Tiếng sáo hồn quê
Bảo Cường
Từ xa xưa loài người là bạn với tiếng sáo ngay từ tuổi ấu thơ. Tiếng sáo gợi hồn quê hương dân tộc. Chỉ với một ống trúc giản dị, mục đồng đã chế tạo thành một ống sáo để thổi. Những ngày lùa trâu ra đồng các em ngồi vắt vẻo trên lưng trâu thổi sáo nghe réo rắc, vang xa đến tận cuối làng.
Ngày xưa thần thoại Hy Lạp có câu chuyện tiếng sáo thần Pan chăn dê, chuyện chiếc sáo thần đã đi vào nhạc kịch của Mozart. Ở Trung Quốc có chuyện vua Thuấn thổi khúc tiêu thiều khiến chim phượng hoàng bay về múa trước sân. Tiểu sử dùng tiếng tiêu làm lay động và cảm được lòng nàng Lộng Ngọc, sau hai vợ chồng cùng cưởi hạc bay lên trời. Thời Hán sở tranh hùng, có Trương Lương đã dùng tiếng sáo làm tan rã tinh thần hàng vạn quân sở, giúp quân Hán thắng lợi, và thời gian gần đây cũng có chuyện tiếng sáo Ly Quê dìu dặt nhịp với bước chân Hồng Quân trên đường vạn lý trường chinh. Tiếng sáo đã đi vào văn học. Lý Bạch thi sĩ đời Đường có bài “Đêm khuya ở thành Lạc Dương nghe thổi sáo”.
Nhà ai sáo ngọc vẳng đêm thanh
Theo gió xuân bay khắp Lạc Thành
Đêm ấy vẳng nghe bài chiết liễu
Làng quê ai chẳng vấn vương tình
Chinh phụ ngâm có câu:
Lửa thành thoi thóp bên cồn
Nghe thôi ngọc địch véo von trên lầu
Thế Lữ có bài Tiếng trúc tuyệt vời:
Tiếng địch thổi đâu đây
Nghe sao mà réo rắt
Lơ lửng cao đưa tận lưng trời xanh ngắt
Mây bay… gió quyến mây bay
Tiếng vi vút như khuyến vang như dìu dặt
Như hắc hiu cùng hơi gió heo may.
Sáo thường làm bằng ống trúc khoét lỗ, nên tiếng sáo cũng được gọi là tiếng trúc. Sáo kết hợp với đàn dây gọi là “tơ trúc” thành danh từ chung chỉ âm nhạc. Nói tóm lại, làm một ống sáo thì rất đơn giản, ai cũng có thể làm được. Nhưng làm một ống sáo cho đúng hợp âm của nó là cả một công phu, nghiên cứu lâu dài, cũng như làm ra ống sáo tuy đơn giản, nhưng thổi sáo cho hay là cả một nghệ thuật lâu dài tập luyện. Người nghệ sĩ thổi sáo phải gởi lòng mình qua hơi thở từng lỗ sáo để tiếng sáo vang lên những âm thanh réo rắt làm say đắm lòng ngừoi. Cũng như người làm thơ, cũng phải thả hồn của mình vào từng dòng thơ để tạo nên những câu thơ hòa quyện theo tiếng sáo.
Từ kinh nghiệm bản thân, qua quá trình làm thơ, diễn ngâm thơ và đệm sáo cho thơ trên 40 năm lăn lóc trong nghề, tôi đã học hỏi rất nhiều và đi đến kết luận. Muốn đi vào nghệ thuật thổi sáo, người nghệ sĩ phải có hai yếu tố rất quan trọng, không thể thiếu được, đó là: “Một là phải có năng khiếu, hai là phải thật đam mê”. Thiếu một trong hai thì khó thành công.
Tiếng sáo mang tâm sự cả một cuộc đời mình gởi thác cho nó, và tiếng sáo lòng sẽ vang vọng mãi theo bước đường lưu lạc vui buồn có nhau:
Và tiếng lòng của tôi cũng đong đưa theo nhịp sáo ngân dài…
Sáo ngân ngân mãi bên đời
Tiếng rơi cung oán tiếng vời cung thương
Tiếng nào theo gió ngàn phương
Gởi người tri kỷ dặm trường mờ xa
Người đi cách biệt quê nhà
Duyên thơ sáo vẫn đậm đà tình quê
Gởi hồn theo ngọn gió về
Hương Giang khúc hát hồn quê sáo diều.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Huế nên ít nhiều tiếng sáo và thơ của tôi cũng mang âm hưởng hơi hám của dân ca Huế. Tôi gắn bó với lời ru giọng hò man mác trên sông Hương, nghe tiếng sáo diều vi vu trong nắng gió, người ta quên đi bao ưu phiền lo lắng trong cuộc sống xô bồ ồn ào, không một phút lắng lòng. Nghe tiếng sáo ta sẽ quên hết mọi bận rộn, để tâm hồn đùa giỡn với những tầng mây trên khoảng trời xanh ngắt, sống lại với quá khứ của tuổi ấu thơ và tương lai chợt đến đâu đây, qua những cánh diều đầy màu sắc, khiến lòng người lâng lâng trong niềm hạnh phúc.
Tiếng sáo hòa quyện với nhịp điệu hò mái nhì dàn trải, chậm rãi, khoan thai êm ái buông lơi, miên man như đợt sóng vỗ nhẹ mạn thuyền như mái chèo nhịp nhàng khua nước…