Lịch sử Việt Nam khép lại thế kỉ XIX cũng là khép lại các cuộc khởi nghĩa chống Pháp bi hùng. Bước sang thế kỉ mới, những cuộc bạo động chống quân xâm lược được thay thế bằng sự hưởng ứng các phong trào Đông du, Duy tân, Đông Kinh nghĩa thục… Một biểu hiện của tinh thần yêu nước lúc này là ý thức xây dựng nền văn hóa mới theo xu hướng tư sản với quan niệm phục hưng văn hóa, thay đổi tư duy hướng về các giá trị tiên tiến của nhân loại. Đây là giai đoạn đấu tranh của hai phái cựu học và Tây học. 

Về đại thể, quá trình tiếp thu tư tưởng lí luận văn nghệ nước ngoài nửa đầu thế kỉ XX được chia thành hai giai đoạn: từ 1900 đến 1932 và từ 1932 đến 1945.

Lịch sử quy định giai đoạn 1900 – 1932 có sự hình thành khách quan hai khuynh hướng: khôi phục văn hóa cổ truyền và giới thiệu tư tưởng văn hóa phương Tây, chủ yếu là Pháp. Các học giả Phan Kế Bính, Nguyễn Bá Học, Phan Bội Châu, Tản Đà, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng và cả Phạm Quỳnh thời kì đầu chưa thoát khỏi tư tưởng lí luận văn học cổ điển Trung Quốc. Phạm Quỳnh vừa giới thiệu Boileau vừa đề cao tư tưởng Tống Nho. Phan Kế Bính quan niệm văn chương là cái đẹp muôn vẻ khi ông cho rằng “văn chương của bầu trời”, “văn chương của trái đất”, “văn chương của loài người”. Đây là sự ảnh hưởng từ Kinh Dịch và Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp. Ông cũng đồng tình với quan niệm “thi dĩ ngôn chí” của lí luận cổ điển Trung Quốc. Trong phần “Nguyên lí văn chương” (Việt Hán văn khảo) Phan Kế Bính còn chịu ảnh hưởng rõ hơn từ Bạch Cư Dị với luận điểm “thi giả căn tình”: “Tính tình người ta xúc cảm với ngoại vật sinh ra khi mừng, khi giận, khi buồn, khi xót xa, khi ham muốn. Các mối tình ấy chứa ở trong bụng, tất phải phát tiết ra nhời nói”. Nguyễn Văn Ngọc kế thừa Viên Mai (trong Tùy Viên thi thoại) khi cho rằng một bài thơ phải có thể tài, phải có cái kì thú. Ảnh hưởng từ “Tân thư” và tư tưởng “cách mạng văn học” của Lương Khải Siêu mà Nguyễn Văn Ngọc đề cao tác dụng của văn học “làm mới dân một nước”. Như vậy quan niệm về văn học của khuynh hướng khôi phục văn hóa cổ truyền về cơ bản vẫn chịu sự chi phối của quan niệm “văn dĩ tải đạo”, văn học giáo huấn từ lí luận văn học cổ điển phương Đông. Mặt tích cực dễ thấy là góp phần giáo dục con người đi theo triết lí đạo Nho với các nguyên tắc đạo đức đã trở thành điển mẫu. Cái hạn chế là làm nghèo nàn, cứng nhắc, đơn giản chức năng vai trò của văn học, chỉ khuôn theo các phạm trù có sẵn “thuật nhi bất tác”, ít sáng tạo.

Người sớm nhất tiếp thu khái niệm “tiểu thuyết” từ phương Tây là Nguyễn Trọng Quản khi ông cho rằng “Người Lang sa gọi là roman, nghĩa là lấy trí riêng mà đặt riêng ra một truyện tùy theo nhân vật phong tục trong xứ, dường như truyện có thật”. Cuối năm 1918, trên Nam phong, Phạm Quỳnh cổ vũ cho lối viết văn của “Thái Tây”: “Nay xét ra văn học, họa học của Thái Tây, phần nhiều lại trọng lối tả thực hơn là lối phá bút. Quốc văn của ta sau này tất chịu ảnh hưởng của văn Tây nhiều, lối tả thực rồi tất mỗi ngày một thịnh hành”.

Đến năm 1919 trong bài phê bình Truyện Kiều, Phạm Quỳnh đã chủ trương dùng lối phê bình mới như phân tích hình tượng nhân vật thì nên đi “theo phép phê bình của văn học Thái Tây”. Người đầu tiên giải thích văn học theo nghĩa mới là Võ Liêm Sơn: “Văn học phải có cá tính, có tư tưởng, mang mĩ cảm”. Ông có ý phủ nhận văn học cổ điển “như trái chín sắp rụng” và đề cao cái mới “mới không chỉ ở hình thức mà cốt mới ở tư tưởng, mới không chỉ mới riêng với người mình, mà phải mới theo thế giới” (Văn học với xã hội, 1927). Đặng Trần Phất trong “Mấy nhời nói đầu” (Cành hoa điểm tuyết, 1924) thừa nhận sự ảnh hưởng sâu sắc về mặt ý nghĩa xã hội của tiểu thuyết Pháp: “…tiểu thuyết của các tiên sinh (tức A. Daudet và Paul Bourget – N.T.T) thật như ngọn đèn pha lê chiếu thấu tới hang hầm tối tăm, đọc qua tưởng tượng như trông thấy cả cái đoàn thể một xã hội về đường phong tục luân lí vậy”. Phạm Quỳnh chê sự đơn điệu của “văn ta, văn Tàu” là “lối văn chép sử”, còn “văn Tây vẫn có ý lanh lẹ hoạt bát… đương dùng lối tự sự lại biết khéo tham bác các lối tả cảnh tả tình”. Phạm Quỳnh giới thiệu thơ Baudelaire, tiểu thuyết của G. Maupassant, giới thiệu học thuật phương Tây ở nhiều lĩnh vực triết học, mĩ học Descartes, triết học Bergson, giới thiệu cả Khổng học, thơ văn cổ Trung Hoa. Trong khi hào hứng với cái mới, hết lòng cổ súy cho nó mà Phạm Quỳnh, dù là một học giả cũng để lộ ra cái hạn chế là có ý coi nhẹ văn học truyền thống. Đây là một bài học: tiếp thu cái mới phải trên cơ sở tôn trọng, phát triển tinh hoa của cái cũ.

Học tập tiểu thuyết phương Tây, đặc biệt là tiểu thuyết Pháp trở thành một xu hướng ở nhiều nhà văn đầu thế kỉ XX. Phạm Quỳnh thẳng thắn: “Trong ba loại tiểu thuyết kể trên (tức “ngôn tình”, “tả thực”, “truyền kì” – N.T.T), có lẽ loại truyền kì là người mình có thể luyện tập, bắt chước được dễ hơn cả… vừa thích hợp với trình độ một lối văn còn non nớt như văn ta”. Tác giả Lệ Xuân kêu gọi học tập kĩ thuật viết văn của người Pháp mà cụ thể là của V. Hugo. Dựa trên cách phân loại tiểu thuyết của châu Âu mà Phạm Quỳnh chia: “Nay cứ tính chất các tiểu thuyết mà phân loại ra thời có thể chia ra ba loại như sau này: một là tiểu thuyết ngôn tình (romans passionnels), hai là tiểu thuyết tả thực (romans de moeurs), ba là tiểu thuyết truyền kì (romans d’aventures), ba loại này có thể gồm được các lối khác”. Phạm Quỳnh cũng giới thiệu lí thuyết về thể loại kịch phương Tây với ba loại: bi kịch (trage’die), hí kịch (come’die) và nhạc kịch (opera). Cách soạn kịch có ba phần: lập ý (invention), bố cục (disposition) và lập từ (e’locution).

Cơ sở xã hội của giai đoạn 1932 – 1945 nổi bật là sự ra đời của Đảng Cộng sản khẳng định đường lối cách mạng nước ta đi theo chủ nghĩa Marx – Lenin. Sự kiện này cũng cho thấy tính tất yếu của việc truyền bá tư tưởng marxism về văn hóa, văn nghệ vào nước ta. Những năm 1936 – 1938, Mặt trận Bình dân Pháp nắm quyền, chế độ cai trị được nới lỏng, hệ quả là các luồng tư tưởng tích cực trên thế giới được tiếp thu cởi mở, rộng rãi hơn.

Thiếu Sơn với bài viết Hai cái quan niệm về văn học có lẽ là người đầu tiên chống lại quan niệm “văn dĩ tải đạo” và cổ vũ cho tư tưởng “lấy nghệ thuật làm cứu cánh cho nghệ thuật”. Hoài Thanh phát biểu “Tìm cái đẹp trong tự nhiên là nghệ thuật, tìm cái đẹp trong nghệ thuật là phê bình” thì rõ là chịu ảnh hưởng từ văn học Pháp “Nghệ thuật là phê bình tự nhiên” (Art est la critique de la nature). Lối “phê bình ấn tượng” của Hoài Thanh có nguồn gốc từ phê bình ấn tượng chủ nghĩa ở châu Âu mà người tiên phong là W. Dilthey (1833 – 1911), triết gia Đức. Nhưng đó chỉ là một nguồn, còn nguồn kia thì chắn chắn có từ lối phê bình cảm thụ truyền thống phương Đông, mà biểu hiện cụ thể là ông hay trích lời Kim Thánh Thán.

Qua những cuộc tranh luận văn học giữa Hoài Thanh và Hải Triều đều cho thấy cả hai ông hay viện dẫn ý kiến của A. Gide (Pháp) về văn nghệ, nhất là khi nói về văn học Nga – Xôviết. Điều này cho thấy họ rất quan tâm đến tư tưởng của phái hình thức luận. Riêng Hoài Thanh, qua con đường tài liệu tiếng Pháp có thể đã tiếp thu tinh thần học thuật của N. Tynianov khi ông đề cao “hình thức”, coi đó là “phần cốt yếu”, mà thiếu nó tác phẩm chỉ còn là “cái xác chết”.

Lí thuyết nhận thức là điểm tựa để H. Taine (1828 – 1893), tác giả của Các triết gia Pháp thế kỉ XIX, Chủ nghĩa thực chứng Anh… đi sâu vào ba phạm trù phê bình văn học: dòng giống, địa dư và thời đại. Nguyễn Bách Khoa chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng này. Không những thế Nguyễn Bách Khoa còn vận dụng cả tâm lí học, xã hội học, di truyền học để nghiên cứu, phê bình. Trong Nguyễn Du và Truyện Kiều (1942) ông chủ trương đi tìm “cá tính” nhà văn, muốn thế phải dựa vào nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là “sinh lí di truyền”, “địa lí tự nhiên”, “điều kiện xã hội”. Ta thấy ngay đây là mô hình phê bình khoa học của H. Taine. Nguyễn Bách Khoa rất nhấn mạnh đến “hình ảnh xã hội”, tức yếu tố thời đại trong việc phân tích tác giả: “Nghiên cứu một văn phẩm mà không tìm đến cá tính nhà văn và hình ảnh xã hội đương thời… tức là không hiểu gì về phê bình nghệ thuật hết”.

Dưới ánh sáng quan niệm của H. Taine, Nguyễn Bách Khoa nhận định cá tính Nguyễn Du là chung đúc của huyết thống dòng họ Nguyễn và “địa dư” Nghệ Tĩnh, huyết thống họ Trần và “địa phương tính Bắc Ninh”. Vì thế Nguyễn Du là kết tinh của “lòng ham sống say sưa, cái khí tiết hiên ngang không chịu khuất phục của giống nòi” (Nghệ Tĩnh) với “đất của ái tình”, của “tinh thần mẫu hệ”, “những tính bồng bột chiều theo cái đà phát triển của muôn loài” (Bắc Ninh)… Ngoài thuyết văn hóa – lịch sử của H. Taine, Nguyễn Bách Khoa còn chịu ảnh hưởng của thuyết phân tâm học Freud. Khi đi theo phân tâm học ông phân tích có cơ sở về Nguyễn Du nhưng khi mượn các khái niệm về “thần kinh học” của Dupre, F. Delmas, M. Fleury… để phân tích thì vấn đề trở nên khiên cưỡng, gò ép, cực đoan. Nhưng điều cần ghi nhận là phê bình tác giả dưới góc nhìn phân tâm học ở Việt Nam, Nguyễn Bách Khoa là người tiên phong.

Phê bình theo phương pháp khoa học còn có Trần Thanh Mại với Trông dòng sông Vị (1935, 1943), Hàn Mặc Tử – thân thế và thi văn (1942), Đào Duy Anh với Khảo luận về Kim Vân Kiều (1943). Để giải thích mối quan hệ giữa bệnh hủi và tần số xuất hiện của “trăng” ở Hàn Mặc Tử, Trần Thanh Mại lấy tác phẩm Người hủi ở thành Aoste của Xavier de Maistre để chứng minh “trăng” có ảnh hưởng trực tiếp tới căn bệnh này. Điều này lí giải hình tượng trăng xuất hiện nhiều trong thơ Hàn. Ông quan niệm một thi phẩm luôn mang dấu ấn tiểu sử nhà thơ, nhất là các tình huống mang tính bi kịch trong cuộc đời, nhà phê bình phải lấy đó làm một căn cứ để tìm hiểu. Đào Duy Anh có lẽ chịu ảnh hưởng của thi học cấu trúc nên rất coi trọng chứng cứ. Trong các công trình của mình chứng cứ được ông “cấu trúc” rất lớp lang, bài bản.

Năm 1934 khái niệm “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” được chính thức đưa vào Điều lệ Hội Nhà văn Liên Xô thì hai năm sau, 1936, đã được Hải Triều, Hải Thanh nhiệt thành giới thiệu vào Việt Nam. Thao tác so sánh được các ông vận dụng triệt để: nếu chủ nghĩa hiện thực thế kỉ XIX lấy việc phê phán xã hội cũ làm mục đích thì chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa lấy sự ca ngợi thực tiễn cách mạng được soi chiếu bởi lí tưởng xã hội chủ nghĩa là chủ yếu nhưng vẫn không quên nhiệm vụ phê phán cái ngược lại. Hải Triều chịu ảnh hưởng quan điểm của Engels về chủ nghĩa hiện thực khi ông bày tỏ ý tưởng của mình trong Đi tới chủ nghĩa tả thực trong văn chương: những khuynh hướng trong tiểu thuyết. Hải Triều cũng luôn nhấn mạnh vai trò “kĩ sư tâm hồn”, tức vai trò của nhà văn trong việc “thiết kế”, xây dựng nhân cách con người.

Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa được Hải Triều giới thiệu ở cả ba bình diện: tư tưởng, tính chân thật và tính nghệ thuật; coi việc tả chân nhằm mục đích “để phấn khởi lòng người, gây thêm hi vọng, thêm lạc quan cho đám dân cùng khổ, cho hạng người đang tranh đấu, thúc đẩy họ mau đánh đổ cái xã hội đồi bại và xây dựng cái xã hội hợp với nhân sinh”. Hải Triều triển khai tư tưởng của mình theo tư tưởng marxism, tức đi theo quy luật vận động của các mâu thuẫn. Các mặt đối lập diễn ra gay gắt đến cao trào sẽ buộc phải có cách giải quyết đẩy hoàn cảnh đến một giai đoạn mới tiến bộ hơn. Cái đáng quý hơn ở ông là một tâm huyết khẳng định các nền nghệ thuật chân chính đều gắn liền với số phận con người và trước tác của các nhà tư tưởng lớn đều chung mục đích ấy, như Dickens, Diderot, Dostoevsky, Hugo, Tolstoy… Chính vì thế ông đã hào hứng giới thiệu M. Gorki, H. Barbusse, R. Rolland, nhất là M. Gorki. Hải Triều tìm thấy trong tác phẩm M. Gorki “tài liệu rất dồi dào, văn chương lại điêu luyện, có thể sánh với công trình của Voltaire, của Hugo…”. Nhờ được tiếp xúc với các tư tưởng tiến bộ mà ở Hải Triều sớm có những quan niệm cách mạng, khoa học. Một hành động dũng cảm của nhà cách mạng Hải Triều là năm 1938 cho xuất bản Chủ nghĩa Macxit phổ thông, trong khi năm ấy lại không hề thuận lợi cho tình hình cách mạng, Mặt trận Bình dân Pháp không còn nắm quyền, thế chiến thứ hai đang có dấu hiệu xuất hiện ở Tây Ban Nha, những ngòi nổ của nó đang dần bén lửa khắp thế giới. Lí luận văn nghệ cách mạng Việt Nam ghi công Hải Triều với tư cách là một trong những người mở đường, mà biểu hiện rõ nhất là qua sự giới thiệu các nhà văn lớn của thế giới để mở ra khuynh hướng sáng tác cách mạng, tiến bộ ở Việt Nam. Điều này hoàn toàn thống nhất với việc ông khẳng định và cổ vũ cho khuynh hướng văn học hiện thực phê phán trong văn học Việt Nam với các nhà văn tiêu biểu như Nguyễn Công Hoan, Lan Khai, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố… Cách mạng Việt Nam ghi công Hải Triều với tư cách là người chiến sĩ tiên phong quả cảm từ những ngày trứng nước. Ngày hôm nay chúng ta thấy quan niệm nghệ thuật của Hải Triều có cơ sở khoa học nhưng còn phiến diện, mới xem xét văn học là biểu hiện của giai cấp, kinh tế xã hội… mà chưa đi xa đến những vấn đề như tài năng, cá tính, văn hóa, tâm lí xã hội… Ông chia ra văn học hợp tiến hóa và văn học phản tiến hóa có phần máy móc, cơ giới, chưa chú ý đến tính độc lập tương đối của văn học như Marx đã chỉ ra. Hạn chế ấy một phần do ông, một phần thuộc về lịch sử. Để có dòng chảy lí luận phê bình văn học sôi động hôm nay, thì phải có những người vững vàng tiên phong nơi thượng nguồn, mà Hải Triều là một.

Có thể ví học thuyết K. Marx như ánh sáng mới chiếu vào mảnh đất thuộc địa Việt Nam tạo nên sự thu hút, hấp dẫn nhiều nhà tư tưởng, nhà nghiên cứu, nhà văn có tư duy đổi mới. Không chỉ các ông Hải Triều, Hải Thanh mới hăng hái giới thiệu, cổ súy, mà còn nhiều người khác, trong đó Nguyễn Bách Khoa là trường hợp rất đáng chú ý.

Trong Tựa của cuốn Tâm lí và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, 1945, Nguyễn Bách Khoa khẳng định “phương pháp khoa học cao nhất, hiệu nghiệm nhất trong tư tưởng giới hiện đại của loài người” là “phương pháp duy vật biện chứng”. Từng là “đệ tử” của H. Taine, khi nghiên cứu về K. Marx, Nguyễn Bách Khoa lại phủ nhận thuyết của H. Taine, cho đó là “duy vật dung tục và máy móc”. Ông đồng tình với P. Lafargue khi nói “Nhà văn bao giờ cũng bị đóng đanh vào hoàn cảnh xã hội của mình”, đồng tình với Plekhanov “Chỉ khi nào nhận thức được sự xung đột của các đẳng cấp, và khi nào đã nghiên cứu được mọi hình thức tiến triển, mọi sắc thái phức tạp của cuộc xung đột ấy thì mới có thể giải thích được gọi là chu đáo một chút sự tiến hóa tinh thần của một xã hội”. Nguyễn Bách Khoa là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam dịch Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của Marx và Engels, tìm thấy ở đó những điều tâm đắc mới mẻ, nhất là về mối quan hệ xã hội và văn học.

Tiếp thu học thuyết Marx sâu sắc, toàn diện và hiện thực hóa tư tưởng ấy vào văn hóa Việt Nam là Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam của Trường Chinh. Lịch sử văn hóa Việt Nam ghi nhận đây là tác phẩm có giá trị lớn về đường lối văn hóa văn nghệ, về học thuật, về bài học tiếp thu tư tưởng lí luận nước ngoài để làm mới văn học nghệ thuật nước nhà.


Văn học khái luận (1944) của Đặng Thai Mai đặt nền tảng về mặt khoa học theo xu hướng marxism đã trình bày một cách hệ thống về các khái niệm văn học, đời sống văn học, lịch sử văn học. Đặng Thai Mai chịu ảnh hưởng rõ của F. Challaye, J. Fre’ville (Pháp) và Plekhanov, Kammarin (Nga) qua các tài liệu tiếng Pháp La nouvelle critique, La litte’rature sovie’tique… Tư tưởng của chủ nghĩa Marx về văn nghệ trong Văn học khái luận được tiếp nhận qua con đường các nhà marxism Trung Quốc. Công trình cho thấy tác giả đã nâng sự tiếp thu học thuyết Marx lên tầm cao mới với hệ thống chặt chẽ, biện luận chắc chắn. Đây là tập sách lí luận văn học marxism đầu tiên, đóng vai trò nền móng cho lí luận văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ở nước ta kéo dài mấy chục năm sau.

Thiết nghĩ, tiếp thu tư tưởng văn hóa, văn nghệ nước ngoài để làm giàu cho văn hóa nước mình là tất yếu, nhưng phải tiếp thu cái ta cần, cái ta thiếu, tiếp thu trên cơ sở gắn liền với truyền thống. Không nên cực đoan chỉ tiếp thu một luồng tư tưởng nào, dù đó là tư tưởng có nhiều yếu tố tích cực, tiến bộ, mà phải tiếp thu trên tinh thần đa dạng hóa. Và câu nói của Hồ Chí Minh “Văn hóa của các dân tộc khác cần phải nghiên cứu toàn diện, chỉ có trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hóa của chính mình” vẫn còn nguyên giá trị.

Theo Nguyễn Thanh Tú – Văn nghệ quân đội

Exit mobile version