Gần hai tháng, tôi vẫn  không dám mở cánh tủ áo quần của anh. Đã mấy lần đặt tay vào núm cửa, lại thôi. Thầy chùa  bảo đã chọn ngày tốt đem thả đồ dùng tư trang của anh xuống sông, để ở cõi bên kia anh nhận được. Sợ đến ngày ấy, quần áo của anh không thơm nắng nên sớm nay tôi  dỡ tất cả tủ quần áo đem ra phơi để gấp gọn lại.


Đang vùi mặt mình vào ôm quần áo đầy ứ trên tay, hít hà cái mùi quen thuộc của anh. Chợt gió bật cánh cửa sổ gần nhất, khiến tóc tôi rối tung. Phải chăng  anh đã theo gió ùa vào để vỗ về vợ mình? Cảm giác anh trở về luôn  ám ảnh tôi, nhất là  ánh đèn đường hắt vào trong nhà tạo nên khoảng trắng mờ đục trên tường. Màu sắc ấy cùng những âm thanh đêm như thể từ một thế giới khác len lỏi về vậy.

Là từng chiếc cà vạt, từng chiếc sơ mi quần và áo vét theo nếp gấp cũ để xếp vào chiếc thùng các tông mới. Chợt tôi chạm phải cuốn sổ cỡ 9/15 trong túi  chiếc vét tông màu kem. Đây là chiếc áo trong bộ comple ngày cưới của chúng tôi. Bỏ dở việc đang làm, tôi mở cuốn sổ ra. Nghẹt thở. Đấy là những dòng  thư  anh viết cho riêng tôi. Khi người không còn thì những dòng thư này có nghĩa gì kia chứ. Nhưng tôi không thể không đọc.

Vợ yêu của anh!

Anh cứ ngỡ chúng mình sẽ song hành đến cuối cuộc đời, nhưng số phận đã buộc ta phải xa nhau. Hơn năm năm được làm chồng của em, anh mãn nguyện lắm. Nhưng cũng bằng ấy năm ấy anh cứ canh cánh bởi một sự thật chưa thổ lộ  với em cũng như bất cứ ai…

Ngày ấy, tại tiệc  cưới Thúy, tôi đã bị chinh phục bởi cái nhìn đầu tiên từ đôi mắt to đen thăm thắm sáng, trên khuôn mặt đầy nam tính của người trai ngồi đối diện. Tôi đến với anh không phải do bạn hữu vun vào mà vì một điều gì đó như các cụ thường nói đấy là duyên phận. Duyên phận đã khiến chúng tôi say nhau không vì một ảnh hưởng ngoại lệ nào khác. Chỉ vài ngày không gặp nhau, cả hai đã cảm thấy cồn cào thiếu vắng.

Thuộc về anh rồi tôi mới biết. Sau khi ra trường, về công ty xây dựng thành phố hai năm, anh được cử làm đội trưởng một đội công nhân sang hợp tác lao động  tại Đông Đức. Sau ngày Tây Đức và Đông Đức sáp nhập, tuy  chưa hết hạn nhưng tất cả những lao động Việt Nam đều lần lượt phải về nước. Có lần trong hơi thở tình yêu nồng nàn anh thầm thì rằng. “Mấy bạn rủ ở lại lưu vong, nhưng anh nhất quyết trở về, vì chắc chắn sẽ gặp một người con gái như em.”

Lạ thay. Từ hồi yêu cho đến ngày thành vợ chồng, chưa bao giờ anh viết cho tôi, dẫu chỉ là những lời tỏ tình bằng ngôn ngữ viết.  Đêm đã chùng xuống. Cái rét đầu đông như thấm vào riêng mình.  Kéo rèm che kín ánh đèn đường hắt vào, tôi trở lại với những dòng thư đang đọc dở.

“…Thứ sáu hàng tuần trên phố Herzberg vẫn có phiên “chợ trời.” Chợ không hàng quán, chỉ  toàn người bán  dạo. Họ mua bán đủ thứ, từ đồ gia dụng, quần áo, đến mua bán hàng cấm (đôla, thuốc lá ba số).  Những công nhân Việt Nam có ca nghỉ vào thứ sáu đều đến buôn ở “chợ trời.” Đội trưởng như anh cũng không ngoại lệ. Trúng đậm mấy chuyến buôn thuốc lá. Anh say tiền lắm.

Vào một chiều muộn, cả chợ bị Police săn lùng. Trong chiếc áo phao rộng thùng thình của anh vẫn còn năm cây thuốc chưa gặp khách. Anh sải bước gần như chạy. Cô gái bản địa mặc măng tô màu ghi đầu đội mũ len trắng đang đi bên, vội khoác tay anh như khoác tay tình nhân đi dạo chợ. Với vốn tiếng Đức bập bõm, anh cũng hiểu cô ấy nói. “Đừng ngoảnh lại.”

Lạnh và mưa như trút nước đã giữ anh qua đêm tại nhà ân nhân của mình. Rượu mạnh, thịt cừu nướng, cô gái tóc vàng  mắt xanh hừng hực lửa… Hãy tha lỗi cho anh đã làm chuyện ấy trước khi có em.

Sau lần duy nhất ấy, anh không quay lại nhà Monik, cũng không mạo hiểm buôn thuốc lá nữa, bởi quá nhiều vụ thanh trừng nhau vì nó. Trước lúc  trở về nước một  ngày, bất ngờ anh gặp Monik ở gần tháp truyền hình Đông Berlin. Cô ấy khác hẳn, thân hình sổ ra béo đẫy. Monik chỉ vào đứa bé trai cỡ gần một tuổi nằm trong xe đẩy.“ Con trai mày. “Đứa bé mắt đen tóc đen toét miệng cười. Nó bụ bẫm giống hệt bức ảnh năm anh chưa đầy hai tuổi. Toàn thân anh vã mồ hôi hột. “Năm sau tôi sẽ sang đón nó về Việt Nam.” Cô ấy nhún vai, nói một câu gì đó, hình như một câu chửi rất tục, rồi đẩy chiếc xe đi sang hướng khác… Anh sững lại bên đài phun nước, cố tô đậm vào trí nhớ số nhà 33/Z1 trong con ngõ không tên phía sau phố Herzberg. Monik ở đây.”

Tôi ném cuốn sổ lên bàn, ngả đầu vào thành ghế. Nỗi hờn giận trào lên. Tôi hét to như anh đang đứng trước tôi vậy. “Anh là đồ giả dối. Anh đáp lại tình tôi  thế  ư?” Tôi bật khóc. Khóc  thành tiếng trước bí mật của anh. Khóc cho chính mình.

Cũng thời điểm này hai năm trước.  Tôi hớn hở với xác nhận của bác sĩ..“ Buồng trứng hoạt động tốt. Tử cung không còn ngả sau. Có thể thụ thai bình thường.” Sau thời gian dài chữa chạy, kết quả này khiến tôi lâng lâng khi bước vào nhà. Tôi ôm lấy chồng, hôn như điên dại vào cổ vào má anh, rồi như đứa trẻ, vừa  huơ huơ  trên đầu mình tờ giấy ấy trước sự ngạc nhiên của anh. Em sẽ làm mẹ. Em làm mẹ được rồi. Anh chạy tới nâng bổng tôi  lên xoay mấy vòng đến chóng mặt vì hạnh phúc. Sau đêm giao hoan như chưa bao giờ  đê mê đến thế. Chúng tôi chắc chắn một phôi thai mang giới tính X hoặc Y đã hình thành. Nhưng tôi chưa kịp có thai thì anh đã lâm vào tử bệnh. Anh giấu tôi, giấu tất cả cho đến khi không thể giấu được nữa. Vái tứ phương, dùng đủ loại thuốc đặc trị, anh vẫn nằm liệt cho đến phút ra đi vĩnh viễn.

Chuyện anh đi buôn thuốc lá ba số, chuyện bạn anh đã bị giết vì tranh mối tiêu thụ, tôi đã nghe. Riêng chuyện đã có con, anh lại giấu nhẹm.  Tại sao lúc còn tỉnh, anh không  thổ lộ với tôi? Tại sao anh không mang sự thật ấy đi theo mình mà cố tình để nó ở lại với nỗi bất hạnh của tôi?
2

Mẹ anh mất từ ngày tôi chưa về làm dâu. Cho đến nay bố anh vẫn sống một mình ở ngoại ô thành phố. Đã nhiều lần vợ chồng tôi muốn đón ông vào trung tâm ở cùng, nhưng ông không chịu nổi sự chật chội, ồn ào. Ngược lại ông muốn chúng tôi về  ở với ông. Vì không thuận tiện công việc nên chúng tôi chưa thể về đấy ngay được.

Mấy tháng sau khi đọc được những dòng thư của anh, tôi mới đem về cho bố chồng xem. Bởi tôi nghĩ, biết tin mình có đứa cháu nội duy nhất ông sẽ vợi đi muộn phiền. Nhưng không những không vơi phiền muộn, mà mỗi ngày ông một sọm đi trông thấy.  Đôi mắt trũng sâu hơn, hai bên má lõm hẳn xuống. Cơ thể ông lỏng lẻo, chân tay như co rút tong teo trong bộ quân phục đã xuống màu của mình.

Tôi ngỡ ngàng khi nghe ông nói. Bố biết có thằng cháu nội tận hồi nó mới về nước kia. Bố xin lỗi vì đã bắt nó giấu bặt chuyện này, vì chỉ lo lộ ra sẽ tuột mất người con dâu như con. Bố cứ đợi nó tự nói với con rồi hai vợ chồng sang đón thằng bé về, nhưng con trai bố không còn cơ hội làm việc ấy nữa. Con hay tha lỗi cho nó. Âu cũng là hoàn cảnh… Giọt nước mắt của người thương binh ở chiến trường miền Đông Nam bộ năm xưa lăn qua gò má cao loáng  ướt theo vệt nhăn xuôi hai bên mép, khiến sống mũi tôi cay nghẹt.

Chiều đông hôm ấy như cố tình trút xuống căn nhà không còn anh, cái giá buốt đến tê dại. Tôi đang nhóm bếp than ở ngoài sân để làm bữa tối thì bố chồng tôi đến. Ông run run rút trong túi áo khoác đưa cho tôi một thếp tiền được vuốt ép cẩn thận.  Đây là số tiền bố đã dành dụm được, con cầm thêm làm lộ phí. Tôi cầm số tiền áp lên ngực mình rồi trao lại cho ông. Bố xem như con đã cầm rồi.  Bố vui lòng nhận lại cho con yên tâm. Tất cả con lo liệu đủ rồi ạ.

Cơm nước xong. Tôi vừa tiễn bố chồng về được một lát thì Thúy ùa vào như gió lốc. Vứt  túi xách lên bàn, cô bạn tôi gieo mình xuống ghế, ánh  mắt  không giấu nổi sự bất bình. Mày có bị thần kinh không hả? Chẳng những chưa đặt chân sang Đức mà địa chỉ của cái cô Monik kia cũng không rõ ràng. Việc tìm thằng bé ấy, khác gì mò kim đáy biển. Trong cái lạnh dưới 10 độ má Thúy vẫn hồng lên vì phấn khích. Nó  đẹp lạ. Đúng là gái hai con trông mòn con mắt. Giá tôi cũng có con như Thúy. Số phận thật nghiệt ngã, trên ba mươi tuổi tôi vẫn như cây không trái. Gần đây chủ nhiệm khoa sản nói. Chị có thể giúp tôi có thai bằng phương pháp khoa học, nhưng tôi chưa sẵn sàng. Đang suy nghĩ lan man, chợt  Thúy kéo tôi về hiện tại. Mày vẫn quyết định đi ư? Tôi gật. Chuẩn bị đủ kinh phí chưa? Tôi lại gật. Biết mày nhờ bà chị họ  ở bên ấy giúp, nhưng tao vẫn thấy phiêu diêu lắm. Đúng là liều. Thôi. Nói thì nói vậy, mày đã quyết tao gàn nhiều hóa gở. Vừa nói Thúy vừa rút trong ví ra  mấy tờ  đôla mệnh giá 100 dúi vào tay tôi. Cầm  một chút này cho thêm may mắn nhé.
3

Tôi đang ở độ cao gần mười ngàn mét so với mặt đất. Nhìn ra ngoài ô kính, những núi mây, biển mây trắng đục trùng trùng điệp điệp. Thực ra tầng tầng khí quyển ngoài kia cũng chỉ là hư vô. Hiện hữu trước sau tôi là những người ngoại quốc. Hiện hữu với riêng tôi là những dòng thư cùng bức ảnh của anh năm gần hai tuổi tôi mang theo đây. Chuyến đi này vì gia tộc nhà anh ư? Chưa hẳn. Có lẽ Thúy nói đúng. Tôi phiêu diêu thật. Nhưng Thúy cũng như những người thân của tôi đều không hiểu được tôi phiêu diêu  chỉ vì một chi tiết rất nhỏ trong thư anh để lại.

7 giờ sáng, máy bay hạ cánh tại sân bay Schoneteld phía Nam thành phố Đông Berlin. Thời điểm này ở Việt Nam đang vào tiết mưa đài rét lộc, còn tại đây băng chưa tan, gió và lạnh. Chị họ đón tôi tới nơi chị thuê trên căn gác áp mái trong  ngôi nhà ba tầng, cách trung tâm một cuốc xe buýt khoảng ba mươi phút.

Tôi ngủ mê mệt sau gần mười tiếng chập chờn trên máy bay, quá chiều mới tỉnh dậy. Ăn tối xong, chị họ trải tấm bản đồ thành phố Đông Berlin trên bàn. Vừa khoanh bút đỏ vào một điểm rất nhỏ trên bản đồ, chị vừa nói. Dì liều hết chỗ nói, thật là một việc không tưởng. Rất muốn giúp dì nhưng thời gian này chị đang tập trung để bảo vệ kết quả bốn năm nghiên cứu, nên dì phải tự thân vận động thôi. Lớp người cao tuổi ở thành phố này nói tiếng Nga rất tốt, dì có thể sử dụng vốn đã học để tìm kiếm. Tôi biết tính chị. Rất kiệm lời, nhưng chân thành.  Chị cẩn thận viết ra một tờ giấy, đánh dấu từng điểm tôi sẽ qua để tới được phố  Herzberg. Chị trao tôi một chìa khóa trước khi hai chị em đi về hai ngả.

Tôi dừng tại một điểm ở quận Lichlenberg. Dưới ánh nắng nhạt không đủ làm ửng lên màu xám của bầu trời. Trên con đường trải nhựa, chắc đã lâu không được tu sửa, tại những chỗ lõm xuống, những mảng băng đọng lại sau cơn mưa đêm trước chưa kịp tan. Thỉnh thoảng mới có ô tô chở rau, thực phẩm vào trung tâm, hoặc người đi xe máy vút qua. Chẳng có ai đi bách bộ, ngoài tôi.

Tôi đi qua những dãy nhà hoang tàn đổ nát bên cánh đồng  ngô với những cây ngô thân mập cao lút đầu mình, nó trải rộng cái màu xanh thẫm trong trống vắng bóng người. Đây là những hãng, những xưởng sản xuất xe đạp, phụ tùng xe máy, những xưởng dệt, xưởng bông đã đóng cửa sau ngày Đông Đức và Tây Đức thống nhất. Tôi chầm chậm đi qua nơi ở của công nhân Việt Nam xuất khẩu lao động. Những Vô Nung ba bốn tầng nằm trơ trọi giữa khu phố ít người qua lại. Sau những ô cửa sổ trống hoác  kia, không biết trong ô cửa nào đã từng lưu giữ bóng hình anh, những năm trước khi về nước.

Tôi suy nghĩ, rồi thầm đối thoại với chính mình về anh, về những người Việt Nam đã từng sang lao động ở đây. Chẳng biết tôi có chạm vào dấu chân của anh từ một trong những Vô Nung  kia bước ra không nhỉ. Bởi thứ sáu hàng tuần anh vẫn đến phiên “Chợ  Trời”.  trên con đường này mà.  Gió  từ cánh đồng ngô rào rào như đổ về tôi từng chuỗi tiếng thở dài bất tận.

Tôi vẫy chiếc ô tô chở thực phẩm sắp đi qua mình. Người đàn ông  chững tuổi  phanh  xe  dừng lại ngay. Sau khi tôi đưa địa chỉ  trên mảnh giấy. Ông vui vẻ mời tôi lên xe. Ông nói tiếng Nga như người Nga vậy. Mày là người Việt Nam? Vâng. Tôi là người Việt Nam. Mày sang du lịch? Không. Tôi sang tìm người thân còn ở lại Đức. Ông quay sang, ánh mắt  nhìn tôi là một câu hỏi không lời. Im lặng một lúc ông mới nói.  Phiên chợ thứ sáu không còn nữa, những tao vẫn đưa mày tới Herzberg. Cảm ơn ông ạ. Tôi thở phào, vì khởi đầu đã gặp may.
4

Màu sắc những ngôi nhà hai bên phố xám bạc, vàng  phai, cũ kĩ. Chắc nó vẫn như hồi anh còn ở đây thôi. Cả dãy phố chỉ có một lối  duy nhất rẽ vào con hẻm nhỏ. Không khó khăn gì với tôi khi tìm số nhà 33/z1. Tôi sắp đối diện với người đàn bà mắt xanh tóc vàng ấy. Sững lại trong giây lát. Ý nghĩ chợt thoáng  qua. Có phải tôi đã rồ dại bỏ ra một khoản tiền để đi làm cái việc chẳng liên quan đến mình không? Thúy và chị họ đúng hay tôi đúng đây.

Hít thở thật sâu mà tim vẫn đập mạnh. Tôi dướn lên một chút kéo dây chuông bên cửa. Cụ bà  cao gầy tóc bạc trắng, mũi khoằm như mỏ quạ, cằm nhọn, mặt nhàu nếp nhăn. Thoạt trông, bà chẳng khác gì mụ phù thủy trong phim hoạt hình. Bà nhìn tôi không hỏi, chỉ kéo cặp kính lão khỏi đôi mắt vành mi đã chảy xệ. Thưa bà, cháu muốn gặp cô Monik và con trai.  Giọng bà rè rè, những âm gió trong tiếng Nga của bà như hụt hơi. Nó không thuê nhà tôi đã lâu rồi. Bà có thể cho cháu biết mẹ con cô ấy chuyển về đâu không ạ? Cụ bà nhún vai giơ hai tay lên thay câu trả lời rồi đóng cửa. Hơn mười phút sau chân tôi mới nhúc nhích nổi. Chưa kịp quay bước, cánh cửa lại mở. Mônik đã theo chồng sang Bon từ mấy năm trước rồi. Tôi không giấu nổi thất vọng, khiến cụ bà nhíu trán nhìn người lạ từ đầu tới chân, từ chân lên đầu. Thằng  bé là con lai Việt Nam. Vâng ạ. Hãy đến trại trẻ mồ côi Yiteluo mà hỏi.
Chị họ vẫn chờ tôi về mới dọn bữa tối. Nghe tôi kể lại cuộc đối thoại ngắn với chủ ngôi nhà 33/z1, giọng chị  hào sảng hẳn. Chúc mừng dì, dù sao cũng  đã thấy điểm sáng ở cuộc kiếm tìm.

Mới 5 giờ sáng, chị họ đã đánh thức tôi dậy. Từ đây tới đó hơn hai giờ xe hỏa đấy. Lấy trong lò nướng  hai  bánh mì kẹp thịt hộp. Vừa dúi vào tay tôi một chiếc chị vừa nói. Chị sẽ đưa dì tới ga, phải khẩn trương mới kịp chuyến. Xuống khỏi xe điện ngầm, chị giục như quát vào tai tôi. Chạy nhanh lên tí nữa nào. Giời ạ. Đúng là thân làm tội  đời. Lớp băng mỏng trên đường vỡ vụn dưới gót giầy chúng  tôi nghe rôm rốp. Vừa lên tàu, nhìn ra sân ga đã không thấy chị họ đâu nữa. Cuộc sống công nghiệp đã thay đổi  chị thành một người linh hoạt khác hẳn hồi còn làm việc ở Hà Nội.

Vào mùa này, Đông  Đức 9 giờ sáng trời vẫn tối đặc. Tôi lại đưa địa chỉ trại trẻ Yiteluo cho người đồng hành giúp. Người phụ nữ bằng tuổi chị họ dẫn tôi ra tận bến xe buýt. Chị ấy còn vạch ngón tay trên tờ giấy có địa chỉ trại trẻ. Tôi hiểu ngay, tuyến buýt này sẽ đi qua đấy. Tôi tự ngẫm. Tất cả những may mắn này do ngẫu nhiên hay có hồn anh linh ứng. Tôi rùng mình kéo chiếc khăn len lên che ngang mặt. Anh đứng đâu, ngồi đâu trong chiếc xe buýt này, hay đang  ở bên tôi.

Xuống xe ở đầu  thị trấn Kieze, tôi phải đi bộ gần năm trăm mét  nữa mới tới.  Quanh tôi, những cây dẻ gai vẫn chưa tỉnh dậy. Lá xanh của cây vẫn thẫm màu đêm. Ánh đèn vàng vọt dọc con đường ven đồi hắt vào tôi một sự cô quạnh. Xua đi thoáng ân hận len lỏi trong ý nghĩ, tôi đi như chạy về phía trại trẻ Yiteluo.

Tôi đứng trước hai cánh cổng chính, phía trên có tượng Đức Mẹ Cứu Thế, trên nữa có tháp chuông. Ngoài cổng chính, hai cổng phụ nối với hai bức tường gạch  đã rêu phong khép kín khu nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Sau khi tôi kéo dây chuông, một nữ tu trẻ  đẹp như diễn viên điện ảnh, bước ra từ cổng bên phải. Tôi không nói được tiếng Đức, vị  nữ tu lại không nói được tiếng Nga.  Khi tôi đưa ra  tấm  ảnh hồi anh chưa đầy hai tuổi, vị nữ tu mời tôi vào phòng khách rồi cầm tấm ảnh đi ra ngoài. Củi trong lò sưởi đã tàn nhưng phòng khách vẫn ấm. Thời gian chờ đợi như  trôi qua chậm hơn chiếc kim đồng hồ treo trên tường kia. Tôi lại giở thư anh ra đọc.

Những dòng thư anh để lại tôi đã đọc, đọc đến thuộc những nét chữ nào anh viết xiêu vẹo. Bây giờ. Tại phòng khách của nơi nuôi dưỡng những đứa trẻ không cha mẹ, nơi cách xa đất nước của tôi và anh nửa vòng trái đất, tôi lại đọc nó. “…Đứa bé mắt đen tóc đen toét miệng cười. Nó giống hệt bức ảnh năm anh chưa đầy hai tuổi..” Chi tiết nhỏ này khiến nhiều đêm tôi trằn trọc không ngủ nổi. Phải chăng đấy là thông điệp anh cố ý để lại cho riêng tôi. Ngày anh mới  mất, có lần tôi được nghe một vị chân tu nói về linh hồn con người khi đã rời thể xác. Họ phải đợi trước nhiều ngả rẽ để nhận về mình  quyết định các ngả sẽ đến theo luật nhân quả. Có linh hồn được về cõi Phật có linh hồn phải xuống các tầng của địa ngục… Trong tâm tưởng tôi lại tin rằng, linh hồn anh vẫn quay trở về cõi này. Hơn nửa năm sau ngày đọc thư lần đầu, tôi mới quyết định đi tìm thằng bé. Biết đâu đấy là linh hồn anh thôi thúc tôi. Nhưng đào sâu suy nghĩ trong chính mình, tôi làm việc này chẳng vì ai, chẳng vì anh, ngoài tôi. Chỉ vì tôi yêu anh, nên  muốn đem đứa con có hình hài giống hệt anh về nuôi dưỡng. Thế thôi.

Thấy con gái quyết đi tìm con riêng của con rể, mẹ tôi buồn lắm. Bà rầu rầu từng lời. Buồn thương nguôi ngoai, con cũng phải đi bước nữa để sinh lấy một đứa con chứ. Chẳng nhẽ con đem nó về rồi ở vậy để nuôi nó ư?

Đi trước  nữ tu trẻ đẹp như diễn viên điện ảnh là vị nữ tu thấp bé đã luống tuổi. Trên tay bà cầm cuốn sổ to, dầy. Bà nói tiếng Nga khá lưu loát, và tự giới thiệu mình là người phụ trách cao nhất của trại trẻ Yiteluo. Bà mở cuốn sổ trên bàn, để tấm ảnh của anh bên hình thằng bé mắt đen tóc đen. Tôi như vỡ òa niềm vui, bởi sự giống nhau của hai con người trong hai tấm ảnh. Tôi chắp hai tay ép sát ngực mình biểu lộ sự vui mừng và biết ơn họ. Nhưng bà xơ già nhìn tôi giọng  trầm hẳn xuống. Tôi rất lấy làm tiếc phải nói với cô. Ba tháng trước, một gia đình ở Rostock đã làm thủ tục nhận thằng bé về nuôi. Tôi lặng đi vì thất vọng. Phòng khách cũng lặng đến nỗi chỉ còn nghe tiếng cách… cách… phát ra đều đều từ quả lắc của chiếc đông hồ treo trên tường. Chẳng biết vì thương cảm, hay vì  biết chắc tôi là người Việt Nam, bà xơ già cho tôi địa chỉ của gia đình đã nhận nuôi thằng bé và những thông số về ngày tháng năm sinh, về  nhóm máu và sức khỏe cụ thể của nó trước khi rời trại.

5


Nằm bẹp trong căn gác áp mái, tôi khóc. Không khóc như hồi anh mất, nhưng nước mắt vẫn mặn như thế. Mặc tôi sụt sịt, chị họ vẫn lẳng lặng làm bữa tối. Khóc nốt đi, rồi dậy ăn cho nóng. Hai ngày nghỉ tới tôi sẽ cùng dì đi Rostok, được chưa.

Dọc con đường ven biển qua cảng Rostock, xe đưa chúng tôi dừng trước số nhà 24 trên phốTraikowski. Mỗi tầng là một căn hộ. Người quản lí dẫn chúng tôi lên tầng ba. Vợ chồng nuôi con của anh không còn trẻ. Họ lịch thiệp. Sau vài phút chào hỏi xa giao, chị tôi nói ngay mục đích chúng tôi đến Rostock vì thằng bé. Đôi mắt xanh trong suốt của bà chủ bỗng thăm thẳm lạnh. Khiến tôi nhớ đến cái nhìn của nữ sĩ quan SS trong phim tình báo Đức. Người chồng ôn hòa hơn. Ông đứng lên dẫn thằng bé gần sáu tuổi, vẫn núp sau cánh cửa ban công từ lúc chúng tôi bước vào. Giọng ông trầm ấm. Nó là Hăngri Richter Việt. Tôi thốt thầm. Nó giống anh quá. Tôi đồng ý trả nó về Việt Nam, nhưng phải đủ giấy tờ pháp lí. Chị tôi nói. Cảm ơn ông bà, tôi sẽ quay lại một ngày gần nhất. Trước phút tạm biệt họ, tôi cúi xuống ôm lấy thằng con của chồng. Nó đứng yên không bỏ chạy khi tôi áp má mình vào má nó.

Cảm nhận được việc làm của em mình, chị họ không  trách cứ như ngày tôi mới sang.  Chị nói.  Dì cứ yên tâm về nước xin xác nhận nó là con của chú ấy, đồng thời  lo thủ tục pháp lí để được nuôi dưỡng nó. Mọi việc còn lại ở bên Đức tôi sẽ lo tất.
6

Tết đang đến rất gần. Trên các nẻo đường Hà Nội đào quất đã ngược xuôi nườm nượp. Trong căn nhà tôi đang sống vẫn tạnh vắng màu sắc của mùa xuân.

Tôi biết nhìn cảnh cô đơn của  con gái  mẹ tôi rầu ruột lắm. Chắc mẹ muốn nói nhiều, nhưng e lại chạm đến nỗi mất mát chưa nguôi của con, nên chiều nay mang  cặp bánh sang  đặt trên bàn thờ anh, mẹ  vẫn dè dặt từng lời.  Mọi giấy tờ cần thiết con đã gửi sang đã lâu, sao vẫn chưa có tin gì, hay trục trặc rồi. Mẹ nghĩ, thằng bé không về Việt Nam có khi tốt cho cả nó lẫn con. Trong lời mẹ ẩn chứa nỗi xót xa cho tôi. Nhưng mẹ không hiểu, tôi muốn nuôi thằng bé chỉ vì không quên được bố nó. Mẹ cũng không thể biết, lâu nay tôi vẫn sống trong hoài niệm và hi vọng. Có lẽ hoài niệm và hi vọng đã khiến tôi tồn tại trong  sự góa bụa này.

Phút giao thừa đã đến. Quanh tôi tĩnh lặng  hơn cả những đêm không phải Tết. Mưa bụi đọng trên lá chuối ngoài vườn, chầm chậm từng giọt rơi chạm đất. Có tiếng gõ cửa nhẹ. Rất nhẹ. Từ ngày anh mất, những bóng sáng đục mờ từ ánh đèn đêm hắt vào lẫn  tiếng va nhẹ của gió lên cánh cửa khiến tôi luôn bị ảo giác, anh  về. Tôi rùng mình so vai khép kín khăn choàng. Tiếng gõ cửa lại mạnh hơn, mạch lạc hơn, khiến tôi không thể ngồi yên được nữa.

Tôi thất thần giữa hai cánh cửa mở rộng. Chị tôi và thằng con của anh đang đứng trước mình. Phía sau họ, mưa bụi giăng giăng như tấm voan rộng. Tôi căng mắt ra nhìn, vẫn hồ nghi đây chỉ là ảo giác.

Nguồn Văn nghệ số 11/2016