang đều được chạm trổ hoa văn tinh xảo. Gian giữa kê bàn thờ và một bộ trường kỷ làm nơi tiếp khách. Hai gian bên cạnh kê hai chiếc giường gỗ, làm nơi ngủ của ông bà, bố mẹ. Hai gian buồng, thường được làm nơi ở của các cặp vợ chồng trẻ mới cưới hoặc của người già yếu. Vợ chồng Hường Thận cưới nhau xong thì vẫn ở trọ ngoài Hà Nội. Thời gian sau, Hường học xong, gia đình hai bên xúm vào chạy cho chân giáo viên gần nhà, thế là Hường tiếp quản gian buồng bên phải, trước đấy mẹ chồng vẫn nằm.
Mẹ chồng Hường mới hơn năm mươi, còn khá trẻ. Bố chồng cũng vậy, hơn độ vài ba tuổi, cũng khoẻ. Mỗi khi họp hành hay đi đâu về muộn, vào buồng, phải đi qua gian nhà có giường của bố mẹ chồng, Hường khá ngại ngùng. Cố không lé mắt nhìn. Khi ngủ, mẹ chồng Hường thường rúc đầu vào nách ông, gác đùi, tay ôm cổ, tay để trên cái quần đùi rộng thùng thình. Mùa đông có chăn đắp thì còn đỡ. Nhưng cũng chỉ cần liếc qua hình khối lờ mờ trong chăn là Hường đã có thể hình dung ra tay mẹ chồng mình đang đặt ở đâu. Thận về, hai vợ chồng nói chuyện, Hường cười rinh rích, bảo: “Công nhận bà máu thật, hơn năm mươi rồi mà ngủ vẫn cứ khư khư súng ống trong tay”. Thận bực mình đạp vào chân vợ một cái: “Cái đồ mất nết, dâu con gì mà nhòm ngó cả giường chiếu của bố mẹ chồng”. “Ai nhòm ngó làm gì. Ông bà cứ diễn giữa nhà thế thì bịt mắt vào à?” Hôm sau, Thận căng dây, treo ri đô ở cả hai bên giường. Nhìn cái ri đô xanh đỏ tím vàng, bà nội Thận bảo, trông cứ như cái sân khấu đang diễn chèo Lưu Bình- Dương Lễ vậy. Mẹ Thanh nghe bà nói vậy, mặt bỗng đỏ ửng, lảng vội xuống bếp sắp cơm. Mẹ ngày xưa diễn vai nàng ba Châu Long ở chiếu chèo làng. Hội làng năm bảy mươi tám, bố đang trên biên giới. Năm ấy làng bảo không hát quan họ cửa đình nữa. Cứ chòng chành nón thúng quai thao mãi cũng chán. Làng bảo diễn chèo cổ đêm hội cho vui…
Mẹ Thận lúc ấy hai mươi nhăm tuổi, lấy chồng được ba năm. Mẹ ở nhà làm bí thư xã đoàn. Đi hoạt động cho khuây khoả – là lời bà nói. Đêm chèo ấy, mẹ Thận áo tứ thân xanh đỏ, thắt lưng hoa lý, nách khoác tay nải nâu, tay cầm nón ba tầm, vừa bước ra sân đình, mọi người đã suýt xoa. Mẹ cất giọng vừa trong vừa nền lại pha chút bi. Hay lạ. Người nghe mê đi:
Em chẳng dám quên.
Nhưng phiền đôi lứa…
Tưởng những lúc
Chiều đông tựa cửa
Ngao ngán thay
Cảnh vợ xa chồng
Hết hạ sang đông
Lẻ loi côi phòng
Tuổi xuân mòn mỏi
Rày ngóng mai trông
Trăm năm chút nghĩa đèo bòng
Xa xôi ai có hay lòng ai chăng…
Chỉ hát được đến đấy, cô bí thư đoàn nghẹn giọng, không hát tiếp được nữa. Cô vùng chạy khỏi đám hội. Cô chạy thẳng về nhà. Cô lao vào buồng trùm chăn nức nở một mình. Chồng cô đã lâu chưa về thăm nhà…
3- Lăn lộn mãi rồi Thận cũng ra trường.
Khi mà Thận tốt nghiệp thì đã là ông bố hai con. Thận xin được vào làm ở một công ty gần nhà. Vợ giáo viên, chồng nhân viên, thu nhập đủ sống. Nhà cửa thì không phải lo, ngôi nhà cổ năm gian các cụ để lại còn tốt chán, thỉnh thoảng sửa sang qua vài chỗ là ổn. Cuộc sống cứ thế mà trôi. Bình lặng. Thế nhưng cuộc đời mà bình lặng quá thì sẽ sinh ra cái sự nhàm chán. Mà nhàm chán quá, nó gây cho con người ta cái cảm giác chán nản. Thấy mọi sự vốn dĩ rất tốt đẹp quanh mình trở nên vô nghĩa. Họ bỗng thấy thèm một cái gì đó nổ bùng, khao khát thậm chí hư hỏng cũng được. Miễn là nó không phải cái sự lặp đi lặp lại nhàm chán hàng ngày… Ở đây là muốn nói về chuyện cô giáo Hường.
Hường vốn sinh trưởng ở một tỉnh miền núi phía Bắc xa xăm.
Con gái vùng đó đẹp, khoẻ mạnh. Nước da luôn trắng hồng, môi đỏ thắm. Theo các nhà chuyên môn y sinh học nói, do ở trên núi cao, không khí loãng nên bắt buộc cơ thể con người ta phải thích nghi, phải sinh ra nhiều hồng cầu. Lượng hồng cầu trong máu người vùng đó luôn cao hơn hẳn người dưới xuôi. Thế cho nên con gái, cô nào cũng đỏ đắn, nồng rực. Và họ thường đa tình. Nói như bọn sinh viên xóm trọ là rất “máu”! Sau khi đưa Thận vào đời và chính thức vợ chồng, đẻ luôn hai thằng con trai, mọi thứ thuộc về đàn bà của Hường như mới nở bừng ra hết cỡ. Nhìn cô giáo dạy Anh văn hàng ngày váy ngắn phóng xe đến trường, cánh giáo viên nam và phụ huynh chép miệng thở dài. May là nàng dạy cấp một, bọn học sinh còn bé chưa biết gì nên chúng vẫn có thể tập trung được. Nếu mà nàng dạy học sinh lớp lớn thì, có lẽ chúng chả được chữ nào khi mà cặp đùi trắng muốt và đôi mông tròn no của cô giáo, cứ tung tăng, lên xuống trong lớp…Vợ thì thế, nhưng Thận lại không tương xứng lắm. Thận vốn gầy từ nhỏ. Làm bố hai con rồi mà tình hình vẫn không cải thiện là bao. Làm bố không quan trọng cái sự gầy béo. Nhưng làm chồng, nhất là chồng cô giáo Hường, rực như lửa thì là vấn đề. Mà là vấn đề quyết định sự tồn tại của vợ chồng. Các cụ ngày xưa khá thâm thuý khi dựng vợ gả chồng dạy, là phải môn đăng hậu đối. Nhiều người chả hiểu cái ý nghĩa sâu xa lời các cụ, nên nhiều khi cứ phiên ra những dị bản vớ vẩn để làm khổ con cháu. Thật ra ý người xưa đơn giản hơn ta tưởng rất nhiều: Vợ chồng là phải phù hợp cân đối hài hoà với nhau càng nhiều mặt càng tốt. Và nhất là trong chuyện giường chiếu ái ân. Khi mới cưới, còn đang khí thế, thì việc đáp ứng cho nhu cầu của cô vợ máu, cũng không có vấn đề gì lắm với Thận. Nhưng đời sống tình ái vợ chồng nó là cuộc đua đường trường. Trong khi Thận càng ngày đuối sức, thì Hường lại càng cảm thấy sung mãn tràn trề. Nhiều đêm Thận trốn bằng cách thức khuya xem bóng đá, ngủ riêng giường, viện cớ việc công ty không về nhà… Thế là dần nảy sinh mâu thuẫn. Khi mà một cặp vợ chồng hài hoà chuyện tình ái, thì mọi va chạm trong đời sống, mọi khó khăn vất vả đều được giải toả dễ dàng. Nhưng nếu ái tình không thoả mãn thì sẵn sàng việc bé xé ra to. Không có sự làm thành có sự. Rồi đá thúng đụng nia. Vợ chồng Hường Thận cáu bẳn, chửi nhau như hát hay… Đúng lúc đó, có một tay cai xây dựng, trúng thầu dự án nâng cấp trường nơi cô Hương dạy, về làm tại đó. Tay này tên Mạnh. To cao. Phong cách đàn ông rất khoáng đạt, mạnh mẽ. Cô Hường và tay chủ thầu này lập tức xoắn lấy nhau. Hết giờ dạy, họ hẹn hò nhau đi cà phê, nhà hàng, rồi nhà nghỉ, điểm đến cuối cùng của mọi cặp tình nhân công sở bây giờ. Cô Hường bay bổng trong ái tình được thoả mãn. Cô về nhà thẳng thừng tuyên bố với Thận, một ngày tựa mạn thuyền rồng/ còn hơn chín kiếp ở trong thuyền chài. Ý cô Hường là gì không rõ. Nhưng hàng xóm thì cho là do ở chỗ, tay Mạnh này có cái xe ô tô, còn Thận vẫn cái xe máy cọc cạch. Cô bỏ đi với người tình. Cô nói, ổn định mọi sự, cô sẽ về mang cả hai thằng cu đi…
4-
Hôm diễn chèo Lưu Bình – Dương Lễ ở sân đình, anh Tuấn bí thư huyện đoàn cũng tới xem. Anh đứng lẫn dưới sân đình mê mẩn ngắm cô bí thư xã long lanh son phấn, lả lơi nón áo lướt ra… Sáng hôm sau, Tuấn viết công văn ký tên, đóng dấu bí thư huyện đoàn, mời cô bí thư xã lên gặp để “trao đổi về một số vấn đề phong trào thanh niên nông thôn trong tình hình mới”- Là nguyên văn nội dung công văn thế. Không biết họ trao đổi với nhau những gì, nhưng sau một buổi sáng làm việc, thì họ đã trở thành một cặp đồng chí thân thiết. Các cuộc họp, các cuộc tập huấn học tập xa gần, bí thư Tuấn đều triệu bí thư xã đi. Họ thân lắm. Thân đến lộ ra cả nơi đầu mày cuối mắt. Khối cơ quan dân chính đảng râm ran tin đồn bí thư Tuấn ngủ với cô bí thư xã đoàn ngay tại phòng làm việc. Thì cũng khổ cho các cặp tình nhân thời đó, không có nhà nghỉ như bây giờ. Muốn nhau chỉ có dấm dúi đầu sông bến bãi đêm hôm, hoặc là ngay tại nhà. Mà phòng bí thư huyện đoàn cũng khá rộng rãi tiện nghi. Thế là anh chị diễn ngay tại đó. Phó của Tuấn là Lê, ngoài mặt thì dạ vâng hầu hạ Tuấn chu đáo. Nhưng trong bụng vẫn ngấm ngầm đợi dịp. Đôi tình nhân mê nhau quá. Một đằng gái xa chồng, một đằng trai xa vợ. Đều đang thì cả. Họ say tình quá, mất cảnh giác. Lê âm thầm theo dõi và ra tay…
Một đêm thứ bảy, khu nhà làm việc của khối cơ quan dân chính đảng bỗng nhộn hết lên. Đèn đuốc sáng trưng, người đi lại lao xao. Thì ra bí thư huyện đoàn Tuấn ngủ với cô bí thư xã đoàn chồng bộ đội vắng nhà bị bắt quả tang. Ngay trong phòng làm việc. Theo những người được gọi đến làm chứng cùng tay Lê lập biên bản nói, vẫn còn nguyên hiện trường, trai trên gái dưới, nồng nỗng.
Tuấn mất chức. Cô bí thư xã đoàn bỏ công tác.
Bà mẹ chồng – tức là bà nội Thận sau này, viết một cái thư lên biên giới cho con trai “mày cứ mải đi canh l… cho chúa, l… nhà không về mà giữ, mất, thì đừng có kêu ai”
Vài hôm sau, bố Thận xin phục viên về quê ôm vợ. Rồi đẻ ra Thận.
Hàng xóm đều bảo nhà bà ấy lành quá, tịnh không mắng chửi dằn hắt con dâu một câu nào. Nhưng chuyện nhà thì mấy ai người ngoài tỏ tường cho hết. Mọi cay đắng ngọt ngào chỉ người trong cuộc mới biết, người khác sao mà thấu được.
Hôm xảy ra chuyện ngoài huyện ồn ĩ cả lên. Mẹ Thận len lén cúi gằm mặt về nhà. Bà nội Thận đang đứng ngồi không yên vì tin đồn râm ran ngoài ngõ. Vội lôi tuột con dâu vào buồng. Chưa kịp mắng câu nào thì mẹ Thận đã sụp xuống đất khóc: “Con lạy mẹ. Con về đây xin gửi mẹ ngàn lạy đến chồng con, cho con tạ tội rồi con sang kè đá đâm đầu xuống sông chết cho khỏi nhục. Con khổ lắm mẹ ơi”. Nói rồi mẹ Thận vùng dậy, định lao đi. Bà mẹ chồng vội vàng ôm nghiến lấy cô con dâu, khoá chặt cửa buồng lại, nói: “Con đừng nghĩ quẩn, mạng người là quý nhất. Mọi chuyện khác là thường. Cứ ở yên trong buồng, mọi việc rồi dần nguôi ngoai, rồi mẹ sẽ tính. Cùng phận đàn bà, mẹ cũng thương con lắm” Thế rồi nước mắt của hai người đàn bà, một già, một trẻ khi ấy hoà cùng vào nhau trong gian buồng gỗ cổ xa xưa. Nước mắt vốn là một thứ thần kỳ của đấng tối cao ban cho con người. Những dòng nước mắt của phụ nữ đã từng cuốn trôi cả thành quách lâu đài nguy nga. Và những dòng nước mắt ấy cũng có thể rửa sạch mọi lỗi lầm của họ trong cuộc đời. Nhưng phải là những giọt nước mắt được vắt từ tim óc…
5-
Nhưng mà cô Hường thì chả nhỏ giọt nước mắt nào khi bỏ đi với tình nhân. Cô nói với bạn bè, cô phải đi tìm hạnh phúc cho mình. Cô không thể ép xác cả đời bên người chồng kém cỏi. Cô cần phải sống.
Sau ba tháng mười ngày, cô phải quay về. Cũng chả có giọt nước mắt nào. Cô về vào buổi trưa, cả nhà vừa ăn cơm xong, hai đứa con đang ngủ trong buồng. Cô nói: “Con về xin lỗi ông bà, bố mẹ. Em xin lỗi anh… Cho con được về nuôi con khôn lớn”
Ông nhìn bà. Bà không nói gì.
Bố Thận nhìn mẹ. Mẹ Thận quay đi cố nén tiếng thở dài.
Ông bảo: “Thế ý thằng Thận thế nào”
T
hận nhìn Hường nói xẵng: “Đi vào trong buồng với con”. Hường lỉnh ngay vào gian buồng quen thuộc. Hai đứa trẻ con thấy tiếng nghe hơi mẹ về rú rít nháo nhào với nhau trong buồng.
hận nhìn Hường nói xẵng: “Đi vào trong buồng với con”. Hường lỉnh ngay vào gian buồng quen thuộc. Hai đứa trẻ con thấy tiếng nghe hơi mẹ về rú rít nháo nhào với nhau trong buồng.
Chuyện là Hường mê tay cai thầu xây dựng quá, nghe rủ rê đi lên thành phố thuê nhà ở. Tay Mạnh cũng rắp tâm lập phòng nhì. Thế nhưng lộ, bị vợ làm cho một trận tan hoang. Mạnh ta bèn nói đổ cho Hường quyến rũ hắn. Mạnh xin lỗi vợ và hứa hẹn cải tà quy chính. Vẫn biết đàn ông là giống bạc, nhưng Hường cũng không ngờ nổi người tình lại khốn nạn thế… Hường chả còn nơi bấu víu. Lương giáo viên thì không đủ tiền thuê nhà và cơm bụi. Vạ vật khổ quá. Mẹ Thận mới bắn tin cho mấy người cùng trường, bảo nó về nhà mà nuôi con, không ai nói gì đâu.
Có ai nói được gì nữa khi mà những ngày Hường bỏ đi. Hai thằng con trai, một đứa hai tuổi, một đứa năm tuổi. Cứ chiều chiều lại ngồi chồm hỗm ngoài cổng i ỉ khóc: “mẹ ơi, mẹ về với con”. Bố dỗ không được. Ông bà nội bế cũng không nghe. Hai cụ ra dỗ chúng càng khóc to hơn. Đêm đến, Thận không ngủ được, ngồi chong đèn nhìn hai con thơ dại thổn thức trong mơ. Trên khuôn mặt ngây thơ của chúng vẫn loang lổ vệt nước mắt. Mắt Thận cũng từ từ ứa ra hai giọt…
6-
Nhưng cũng trong gian buồng này, cách đây gần năm mươi năm.
Ông nội Thận đã ngồi. Và cũng ứa nước mắt như vậy. Đó là một buổi tối mùa đông khi ông vừa ở chiến trường ra. Ông mặc quân phục chỉnh tề, quân hàm đại uý đỏ chói ve áo (ngày đó đại uý là một chức to), súng lục vẫn đeo hông. Bà nội Thận thì ngồi rúm ró góc giường. Khi đó bà mới ba mươi tuổi, gái một con. Đang mang thai sắp đẻ. Mà ông Thận đi chiến trường mấy năm nay mới lại ra…
Thì bà nội Thận lúc ấy là vợ bộ đội đi B, nên được ưu tiên chân bán hàng hợp tác xã mua bán. Tối đến phải ngủ trông quầy hàng. Tay Quang, chủ nhiệm hợp tác xã đêm hôm cứ ra lân la. Hôm thì nói kiểm tra hàng hoá xem có suy xuyển gì không. Hôm chả nói gì, chỉ bảo anh nhớ cái cổ tay em quá, vừa tròn vừa trắng… Thế là cô nhân viên chả giữ được mình. Mà ai giữ nổi bông hoa đến kỳ mãn khai bung nở cơ chứ. Hoa đến thì hoa phải nở, đò đầy đò phải sang sông, đến duyên em… Mà cái duyên của gái một con vắng chồng nó còn nồng nàn gấp nhiều lần cái duyên gái son. Thế là có thai cô Nhung. Tổ chức thấy bụng vợ bộ đội to tướng lên, bèn kiểm điểm. Quang cúi đầu nhận lỗi. Tổ chức tống Quang đi bộ đội, cũng lại “B dài”. Chiến tranh đang kỳ ác liệt. Chỉ năm sau, đã thấy giấy báo tử về địa phương…
Cô mậu dịch viên hợp tác xã mua bán nước mắt vắn dài với chồng. Cô nói cô không biết ma đưa lối, quỷ đưa đường hay sao mà cô lại ngã vào lòng cái con người ấy. Cô xin chồng muốn đánh giết gì cũng được, nhưng hãy để cho cô đẻ đứa bé này ra đã. Nó không có tội. Nó đã bảy tháng rồi…
Đại uý bỏ về đơn vị ngay đêm ấy.
Ở nhà, cô bán hàng hợp tác sinh một gái, là cô Nhung của Thận bây giờ. Làng xóm cứ bàn tán, rồi đoán già đoán non, chắc ông chồng chả thèm về nữa. Nhưng hết chiến tranh, ông nội Thận vẫn về ở với bà nội, hai người còn sinh thêm mấy người con nữa. Không bao giờ ông nhắc lại chuyện cũ. Ông vẫn yêu quí cô Nhung như mọi người con khác. Năm có một tiêu chuẩn đi hợp tác lao động bên Đức, ông cũng để dành cho cô Nhung. Mới sang được hơn năm thì nước Đức thống nhất, mọi người tỵ nạn rất đông. Ông lo lắng gọi điện sang hỏi. Cô Nhung nói: “Bố ơi, con đang đợi mua vé để về. Con về với bố. Con có đủ tiền để mua cho bố cái xe máy kim vàng giọt lệ rồi. Con không cần gì nữa. Con chỉ muốn về với bố thôi”
Cái xe máy Honda cup tám mốt, kim vàng giọt lệ, là cả một niềm mơ ước của bao nhiêu gia đình thủa ấy…
7-
Gian chính giữa của nhà Thận để làm nơi thờ cúng các cụ trên.
Hồi cải cách, tất cả đồ thờ đã bị bần cố nông mang đi bán hết. Chỉ còn duy nhất một bức hoành phi treo tít trên cao chưa kịp tháo xuống. Trên bức hoành phi đó có bốn chữ nho to, thếp vàng rất đẹp. Thận chả biết là chữ gì. Hỏi ông hỏi bố cũng chả ai biết. Bảo của các cụ truyền lại cho thì cứ để thờ thôi. Thận từ lâu đã thắc mắc trong lòng, là không biết mấy cái chữ loằng ngoằng kia nghĩa ra làm sao, ở đâu ra. Mà ông rồi bố mình mỗi lần nhà có sự, lại lầm rầm thắp hương nhìn lên khấn vái có vẻ thành kính lắm. Thận thấy lạ.
Từ ngày Hường trở về, vợ chồng đoàn tụ, hai thằng con vui hẳn lên. Nhưng bố chúng thì dường như biến thành người khác. Không rượu chè. Không văng tục. Trầm hẳn. Thận kê thêm một cái giường đơn trong buồng, ngủ riêng. Dạo này ở xóm bên có lớp học chữ Hán Nôm ban đêm do một ông ở Viện Hán Nôm ngoài Hà Nội, nay về hưu mở. Ông ấy nói, vốn văn hoá dân tộc mấy ngàn năm ở cả trong văn tự Hán Nôm. Văn minh quốc ngữ mới được hơn trăm năm nay. Rồi không ai biết chữ xưa ông cha đã dùng mấy ngàn năm thì vốn cổ văn hoá đổ đi hết. Thận thấy ông ấy nói phải, bèn tối tối sang theo lớp. Học được đúng hai mươi mốt buổi…
Một buổi sáng chủ nhật, nhà đi vắng cả. Thận chắp tay đứng trước ban thờ. Thận ngắm bức hoành phi với bốn chữ đại tự thếp vàng. Thận lẩm nhẩm. Mặt tự dưng tối sầm lại. Lúc lại đỏ bừng. Thận bắc thang trèo lên, tháo bức hoành phi xuống, đem ra sân lấy dao chẻ nhỏ. Chẻ rất nhỏ. Rồi ném vào góc bếp để nấu cám lợn.
Ông bà, bố mẹ không ai hiểu sao Thận lại làm thế. Sang hỏi ông thầy Hán Nôm. Ông ấy bảo, cái đồ ấy chẻ củi là đúng, quý báu gì mà giữ. Đó chính là cái tấm biển vua ban cho một bà cố tổ nào đó trong họ nhà Thận từ xa xưa. Bốn chữ Hán Nôm ấy dịch ra nghĩa Việt là : “Tiết hạnh khả phong”. Vua ban cho người đàn bà chẳng may goá bụa sớm. Ở vậy, giữ gìn tiết hạnh thờ chồng nuôi con.
Có điều đống củi ấy, bà nội Thận đun nấu cám lợn cũng không được. Bà ngồi trong bếp lầm bầm, đúng là cái đồ vô tích sự, đến làm củi đun cũng chả xong, khói mù cả mắt…
Nguồn Văn nghệ số 9/2016