Nhà thơ Trần Đăng Khoa (vừa trả lời phỏng vấn VOV.VN) cho rằng: “Vấn đề thực phẩm bẩn đã trở thành đại dịch, trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp của mọi người dân Việt Nam hiện nay”. Đây là vấn đề thời sự nóng bỏng mà nhiều người Việt Nam đang rất quan tâm.  Tonvinhvanhoadoc.vn xin trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa (ảnh: Internet)

– Thưa ông Trần Đăng Khoa! Nhìn lại tuần qua, ông nhớ nhất chuyện gì?

– Chuyện gì đáng nhớ ư? Nhiều đấy. Nhưng chuyện tôi muốn điểm đến đầu tiên là một việc làm rất kịp thời của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội. Đó là việc đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cho dừng lại ngay việc xây dựng đường cấp nước sạch Sông Đà giai đoạn 2 bằng đường ống gang dẻo của Trung Quốc. Dừng lại để rà soát, tìm đối tác và đường ống tốt nhất. Đấy là việc làm thiết thực, rất hợp lòng dân.

Xung quanh việc chọn nhà thầu cung cấp ống nước bằng gang dẻo của Trung Quốc, nhiều báo chí, bao gồm cả báo giấy, báo mạng đã lên tiếng rồi. Bản thân lão già này cũng đã viết, không phải một bài mà 7 bài, bắt đầu từ năm ngoái, khi đường ống nước Sông Đà vỡ lần thứ 9, rồi lần thứ 13, lần thứ 17. Rồi khi làm ống nước Sông Đà giai đoạn 2, với mức đầu tư lớn hơn cũng lại giao cho Vinaconex, một đơn vị làm ăn tắc trách trong giai đoạn 1 làm chủ Đầu tư thì đúng là thách thức dư luận. Và đặc biệt việc chọn ống nước bằng gang dẻo của Trung Quốc cho công trình mới thì không thể không đáng lo ngại. Họ còn biện hộ ống gang dẻo đạt tiêu chuẩn Mỹ, rất có uy tín ở Mỹ, tôi buộc phải đưa thêm bài cuối cùng.

Bài này, tôi chỉ đưa ra sự thật, dẫn lại thông tin của đồng nghiệp về một công ty danh tiếng của Mỹ đã sụp đổ chỉ vì nhập đường ống dẫn nước bằng gang dẻo này. Ống nước liên miên vỡ và nhiễm khuẩn. Công ty đã bị kiện và sau đó phá sản. Ngay cả hãng bảo hiểm của Công ty này cũng phải lao đao vì chuyện bồi hoàn. Rất cám ơn các bạn ký giả đã đưa thông tin rất kịp thời về sự thật đường ống bằng gang dẻo ở Mỹ, khi có người còn tung hô ca tụng cái công ty Xinxing này.

Các nhà đầu tư Trung Quốc thường trúng thầu với giá rất rẻ, nhưng rồi trong quá trình thi công lại đội giá lên, rồi chậm tiến độ, rồi còn nhiều thứ lằng lằng, rất phản cảm như họ đã thi công tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Đấy là một bài học nhỡn tiền mà ta đã phải trả một cái giá rất đắt. Lãnh đạo Hà Nội đã đề nghị Chính phủ cho dừng dự án này. Rất hạnh phúc cho bà con Thủ Đô là chúng ta đã có những nhà Lãnh đạo mới thực sự của Dân, luôn lắng nghe tiếng nói của Dân và xử lý kịp thời.

Không phải chỉ vụ đường ống dẫn nước Sông Đà, ngay mới đây, khi báo đưa tin nhiều công trình xây dựng sai phép ở Quận Thanh Xuân, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng đã chỉ đạo Quận Thanh Xuân xử lý nghiêm túc những sai phạm và trả lời công khai trên công luận báo chí. Đồng hành cùng Chủ tịch, Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải cũng rất kiên quyết trước những trì trệ, bất cập, rằng chúng ta phải biết xấu hổ khi phố phường, bẩn thỉu, nhếch nhác, rằng, không thể cứ tặc lưỡi với quan niệm “Hà Nội không vội được đâu”. Nếu cứ dềnh dàng, chây ỳ với những tiêu cực, bất cập thì bao giờ Thủ Đô mới văn minh được…

– Tôi cũng như những người dân rất tin tưởng ở kíp Lãnh đạo mới của Đất nước cũng như của Thủ Đô. Gần đây, trên các kênh truyền thông và báo chí, chúng ta rất quan ngại về thực phẩm bẩn…

– Đấy là chuyện nhức nhối đang diễn ra trên phạm vi cả nước chứ không riêng Hà Nội. Thực phẩm bẩn lan tràn, đã thành đại dịch rồi. Và không phải chỉ có bẩn, còn rất độc hại. Chúng ta đang đầu độc lẫn nhau. Thuốc sâu, thuốc tăng trưởng, thuốc bảo quản thực phẩm vượt quá ngưỡng hàng trăm lần, gây ung thư bán lan tràn khắp hang cùng ngõ hẻm, mà nguồn thuốc này cũng lại bắt nguồn từ Trung Quốc. Thật là tai hại. Trước đây, ta cứ lo rượu giả. Bây giờ cà phê cũng giả.

Nhà thơ Văn Công Hùng vừa có một bài viết trong mục “Tiếng nói Nhà văn” trên báo Văn nghệ. Anh ngán ngẩm rằng, anh ở xứ cà phê mấy chục năm nay, và nghiện cà phê cũng mấy chục năm nay. Đến một ngày, bàng hoàng được biết, cái thứ nước thần thánh mà sáng nào anh cũng ngồi lim dim chờ từng giọt lặng lẽ rơi xuống, rồi nâng niu cẩn trọng chiêu từng ngụm nhỏ, rồi tận hưởng, rồi đê mê ấy, chả ai biết được là nó đã được làm ra như thế nào?

Thì lâu nay anh vẫn nghĩ, cà phê hạt người ta mua ở vườn về, rồi rang, rồi xay, rồi trộn nhiều loại với nhau, ra một thứ cà phê thuần Việt, phục vụ hàng triệu người Việt uống theo gu Việt mỗi ngày. Té ra không phải thế, bởi giờ chỉ cần một giọt tinh chất cà phê mua trôi nổi ở đâu đấy ngoài vỉa hè, cộng với các loại “bột đen đen” có vị đắng, thế là hàng triệu người có cà phê uống. Anh chỉ uống vài ba quán quen, nhưng rồi chính ngay ở các quán quen ấy, anh cũng không hiểu là cà phê ấy có đúng là… cà phê không? Và rồi hàng ngày anh vẫn uống cà phê, dẫu nghi ngờ, dẫu được cảnh báo, nhưng chả lẽ lại… không uống. Mà mỗi sáng có một ly nhỏ, mấy thìa thôi mà, bao giờ mới… đủ để chết.

Và cũng theo thi sĩ Văn Công Hùng, thì không chỉ cà phê. Cà phê là thứ không đại trà, không phải ai cũng dùng. Còn nhiều thứ ai cũng phải dùng hàng ngày, và ai cũng… hoang mang vì không biết nó ra làm sao, hoang mang nhưng rồi vẫn cứ phải dùng, bởi không dùng thì biết ăn cái gì mà sống. Cái sự vô cảm của người Việt cũng đã lên đến mức kinh hoàng khi mà người ta trồng rau để bán riêng, rau để ăn riêng. Người bán rau không biết là người bán thịt cũng sẽ bán thịt cho họ như vậy, rồi người bán trái cây, bán cá, tôm, bán gạo, bán nước mắm… vân vân, họ cũng làm riêng đồ để bán và có riêng đồ để ăn… Họ vô cảm một cách hồn nhiên, rồi đầu độc lẫn nhau và ai cũng nghĩ mình… khôn hơn người khác, an toàn hơn người khác. Như thế là tội ác. Không thể gọi khác được, phải gọi thẳng tên ra, rằng như thế là tội ác. Mà cũng chẳng có ai an toàn. Đều bị đầu đọc cả.

Cũng theo thi sĩ Văn Công Hùng, chả ai có thể suốt ngày rị mọ lần mò để đi tìm từng tí thực phẩm sạch rồi mang về nhà tự nấu được. Người Việt đa phần bây giờ ăn uống ngoài đường. Không ăn sáng thì cũng uống cà phê, uống trà. Rồi ăn trưa, nhậu chiều. Đấy là nói những gia đình còn có điều kiện để… ăn ở nhà là chính. Còn bao nhiêu người bình dân lấy vỉa hè bình dân làm nơi qua bữa. Mười lăm ngàn một xuất cơm vỉa hè, các bà nội trợ tài ba đến mấy đi nữa cũng khó mà nấu được cho chồng con bữa cơm với giá ấy. Thế mà ăn ở vỉa hè, no căng, chỉ mười lăm ngàn.

Các chuyên gia kinh tế nghĩ ba năm có khi cũng không ra đáp án bài toán ấy, nhưng các bà chủ quán cơm vỉa hè giải quyết rất rốt ráo. Họ nuôi hàng triệu người Việt mỗi ngày như thế bằng món độc hại, và họ cũng sống nhờ hàng triệu người Việt vì hoàn cảnh mà phải ăn uống như thế. Rồi chính họ cũng ăn uống như thế.

Cũng vì thế, ông bộ trưởng Cao Đức Phát, khi phát biểu ở Quốc Hội đã “diễn đạt chưa rõ ràng” rằng “Đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn, nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn” khiến gần như toàn dân nổi giận, và cũng khiến ông, bằng một hành động rất chân thành, đã xin lỗi nhân dân ngay tắp lự, thông qua báo chí. Nó chứng tỏ, vấn đề thực phẩm bẩn đã trở thành đại dịch, trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp của mọi người dân Việt Nam hiện nay. Thôi thì những người trực tiếp làm ra thực phẩm bẩn ấy, họ cũng vì lòng tham nhất thời, vì miếng ăn, vì thiếu hiểu biết… mỗi người “góp” một tí, nó thành ra tràn lan thực phẩm bẩn. Nhưng chúng ta có chính quyền tới từng khu phố, từng thôn làng. Rồi trên thôn làng là cấp xã phường, trên nữa là huyện thị, rồi cấp tỉnh, và cuối cùng là trung ương, có đến mấy bộ cùng lo miếng ăn sạch cho dân, thế mà rồi thực phẩm bẩn vẫn phát triển như đại dịch.

Thuốc độc, chất cấm vẫn được nhập tràn lan, dành cho y tế một ít, còn lại phần nhiều là mang ra… thúc heo tạo nạc. Những chuyến xe chở thịt, nội tạng thối… vẫn nghễu nghện qua biên giới rồi xuyên Việt, lâu lâu mới thấy bắt được một vụ chụp ảnh quay ti vi thấy nhặng xanh bâu đầy. Ti tỉ những thứ chất vô danh tạo hương, tạo vị, trôi nổi trên thị trường, để chỉ cần một thìa là thành nồi lẩu, thành phở, thành bún, vài giọt là thành cà phê, nước mắm, rượu…

Người dân có quyền hỏi chính quyền ở đâu, làm gì khi ngay trước mắt họ, dưới chân họ, tràn lan thực phẩm bẩn, thứ thuốc độc giết người hàng ngày hàng giờ tiêu hủy sự sống của đồng loại họ, con dân của họ. Đấy là lý do vì sao ở nước ta có nhiều người bị ung thư đến thế. Không phải người già ung thư, người trẻ và cả trẻ con nữa cũng bị ung thư. Có gia đình chết đến mấy người. Trẻ chết cả, chỉ còn lại ông bà già ngoài 80 tuổi. Người già thì kém ăn, không ăn được. Nhờ thế mà thoát chết…Tính trung bình mỗi năm ở Việt Nam có 75.000 người bị ung thư vì ăn phải thực phẩm bẩn.

– Đúng là đáng sợ thật…

– Rất đáng sợ. Cả tôi và bạn cũng đâu đã thoát. Vì thế nếu tôi và bạn, vào một ngày nào đó, qua xét nghiệm, bác sĩ bảo đã bị ung thư giai đoạn cuối, thì cũng chẳng có gì phải bất ngờ. Tôi nhớ, hồi ở Đài Tiếng nói Việt Nam, một phóng viên của tôi đi công tác Hà Tĩnh về, có tặng tôi hai quả bưởi. Bưởi đặc sản, quý lắm. Tôi cất trong tủ. Đợi có khách quý thì khao. Thế rồi quên. Mấy quả bưởi lăn lóc trong đống báo đã đọc. Khi được tặng bưởi, tôi đang là Giám đốc Kênh Truyền hình. Rồi sau đó, tôi chuyển sang làm Phó Bí thư Đảng uỷ. Bốn năm sau, tôi có lệnh điều động chuyển hẳn sang Hội Nhà văn. Lúc bấy giờ, tôi mới chuyển cơ quan, nghĩa là sau khoảng 6 năm, dọn tủ, tôi bất ngờ thấy hai quả bưởi mà mình đã bỏ quên. Càng bất ngờ hơn khi sau 6 năm, bưởi vẫn tươi nguyên, và lúc bổ ra, múi bưởi vẫn đẹp, vẫn tươi mọng. Thật kinh hoàng. Ta hiểu vì sao một vị đại biểu Quốc Hội đã nói một câu rất ấn tượng rằng, chưa bao giờ từ bàn ăn đến nghĩa địa lại ngắn đến như thế.

– Nghe ông nói mà tôi khiếp quá…

– Đúng như vậy. Phải nói là rất đáng sợ. Đến tháng 7 này, luật về thực phẩm có hiệu lực. Theo đó, những người sản xuất thực phẩm bẩn, bán thực phẩm bẩn, kể cả vận chuyển thực phẩm bẩn cũng sẽ bị xử phạt rất nặng, có thể lên đến 20 năm tù. Và theo tôi, cần phải coi những người làm thực phẩm bẩn, lưu hành, và bán đồ ăn bẩn ngang với tội giết người. Cùng với phạt tù còn bị phạt tiền và phạt rất nặng. Rồi cán bộ phụ trách ở những khu vực có thực phẩm bẩn cũng phải bị xử lý. Chỉ có thế, chúng ta mới có hy vọng thoát được quốc nạn này.

– Cám ơn ông./.

Vũ Song (ghi)- Nguồn: VOV.VN