Người ta đồ rằng, những bài ca dao tình yêu hay nhất xưa kia là những khúc dân ca nồng thắm. Để rồi, những kẻ “giời đầy” mắc tâm bệnh tương tư cứ học theo đó mà viết ra những câu thơ tình ái ngang ngạnh mà dễ mủi lòng:

Lái đò ơi bỏ con thuyền!

Để tôi tụng mãi câu nguyền bỏ không

Hạt mưa phơi phới lưng chồng

Mắt còn lúng liếng bãi sông một bờ

Lái đò ơi đôi tôi chờ

Nâu sồng sứt chỉ bây giờ hỏi ai?

Đằng kia khăn đóng áo dài

Tôi về nắng đỏ hai vai lạnh lùng

(Vụng tu)

Thế là đến lượt những câu thơ kiêu bạt kia bị hối thúc, mướt mát chạy theo những duyên tình éo le và thắm thiết. Trong cái mùa  tâm thức nghiêm trang nhất của một năm- Mùa vu lan-  lại có kẻ thảng thốt mà viết nên những đau đáu của mình. Một mùa tự hoá giải những oan tình. Này nhé:

Câu ca nhấp nhô bến sông

Nửa đời tôi hát cho chồng em nghe

Câu ca xao xác con đê

Mình tiều tụy giữa đường quê không già

Lời ru kẽo kẹt hiên nhà

Đừng ru nữa để tôi qua bến trần

(Âm thanh)


Hát là để quên đi tủi hờn, lỡ dở. Không. Hát cho chồng em nghe đó chứ. Nhưng không hát để tổ ấm kia bát xô, đũa lệch mà hát để hoá giải cái tội lỗi chót đam mê người con gái ấy. Cái “bản lai diện mục” của người thơ Nguyễn Quang Hưng đã hiện ra rất thật thà như thế đó:

Mình tiều tụy giữa đường quê không già.

Để rồi từ đây chốn quê mùa phẳng lặng với những hội hè, đình đám, cưới hỏi, giao duyên bỗng sửng sốt với gã trai lộc ngộc đa đoan như từ hồn vía ngàn câu ca dao dồn tụ lại. Gã “xô Đông, dạt Đoài”, “chạm tay mấy lối”  mà ngơ ngẩn nhận ra sợi tơ duyên vẫn còn xa lắm:

Cái duyên ươm khế

Cái duyên trồng mơ

Cái duyên quá lứa

Làm tranh hứng dừa

(Chơi hội)

Trong khoảng mươi năm lại đây, thơ viết về cảnh quê, tình quê thường được người đọc đón nhận như một thứ vật báu suýt nữa thất lạc trong đời sống tinh thần. Thế nhưng, viết về quê như thế vẫn chưa đủ sức phục dựng một không gian của những giá trị sống mà phải là một đời quê nhiều những sóng gió và đam mê. Có những hương vị đó thì quê mới là quê:

Cái nơi em tắm ngày xưa

Con mắt vẫn chờ ngụp lặn

Nước trong vắt

Xuân nay ấm nồng da thịt trắng

Cái nơi ao ước ngày xưa tắm

Hoang sơ chờ bọc lấy nhau…

(Tự nhiên)

Ở thơ Hưng không ngổn ngang những tín hiệu phồn thực, không quả quyết những mối tình thề non hẹn biển của giai tân, gái tân thuở nào mà luôn quá lứa và… “quá lửa”. Phải, như chiếc bình gốm quá lửa sẽ rạn nứt từng thớ đất tức tưởi mà hờn oán cho duyên phận của mình. Suốt đời đi tìm một cuộc hoa sinh mới, một “mẻ” tình mới mà vô vọng:

Anh về phân vân ngã ba Phủ Quốc

Tìm dâng hài cườm ngậm hương lúa xuân

Hội chèo xứ Đoài xuôi về Thạch Thất

Tấm ơi! Em còn hát không?

Ngơ ngẩn ngày đêm sáo đàn năm cũ

Thị Kính trong đèn ngồi bên Châu Long

Mõ nhịp Cắc Cớ chuông chùa buông tím

Hoa bay hư vô thinh không…

(Tìm Tấm)

Lặng lẽ như thế mà xác tín một nguy cơ thất bại trong những cuộc tìm kiếm. Người thơ ấy hình như không biết mệt mỏi, hát mãi khúc ca buồn của mình trong những buổi sớm sương giăng, trong những chiều năng quái để đem câu hát ấy đến với nơi cần đến. Tiếng chuông chùa hư không, cửa thiền tịch mịch để nó được sống mãi. Sống để hoá giải cho những duyên tình đã thác oan:

Người gieo câu hát Tam quan

Vào hương khói để hoang mang chuông chùa

Lần theo câu hát đạo bùa

Hội xuân như tỉnh như vừa chiêm bao

Đem về câu hát má đào

Nhuộm cho kinh kệ trôi vào hư vô

(Người đem câu hát điền viên)

Có những cõi thiêng liêng để trần tục quên mình gửi gắm một phần đời éo le, tục luỵ. Nhưng rồi, lại cũng chính nơi ấy sẽ bao bọc và chở che cho những thao thiết chẳng bao giờ có tuổi. Mà thôi, đành gác lại, chuyện về những tiếng hát ấy còn dài lắm…

Nguồn: vanhocquenha.vn