HỒNG NHUNG
Cuốn tiểu thuyết “Tiếng gọi xa xăm” của tác giả Phạm Hồng Loan không chỉ là một tác phẩm văn học giàu chất nhân văn mà còn là hành trình trở về quá khứ – nơi ký ức, tình người và tinh thần dân tộc được tái hiện sống động.
“Tiếng gọi xa xăm”: Vang vọng ký ức của tình thân, lòng biết ơn…
Tiểu thuyết mở đầu với khái niệm Tiếng gọi xa xăm – một hình ảnh vừa gợi cảm xúc, vừa chất chứa nhiều tầng ý nghĩa. Đó là lời mời gọi con người trở lại với cội nguồn, với một thời kỳ tuy gian khổ nhưng đầy tự hào và tình yêu thương. Qua giọng kể của một nhân vật nữ, tác phẩm mở ra không gian sống động của thời chiến: những miền quê đầy nắng gió, những làng quê khốn khó, những con đường làng lầy lội, những ngôi trường mái lá xiêu vẹo và tiếng bom đạn vọng về từ xa – nơi trẻ em trưởng thành giữa bom đạn và những người lớn âm thầm gánh vác trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước…


Tiếng gọi xa xăm không đơn thuần là âm thanh từ quá khứ, mà còn là sự vang vọng của ký ức, của tình thân, của lòng biết ơn với những người đã hy sinh cho hòa bình hôm nay. Hình ảnh biển cả yên bình, bãi cát trắng vắng lặng giữa thời chiến, như một biểu tượng về khát vọng sống thanh bình, là ký ức in đậm trong tâm trí nhân vật và người đọc. Những người lính, người mẹ, người chị, người bạn hiện lên qua từng chương truyện như những biểu tượng bất tử của tinh thần Việt Nam.
Làng quê – nơi hun đúc tình người
Đọc Tiếng gọi xa xăm, bạn đọc sẽ thấy một hình ảnh làng quê Việt trong khói lửa chiến tranh của những đứa trẻ – những cô cậu học trò. Chính tuổi thơ trong khói lửa đó đã giúp các em học sinh hun đúc lên tình người.
Điều này được thể hiện trong “Làng quê không yên ả” – chương đặc sắc của tác phẩm – nơi tái hiện khung cảnh một ngôi làng trong thời chiến với biết bao gian khổ, thiếu thốn. Dù vậy, nơi ấy lại sáng ngời tình thầy trò, tình bạn và khát vọng sống mãnh liệt. Hình ảnh nhóm học trò băng qua con đường lầy lội đến thăm nhà cô giáo không chỉ thể hiện lòng biết ơn mà còn phản chiếu khát vọng được học tập, được lớn lên giữa bao khắc nghiệt.

Tình bạn tuổi thơ, trong sáng và đầy cảm động, là điểm sáng nổi bật trong những chương truyện. Sự gắn kết giữa những đứa trẻ trong hoàn cảnh thiếu thốn và nguy hiểm đã khắc họa một thế hệ vừa hồn nhiên, vừa sớm trưởng thành trong chiến tranh.
Tuổi thơ giữa bom đạn và hạnh phúc bình dị
Trong chương “Con sâu róm và những quả bom Mỹ”, tác giả khéo léo kết hợp giữa hai thái cực: Sự hồn nhiên của tuổi thơ và sự khốc liệt của chiến tranh. Những trò nghịch ngợm của Hồng, Minh, Quang – như trò trêu đùa bằng con sâu róm – trở nên ám ảnh khi đặt trong bối cảnh bom đạn có thể ập đến bất cứ lúc nào. Dưới làn “mưa bom”, cô giáo Nga hiện lên như một biểu tượng của lòng dũng cảm và tình yêu thương vô điều kiện. Sự hy sinh thầm lặng của cô đã gieo vào tâm hồn trẻ thơ những bài học sâu sắc về lòng nhân ái và sự kiên cường.
Chính trong những khoảnh khắc ấy, nhân vật và độc giả đều cảm nhận rõ nét giá trị của sự sống, sự trưởng thành, và ý nghĩa của từng hành động yêu thương dù nhỏ bé.
Chương “Gió đánh cành tre” của Tiếng gọi xa xăm, bạn đọc sẽ thấy một góc nhìn nhẹ nhàng, đầy chất thơ về tình yêu và hạnh phúc trong chiến tranh. Đám cưới diễn ra giữa bối cảnh thiếu thốn, nhưng vẫn đầm ấm, chân thành. Những trò chơi dân gian như rước dâu, chợ quê hay giả đấu trận không chỉ mang tính giải trí, mà còn là minh chứng cho sức sống bền bỉ, cho khao khát về một cuộc sống yên bình trong lòng mỗi con người.

Những ký ức về tuổi thơ với những trò chơi bình dị ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn những đứa trẻ, giúp các em giữ được nét hồn nhiên và lòng yêu quê hương, yêu cuộc sống – điều tưởng chừng khó giữ nổi giữa khói lửa chiến tranh. Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ mà tác giả gửi gắm: “Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tinh thần lạc quan và niềm tin vào ngày mai vẫn luôn tỏa sáng”
Những con người thầm lặng và dũng cảm
Điểm nổi bật nhất trong Tiếng gọi xa xăm là cách tác giả khắc họa những con người bình dị nhưng mang trong mình sức mạnh phi thường. Tiêu biểu là nhân vật Thạch – người anh hùng trong mắt cô em gái Hồng. Không chỉ là người tổ chức các hoạt động thiếu nhi, Thạch còn là tấm gương sáng về sự dũng cảm, trách nhiệm và tình yêu thương.
Qua các chương như “Rừng phi lao bên bờ biển”, “Thắng giặc anh sẽ về” và “Những bông hoa đẹp”, hình ảnh những chiến sĩ, những dân quân, người mẹ, người chị… hiện lên chân thực, xúc động. Họ là những người không màng hiểm nguy, luôn sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn. Họ không ồn ào, không phô trương, nhưng chính họ là nền tảng vững chắc làm nên chiến thắng và tương lai của dân tộc.
Tác phẩm không chỉ kể lại chiến tranh như một chuỗi sự kiện lịch sử, mà còn là bản trường ca về tình người, về niềm tin và lòng biết ơn. Những nhân vật ấy như tiếng vọng từ quá khứ, thôi thúc thế hệ hôm nay trân trọng hòa bình và sống có trách nhiệm hơn với cuộc đời.

“Tiếng gọi xa xăm” là tiếng vọng từ quá khứ, là lời nhắn gửi đến thế hệ trẻ: “Hãy sống đẹp, sống có lý tưởng và luôn ghi nhớ những hy sinh đã làm nên cuộc sống hôm nay”. (Ảnh: Tác giả cung cấp)
Nguồn: Danviet.vn