Thiên tài không từ trên trời rơi xuống. Lúa dài không thể tốt bằng mạ gieo. Không gieo hạt sao có được cây tươi tốt, vụ mùa bội thu. Cứ gieo, trong nhiều hạt lép cũng có hạt chắc. Văn hóa là gốc rễ, nền tảng của sự phát triển và tồn vong một dân tộc. Chừng nào còn tôn vinh văn hóa, chừng ấy còn sự phát triển văn học.


Lần về Hà Tiên (Kiên Giang), lên núi Bình San thăm khu lăng mộ họ Mạc, tôi có dịp biết thêm về tao đàn Chiêu Anh Các do Mạc Thiên Tứ làm đàn chủ. Tao đàn quy tụ 32 danh sĩ từ khắp mọi miền, nhiều vị từ Trung Hoa nghe tiếng vượt biển sang tham gia.

Đất lành chim đậu. 276 năm trước, tao đàn xướng ca nhạc họa ghi dấu ấn tại Hà Tiên thập cảnh, vùng phiên trấn của đất nước. Ngược dòng lịch sử, từ thế kỷ 15 đã có tao đàn Nhị thập bát tú của vua Lê Thánh Tông.

Đó là các tao đàn cung đình của giai cấp quý tộc nhiều chữ nghĩa. Còn tầng lớp nhân dân lao động thì thường tụ tập hát hò khoan, đối đáp khi lao động sản xuất, lúc trăng thanh, hội hè đình đám. Nhờ văn hóa dân gian truyền miệng, đến nay ta còn biết Tấm Cám, Thạch Sach Lý Thông…

Lần tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần VII tại Hội An, tôi được gặp những nhà văn Nguyễn Chí Trung, Dương Tường, Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh, Vũ Hồng, Võ Thị Xuân Hà, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Đình Tú… Hội nghị Văn trẻ lần VIII tại Tuyên Quang – Thái Nguyên, ngoài những gương mặt quen tôi còn may mắn được gặp thêm những nhà văn nhà thơ và cây bút trẻ khắp mọi miền đất nước. Nếu không dự hội nghị văn học trẻ, tôi làm gì có dịp gặp các nhà văn nhà thơ: Bằng Việt, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Trí Huân, Đình Kính, Nguyễn Khắc Trường, Trung Trung Đỉnh, Xuân Cang… Trong đó có nhà văn tôi thầm ngưỡng mộ: Nguyễn Xuân Khánh. Tôi được nghe giáo sư Hồ Ngọc Đại, tiến sĩ Nguyễn Văn Dân cùng các nhà văn nói chuyện về nghề và kinh nghiệm viết lách của họ.

Nếu không có hội nghị và những cuộc giao lưu, bạn viết trẻ sẽ khó có cơ hội gặp nhau, trao đổi. Vẫn biết rằng viết văn là lao động tự thân nhưng cần có chất xúc tác. Sáng tác cần cảm hứng để sáng tạo. Một lần gặp nhau, một câu chuyện phiếm có thể là động năng cho bạn viết sáng tác khỏe hơn. Khi gặp bạn văn, cảm hứng dễ cộng hưởng thăng hoa. Tính ra những người viết ngồi một chỗ không nhiều. Nếu ngồi một chỗ, họ phải học hỏi, truy tìm tài liệu với nổ lực gấp nhiều lần so với người bình thường khác bởi văn học là một môn khoa học.

Nhà văn Lê Văn Thảo từng nói: “Phải đi thực tế, phải gặp gỡ mới kích thích sáng tác và sáng tạo”. Ngày nay, không ít bạn trẻ phủ nhận việc giao lưu giúp ích cho việc sáng tác. Có lẽ internet dễ dàng cho sự tìm kiếm thông tin? Một cái nhấp chuột biết được đông tây kim cổ. Đúng nhưng chưa trúng. Đành rằng sáng tác chủ yếu dựa vào sự tưởng tượng của tác giả nhưng cảm xúc thật sẽ dễ lay động độc giả hơn. Lướt thông tin trên web làm sao có được cảm xúc bằng mắt thấy tai nghe, bởi chính đôi chân mình lội trên mãnh đất ấy, tiếp xúc với con người địa phương ấy…

Nhà văn hiện thực Nam Cao có Đôi mắt. Đôi mắt là cách nhìn cách nghĩ. Không phải ngẫu nhiên mà tạo hóa sinh cho đôi mắt ở bất kỳ loài vật nào cũng ở phía trước. Với nhà văn, không thể nào thiếu được đôi mắt. Muốn quan sát được nhiều bắt buột anh phải di chuyển và học hỏi nhiều.

Rất nhiều nhà văn của chúng ta đã thành danh từ chiến tranh. Nhà văn Nguyên Ngọc luôn lấy những hình mẫu nhân vật có thật trong cuộc kháng chiến. Nhân vật của ông tốt thì thật tốt, xấu thì cực xấu, hai thái cực rõ ràng. Nhà văn từng chia sẻ: “Theo đuổi nhân vật, nhiều bản thảo viết gần xong, đến khi tính cách nhân vật thay đổi đành phải vứt cả cuốn tiểu thuyết. Tiếc thì tiếc nhưng biết làm sao được”.

Cũng trong chiến tranh, Nguyễn Minh Châu có Dấu chân người lính. Nếu không sống và chiến đấu ở núi rừng Tây Nguyên, chưa chắc nhà văn Trung Trung Đỉnh có tiểu thuyết Lạc rừng.

Sau chiến tranh, nhiều nhà văn tiếp tục đi thực tế để viết về nông thôn đổi mới. Cũng không ít nhà văn vẫn viết về đề tài chiến tranh bằng trải nghiệm và thực tế của mình. Nhà văn đi trước đã thế, huống gì chúng ta.

Như đã nói, văn học là một môn khoa học. Nếu được đào tạo, những người viết văn trẻ tự phát sẽ dễ dàng phát triển nghề hơn tự mày mò dò đường. Có người từng bảo, không thể dạy nhau trong nghề văn. Chỉ đúng một phần. Không thể dạy nhau sự tìm tòi sáng tạo theo khuôn mẫu còn lý thuyết cơ bản và phương pháp tìm tòi nếu không học, làm sao biết. Có đứa trẻ nào chưa học đã biết chữ? Có người nào viết được văn khi chưa từng đọc một tác phẩm văn chương?

Ở tuổi 92, ngày ngày nhà văn đại thụ Tô Hoài vẫn đọc sách báo. Không như chúng ta, để đọc sách báo nhà văn phải dùng một chiếc kính lúp. Nghe giọng nói ấm áp đôn hậu, nhìn chiếc kính lúp đặt trên chồng báo dày cộp trên chiếc bàn đá nhà văn vừa đọc xong, không ai không cảm phục.

Nhiều bạn viết trẻ bây giờ rất ít đọc của nhau. Không có thời gian? Tác phẩm của chúng ta chưa hay? Các bạn vẫn thường đọc văn học nước ngoài. Đọc sách là giải trí nên có sự chọn lựa. Không thể ép người khác bỏ tiền mua và mất thời gian đọc một cuốn sách dở.

Thế bao giờ bạn viết trẻ chúng ta có tác phẩm lớn? Không đặt những viên gạch làm móng, sao xây được tòa tháp. Nghề văn không có chuyện làm chơi ăn thiệt. Trong cánh đồng chữ nghĩa, lao động cần cù và chuyên canh mới đạt năng suất cao. Một tác phẩm hay không thể bởi cách viết sơ sài.

Người viết trẻ có đầu tư tối đa thời gian và công sức vào nghề văn chưa? Xin khẳng định: Chưa. Nghề văn được tôn trọng nhưng không có giá bằng ngày trước. Hiếm hoi nhà văn sống được bằng nghề. Nhiều tờ báo đã bỏ chuyên mục Sáng tác. Cuộc sống ngày càng phức tạp, mọi giá trị xã hội đảo lộn. Nhà văn cũng cần cơm ăn nước uống, đâu như chú ve sầu uống sương kêu được cả mùa hè.

Tác phẩm đầu tay thường là tác phẩm thể nghiệm, phát hiện con đường đi vào nghề văn. Nhà văn vét hết vốn sống cho cuốn sách thứ nhất khó có thể trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Người viết trẻ có đủ đam mê để theo nghề văn đến cùng không? Rất ít. Có nhà văn nào như Nguyễn Ngọc Thuần tạm gác một năm học đại học để viết Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ không?

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng đùa vui tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần VIII rằng: “Báo Văn Nghệ trả 10 triệu đồng một truyện ngắn, nhất định sẽ có tác phẩm hay”. Giá trị nhuận bút không hoàn toàn quyết định chất lượng tác phẩm nhưng sẽ là động năng để có những tác phẩm tốt. Khi người viết văn sống được bằng nghề, được sự quý trọng của xã hội, không lo văn học không phát triển.

Thiên tài không từ trên trời rơi xuống. Lúa dài không thể tốt bằng mạ gieo. Không gieo hạt sao có được cây tươi tốt, vụ mùa bội thu. Cứ gieo, trong nhiều hạt lép cũng có hạt chắc. Văn hóa là gốc rễ, nền tảng của sự phát triển và tồn vong một dân tộc. Chừng nào còn tôn vinh văn hóa, chừng ấy còn sự phát triển văn học. Lo gì!

Cũng thời gian này vào năm ngoái, khi ra Hà Nội dự buổi lễ kết nạp hội viên Hội nhà văn, tôi mới biết mình rất chi may mắn. Ngoài hành lang hội trường, nhà văn Đình Kính nắm chặt đôi vai tôi, cười bảo: “Chưa người nào có số đỏ như em!”. Trong bài phát biểu của chủ tịch Hội nhà văn Hữu Thỉnh, rằng tôi được Hội đồng văn xuôi bầu chọn bổ sung vào giờ phút chót rồi may mắn được số phiếu quá bán của Ban chấp hành. Nhờ sự quan tâm và tin tưởng của những nhà văn đi trước đến lớp trẻ mà ngay trong năm đầu tiên làm đơn, tôi đã được kết nạp. Niềm vui và bất ngờ ngoài sự mong đợi của tôi.

Nguồn: Văn nghệ Trẻ

Exit mobile version