Như một lời tri âm để Xuân Thu thêm một lần bày tỏ, có điều gì nửa như thực, nửa là mơ; một phần hai là khắc khoải đợi chờ, một phần hai còn lại là dỗi dằn mà vẫn yêu thương da diết… Có lẽ đó là cảm nhận chung nhất của tôi khi đọc “Bờ tre cuốc gọi” tập hợp 57 bài thơ mới của Xuân Thu. Bỏ qua những thông lệ mỗi khi cầm trên tay một tập mới giữa cái thời “ra ngõ va phải nhà thơ” này, dẫu đây đó còn có điều cần bàn thêm thì Bờ tre cuốc gọi” vẫn là một tập thơ đáng đọc.

“Bờ tre cuốc gọi” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn – 2012) có lẽ là một bến dừng trong hành trình chung của thơ Xuân Thu. Và với anh, dường như mỗi điểm dừng chính là một ga nhỏ của dòng cảm xúc, của những gì da diết nhất anh dành cho chữ Tình khi anh đã thấu “Cõi đời này tất cả sẽ tan đi/ Cả thân xác ta cũng hoá thành cát bụi”. Đã qua chiêm nghiệm và thấu hiểu lẽ sống, tình đời khiến Xuân Thu dồn tất cả tình yêu thương tinh tuý nhất cho cuộc đời. Rời cái ga của “Khúc đồng dao” (2008), để nạp thêm năng lượng sau những gì chắt lọc được từ cuộc sống, đến “Bờ tre cuốc gọi” (2012) ta gặp lại một Xuân Thu cồn cào, khắc khoải giữa đôi bờ hư thực của cuộc sống và anh chọn Tình yêu là điểm gửi gắm hết cung bậc cảm xúc của mình bởi hơn ai hết, anh nhận ra, chỉ có những cung bậc cảm xúc tinh tế và giầu có của thứ tình cảm này mới có thể chuyển tải hết bao điều chất chứa trong lòng mà anh định giãi bày qua con chữ.

Gắn với tình yêu, với bao bồi hồi, khắc khoải, với bao đắng đót ngọt ngào, tâm tình của “Bờ tre cuốc gọi” vượt ra ngoài khuôn khổ, giới hạn của thứ tình cảm thông thường. Tình yêu trong thơ anh đem tới sự thăng hoa của cảm xúc, khiến đôi mắt nhìn cuộc đời tươi mởn hơn, khiến trái tim đập dập dồn, gấp gáp hơn trong lồng ngực, khiến con người quên đi tuổi tác, quên đi bao nhọc nhằn của cuộc sống bộn bề. Tình yêu gửi trong “Bờ tre cuốc gọi” cũng khiến Xuân Thu bật ra những phát hiện rất riêng. Từ một tiếng chim cuốc “khản đặc chiều”, tiếng chim tìm bạn, tiếng chim của câu chuyện cổ tích về nỗi đau một thời mất nước, Xuân Thu lại nhận ra ở đó sự day dứt lòng người trong nỗi đan cài, suy ngẫm về tình yêu: “Cũng là chim cả cuốc ơi/ Sao không hót/ Lại suốt đời chỉ kêu?/ Rát bỏng sớm/ Khản đặc chiều/ Rỗng đêm chỉ một tiếng Yêu thế này…”. Nếu không có sự khao khát với bao nỗi niềm thầm kín và sự hy sinh không lời cho tình yêu, không có sự đau đáu trong tâm tư, trong suy ngẫm về tình người, về nỗi đời liệu có thể phát hiện ra nỗi niềm khi “Cuốc cuốc…/ Khản giọng tàn hơi/ Người ơi/ Nghe thấy một lời thì thưa” ấy?

Xuất phát từ nỗi niềm “Yêu như một kẻ trời đày” nên từ tiếng “cuốc gọi… phía bờ tre”, Xuân Thu đã diễn tả những trạng thái rất riêng của tình cảm con người. Từ chút “Ngẫu hứng qua đường” bộc lộ sự dại khờ đáng yêu của kẻ đa tình “Cõng một chữ Yêu lê bước tìm nhan sắc/ Thăm thẳm đường đời xa lắc một miền em” (Nhan sắc), với bao đa đoan, hệ luỵ, khiến gã người thơ ngơ ngẩn: “Có những nỗi buồn ta nghĩ mãi không ra/ đêm thao thức, ngày phạc phờ, lơ lửng/ Hết đứng lại ngồi rồi lại đi lửng thửng/ Chẳng về đâu cũng không biết đi đâu” (Có những nỗi buồn). Ta hãy nghe Xuân Thu định nghĩa: “Có phải phải lòng là những cơn mê/ Trẻ hoá ngu ngơ, già bỗng dưng khờ dại… Có phải phải lòng là mắc mối tơ vương/ Không gỡ được và không ai muốn gỡ?” (Phải lòng). Định nghĩa cái sự “phải lòng”… sâu sa đến thế thì chỉ có thể nảy ra ở kẻ thật da diết với tình yêu.

Xưa nay, nói đến tình yêu, dường như thế gian này ai cũng hiểu nhưng để diễn tả nó thành lời lại là cả một câu chuyện dài. Có thứ tình yêu đơm hoa kết trái từ hai phía đồng điệu. Có thứ tình yêu vô tình tạo nên bức mảnh ngăn cách kẻ ngoài người trong bậu cửa. Có thứ tình yêu đơn phương bởi một người si mê đến hoá dại khờ, kẻ lại dửng dưng vò nhàu nỗi lòng người khác… Những thể loại, những góc khuất ẩn chứa ấy có cả trong “Bờ tre cuốc gọi”. Thấm thía nỗi niềm của kẻ đơn phương nên đành “đứng ở đằng xa” than thở: “Ai bắt mất hồn mà quên quên, nhớ nhớ/ Bảy vía đâu rồi, bảy vía của tôi ơi”, Xuân Thu lại đi tìm lời giải cho cái “mớ bòng bong” tình cảm con người mắc phải và đôi khi anh tìm ra cách lý giải mới khá đáng yêu: “Còn tôi tuy kẻ đến sau/ Nhưng tươi đất mới, mỡ màu như tranh/ Suối trong dòng nước ngọt lành/ Thông reo sừng sững non xanh giữa trời”, để rồi “liều” mà “quyết”: “Mặc em con bế con bồng/ Thì tôi vẫn cứ một lòng theo em” (Người đến sau).

Da diết thế nên một mình lẩn mẩn, mải miết khắc vẽ hình bóng tình yêu lên cả khoảng không gian quanh mình, để dựng chân dung “người trong mộng” bằng những gam màu, hình khối của cả một niềm yêu: “Kỷ niệm ùa về, em nguệch ngoạc vẽ anh bằng nỗi nhớ/ Mảng này là nồng nàn hơi thở/ Khối này là nhịp đập con tim/ Nét này là ánh mắt yêu em/ Đường thẳng này là giọng anh nói…/ Đường cong nụ cười/ Tất cả chơi vơi…” (Đêm ngơ). Vô tư sống, hết lòng vì tình yêu, từ thoáng ngập ngừng “phải lòng” chỉ “đứng ở đằng xa” đến sự đồng điệu đầu tiên để vẩn vơ tìm những nét vẽ khai nguồn của bức tranh tình ái. Người yêu, kẻ tri âm ấy như hơi thở sự sống mỗi ngày ùa vào khung cửa, như điểm sáng cho mỗi ngôi nhà với bao sự tin yêu. Khi ấy, tình yêu thực sự trở thành bến đỗ, là điểm tựa để con người vịn vào trước bão giông cào xé bởi những bon chen toan tính của cuộc đời.

Sẽ là khiếm khuyết nếu ta hiểu thơ tình của Xuân Thu chỉ đơn thuần là thứ thơ Tình ái. Có lẽ chữ Tình trong thơ anh cần nhận ra nó bao trùm hơn thế rất nhiều. Đó là tình yêu với cuộc đời, với sự sống, với dòng chảy sự sinh sôi đang cuồn cuộn cuốn quanh mình: “Đã thu đâu mà xao xác vàng bay/ Chầm chậm nhé sông ơi đừng chảy nữa” (Đã thu)…

Ngôn từ đã bất lực nếu không diễn tả hết ý tưởng tác giả gửi gắm sau câu chữ khi ta hiểu ra, cái sự “ngập ngừng” trước “tờ lịch cuối năm” chính là cái ngập ngừng trong lòng tác giả trước dòng chảy cuồn cuộn của cuộc đời, đồng thời đó cũng là điểm nhấn khẳng định: Dẫu đời cứ chảy trôi với bao bão giông, ghềnh thác thì tình yêu chân thành vẫn là vĩnh cửu, là bến đỗ bình yên, an lành nhất cho mỗi con người: “May còn em, chốn bình yên/ Khoả thân con sóng, dịu hiền bão giông…”

Còn nhiều lắm những điều muốn nói trong “Bờ tre cuốc gọi” nhưng thơ vốn “Ý tại ngôn ngoại” và còn tuỳ vào cảm hứng, vào nỗi niềm xúc cảm riêng của mỗi người cảm nhận. Với tôi, đọc “Bờ tre cuốc gọi” của Xuân Thu, điều lớn lao nhất tôi cảm nhận từ tập thơ chính là sự chân thành, giản dị, nói mà như không nói, không nói mà như nói, không gọi mà người đọc vẫn nhận ra sự “khản tiếng, tàn hơi” khi người viết dốc tình cho tất cả những gì tốt đẹp nhất của cuộc sống này.

Được biết, về văn xuôi, Xuân Thu đã có tới 8 đầu sách và đặc biệt, nhân vật Chõe bò đã trở thành “thương hiệu”, thành tên gọi của anh. Người ta gọi anh là “Chõe bò” cũng vì lẽ đó. Kể như thế cũng là thành công của anh về mảng văn xuôi. Đằng sau sự chân chất, mộc mạc của một “kẻ chăn bò” (nhân vật Chõe bò) đam mê con chữ, đằng sau những phát hiện thú vị “Cũng là chim cả cuốc ơi/ Sao không hót/ Lại suốt đời chỉ kêu?” theo kiểu của một “lão nông tri điền”, ta còn gặp trong “Bờ tre cuốc gọi” vô vàn những hình ảnh phồn thực khá tài hoa: “Phập phồng mây thở xôn xang/ Lim dim mắt gió, mơ màng chơi vơi”, hay “Trăng lấp lấp loá thấy từng con chữ thở/ Ngào ngạt hương, gọi mãi không về”. Không hẳn “gọi mãi không về” mà tôi tin với tấm tình chân thật với người, với đời, với cuộc sống và tình yêu, với sự lao động miệt mài “Trắc , bằng xoay tít mù xoay/ chữ tơi tả chữ, vần đay đảy vần” (Lục bát lên giời), thì thơ Xuân Thu sẽ là “hữu xạ tự liên hương” với bạn đọc.

Hoàng Thương

Nguồn: Toquoc

Exit mobile version