Nhà thơ Trần Nhuận Minh và nhà thơ Nguyễn Đức Tùng vừa ra chung cuốn sách “Đối thoại văn chương” bàn nhiều vấn đề về thơ ca từ quá khứ đến hiện tại. Để nối dài và hiểu thêm cuộc đối thoại thú vị, báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc phỏng vấn với nhà thơ Trần Nhuận Minh.
PV: Thưa nhà thơ Trần Nhuận Minh, lý do nào đã khiến ông và Nguyễn Đức Tùng bắt tay vào cuộc “đối thoại văn chương” trong một thời gian khá dài với số lượng chữ cũng không hề ít?
Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Tháng 9 – 10 năm 2010, tôi và hai bạn thơ của tôi được mời sang thăm Canada. Tối ngày 24 tháng 9 năm đó, tại TP Vancuover có cuộc chuyện trò giao lưu giữa chúng tôi và các bạn đồng nghiệp, cùng đông đảo bà con người Việt xa gần, yêu văn chương định cư ở một số tiểu bang Canada, có một số người đến từ Hoa Kì. Phần tiếp xúc của tôi do nhà thơ Nguyễn Đức Tùng điều hành. Từ nội dung cuộc trao đổi này, Nguyễn Đức Tùng muốn soạn một chương trong tập sách sắp tới của anh, rồi lại muốn đẩy lên thành một tập sách cỡ khoảng 200 trang. Sau, cả hai chúng tôi đều thấy nên phát triển các nội dung trao đổi, cố gắng đẩy tới cùng cái giới hạn cần thiết của nó, và tập bản thảo được hoàn thành, sau 9 tháng trời liên tục làm việc.
PV: Khi cuộc đối thoại kết thúc, nhà thơ Trần Nhuận Minh hay nhà thơ Nguyễn Đức Tùng quyết định in thành sách công bố rộng rãi? (Vì sao?)
Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Cả hai chúng tôi. Vì như nhà thơ Nguyễn Đức Tùng đã nói trong Thư gửi độc giả in ở đầu sách: “Tôi hy vọng rằng cuộc trò chuyện qua nhiều chủ đề văn học, đã diễn ra một cách hào hứng sôi nổi trong gần một năm, không phải là không có lúc gay cấn, nhưng lý thú, giữa hai chúng tôi, nay được ghi lại, sẽ trở thành cuộc trò chuyện giữa chính bạn đọc và nhà thơ Trần Nhuận Minh. Tức là giữa hai phía và nhiều phía, giữa tất cả chúng ta, bao gồm người đọc trong nước và hải ngoại, những người bất chấp một thời kỳ đầy khó khăn của thơ ca, vẫn không ngừng yêu mến nó và ủng hộ một nền thơ Việt Nam đang đi tới, trong sáng, khỏe mạnh, hướng về tương lai.
Vì thơ, dù được viết ở đâu, lúc nào, về bất cứ chuyện gì, bởi bất cứ người nào, nếu là thơ thật sự, bao giờ cũng là tiếng nói của tâm hồn dân tộc và của tương lai chúng ta.”
PV: Xin được hỏi nhỏ, khi cuộc đối thoại in thành sách ông có phải cắt bỏ nhiều riêng tư không?
Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Chắc là chị hỏi về việc cắt bỏ những đoạn riêng tư được nói đến trong cuộc đối thoại. Thế thì không. Dù chúng tôi đã tự sửa chữa nhiều lần.
PV: Cuốn sách này có được phát hành ở nước ngoài không?
Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Việc in và phát hành sách là của Nhà xuất bản. Theo yêu cầu của Nguyễn Đức Tùng, nhà xuất bản có gửi sách sang Canada cho anh.
PV: Ông có gặp khó khăn gì khi thực hiện cuốn sách không?
Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Không gặp khó khăn gì. Chúng tôi đã trao đổi với nhau hoàn toàn tự do. Và Nhà xuất bản, với thẩm định của Hội đồng khoa học do nhà văn Nguyên Ngọc làm Chủ tịch, đã ủng hộ nó. Cục Xuất bản cũng đồng thuận với nó, nên nó mới được ra đời. Và như thế, sự đổi mới toàn diện, trong đó có văn học nghệ thuật, là một điều có thật.
PV: Đọc “Đối thoại văn chương” độc giả tìm thấy cả thơ, phê bình và những hồi ức vô cùng thú vị. Ông nghĩ sao, nếu như những người trẻ như chúng tôi thấy thích thú những chuyện hồi ức của ông hơn là thơ ca trong cuốn sách?
Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Điều đó rất dễ hiểu, vì những hồi ức ấy (liên quan đến một số bài thơ cụ thể) làm cho các bạn trẻ biết được một thời đã qua. Những sự việc ấy xảy ra, khi các bạn còn nhỏ tuổi hoặc còn chưa sinh ra. Hơn nữa, đây không phải là một tập thơ chọn, dù số lượng bài cũng khá nhiều. Nếu muốn đọc thơ của tôi hay của Nguyễn Đức Tùng (hoặc của nhà thơ khác) phải đọc ở các tập thơ được xuất bản của tác giả. Những bài thơ được dẫn ra đây, (riêng tôi nhiều bài trong số đó, tôi đã loại bỏ) chỉ vì nó có cái để mà bàn, là những ví dụ về các vấn đề mà tác giả cần diễn giải.
PV: Trong cuốn sách ông nói xin loại bỏ giai đoạn sáng tác từ khi cầm bút đến năm 1986. Độc giả có thể hiểu ngầm là chính ông tự phủ nhận giá trị tác phẩm của mình. Vậy giải thưởng ông đã nhận được cho những tác phẩm này ông có trả lại không?
Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Toàn bộ tiền giải thưởng văn học của tôi, tôi tặng từ 50, 70 đến 100% cho các cháu học sinh ở TP.Hạ Long nơi tôi sống và ở quê tôi, nơi tôi sinh. Đến bây giờ là khoảng non 150 triệu. Tôi chỉ giữ cho mình cái Bằng ghi nhận thôi. Cái Bằng ấy, trừ Giải thưởng Nhà nước, đợt 2 năm 2007, tôi treo tại phòng làm việc, còn lại tôi cũng cất vào trong hòm sắt để ở góc nhà, cũng với các tập sách đã in, các tờ báo và tạp chí đã đăng tác phẩm hoặc các bài viết phê bình thơ văn của tôi, tôi xếp thành một dãy liền với tường nhà, để làm kỉ niệm thôi. Sau này không biết con và cháu tôi sẽ dùng nó để làm gì. Bà xã tôi bảo: Sẽ bán giấy vụn tất. Lúc ấy, mình đấm tay vào tấm ván thiên rồi, cũng đành vui vẻ tưng bừng thôi chứ biết làm sao!
PV: Với người cầm bút, giai đoạn đầu dù hay hay dở khá quan trọng. Nhưng ông lại phủ nhận giai đoạn này. Ông có nghĩ dám đối diện với quá khứ non kém của mình là sự dũng cảm và không đáng xấu hổ không? Giả sử 20 năm nữa, khi nhìn lại những tác phẩm sau năm 1986 ông lại không bằng lòng, chẳng lẽ ông lại tiếp tục phủ nhận mình?
Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Cái cây lớn dần lên được vì nó tự đánh rụng lá sau mỗi một năm. Cái cây có gì mà phải xấu hổ khi nó trút lá. Phải vượt qua chính mình. Điều đó với các nhà sáng tác không hề dễ. Các cụ xưa có câu: “vợ người thì đẹp, văn mình thì hay”. Những nhà văn có trách nhiệm với bạn đọc, bao giờ cũng không thật hài lòng với tác phẩm đã có của mình và luôn luôn muốn vươn tới những tác phẩm có thành tựu nghệ thuật cao hơn, còn đang ở phía trước. Tôi có nói: Khi anh hài lòng với cái gì, thì ranh giới phát triển của anh về cái đó sẽ vĩnh viễn nằm lại ở chỗ đó (mà người khác vượt qua). Tôi nghĩ, chị còn trẻ, phải ủng hộ điều phát triển này mới phải chứ. Trong Bản Xônat hoang dã, tôi có câu thơ: “Trên thế gian này, chả có cái gì tốt đẹp hơn Cái Chết / Nếu tất cả mọi người từ thượng cổ / Đều sống cùng chúng ta / Thì cuộc sống này khủng khiếp biết nhường nào !”
PV: Tại sao ông không chọn cách phủ nhận lặng lẽ, dường như chính là cách của nhiều nhà văn, là không tuyên bố, và tự tìm cách viết khác đi, vì như thế độc giả cũng hiểu là chính nhà văn đang phủ nhận mình?
Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Tôi đã “lặng lẽ” “không tuyên bố” và âm thầm tự làm lại mình suốt 20 năm rồi đấy thôi. Và rồi đến khi các nhà báo như chị hỏi tôi, vậy thì tôi phải nói chứ. Chả lẽ đến lần này, tôi cũng không trả lời chị để lấy tiếng là “lặng lẽ” chăng? Theo tôi “lặng lẽ” hay không có quan trọng gì đâu. Cái chính là có hiệu quả.
PV: “Đối thoại văn chương” rất có thể sẽ được độc giả mổ xẻ nhiều trong thời gian tới. Ông có sẵn sàng đón nhận những khen – chê?
Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Tôi chỉ sợ người ta không đọc mình. Hoặc đọc xong (chỉ đọc xong thôi đã quí lắm rồi) người ta thấy không cần nói gì cả, không cần khen, cũng không cần chê, tôi chỉ sợ có một điều đó thôi. Được khen và được chê thì còn gì vui bằng.
* Cảm ơn nhà thơ!
Hiền Nguyễn thực hiện
Trần Nhuận Minh:…
Và với tôi, có hai giai đoạn rõ rệt.
Giai đoạn một, từ khi viết bài thơ đầu tiên (1954) được đăng đầu tiên (1960) đến năm 1986, năm đất nước bước vào công cuộc đổi mới mà ngay từ năm đó, tôi đã nói rằng, đây là cuộc cách mạng tháng Tám thứ hai và với bản thân tôi, đây là năm sinh thứ hai. Giai đoạn này tôi viết để phục vụ nhiệm vụ chính trị trước mắt. Nghĩa là viết cái mà cuộc sống cần ở mình. Chủ đề tư tưởng là các nhiệm vụ chính trị cần phải đạt đến. Nội dung hiện thực là thực tế nó cần phải xảy ra, còn nó có xảy ra thật như thế hay không, điều ấy không quan trọng. Tôi nghĩ, cả một nền thơ của một giai đoạn lịch sử đã được viết trong quan điểm đó, rất trong sáng và chân thành. Chính nhờ thế, mà “Toàn đất nước có chung tâm hồn, có chung gương mặt” (Chế Lan Viên). Đến khi thống nhất được đất nước, nhiệm vụ chính trị hoàn thành rồi, thì thơ có hoàn thành được nhiệm vụ nghệ thuật, để tồn tại đến mai sau hay không, lại là vấn đề khác, và nói cho cùng, điều ấy không phải là cái quan trọng nhất. Nếu nó có “hi sinh” thì cũng hy sinh như mọi người lính trong trận mạc mà thôi.
Giai đoạn hai, từ năm 1986, tôi viết về cái mà mình cần phải có ở tác phẩm của mình, nỗi ám ảnh của cá nhân mình trước mọi cái mắt thấy tai nghe, cùng với những tổng kết, trải nghiệm của cả cuộc sống mà mình tích tụ được đến lúc đó, qua lăng kính của chủ nghĩa nhân văn. Không viết được như thế thì mình không sống được bình thường như mọi người.
…
Nhưng “chia đôi sự nghiệp, trước và sau 1986” thì không ai “rõ ràng” và “quyết liệt” như tôi trong việc làm lại mình từ đầu. Bởi vì chỉ có tôi mới nói trên báo và viết vào sách rằng: xin tự loại bỏ toàn bộ sáng tác 25 năm bao cấp (1960 – 1985) của thơ tôi, với 166 bài thơ và 2 trường ca trong 4 tập thơ. Có tập đến 50 bài đã được tặng giải thưởng văn học về đề tài công nhân của Tổng Công đoàn và Hội Nhà văn Việt Nam, cùng một tập thơ, một tập trường ca đã được tặng hai giải nhất mỗi giải cách nhau 5 năm (1980 và 1985) của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Tôi cũng đã làm đúng như mình nói và viết. Và tôi làm lại từ đầu, tự khai sinh lần thứ 2 cùng với công cuộc đổi mới đất nước.”
(Trích Đối thoại văn chương, Trần Nhuận Minh – Nguyễn Đức Tùng, NXB Tri Thức)
Nguồn: Vanhocquenha