1. Tính trò chơi (Playfulness) với sắc thái giễu nhại
Dấu hiệu “trò chơi”(Playfulness), coi văn bản là một thứ “trò chơi ngôn ngữ” (Language games) bộc lộ trong Dấu về gió xóa ở nhiều cấp độ, từ cấu trúc cốt truyện đến hình tượng, chi tiết, lời văn… Thêm nữa, “trò chơi” này mang sắc thái giễu nhại đậm nét. Trong diễn ngôn hậu hiện đại, tính “trò chơi” với khẩu vị “giễu nhại” là một yếu tố quan trọng mang chiều sâu triết học.
Anh – đại từ nhân xưng do nhân vật người kể chuyện tự xưng hoặc giả được tôn xưng bị cuốn vào một “trò chơi”, trò chơi bắt đầu thật ngẫu nhiên với một cặp trai gái, họ chơi trò sex dưới hình thức “cái bánh xanđuýt” rồi từ trò chơi cá nhân sang trò chơi chính trị từ lúc nào. Đó là tham gia vào cuộc tìm kiếm nhà tù bí mật, tham gia đảo chính, phanh phui sự thật chính trị… Song, giống như mọi trò chơi, “sân chơi” của “trò chơi” chính trị này chính là Đảo Xanh, một đảo quốc mới có độc lập và mới chuyển từ nền quân chủ sang nền cộng hòa. “Người chơi” là các nhân vật bị cuốn vào trò chơi một cách vô tình, hoặc giả nếu có ai đó “cố tình” thì cũng bị những người vô tình kia chi phối, tác động, dẫn dắt: “Chàng” – giám đốc Trung tâm Chế biến hải sản nhưng thực chất là trông coi Trại tù, Nàng – Cô Chủ, chủ cửa hàng thời trang, ông chủ tiệm San Hô, cô nữ sinh du học Mắt Hai Màu, vị Giáo Sỹ – người canh đền thờ Đa Giáo, Hoàng Tử – bộ trưởng bộ Văn hóa và truyền thông của Đảo Xanh, Thằng Bé v.v… “Luật chơi” chính là không có “luật”, không có quy tắc, quy định nào hết, cái ngẫu nhiên, tình cờ dẫn dắt tình huống, sự việc, ngẫu hứng, tùy hứng, ngẫu nhiên là cái lõi cơ bản của “trò chơi”.
Hành trình tìm kiếm cũng là hành trình “cuộc chơi” làm phơi ra những tình tiết của trò chơi: những phát đại bác trọng thị đón chào các nguyên thủ quốc gia đến trình quốc thư biến thành một thứ viagra thần dược cho các cuộc giao hoan, khiến trẻ con trên đảo được tính tuổi theo “mùa đại bác”. Mục tiêu chính trị khoác áo của các mối quan hệ sex, như: mối quan hệ “Anh – Chàng – Nàng”, mối quan hệ “Hoàng Tử – Mắt Hai Màu”. Tính “trò chơi” diễn ra khắp nơi, từ những sự kiện nghiêm túc như “khóa họp mùa mưa” của Nghị viện Đảo Xanh, các ông Nghị, bà Nghị chửi nhau, ném giày vào mặt nhau như trong một “chợ cá”; chủ trương hiện đại hóa đưa truyền hình đến Đảo Xanh thành đám rước truyền hình; việc trình quốc thư cũng thành trò chơi – cuộc đi nghỉ của các đại sứ “hầu như các đại sứ đi công cán hoặc đi trình thư ủy nhiệm đều chọn đúng mùa này mà đến Đảo Xanh. Đại sứ các nước phương bắc đến đầu tiên, tâm lý xứ hàn đới, Bắc Âu và Bắc Mỹ, vừa mới qua mùa đông âm u đằng đẵng, họ tận dụng ngay những ngày đầu mùa hạ để thoát khỏi cái rét sớm lúc nào hay lúc ấy…”[1]; “trò chơi” trong phiên tòa xử Giáo Sĩ vì tội xâm phạm “chính ngữ” và hình phạt “không được nói trong ba tháng”; “trò chơi” trong tình huống đưa ma Cá Ông và đứa trẻ bỗng nhiên có cha là “ông cá” v.v… Lớp ngôn từ mang tính “trò chơi” giễu nhại và hài hước làm nên giọng điệu chính của tác phẩm. Đó là lớp từ thông tục, suy nghĩ và lối diễn đạt thông tục, chẳng hạn, đây là những gì đang diễn ra trong đầu “Đức vua – Tổng thống” đương nhiệm khi ngài chứng kiến và tìm cách gỡ bỏ nút thắt của cuộc xung đột giữa các ông nghị: “… Giọng nói qua micrô, nhẹ nhàng nhưng đầy quyền uy. Câu nói lạc đề, nhưng nó nhắc nhở cái đám chợ vỡ kia rằng chợ nào cũng có chủ. Tộc trưởng đang ngồi đây. Vua đang ngồi đây. Tổng thống đang ngồi đây. Bố chúng mày đang ngồi đây”[2]. Hoặc thứ ngôn ngữ mà vị Giáo Sỹ dùng để “lên lớp” kẻ đồi bại, nó thông tục đến nỗi tòa án cho là vi phạm đến “chính ngữ” tôn giáo và vị Giáo Sỹ bị tòa phán quyết “không được nói trong ba tháng” (!)
Dùng nhãn quan “trò chơi”, tác giả đã “giải thiêng” tinh thần “đại tự sự” (Grand narrative) của hiện thực đời sống, đặc biệt là lĩnh vực chính trị, một lĩnh vực vẫn được đặt trong vòng “giới nghiêm” của mọi quan sát. Hình tượng bức họa đồ Mandala bằng cát là biểu tượng sâu sắc cho nhận thức và quan niệm về vũ trụ và lòng người theo nhãn quan hậu hiện đại. Biến mọi thứ thành trò chơi, coi cuộc sống là “cuộc chơi”, cuộc sống mang tính bất ổn và “bất khả tri” đó là cảm quan hậu hiện đại, Hồ Anh Thái đã tiếp cận và khai thác triệt để quan điểm thẩm mỹ mới này – mỹ học hậu hiện đại trong trò chơi ngôn từ Dấu về gió xóa.

2. Liên văn bản (Intertextuality) với thủ pháp liên tưởng, ám gợi
Tư duy liên văn bản (Intertextuality) cũng chi phối đậm nét trong Dấu về gió xóa, người đọc như lạc giữa mê cung của những nhận thức và không gian văn hóa độc đáo, đa dạng, khác biệt. Tuy nhiên, trước khi người đọc lên ngôi, tác giả cũng phải có khả năng “lên ngôi” về tầm văn hóa, văn chương để kiến tạo ra những “hệ giải trình ngôn ngữ” (từ dùng của Kristeva). Tư duy liên văn bản cũng diễn ra ở nhiều phương diện của văn bản: chi tiết, hình tượng, lời văn… Chẳng hạn, chi tiết về cuộc họp Nghị viện Đảo Xanh làm người ta liên tưởng đến các cuộc họp nghị viện của một đảo quốc nổi tiếng về nạn các ông nghị, bà nghị “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” nhau. Hình tượng “cái giếng” nghị trường vừa gợi liên tưởng đến “ếch ngồi đáy giếng”, vừa diễn tả một sự thật: với kiểu sắp đặt cho có vẻ “dân chủ” nhưng vẫn dưới sự điều khiển của một “già làng”, uy tín “già làng” vẫn quyết định tất thảy. Sự liên tưởng ở đây có sức ám gợi mạnh mẽ, cái “vỏ” hình thức của một thể chế xã hội mới nhưng cái “ruột” – tức tư duy, cung cách ứng xử, thói quen thì vẫn cũ, nghĩa là con người cũ, bản chất thì cũ, thực trạng của giai đoạn “tiền đổi mới” này liệu có phải chỉ diễn ra ở Đảo Xanh? Ngay cái tên Đảo xanh “Green Island” cũng đầy sức ám gợi, về “hành tinh xanh – trái đất”, “thành phố xanh”, “thành phố hòa bình” v.v… Đảo Xanh có nhà tù bí mật gợi liên tưởng về một nhà tù vừa được phát giác ở một quốc đảo xinh tươi và hòa bình. Cách viết giàu tính lên tưởng này cho phép người đọc thỏa sức so sánh, liên tưởng đến đầy rẫy những vấn đề của thời cuộc kinh tế, chính trị, văn hóa… đang hiện hữu trong thế giới hiện tại: “Đảo Xanh. Hành tinh tí hon này cũng được mệnh danh là Hành tinh Xanh. Xanh hết. Màu lạnh. Đi đến tận cùng của cái lạnh thì đấy là lò lửa, ngay cả giữa thời chiến tranh lạnh. Chiến tranh lạnh hay hòa bình nóng. Hòa bình đang là quả bom, nhà tù này là kíp nổ. Kíp nổ thật sự hay đó chỉ là một cái lẫy nhựa trò chơi bị đồn đại thổi phồng thành kíp nổ? Nếu quả thực có một cái nhà tù trên Đảo Xanh thì bộ mặt của một số cường quốc sẽ bị nhem nhuốc, một số thế lực sẽ bị bẽ bàng, một số danh tiếng sẽ bị hoen ố”[3].
Song, dường như, tính liên văn bản của Dấu về gió xóa bộc lộ rõ nhất trong  bố cục của tác phẩm. Mạch liên tưởng kết hợp với bình luận, trữ tình ngoại đề xâu chuỗi và kết dính mạch truyện trong Dấu về gió xóa. Từ liên tưởng – bình luận của nhân vật chính đồng thời giữ vai trò người kể chuyện “Anh – Giáo Sư” đến liên tưởng – bình luận của các nhân vật khác. Sự liên tưởng tạo cho bố cục truyện một kết cấu mở với sự chồng chéo, trùng lắp các tình tiết, sự kiện. Người đọc được tham gia vào trò chơi sáng tạo bởi hiện thực luôn đứng sau sự liên tưởng, tưởng tượng, phụ thuộc vào khả năng (vốn) tri thức và thực tiễn của người đọc. Điều này cũng tạo cho bố cục của tác phẩm tính năng “mảnh vỡ” rất tự do và linh hoạt, cơ động và đột biến. Trật tự tuyến tính hầu như không có cơ hội can thiệp hay tham dự vào diễn trình mạch truyện, nói đúng hơn, tính diễn trình của mạch truyện truyền thống bị “phá hủy”, bù lại tính ngẫu nhiên, cảm xúc trực cảm, phát huy ưu thế để nhà văn bộc lộ quan điểm tư tưởng về rất nhiều vấn đề khác nhau, phải chăng đó cũng là cách “chống lại kiểu lý tính đại tự sự”[4], chống lại sự thưởng thức thụ động, tư duy thụ động đang trở thành căn bệnh cố hữu hiện nay. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả là thủ pháp/ kỹ thuật này chính là cách nhà văn thực hiện cái Mandala (biểu tượng cho cái tôi) văn hóa bằng ngôn ngữ. Những tri thức về nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, triết học, tôn giáo v.v… thậm chí những thông tin tưởng như rất “bé nhỏ” như câu chuyện voi phá hoa màu ở một bản nhỏ “gần hồ Núi Lửa” qua cách “xử lý” của tác giả bỗng trở thành những vấn đề không hồi kết: đây là lập luận của một đại biểu vì dân bức xúc: “Hoa màu là của dân, dân là của nước. Voi là của rừng, rừng là của nước. Voi của nước làm hại dân của nước thì nhà nước phải trừng phạt voi, nhà nước phải bồi thường cho dân”. Nhưng vị đại diện cho một ngành khác lại lập luận: “Chuyện đền bù thì không phải của bộ Lâm nghiệp mà là ở bộ Vấn đề Xã hội, nhưng chúng tôi đã di dời đàn voi vào rừng”. Đến đây thì ông nghị đại diện cho tổ chức bảo vệ môi trường như ngồi trên chảo nóng: “Ông Lâm nghiệp kia, ông không được tùy tiện di dời đàn voi mà không hỏi ý kiến chúng tôi. Voi bị thay đổi môi trường sống, bị di chuyển sang môi trường mới không phù hợp, voi lăn ra chết, ông có bỏ tiền túi ông ra mà đền không?” Và đây là cái nút của cuộc tranh luận: “Nghị Sĩ Hai không nghe hết. Ông ta vừa đi thủng thẳng về chỗ ngồi vừa đối đáp rằng để voi sống mà giày xéo rau màu của dân thì đứa nào bỏ tiền túi ra đền dân? Nghị Sĩ Ba quát theo, nhưng voi chết thì khối đứa sẽ phải chết theo voi”[5]. Tiếp theo, cuộc tranh luận không diễn ra bằng ngôn từ mà bằng giày, bằng những gì vớ được giữa các ông nghị, bà nghị… Bằng liên tưởng và tưởng tượng cực kỳ logic và sáng tạo, tác giả đã tạo ra màn hài kịch “như thật” độc đáo, hấp dẫn, nhưng đằng sau màn hài kịch ấy là những vấn đề hết sức nghiêm túc của cuộc sống đương đại, nó gợi ra (hay phanh phui ra) thực trạng còn nhiều uẩn khúc liên quan đến vấn đề, như: chính sách dân sinh, môi trường, bảo tồn động vật hoang dã, chủ quyền quốc gia dân tộc v.v… thậm chí, còn liên quan đến cả những vấn đề phức tạp hơn nhiều.
Sẽ bắt gặp rất nhiều tình tiết, chi tiết xuất hiện hoàn toàn ngẫu hứng, kết quả của trường liên tưởng, tưởng tượng thông minh từ một vốn sống, vốn tri thức đầy ắp, vì vậy, văn bản mà tác giả cống hiến cho bạn đọc sẽ không chỉ là một văn bản mà là một liên văn bản, một “hệ giải trình của nhiều văn bản khác nhau”. Hệ giải trình ngôn ngữ Dấu về gió xóa quả thực hấp dẫn và thú vị.

3. Phi trung tâm (decentre) và thủ pháp “mờ hóa”
Chúng tôi muốn sử dụng thêm định đề này để tiếp cận và giải mã Dấu về gió xóa. Thực ra, nội hàm của “phi trung tâm” có quan hệ gần gũi, “họ hàng” với khái niệm “Trò chơi” và “Liên văn bản”. Khái niệm trò chơi và nguyên lý “trò chơi” khiến văn bản không bị ràng buộc bởi những nguyên tắc cố định vì vậy mà không còn cái trật tự, ổn định để tạo nên “đại tự sự”, hay “trung tâm”. “Liên văn bản” cũng liên quan chặt chẽ với “phi trung tâm”, sự đa dạng, đa trị từ hình thức đến nội dung ý nghĩa văn bản cũng là con đường dẫn tới “phi trung tâm”. Khái niệm “phi trung tâm” trong Các thuật ngữ hậu hiện đại được định nghĩa là “nhìn thế giới qua những đôi mắt khác hoặc tập hợp các quan điểm khác về thế giới qua tầm nhìn của riêng mình”[6], như vậy, “liên văn bản” về bản chất chính là cách “nhìn thế giới qua những đôi mắt khác, những quan điểm khác” nhờ sức liên tưởng do sự ám gợi của các chi tiết, hình tượng hay cách dẫn dắt giàu sắc thái bình luận của tác phẩm tạo ra, điều mà giới lý luận gọi một cách bay bổng là sự “lên ngôi” của độc giả.  Tuy nhiên, vẫn có sự vênh lệch giữa các khái niệm, phi trung tâm (decentre) có tiền đề từ tinh thần “giải cấu trúc hóa” của các nhà hậu cấu trúc. “J. Derrida đã thay tư tưởng về một trung tâm bằng phi trung tâm hóa, chỉ ra khả năng không thể tích hợp lại của các sự vật hiện tượng”[7]. Dấu về gió xóa bộc lộ tính “phi trung tâm” cũng trong khả năng “không thể tích hợp lại của các sự vật hiện tượng”. Truyện có rất nhiều tình huống, tình tiết, sự kiện, xung đột, trạng thái v.v… tuy nhiên, tất cả đều bị tách rời bởi yếu tố ngẫu nhiên. Ở đây, quy luật tự nhiên khách quan là “người” tổ chức, kiến tạo nên tình huống, sự việc. Vì vậy, không có sự cố ý hay sắp xếp nào để tạo ra tình huống hay cốt truyện “chính”, không có ai là nhân vật trung tâm hay nhân vật chính, cũng không có người kể chuyện chính, và hiển nhiên không cho chủ đề chính, chủ đề trung tâm. Tinh thần “diễn giải phá hủy” hay “phân mảnh” này thể hiện một thế giới đa trị, vừa giàu có những điều khả ái, vừa chứa đựng những nguy cơ, bất ổn. Nơi đây vừa là một quốc đảo xinh đẹp, giàu có, thiên đường của tự do tín ngưỡng, nơi có nhà thờ đa giáo, trong nhà thờ này có đủ các ban thờ cho các tôn giáo, ai không theo tôn giáo nào thì có bệ thờ riêng đặt ở trung tâm nhà thờ, nơi mọi người bình đẳng bộc lộ đức tin của mình. Hoặc sự tự do, dân chủ có thể khiến cuộc tranh luận trong kỳ họp nghị viện biến thành một “chợ cá”. Ở đây, không thấy không khí lao động, chỉ thấy có thụ hưởng, nơi đây là thiên đường của du lịch… Song, đằng sau hoặc bên trong đảo quốc thơ mộng, bình yên ấy vẫn có vô số hiện thực nhem nhuốc, tăm tối: nạn mại dâm (có cả một xóm gái không chồng), nạn mê tín dị đoan (tục dâng gái đồng trinh cho thần nước), nạn lạm dụng tình dục trẻ em, kỳ lạ nhất là cư dân trên đảo đến tận năm 2001 vẫn xa lạ với truyền hình, người dân trên đảo đón chiếc ti vi đầu tiên như đón “chúa trời giáng thế”… Kỹ thuật “phi trung tâm hóa” đã tạo cho Dấu về gió xóa một kết cấu “mở” dưới dạng phân mảnh, theo lối “diễn giải phá hủy” – cấu trúc phi trung tâm. Chủ trương làm “mờ hóa”, “giải hóa” trung tâm này là cách tiếp cận thế giới đa chiều. Từ cách tiếp cận ấy, hiện thực không phải chỉ là những gì nghe được, thấy được mà còn là những cái không nghe, không thấy nhưng vẫn tồn tại đích thực. Đó là hiện thực khuất lấp, hiện thực trong tâm tưởng, hiện thực tâm linh… Chẳng hạn, hiện thực Đảo Xanh phải bán hòn đảo phía tây cho một thế lực nào đó làm nhà tù bí mật để đổi lấy tự do, nền cộng hòa và tài chính; hoặc những giấc mơ mang tính dự báo; khả năng thấu thị tương lai, nhìn rõ quá khứ của nhân vật Giáo Sỹ v.v… Thủ pháp “phi trung tâm” có xu hướng “mờ hóa” tất cả, cái cụ thể trở thành cái Biểu trưng, thành Ý niệm, Khái niệm. Chẳng hạn, các nhân vật trong tiểu thuyết đều không có tên, chỉ được định danh/quy ước bằng đại từ chỉ giới tính hoặc một đặc điểm dễ nhận dạng, thậm chí địa vị xã hội, nghề nghiệp: Anh, Chàng, Nàng, Cô Chủ, Ông chủ San Hô, Mắt Hai Màu, Thằng Bé, Hoàng Tử, Giáo Sỹ v.v… Nhân vật cũng không được chú trọng xây dựng tính cách, thân phận, như: không có lai lịch, không được miêu tả tâm lý. Đảo quốc được nói tới ở đây được gọi là Đảo Xanh (Green Island); cốt truyện và tư tưởng cốt truyện cũng thật mơ hồ, “bất khả tri” qua cái nhan đề “Dấu về gió xóa”…
Tiếp theo những thành công đã được khẳng định, nội lực của cây bút Hồ Anh Thái dường như ngày càng bộc lộ sự rộng mở và thâm hậu. Bỗng dưng có sự liên tưởng khập khiễng Dấu về gió xóa với cái duyên dáng mặn mà của một người mẫu đang ở độ chín cả về nhan sắc và kỹ thuật trình diễn. Trong Dấu về gió xóa Hồ Anh Thái cho người đọc hình dung thật sinh động và hấp dẫn về sự đổi mới trong cách viết, lối viết, dĩ nhiên, người đọc không thể sử dụng chiếc chìa khóa cũ để mở công trình hiện đại mới. Song, Hồ Anh Thái lại thú nhận: “Nhà văn viết trời viết đất gì thì cũng đang nói về những chuyện đang xảy ra xung quanh đấy thôi”. Không chỉ Dấu về gió xóa mà hầu như tất cả sáng tác của Hồ Anh Thái đều cho thấy rất rõ “thế giới xung quanh”, những sự vật, sự việc xung quanh, con người xung quanh, thậm chí “thấy” rất rõ và chính xác nữa, nhưng cách viết mới mẻ của ông đã biến những cái quen thuộc thành ra “lạ”, những cái cụ thể thành cái khái quát, biểu trưng mang chiều sâu tư tưởng. Vì vậy, thông điệp văn chương của Hồ Anh Thái trở thành thông điệp tư tưởng. Khi nhà văn trở thành nhà tư tưởng thì văn chương không chỉ là văn chương.
Dường như đó cũng là mong ước cũng là cái đích cần đạt đến của mỗi ngòi bút chân chính.

H.D.T


_______________________________________
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Huy Bắc, Văn học hậu hiện đại – lý thuyết và tiếp nhận, NXB ĐHSP, H, 2012
2. Liviu Petrescu (Lê Nguyên Cẩn dịch và giới thiệu), Thi pháp chủ nghĩa hậu hiện đại, NXB ĐHSP, H, 2013
3. Lã Nguyên, Lý luận văn học – những vấn đề hiện đại, NXB ĐHSP, H, 2012
4. Nhiều tác giả, Văn học hậu hiện đại thế giới – những vấn đề lý thuyết, NXB Hội Nhà văn, 2003
5. Nhiều tác giả, Văn học hậu hiện đại – lý thuyết và thực tiễn, NXB ĐHSP, H, 2013





Nguồn tin: TCNV 06-2013