Hẳn rất nhiều người vẫn chưa hết kinh ngạc vì bao sự việc ngoài sức tưởng tượng đang xảy ra. Như việc ông Rodrigo Duterte đắc cử Tổng thống Philippines, ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ – một đất nước siêu cường có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới.

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi

Xa hơn chút vụ Brexit đưa nước Anh rời EU, và rồi việc Scotland, Australia muốn rời Liên hiệp Anh, cho đến người Việt với tâm lý sốt sắng đòi thoát Trung…vv. Tất cả những sự kiện đã và đang xảy ra khắp Á, Âu, Mỹ đó, căn nguyên từ đâu? Điểm khác biệt là gì? Điểm tương đồng, gần gũi có không? Theo thiển ý của tôi khác biệt có, gần gũi căn nguyên cũng có. Cái riêng là ở các vấn đề địa – chính trị, tôn giáo, kinh tế. Cái chung là sự suy thoái đạo đức, mất kiên nhẫn, mất lòng tin vào những giá trị được xem là truyền thống của con người thời nay.

Những người tri thức ưa một nếp sống êm ả với những giá trị đã được xác lập như một chuẩn mực, còn chưa hết ngỡ ngàng khi thấy một con người có phần thô kệch, ăn nói văng mạng, hành động bất chấp mọi nghi thức, là ông Duterte bỗng chiếm giữ ngôi vị tối cao, thì càng thêm bối rối nghe tin ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Quả vậy! Nhưng chúng ta hãy đặt câu hỏi, vậy sao đa số cử tri/đại cử tri của hai nước này lại bầu phiếu cho các vị ứng cử viên Tổng thống kia? Có lầm lẫn nào ở đây không? Tất nhiên, bất cứ vấn đề gì, sự việc nào cũng ẩn chứa sẵn điều sai/đúng. Nói đâu xa xôi, ngay trong cuộc sống thường nhật, nhỏ thì việc lỡ chân lỡ tay lỡ lời dẫn đến gây đổ vỡ, thất lễ với ai đó, hệ trọng hơn là sự chọn nhầm một nghề nghiệp, lấy nhầm một người vợ/chồng… sai lầm vẫn có thể xảy ra, vậy việc lựa chọn một vị tổng thống xa lắc lơ, điều hiểu biết về họ còn tơ mơ thì sai lầm càng không lường tránh hết được.

Nhưng một tập thể, hàng trăm triệu cử tri thì rất khó đồng phạm sai lầm, nhất là khi họ hoàn toàn được tự do lựa chọn. Biết vậy, không hiểu sao trong tôi vẫn cơn cớ, vẫn lấy làm tư lự lắm. Tôi muốn biết, vì sao con người ta chán cái “truyền thống” đến nhường ấy, dám một phen mạo hiểm, “liều” với lá phiếu – sinh mệnh chính trị của mình, của cả đất nước mình? Và trong tôi sực nhớ tới câu cổ nhân từng dạy: “Dân, dĩ thực vi tiên”. Người thường dân vốn lấy cái ăn làm đầu. Quả đây là bản chất của vấn đề, và dĩ nhiên, câu nói minh triết trên trong thời đại @ này không còn được hiểu một cách đơn giản miếng ăn ở đây là con cá lá rau. Ở nước Mỹ ngày nay, hơn trăm triệu con người đang cầm trên tay phiếu công dân kia, đặc biệt là các vị đại cử tri họ đâu có trong cảnh được bữa sáng mất bữa tối. Nhìn nhận ở góc độ “chất lượng sống” của con người thời đại, câu “dĩ thực vi tiên” không còn là “một miếng sống” mà là “một đời sống” người dân từng được các chính khách, các ông chủ hứa hẹn, song rốt cục nhiều lần nó vẫn không được thực hiện. Có nghĩa, đã có “Một đời sống mới/khác” nào đó bị đánh tráo, thay thế vào đó vẫn một gương mặt quen thuộc/nhàm chán, trong cái tên mỹ miều Giá Trị Truyền Thống!?

Thời nào chữ “thực” ấy. Ở Việt Nam cũng như các nước trong khối Asean cũng vậy. Nhu cầu “miếng ăn” trong một không gian sống đa sắc diện và chất lượng hưởng thụ của con người thời hiện đại đã rất khác. Ngày xưa chốn quê nào cũng đói. Viễn cảnh “ấm bụng, ấm ổ” là một mơ ước thường nhật của bao người làng quê Việt Nam. Người biết chữ đã hiếm, người được học hành bậc cao cấp càng hiếm. Ngày nay người có bằng tú tài, cử nhân, tiến sĩ… nhiều vô kể. Vì vậy, nghĩa “dĩ thực vi tiên” ngày nay không còn là “miếng cơm no” mà đã là “miếng tinh thần”, “miếng an sinh” trong môi trường xã hội dân chủ, công bằng và hợp hiến.

Đã ngỡ không đâu nhân dân có đời sống văn minh dân chủ, quyền con người được đảm bảo như ở Mỹ. Ở đâu dân tình an vui thì ở đó các giá trị cơ bản, nền tảng đã/ đang được xác lập. Tưởng đó đã là một giá trị Mỹ mang tính phổ quát toàn cầu. Ấy vậy mà qua cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11/2016, thế giới mới vỡ lẽ, người dân Mỹ cũng đang mong muốn được thay đổi, có những giá trị truyền thống đang đòi được vượt qua. “Dĩ thực vi tiên” với người dân Mỹ là “miếng ăn” gì cần được đặt lên vị trí hàng đầu?

Nền tự do dân chủ, dân sự Mỹ, như biết, ở mức cao. Lại ngẫm người Việt ngàn xưa đã có lời tiên lượng: Cực tất đổi. Khi cái “tự do” tới ngưỡng đỉnh, đấy là mức kịch trần và nó cũng đòi phải chuyển đổi chăng? Sự “quá ngưỡng” tư do của Mỹ, nếu có, là gì? Là việc mua bán súng tự do dẫn đến tính mạng con người bị đe dọa? Là luyến ái tự do dẫn đến tính bền vững của gia đình bị tổn thương? Tự do cư trú, định cư của di dân dẫn đến người chính quốc nghèo việc làm, đói thu nhập và nguy cơ khủng bố? vv… Quả vậy thì cái “dĩ thực vi tiên” người dân Mỹ đang cần là “miếng” liệu pháp của tự do. Sự lựa chọn Tổng thống Trump là một hy vọng sẽ mang lại cho dân Mỹ liệu pháp, giải pháp đó và dường như hướng lựa chọn này đã đưa nước Mỹ nghiêng về tính dân tộc chủ nghĩa, tư lợi, ích kỷ hơn. Ở góc độ này còn nhìn thấy nhu cầu “dĩ thực vi tiên” với nghĩa gốc thô sơ của nó là “miếng” công ăn việc làm. Nước Mỹ sẽ xa dần nghĩa vụ quốc tế, có đồng nghĩa xa rời sức mạnh Mỹ, xa rời ngôi vị đầu tầu thế giới văn minh của mình? Câu trả lời chính xác hẳn cần thêm thời gian, điều trước mắt có thể nhận định đây là một sự thoái trào những giá trị thiết chế cơ bản và nhân bản cho một xã hội, một hình thái nhà nước mà con người thiết lập được.

Miếng “dĩ thực vi tiên” này đưa nước Mỹ, rất có thể cả các cường quốc khác, trở về tính bảo hộ dân tộc, chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Đúng vậy thì đây sẽ là một trong những cái giá đắt mà nền văn hóa – văn minh nhân loại phải trả trong thế kỷ 21.

Đỗ Trọng Khơi (Nguồn: Văn Nghệ)

(Đăng lại từ vanvn.net)

Exit mobile version