Năm tôi lên mười tuổi, còn học trường làng, qua các anh chị học lớp trên, tôi đã biết đến tên tuổi nhà thơ Nông Quốc Chấn, một người con ưu tú của dân tộc Tày Bắc Kạn với bài thơ “Tiếng ca người Việt Bắc”. Đấy là một tác phẩm văn học đầu tiên của nhà thơ người dân tộc thiểu số, được đưa vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông.
Bài thơ đầy tinh thần hào sảng, viết sau ngày các dân tộc Việt Bắc được hoàn toàn giải phóng. Những người mà một thời bị bọn thực dân ăn thịt sống coi là “Thổ mừ”! Là “mọi rợ”! Nay họ đã được giải phóng và làm chủ bản thân mình. Làm chủ quê hương, đất nước. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ hơi thở nồng nàn của bài thơ.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi được chuyển ra Bắc. Đây là lần đầu tiên tôi được gặp nhà thơ Nông Quốc Chấn. Lúc này ông đang là Thứ trưởng Bộ Văn hóa kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, kiêm luôn cả Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du. Ông cũng mới biết tôi là một học viên người Tày duy nhất của lớp.
Nhà thơ Nông Quốc Chấn.
Có một hôm, trong giờ giải lao, ông ôm vai tôi dạo bước. Hai thầy trò cùng tản bộ trên sân trường. Ông hỏi chuyện tôi bằng tiếng Tày. Tôi kể về đời tư, về quê hương bản quán, về các sáng tác từ trước đến nay. Ông chăm chú lắng nghe tôi chầm chậm kể. Và ông dặn dò khuyên nhủ rất nhiều về tình người, về lòng tự tôn dân tộc, về tiếng nói và chữ viết, về văn hóa của người Tày Nùng… Ông nói như đang thổi hồng ngọn lửa tình yêu dân tộc hòa vào trong tình yêu đất nước. Tôi có cảm giác đó như hơi ấm từ ngọn nguồn quê hương miền núi phả vào người mình.
Bất chợt ông hỏi:
– Y Phương có bao giờ sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ?
Tôi đỏ bừng mặt ngỡ ngàng, và ngượng. Tôi thật thà:
– Thưa thầy, em…chưa…
Ông nhìn tôi. Một cái nhìn độ lượng của người anh, người chú. Ông lại tiếp tục kéo tôi đi quanh sân trường. Tôi biết ông đang buồn. Một nỗi buồn sâu thẳm về vốn văn hóa dân tộc đang tự nhiên bị mai một dần. Con em các dân tộc thiểu số ngày nay không mấy mặn mà với truyền thống văn hóa, với tiếng nói mẹ đẻ. Vì lý do gì?
Thế hệ chúng tôi đâu có được học tiếng Tày Nùng. Dù là Nôm Tày cũng phải có giáo trình, có thầy dạy. Tiếng Tày Nùng ngày nay được phiên âm từ chữ Latinh. Hệ chữ đó đâu phải chữ viết của người Tày.
Trong mấy năm học ở trường, ngoài giờ lên lớp của các giáo sư, các nhà khoa học hàng đầu, ông là người trực tiếp phụ đạo, kèm cặp tôi suốt mấy năm học. Thỉnh thoảng ông lại rủ tôi về chơi với gia đình, nơi vợ và các con ông đang sinh sống (hồi ấy là khu tập thể Kim Liên). Mỗi lần đọc các sáng tác của tôi, ông đăm chiêu trên từng con chữ. Đâu rồi nhỉ vẻ đẹp của tiếng nói, của nhạc điệu, của sự tinh tế của tiếng Tày. Tại sao nay có nhiều nhà văn người Tày lại sáng tác văn học bằng tiếng Việt? Trong các buổi xê- mi- na, ông đều nhường cho các thầy nói về thơ tôi. Còn ông chỉ lặng lẽ nghĩ về tôi. Năm cuối cùng, cả lớp đi nhà sáng tác Đại Lải làm tác phẩm tốt nghiệp. Thầy trò tôi có dịp cùng ăn cùng ở gần tháng ròng.
– Lần này Y Phương nên làm tác phẩm tốt nghiệp bằng tiếng Tày. Không ai viết thay, nói thay cho dân tộc của mình được – Ông nói như thốt lên từ trái tim tình yêu dân tộc vô bờ bến.
Ngày thứ nhất, đóng kín cửa, tôi ngồi lì trong phòng. Đầu óc tôi trống rỗng. Nhìn lên trần nhà lại nhìn ra ngoài vườn. Chỉ thấy cái thế giới này của ai chứ không phải của mình. Đến bữa ra nhà ăn, ông lại tìm cách ngồi chung mâm với tôi. Ông lựa miếng thịt ngon nhất, khúc cá thơm ngon gắp vào bát tôi.
Ngày thứ hai, cửa đóng then cài. Tôi lục tìm vốn liếng tiếng Tày Nùng mà mình có, nhưng không mảy may cảm xúc. Tập giấy trắng kẻ ngang để trên bàn, không có chữ nào được tôi viết lên. Tập giấy trắng như người tình phập phồng nằm chờ đợi. Người tình vừa lạnh lùng, vừa nóng giẫy mời gọi. Đến bữa, ông lại tìm tôi. Ông dúi cho tôi quả chuối ngọt.
Ngày thứ ba…
Ngày thứ năm…
Thế rồi những dòng chữ Latinh phiên âm tiếng Tày lần đầu tiên của tôi cũng thập thò xuất hiện. Chúng như trai tân lần đầu tiên được gặp gái. E thẹn, nhưng thích thú. Sợ hãi nhưng đầy hấp dẫn. Câu trước gọi câu sau. Tôi viết liền một mạch như lên đồng như ma ám. Chữ ngoáy tít mù không kịp thở. Chữ rắc lên đen kín cả hai tập giấy học trò.
Tôi kể lại tuổi thơ của mình, cảnh tung còn hát lượn, trai gái dẫn nhau ra chân núi tự tình. Tôi kể về cái làng nhọc nhằn đá sỏi nơi sinh ra tôi. Kể về các bà già ngồi không, há miệng khoe trầu. Kể về các cậu bé trần truồng tắm suối. Con suối nhỏ Khưa Riềng như một người bạn mùa hè. Người bạn ấy mãi mãi không lớn lên được bao giờ. Quê hương là đứa trẻ sống ngàn năm tuổi. Kể về ông lão chăn vịt. Suốt đời chỉ nghiện mỗi kẹo lạc. Với ông, kẹo lạc còn có thể thay thuốc uống mỗi khi trúng gió…
Các nhà thơ (từ trái sang): Nông Quốc Chấn, Chế Lan Viên, Tế Hanh và Hoàng Trung Thông.
Thế rồi biên giới có chiến sự. Cả làng tôi kéo nhau lên núi. Họ tìm chỗ ở cho bà già con mọn. Cánh đàn ông, thanh niên cầm súng ra chiến hào… Tác phẩm chỉ viết trong một tuần. Trong những ngày này tôi cố tình lảng tránh ông. Hình như ông đoán biết. Ông thận trọng giữ gìn khoảng cách giữa hai thày trò. Ông hiểu tôi đang “đẻ” và im lặng hồi hộp quan sát.
Hôm tổng kết trại, có lẽ ông là người sung sướng nhất. Bởi hầu hết những sáng tác của các học viên đều được hoàn thành một cách chóng vánh, chỉn chu. Người thì tiểu thuyết. Người thì tập truyện ngắn, tập thơ. Riêng tôi “trường ca tiếng Tày” gần một ngàn câu đã xong một cách hoàn chỉnh. Đêm lửa trại, tôi ung dung đọc cho mọi người cùng nghe. Cả lớp im lặng. Họ cùng thưởng thức nhạc điệu của tiếng Tày. Tôi hưng phấn lên bổng xuống trầm. Ngoài nhà thơ Nông Quốc Chấn, không một ai hiểu tôi đang đọc hay hát. Khuôn mặt ông giãn nở. Cặp mắt ông rạng rỡ nhìn tôi.
Tác phẩm tốt nghiệp của tôi về sau được hội đồng chấm thi cho điểm gần như tuyệt đối. Nhưng một điều không may đã xảy ra với tôi. Ngay sau khi “hát” tác phẩm trường ca tiếng Tày trên nhà sáng tác Đại Lải, tôi bị đau nhức khắp người. Suốt đêm tôi bị sốt cao, trằn trọc mãi mà không ngủ được. Cả ngày không một hạt cơm vào bụng. Tự nhiên khi tôi đứng lên thì cả hai đầu gối lại khụyu xuống. Cả người tôi đổ rụp như một cây chuối bị chặt gốc.
Thấy bệnh tình của tôi ngày càng trầm trọng, hai chân của tôi bị liệt hoàn toàn, nửa thân dưới không còn cảm giác, các bộ phận bài tiết cứ tự nhiên hoạt động, ông lo lắng ra mặt và đi gặp bác sĩ Trưởng khoa Thần kinh, bác sĩ khám, trực tiếp điều trị. Ông lên thẳng Ban Giám đốc Bệnh viện. Lấy tư cách là nhà thơ lớn của dân tộc, là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, kiêm Hiệu trưởng một trường đại học, ông trình bày về trường hợp bệnh tình của tôi. Và ông khẩn khoản đề nghị bệnh viện hãy cứu bằng được bệnh nhân này.
Ba tháng sau tôi được xuất viện, nhúc nhắc đi lại được gần bình thường, và dự kì thi tốt nghiệp như mọi người khác.
Ông đã lên đường đi về miền cực lạc. Không ngờ rằng bữa cơm sum họp cuối năm ở nhà thầy lại là lần chót. Khi đó tôi về Hà Nội công tác, có mang theo bánh khảo, mâm trúc làm quà. Thầy gọi mọi người quây quần ngồi bên mâm trúc. Mùi vị của thức ăn quyện cùng hương thơm của cây trúc sào Cao Bằng, làm ông hào hứng rót rượu sâm banh, bắt buộc ai cũng phải uống. Chưa bao giờ tôi thấy ông vui như hôm ấy. Cả nhà ai cũng nói tiếng Tày. Cười cũng ra tiếng Tày. Tiếng Tày như làm rung cả hàng cây hai bên đường của dãy phố cụt Yên Bái.
Ông đã lên đường về miền xanh thẳm. Nhưng nụ cười hiền hậu, ánh mắt bao dung trên gương mặt ông thì còn mãi. Còn mãi trong trí nhớ nhiều thế hệ học trò, của anh em bè bạn. Mất đi một con người giàu lòng nhân ái, một tài năng như ông, đau hơn đứt tay xổ ruột. Hôm nay tôi thắp một nén nhang cho thầy, rót một tuần trà cho thầy, xin thầy tha thứ cho người học trò nông nổi đã nhiều lần làm thầy phiền lòng. Thắp một nén nhang cho thầy, khói hương nhấc bổng dâng thơ lên trời xanh. Góp thêm một tiếng thơ tình yêu của người Tày Việt Bắc. Đó là nhà thơ lớn dân tộc Tày – Nông Quốc Chấn.
Y Phương – Văn nghệ công an