Tiếng Nga và văn hóa Nga trong thế giới đương đại” – Đó là một trong những chủ đề thảo luận tại Diễn đàn thế giới lần thứ 3 của các cựu sinh viên tốt nghiệp đại học Liên Xô và Nga, hoạt động vừa diễn ra tại Moskva. 888 đại biểu đến diễn đàn này từ các quốc gia khác nhau ở châu Á, châu Phi, châu Âu và Mỹ.

Theo Đài tiếng nói nước Nga, đối với một đại biểu Việt Nam dự diễn đàn là ông Hoàng Thúy Toàn, cựu sinh viên tốt nghiệp Đại học Sư phạm quốc gia mang tên Lenin vào năm 1961, người được Tổng thống Nga trao tặng Huân chương Hữu nghị, văn học Nga là chủ đề hết sức gần gũi và tâm đắc. Bởi nhà Nga học Hoàng Thúy Toàn đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp quảng bá văn học Nga tại Việt Nam. Từ những năm 90 năm trở về trước, trong các hiệu sách Việt Nam có thể thấy nhiều bản chuyển ngữ tác phẩm của các nhà kinh điển Nga và nhà văn thế kỷ 20. Sau đó là khoảng vắng bóng. “Còn bây giờ, văn học Nga đang trở lại với độc giả Việt Nam” – ông Hoàng Thúy Toàn vui mừng thông báo.

Vào thời hoàng kim, khoảng trước năm 1992, tại Việt Nam, tiếng Nga có hơn nửa triệu học sinh phổ thông và 80.000 sinh viên nghiên cứu, hơn 4.500 giáo viên giảng dạy. Các nhà Nga học trẻ tuổi sau khi tốt nghiệp không đi dạy tiếng Nga, vì thu nhập của giáo viên tiếng Nga ít hơn nhiều so với giáo viên tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Các chuyên gia tiếng Nga thế hệ trước đã về hưu, cho nên cán bộ chuyên môn tiếng Nga bị thiếu trầm trọng.

Sau một thời gian bị thu hẹp, thời kỳ khó khăn với tiếng Nga ở Việt Nam đã qua đi. Hiện nay, mỗi năm có 1.000 sinh viên và thực tập sinh Việt Nam sang Nga học tập theo đường nhà nước và đường tự túc. Trung tâm Nga đã khai trương tại Viện Quốc tế trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Trung tâm Văn hóa và Khoa học Nga được thành lập tại Hà Nội năm 2005 khá nổi tiếng.

Giám đốc trung tâm, Elena Skaeva nói: “Những năm gần đây mối quan tâm đối với tiếng Nga ngày càng tăng lên, tôi quan sát thấy điều đó qua Trung tâm Văn hóa và Khoa học Nga. Số người muốn học tiếng Nga ngày càng tăng. Tại các trường đại học Việt Nam, tỷ lệ chọi khi thi vào khoa tiếng Nga cũng tăng lên”.

Điều đó không hề ngẫu nhiên. Quan hệ kinh tế giữa Nga và Việt Nam ngày càng phát triển. Những năm gần đây, nhiều xí nghiệp liên doanh Nga – Việt quy mô lớn nhỏ được thành lập: Ngân hàng Nga Việt, các trung tâm y tế… Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro, còn hãng Nga Rosatom sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam. Các chuyên gia Nga cũng sẽ xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở thành phố Hà Nội, cũng như sẽ thực thi nhiều đề án khác. Tất cả những điều đó khiến cho mối quan tâm đối với tiếng Nga ở Việt Nam được tăng lên.

Các nhà Nga học trẻ ở Việt Nam cũng đánh giá lạc quan đối với tương lai tiếng Nga ở nước mình. Không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhưng tất cả họ đều kiếm được việc làm phù hợp với chuyên môn tiếng Nga.

Nguồn: Sài Gòn giải phóng

Exit mobile version