(Lời giới thiệu tập truyện Hào quang của đất)
Trong đời sống văn học trên thế giới và ở Việt Nam, có nhà văn thành danh từ khi còn ít tuổi và ngược lại, như các loài cây trong rừng, cây lim ra hoa, kết quả rất muộn, cây bưởi chỉ vài năm đã sum suê hoa trái. Nhà thơ Đào Quốc Vịnh bước vào làng văn khi không còn trẻ với tư cách một nhà thơ, vậy mà khi đọc tập truyện Hào quang của đất của anh, tôi không khỏi sững sờ. Không cách tân trong nghệ thuật tự sự, không có những cốt truyện éo le, giàu kịch tính, những trang văn giản dị vẫn có sức thu hút riêng bởi bao người đọc đã, sẽ gặp chính cuộc đời, tâm hồn mình trong đó. Tôi xúc động và thích thú khi dõi theo ngòi bút chân thật đến tận cùng của Đào Quốc Vịnh, với một số đặc điểm sau đây:
1. Chất liệu hiện thực giàu có, sự am hiểu sâu sắc nhiều lĩnh vực đời sống với tâm thế “người trải nghiệm” giàu yêu thương.
Đào Quốc Vịnh là nhà thơ nhưng khi đọc tập truyện ngắn này, tôi ngỡ ngàng bởi vốn sống và sự trải nghiệm vô cùng giàu có của tác giả. Sự am hiểu đến tận cùng nhiều “góc khuất” của đời sống xã hội, của thân phận con người đã làm nên “máu thịt” cho những trang văn nặng trĩu vui buồn, với những số phận không may mắn trong cuộc đời, nhưng luôn có những “tia lửa” hy vọng lấp lánh làm ấm lòng người. Đặc biệt, Đào Quốc Vịnh không đứng bên ngoài để quan sát rồi kể chuyện, một đặc điểm thường thấy trong nghệ thuật tự sự: – Nhà văn đóng vai người kể chuyện khách quan, nhiều khi lạnh lùng, để cho thế giới nghệ thuật trong tác phẩm cất lên tiếng nói tự thân của nó. Đào Quốc Vịnh là một nhà thơ, bởi vậy anh như một người trải nghiệm thực tế mà khóc cười cùng nhân vật của mình. Đặc điểm ấy có thể khiến cho các nhà phê bình văn học lắc đầu khi đặt truyện ngắn của anh vào những “khuôn mẫu” là đặc trưng thể loại của truyện ngắn. Biết làm sao khi Đào Quốc Vịnh “hóa thân” vào nhân vật, hoặc lấy chính thân phận nhiều chìm nổi, số phận nhiều long đong của mình mà viết thành tác phẩm.
Có thể tạm phân chia thành ba mảng hiện thực mà nhà văn đã “cày xới” đến tận cùng, rồi “vốc” những chất liệu sống tươi ròng ấy đặt vào tác phẩm. Đó là mảng hiện thực đời sống nông thôn với: Ngọc bút vẫn nở hoa, Vai diễn của Nô…, mảng hiện thực của ngành Giáo dục với: Cạm bẫy, Chạy trốn, Chị…, nỗi đau hậu chiến với Giấc mộng buồn, Đám cưới đứa con đèo…
Dù viết về đề tài nào, Đào Quốc Vịnh vừa biểu hiện khả năng quan sát, miêu tả tỉ mỉ, tinh tế về đối tượng thẩm mĩ được phản ánh vừa bộc lộ tình yêu, nỗi đau, khát vọng mang lại ánh sáng hi vọng dù nhỏ nhoi cho những thân phận chìm trong bi kịch vẫn mong ước vươn tới hạnh phúc tới Chân-Thiện-Mĩ. Chính đặc điểm này mang lại niềm tin về sự chiến thắng của cái Thiện, cái đẹp, trước cái ác, cái xấu. Chính vì thế, đọc tác phẩm của anh, tôi bồi hồi và nhớ tới hai câu thơ của Phùng Quán:
“Có những phút ngã lòng.
Tôi vịn câu thơ và đứng dậy”
Đó chẳng phải là sứ mệnh cao quý nhất của văn chương hay sao?
2. Trần thuật với đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, tập truyện Hào quang của đất ám ảnh người đọc bởi các chi tiết nghệ thuật đắt giá, bởi giọng điệu trần thuật vừa mộc mạc và da diết lắng sâu.
Hầu hết các tác phẩm trong tập truyện này đều trần thuật từ điểm nhìn của nhân vật “tôi”. Sử dụng ngôi kể này, nhà văn có lợi thế “nhập vai” vào tác phẩm, tăng thêm tính trữ tình, đi sâu hơn vào thế giới nội tâm của nhân vật. Tuy nhiên, nếu lặp lại quá nhiều phương thức tự sự này ít nhiều cũng tạo ra sự quen thuộc, ít đổi mới trong trần thuật. Nhưng như để “bù đắp” cho sự lặp lại ấy, truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh đã xây dựng được hàng loạt các chi tiết nghệ thuật đắt giá, có sức ám gợi mạnh mẽ tới bạn đọc.
Đây là một số chi tiết nghệ thuật đắt giá trong truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh với truyện ngắn Chị, đằng sau những thay đổi bất ngờ của người chị từ đáng kính trọng biến thành tầm thường với bao toan tính, đố kị. Đoạn kết khiến người đọc ngỡ ngàng khi chứng kiến người chị ấy ngồi bệt ngay ngoài cổng trường cũ từng là của mình và thút thít khóc. “Nút thắt” của xung đột được mở bất ngờ, rồi chúng ta sau khi ghét, giận bỗng cảm thương cho nhân vật phụ nữ ấy.
Truyện Chạy trốn có một cốt truyện độc đáo: – Để chuyển công tác từ Thái Nguyên về Hà Nội, nhân vật “tôi” đã thực hiện “khổ nhục kế” một cách vừa đau đớn vừa đáng xót thương. Người đọc vừa ghét vừa thương nhân vật này vì anh ta (dù buộc phải đóng kịch để thể hiện mục đích của mình) đã lừa dối cả những người yêu thương anh hết mực. Nhưng bất ngờ ở đoạn kết của tác phẩm, ta chảy nước mắt khi chứng kiến anh thắp hương và khóc trước mộ cô Chấp, rồi tự nguyền rủa mình. Chúng ta như đang gặp sự tự ý thức thật đau đớn của người trí thức trong bi kịch tha hóa của các nhân vật Thứ (Sống mòn), Hộ (Đời thừa) của tác giả Nam Cao…
Có một chi tiết nghệ thuật xuất hiện trong truyện ngắn Đám cưới đứa con đèo, những mưu mẹo của nhân vật “hắn” trong nghề vận tải hàng hóa, kiếm lợi từ những chuyến xe chở hàng cho cơ quan thì rất ít người biết được. Nhưng mưu mẹo để chiếm đoạt thân xác cô gái đi nhờ xe của hắn khiến người đọc rùng mình: – Đỗ xe bên đường trong đêm, ôm chăn chiếu xuống nằm ngủ dưới gầm xe, cô gái ngồi trong Cabin phải tự động xuống ngủ cùng hắn vì sợ hãi…
Không có vốn sống và sự từng trải, không nhà văn nào có thể hư cấu được một chi tiết nghệ thuật có tính điển hình, phản ánh chính xác tính cách cách bợm bãi của nhân vật “hắn” – một Xuân tóc đỏ của thời hiện đại.
Giọng điệu trần thuật từ ngôi thứ nhất số ít trong tập truyện này là một nét đặc sắc nữa trong nghệ thuật tự sự của Đào Quốc Vịnh. Giọng điệu ấy vừa mang sắc thái hoài niệm, cảm thương như thường gặp ở những tác phẩm sử dụng giọng điệu nghệ thuật này vừa mang một sắc thái thẩm mĩ mới ít gặp: – sắc thái trào lộng mà đắng cay. Trong truyện ngắn Chạy trốn khi miêu tả cách giả bệnh của nhân vật Chinh, sắc thái trào lộng ấy đã xuất hiện: “Gần đây nghe nói có tay Quang cận làm bên tổ hình họa phải giả bị bệnh lòi dom mất mấy năm, ngày nào cũng đóng băng vệ sinh phụ nữ phồng cả đũng quần ra nom gớm ghiếc rồi lại phải làm quen với ông nọ bà kia trong Ban lãnh đạo nhà trường mới có cơ mà chuyển được…”
Giọng điệu trần thuật kể trên cũng xuất hiện trong tình huống bi hài một chồng hai vợ ở truyện ngắn Trinh Thuận khiến chúng ta sau phút bật cười phải lau nước mắt vì xót xa cho thân phận người phụ nữ thủa ấy: “Không gian im lặng đến hãi hùng. Tôi nghe thấy tiếng thở gấp, tiếng rên khe khẽ từ căn buồng bên đằng Đông vọng lại. Rồi tiếng cót két của giường chiếu, tiếng chú Sơn thì thầm to nhỏ với thím Thi (…) có những tiếng càu nhàu của thím Sang xen trong tiếng rít lên trong đêm đến tiếng ghê rợn của chú:
– Ông giết tôi đi còn hơn…”
Còn có thể bàn đến nhiều vấn đề trong hình thức và nội dung của tập truyện này: – Nghệ thuật xây dựng nhân vật với tính cá thể hóa cao độ, chỉ vài nét chấm phá về ngoại hình, hành động, ngôn ngữ đã lột tả đúng bản chất của nhân vật; nghệ thuật xây dựng đối thoại của nhân vật với sự hấp dẫn, sinh động, có tính gợi cảm và tạo hình cao; xây dựng độc thoại nội tâm của nhân văn bằng lời trực tiếp và lời gián tiếp rất tinh tế…
Đào Quốc Vịnh là một nhà thơ – nhà văn “trẻ” vì mới bước chân vào làng văn không lâu. Đây là tập truyện ngắn đầu tay của anh, bên cạnh một vài nhược điểm nhỏ của một nhà thơ lần đầu tiên “chạm ngõ” văn xuôi, tôi nhận thấy “nội lực” to lớn, mạnh mẽ của cây bút văn xuôi đầy đam mê này.
Tôi tin tưởng anh sẽ còn đi xa trên hành trình sáng tạo đầy khó nhọc và cô đơn ấy. Xin chúc mừng nhà văn Đào Quốc Vịnh với “Chùm quả ngọt” đầu tiên trong khu vườn văn xuôi. Tôi trân trọng giới thiệu tập truyện Hào quang của đất với bạn đọc yêu quý gần xa.
PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh