(Minh hoạ – Nguồn: internet)

1.

Thật bực mình khi bên tai Lụm cứ nghe một âm thanh gì đó. Không phải tiếng nhạc. Không phải tiếng nói. Lắc đầu. Âm thanh bay vọt qua tai. Dội lại. Bịt kín cả hai tai. Âm thanh chui tọt qua những kẽ ngón tay. Cứ ong óc. Ong óc.

Ong óc gõ vẫn còn trong đầu khi Lụm bưng chén yến đi từ dưới bếp vào buồng.

Tụi mày có nghe thấy ong óc không? Lụm hỏi lớp sợi trắng lờ đờ tách nhau dưới sóng sánh nước trong chén.

Đám sợi không trả lời Lụm. Chắc tụi nó còn mắc ngủ. Như bà nội vậy. Bà cũng ngủ. Lụm đẩy két cánh cửa buồng, đến con Mướp già còn giật mình nhảy phắt lên giường lông dựng đứng mà nội vẫn nằm, không quay lại.

Lụm tới chạm vào vai nội. Vai mỏng dính. Chạm như chạm vào mấy cây củi khô hay vác rượt tụi cừu. Giờ mới biết mắt nội đang mở. Mở mà cứ như nhắm. Cứ ti hí, ti hí. Quơ tay ngang cũng không thèm chớp.

“Ăn yến, nội!”

Lụm ẩy ẩy cái vai.

“Quay nội qua…”

Giọng cất lên thều thào còn hơn gió luồn qua cửa sổ.

Lụm lật người cho nội nằm ngay lại, hì hì cười nội còn thua con Mướp. Con để nó xuống phản, ngửa ra, thả tay đã thấy nó lật úp lại.

Nội cười giơ cả lợi. Lợi hồng hồng. Thím Ba nói bậy. “Mẹ ông sao mà sống dai như đỉa!”. Nội không phải đỉa. Lợi nội hồng. Đỉa có lợi đỏ. Lụm bắt thử đỉa dưới ao rau muống rồi. Đỉa ngo ngoe, ngo ngoe. Vạch miệng đỉa ra. Cắt phụt. Đỏ văng từ miệng đỉa lên bắp chân. Chân lấm tấm đầy hoa đỏ.

“Đỉa không sống dai. Nội à!”

Nụ cười không còn răng của nội như mở mà không đóng lại được. Hai cái hàm nhúc nhích, nhúc nhích từng chút rồi mới sập lại. Mấy cuộn da xếp lớp bên mép cứ giần giật, giần giật. Muỗng yến đang ngậm trong miệng nội cũng giật.

“Thôi, nội không ăn nữa…”

Nội toàn bỏ mứa yến. Mấy sợi trắng vắt vẻo ngang muỗng nhìn Lụm vẫy vẫy. Lụm nhét tọt đám sợi trắng vào miệng, húp rột nước. Yến vẫn chẳng có gì ngon. Cọng chát lè, kêu lên từ trong miệng cứ sừng sực, sừng sực.

Sừng sực vẫn không bực mình bằng ong óc bên tai.

“Có tiếng gì đó, nội. Đi đâu cũng nghe. Ong ong. Ong ong. Đầu bị gõ như cái chuông.Tiếng chạy lên đâu từ dưới này…”

Nội mở choàng mắt trên giường. Mắt sáng quắc theo ngón tay Lụm gõ gõ xuống đất. Mắt như muốn lôi cả người bật dậy trên giường.

“Con cũng nghe hả Lụm? Con nghe hả? Tiếng đất đấy!…Tiếng đất…”

2.

Ngày bà theo chồng về thì đất chỉ mới gồm một rẫy khoai lang lơ phơ với mấy cái mả hoang đùn lên chỗ này chỗ kia như ụ mối. Đất yêm, nước ăn mạch từ núi, chỉ cần chọc cây xuống chưa đầy nửa thước đã thấy nước dù trên mặt rõ ràng toàn cát là cát. Cát trắng nhức. Cát muốn vuột chân giữa trời trưa nắng. Cát là lớp da đất phủ lên để đánh lừa những ánh mắt chỉ quen đánh giá mọi thứ trên bề mặt.

Chồng cắm lưỡi leng đầu tiên lật tung lớp da ngụy trang của đất, cát văng lên, trắng mà bệt vào nhau ướt rượt.

“Chỗ này cũng còn yêm!”

Bà nhớ tiếng reo chồng đã òa ra như một trận gió. Gió lăn lào xào, lào xào cát trên cả cái nón lá bà đội khi đang né mấy bụi gai ác hầu để lên gò.

Phát ranh. Đốt gai. Dọn đất. Trộn cùng màu cát trắng có cả mồ hôi chồng, cả nước mắt bà ộc ra khi cuốc phạm một lưỡi leng lên chân hay ngồi gỡ một cái gai xuyên lút ngón tay.

Khi ngôi nhà vách đắp đất trộn rơm với giàn rui mè cao chắc nụi lừng lững mọc lên trên gò đất mới phát thêm cũng nhu nhú màu dừa, màu xoài, màu đào lộn hột non rẩy lốm đốm những khoảng xanh giữa màu cát trắng, thì da bụng bà cũng căng lên, chuẩn bị cho hạt mầm đầu tiên cùng chồng được bật chồi.

Hạt mầm ấy bà đẻ rớt ngay trên đụn cát gần quạt gió. Cái rổ gióng gánh mấy bình ắc quy nhà hàng xóm gởi sạc điện bà trút ra bỏ lên đó đứa con đỏ hỏn, da lèo nhèo như con mèo ướt. Chồng chạy xuống từ đám khói đốt ranh mịt mù ẵm thằng nhỏ lên, lắc lắc ba bốn lượt mà cát vẫn chưa rớt ra hết khỏi chân, khỏi lưng, khỏi cặp môi tí xíu mà bặp cứng ngắc như quyết giữ tới cùng những hột trắng như muối dính đầy trên mép.

“Thằng này sau này giữ đất thần sầu đây! ”

Chồng cười khà khà trong tiếng quạt gió quay cành cạch. Đó là lúc đất đã từ cái gò vốn chỉ có gai ác hầu và cây dại kéo ra đến tận chân động cát.

Gần chân động, cây bình thường không xuyên nổi qua mấy tầng cát để tìm mạch yêm, nên bữa đó chỉ có hàng quạt gió nghe cùng bà lời đoán về đứa con giữ đất thần sầu.

Đứa con thứ hai không có lời đoán nào cho nó lúc chào đời. Nhưng cả tuổi nhỏ của nó là những ngày lê la ngủ lăn lóc hết mọi góc đất quanh nhà, ngủ tràn cả xuống khu đất mả. Mấy người vào ruộng giữa lúp xúp mả đánh dông lúc ẵm, lúc cõng xuống giao lại cho bà một đứa nhỏ mắt khít khịt mà miệng cứ chóp chép, chóp chép như đang nhai thứ gì ngon lành lắm. Lạ là những lúc lên giường, lên ván ngủ đàng hoàng chẳng bao giờ nó chép miệng một lần. Tựa hồ những giấc mơ nhai chỉ đến khi nó nằm trong đất. Nhiều lúc bà phải nghi ngờ không biết thứ nó đang chóp chép là tưởng tượng của giấc mơ, là mùi đất. Hay là chính đất.

“Kệ đi. Có nằm đất, ăn cát lớn lên thì tụi nó mới biết thương, biết quý đất chớ!”

Chồng vừa “quành họ” chỉnh một đường bò cày, mắt vừa hấp háy hài lòng như thế khi cùng bà nhìn ra luống đất sát mép bờ cỏ. Thằng con có giấc mơ nhai đang ở đó. Như mọi lần, nó ngủ. Má áp cả vào mặt đất phồng lên xốp xộp sau những lằn cày. Thằng anh lớn bên cạnh chơi trò phá xấc cầm cọng cỏ gà chọt chọt vào cái miệng đang chóp chép. Đứa con út chưa đầy tuổi bò lia lịa về phía hai anh, đầu gối ngập trong cát, chim lủng lẳng chấm cát, miệng cười hăng hắc. Đứa đang ngủ vùng dậy. Ba thằng con trai của bà ôm nhau lăn cù trên luống đất mới. Cát bắn tung tóe. Cát văng cả qua đám đất bên kia bờ cỏ. Lấp xấp cát trắng nổi lên giữa bền bệt cát và rơm ngâm nước đã ngả màu.

Cải tạo hết vùng cát mé bên hông đám rẫy khoai lang ngày nào để làm đất ruộng. Mặt nam của đất cuối cùng cũng đã được chồng mở rộng ra, bờ ranh bao tới tận đường làng.

3.

Ong óc… à không, tiếng đất vẫn còn trong đầu khi Lụm ra tới cửa.

Chú Ba đang ngoắc ngoắc tay cho hai người khiêng một cái hộp chùi qua cửa. Cái hộp dài thòn. Đầu vuông vức. Thân vàng, nắp vàng như pha nghệ. Hộp có cả những cái hoa. Hoa vàng, hoa trắng nhé. Hoa chạy loằng ngoằng, hoa chấp chóa còn đẹp hơn cả màu nắng nhé.

“Chưa gì hết mà mua hòm?”

“Sẵn đi chớ. Sẵn thằng này cũng đang khai trương, giảm nửa giá.”

Chú Ba hềnh hệch cười. Chú Hai không nói gì. Chỉ nhíu mắt.

Hai người khiêng lễ mễ thả cái hộp xuống đất. Thả mạnh khiếp. Rền cả đất. Đất giờ không chỉ kêu mà còn run bần bật. Chú Hai, chú Ba giẫm cả lên mặt đất đang run bần bật, lắc lắc mở thử nắp hộp. Nắp cuối cùng cũng xê ra được cả khúc. Lại gần mới thấy dưới cái nắp thật xấu. Cả một khoảng trống cứ toang hoác, toang hoác. Lừ lừ tuôn ra từ khoảng trống còn có cả hơi lạnh. Lạnh nổi gai ốc.

“Con khùng này. Xê ra coi! Tróc sơn tao đánh lọi tay giờ.”

“Chú Tư nó lại đi đâu rồi cà?”

“Dạo này anh hay hỏi chú nó quá! Định rù chú nó chuyện gì đây, anh Hai?”

“Chú ăn nói cẩn thận đó!”

“Sao là cẩn thận? Anh nên nhớ. Không phải anh, không phải chú nó, là tui, là tui ở với bà già từ đó giờ. Phần chú nó, chú nó không lấy, thì phải chia cho tui.”

Chú Ba đỏ gay mặt lên rồi. Kinh nghiệm mỗi lần mặt chú có màu giống mặt gà cồ thì nên đi chỗ khác. Đi đâu ta?

“Lụm…Lụm…Biểu!”

Thím Ba mặt cũng đỏ như gà cồ thò ra từ cửa bếp. Năm ngón tay thím cũng đỏ. Lửa bếp đúc năm ngón tay thành năm con đỉa vẫy vẫy đến là ghê.

“Tao hỏi. Yến hôm qua giờ mày ăn? Hay bà nội? Khai thiệt mau.”

“Nội ăn chớ…”

“Vả chạt bây giờ. Còn thiên tinh! Cọng đu đủ cứng ngắc bả ăn được hả mậy?”

“Thím Ba…Thím gan thiệt. Lỡ mấy ổng biết…”

“Mấy ổng còn không mong bà già đi cho lẹ.”

“Thím nói vậy tội chết!”

“Tui nhà quê. Thấy sao nói vậy. Còn hơn mấy người bụng tính tới đâu mà miệng còn làm bộ…”

Lửa có chân không? Lửa chạy từ những ngón tay thím Ba vào thẳng mắt thím Hai rồi. Rừng rực. Rừng rực. Bếp hầm hập lửa. Nhà trên cũng hầm hập nóng, đánh bay cả hơi lạnh từ cái hộp.

Đi đâu đây? Đất thì kêu. Hầm hập thì ở khắp nơi. Cừu cũng không hiền nữa, cứ húc đầu vào nhau cồm cộp, cồm cộp trong chuồng. Cá dưới ao cũng không hiền, đuôi đập cắn nhau loạn xạ gãy cả bông chuối nước.

Đi đâu đây? Khạc. Khạc. Cọng đu đủ thòi lòi ngang cổ họng. Thì ra không phải sợi yến. Là cọng đu đủ xắt xớ dài ngâm nước.

Đi đâu đây? Chú Tư cứ đứng chàng ràng, thập thò, chắn cả cửa vô buồng bà nội.

“Nội sao rồi Lụm? Nội có mở mắt được không? Nội có đỡ hơn chút nào không?”

Chưa kịp trả lời điện thoại trong mình chú đã kêu tóe lóe. “Ừ…Ừ…Cũng đang sửa soạn một số thứ…Hồ sơ thủ tục xong rồi mà. Chờ ngày đi thôi…”. Câu trả lời nuốt lại xuống bụng, nuốt cả cọng đu đủ. Chú có nghe đâu. Điện thoại dẫn chân chú ra tuốt luốt sau nhà. Đất đang kêu theo tiếng chân chú ra tuốt sau nhà.

Bà nội nói là không nghe tiếng chân. Nội xạo. Lụm thò đầu vào rõ ràng thấy mắt nội đang chảy nước.

Chẳng thích mắt nội cứ chảy nước. Chỉ thích nội cười. Cười như hôm đem cho cái bánh tráng giòn rụm: “Ăn đi con. Tội. Mày ở đâu lạc vô đây? Nhà này có người cũng như không. Mày ở lại với nội nhen.”

Bánh tráng xuống cổ mềm sụn. Mắt nội mềm. Đất trên rẫy khoai lang bữa đó cũng mềm.

Đáng lẽ phải kể nội nghe, từ bữa đó kìa, bữa xỉu vì đói giữa rẫy khoai lang chỉ còn dây, Lụm đã nghe tiếng đất kêu.

4.

Bà phát hiện ra thằng Hai bán đất khi người ta nhổ phăng lên khỏi cát cây quạt gió. Dây điện kéo vào tận chòm rẫy xa nhất năm sáu năm rồi. Những thân quạt thành trụ bắt điện, trụ đỡ mái chuồng cừu. Cây quạt cuối cùng được để lại vì chiều chiều ông vẫn thích chống gậy lên sân lúa, nheo nheo mắt về phía những vòng cánh quay xoay tít. Tới chừng bà cũng đứng trên sân lúa thì những vòng quay đã rệu rã lắm rồi. Những cánh quạt sét sẹt lâu lâu còn khậc khậc lên rõ ràng trong dề dề tiếng gió. Khậc khậc y chang tiếng ho ông. Khi bà nhìn về phía quạt gió, sân lúa không phải chỉ một mình bà. Lúc nào cũng có ông.

Vậy mà thằng con “sau này giữ đất thần sầu” đã để người ta bứng trước mắt bà cả thân quạt, cả cát. Cát bay xấp xóa. Cát tả tơi bay cùng mảnh gió gãy lìa rào rào đổ xuống buổi chiều trên sân lúa.

Cát còn đổ nhiều buổi chiều như thế nữa. Cuộn thành cả một cơn lốc xoáy, cát quất rát rạt lên ngọn cây đào che ngang cửa sổ bà nằm. Giật bung cánh cửa, cát phơi trước mặt bà lún phún dãy mái giả ngói đỏ kè của khu nhà nghỉ mọc lên, cong cớn như một ngón tay chĩa thẳng vào giữa đất. Đất rung lắc lần đầu tiên trong giấc ngủ bà đêm đó.

Căn nhà ba lầu của thằng con ở phố thì im ỉm không một tiếng động sau ba lần cửa. Chừng thấy bà kêu rát quá, luồn ra cổng sau, nó xách cặp tà tà đi vô từ đầu hẻm, người đang đi làm về mà chân lẹp xẹp dép Lào.

“Con khổ quá má. Ổng kí giấy kí tờ bán đất bán đai cho người ta sao mà giờ họ kiện bung xung ra. Không có tiền lót thì chỉ nước ở tù…”

“Má…má thương con. Má thương con… Một lần thôi má. Má nỡ giữ đất nhà mình mà để con má chết sao, má ơi!”

Người mẹ trong bà lúc ấn dấu tay vào khoảng trắng trên tờ giấy cắt hết phần đất từ sau khoảng trống của cây quạt gió đến gần đụng sân lúa cho công ty du lịch vẫn nói rằng bà đang làm đúng. Bà là mẹ. Một dấu tay, một khu đất trả nợ cho bao nhiêu chữ kí, bao nhiêu mảnh đất dưới tay con. Dù tiếng khóc từ những vạt cát dưới chân động đêm đêm vẫn thổi về cay xè giấc ngủ bà. Thì bà vẫn tin. Mình đã đúng.

Niềm tin có long ra một mảng khi thằng con thứ hai chân này đá chân kia uỵch xuống trước bà, cặp môi tím lịm như trái mực sưng vều vẩu ra, lệu bệu lều bều. Rượu lẫn tiếng nấc cụt thi nhau văng ra.

“Má coi. Tụi nó đánh tui như vầy. Hức. Ba ngày nữa không trả hết nợ, tụi nó đánh tui chết. Hức. Tới chừng đó má đừng hòm hiếc chi cho tui hết. Cột chiếu, đào cái lỗ được rồi. Hức. Tui sống không nên thân nên đáng chết vậy đáng lắm. Má lo mẹ con mấy đứa nhỏ giùm tui.”

Tới đây thì thằng con khóc rú lên. Đứa con dâu và hai ba đứa cháu lút chút ngóc về phía bà cũng rú lên.

Cắn chặt môi, bà kệ một tiếng chao rền lại dội lên từ đất, không thể không gật đầu.

Lại những tờ giấy. Lại những cái ấn ngón tay. Ba năm để bãi đất cát thành ruộng xanh màu lúa. Ba năm để bờ ranh đất từ rẫy khoai lang kéo ra đến đường làng. Và ba ngày để đất trở lại điểm rẫy khoai lang.

Đứa con đang sống cùng bà nói rằng ba ngày nữa là người ta giết nó, bà biết phải làm sao. Dù nó là đứa trồng ba năm không lên được một cây đào, đứa nuôi lứa cá cả năm trời dưới ao không đủ câu lên làm mồi nhậu. Đứa thích ngồi xổm ở các sòng xóc đĩa, đá gà giờ nhan nhản trong xóm hơn ngồi ngắm bầy cừu nhà gặm cỏ hay những mầm lúa non tách đất cát vươn lên.

Bà phải làm sao? Quạt gió bị nhổ rồi. Không còn ông bên cạnh trong những buổi chiều trên sân lúa, bà biết hỏi ai ngoài trái tim người mẹ rối bời, lo lắng. Trái tim cột bà vào một niềm tin, dù có đứng trước những cái mả mới tự nhiên mọc lên xen lẫn trong khu đất mả gia đình. Khu đất thằng con ngày nhỏ cứ chui vào là ngủ lăn ngủ lóc.

“Người ta không có chỗ chôn. Đất nhà mình rộng rinh. Má làm phước đi!”

Tiếng nổ từ chát chúa từ ống bô của chiếc xe cáu cạnh mới mua không làm giật thót, lay chuyển được trái tim người mẹ. Trái tim dại dột bỏ qua mọi linh cảm. Trái tim suýt nữa giết bà.

“Chú dở quá. Bắt một chiếc như thằng Ba mà đi. Tiền nhà mình đâu thiếu. Tiền nằm trong đất.”

“Khóc dữ vô. Không xài bài của anh Hai được thì lấy của anh: Giang hồ dí. Ngon luôn!”

“Thôi đi chú. Bổn cũ soạn lại. Má không mắc lừa đâu!”

“Anh khéo lo. Má thương nó nhất. Kể gì…”

Cơn quặn ngang ngực bên ngoài gian thờ có ba đứa con trai tới được cửa buồng thành một tiếng nấc. Cơn quặn vẫn còn. Thình lình điếng lên. Như có một mũi dao xóc thẳng, xuyên lủng. Bà đổ sầm xuống, tay còn không kịp nắm cánh cửa.

Khi bà tỉnh dậy thì cơn đau ngang ngực đã tiêu biến mất. Chỉ còn tiếng đất. Đất không quất rào rào những ngọn roi cát lên cửa sổ. Đất không khóc. Không rung lắc. Đất là cả một cơn thịnh nộ. Thét lên, tiếng thét rít tựa hồ thủng màng tai, đất như đang giật xé, đang nứt toác ra, sụp xuống. Ầm ầm, ầm ầm. Bốn bức tường xung quanh bà lắc lư dữ dội, nền nhà chao đi. Tất cả cũng sẽ sụp xuống. Những đứa con ông tiên đoán, hi vọng. Những đứa con bà gạt qua tất cả để tin tưởng. Những đứa con sinh ra trong đất, ngủ trong đất, lớn lên từ những giọt mồ hôi của đất. Chúng đang há hốc miệng ra. Những cái miệng khổng lồ như miệng hang thông thốc gió. Gió dữ hơn cả những cơn bấc muộn. Bị hút tọt vào, biến mất giữa những cái miệng là từng vạt đất, từng góc đất, cả dải đất. Sao bà không nhận ra đất đã gởi bà một điềm báo là giấc mơ nhai của đứa con thứ hai.

Không.

Bà xô mạnh cửa buồng trong tiếng đất thét rít. Tiếng ồn ào của mâm cúng giữa nhà lặng phắt.

5.

Có một lúc tiếng đất bỗng im bặt đó là bữa bà nội xô cánh cửa. Im bặt thật đáng sợ. Im bặt như đang găm gút, như đang dồn trút cơn giận vào chỗ khác. Cơn giận có trút vào bà nội hay không. Mắt nội như đổ lửa.

“Đám con trời đánh này. Gặp ba còn lõ mắt ngó!”

Cây gậy quăng chíu ra giữa mâm. Chén bay. Bia bay. Người cũng bay.

“Đất là thịt. Là máu. Bán, tao cấm! Mày…”

Đầu gậy chĩa xuống gậm bàn. Chú Hai mắt rớt mất cặp kính lồi hẳn ra, xanh lè như mắt ếch.

“Mày…”

Đầu gậy chỉ ra sân. Chú Ba đang ráng nhét khúc mình giấu sau cây cột, bỏ quên cái mặt. Mặt thò ra là mặt con gà cồ bị cắt cổ, tái mét.

“Tao không cần tụi bây cúng tao bằng thịt, bằng máu tao!”

Mâm cúng rảng thêm lần nữa. Cả cái mâm ụp xuống đất. Con Mướp chạy tới. Chú Hai bò bò từ gậm bàn ra cửa, đầu đội cả miếng thịt.

Lụm muốn cười ngất ngư. Nhưng thím Hai, thím Ba cứ níu lấy tay: “Má… má… bả bị nhập..”, bóng rúm nhỏ còn hơn con Mướp.

Bà nội gác một chân lên ghế. Châm thuốc, nhả phà phà.

“Tao về chỉ nói nhiêu đó. Tụi bây cãi lời. Là coi chừng…”

Thuốc tàn khói. Mỗi chú Tư chạy lại đỡ bà nội từ từ gục xuống. Chú khóc.

6.

“Con biết bữa trong đám cúng là má… Không phải ba!”

Thằng con út đã ấp bàn tay mỏng giơ xương của bà bằng cả hai bàn tay nó, mắt đầy xa xót.

Mải miết chỉ có học và học, mải miết nơi thành phố xa xôi, năm chỉ xẹt về nhà vài ngày nghỉ mà nó biết sao? Biết người xô cánh cửa buồng ngày cúng đó là má nó. Là người mẹ đáng thương không biết làm sao để răn dạy các con mình ngoài việc mượn sự trở về của một linh hồn.

Hay là đã có sự trở về thật của một linh hồn? Tới giờ này bà vẫn cảm giác không chỉ có một mình bà trong lúc đó, lúc xô cánh cửa buồng. Là hồn người chồng đã mất hay là hồn đất? Là điều gì đã khiến đứa con đầu bị trộm cạy ba lớp cửa, nguyên két tiền trên lầu rỗng không, sạch nhẵn. Là điều gì khiến chiếc xe mới cáu của thằng con thứ hai phi thẳng xuống ruộng gãy cổ còn người thì treo chân trong bệnh viện gần cả tháng. Hai đứa con dâu xanh mặt bấm bíu nhau sau lưng bà: “Đất nhà này có ma giữ thiệt rồi.”

Bà phải cảm ơn con ma. Nhờ có nó giờ đất vẫn còn đây. Dù chỉ là trơ trọi, xơ xác một dãy gò. Từ ngày ông mất, những hàng dừa cũng quéo đỏ ngọn, lụi dần. Đến mùa xoài, ngẩng lên, giữa vòm lá xanh chỉ thấy những trái èo uột, da héo, cuống đen thui rầy. Đào còn không ra trái, chỉ có lá vàng rụng dưới gốc cây khô đét hết lớp này sang lớp khác. Gió tốc lá mốc meo rải trên những vạt cát thâm sì, chồng cả lên màn nước mỏng chỉ còn đủ lập lờ dưới đáy giếng.

“Mạch yêm đang chết!”. Ông thầy phong thủy đi ngang đất chỉ tay lên mái ngói cong vòng của khu nhà nghỉ bỏ dở gần chân động cát. “Chấn đầu mạch mà dở dang thì thứ gì cũng dở.” Thằng con đầu nghe lời phán khậc khậc cười: “Ông thầy vậy là ở đâu tới xứ này rồi. Xứ này dự án dở, công trình dở đầy, mà người ta cứ phất ào ào, dở chỗ nào?”. Bà nhìn cái miệng cười tét lét của thằng con, bàng hoàng nghĩ đến bao lổn ngổn, bao dở dang nữa vậy là đã vắt ngang, cắt đứt mạch sống của bao nhiêu mảnh đất khác.

Thời buổi này không ai nghe tiếng đất? Hay là đến đất cũng mỏi mệt rồi trước những ơ thờ, hờ hững nên im bặt, nên câm lặng không buồn cất tiếng?

Thời ông bà, sống cùng đất là sống cùng những tranh đấu, mở mang, gầy dựng. Những gầy dựng rồi lại trở về tro bụi lớp người tạo ra nó cũng dần thành tro bụi theo thời gian. Sinh rồi diệt. Vòng tròn đời đất nào khác vòng tròn của một đời người. Vậy mà sao bà vẫn mong đất lại sống. Mạch yêm lại không ngừng tuôn chảy dù chỉ trơ trọi một dải gò.

“Má…nếu má để hết đất này lại cho con…Con tính sao?”

Bàn tay còn lại bằng hết sức lực bà đặt lên cả hai bàn tay của đứa con trai út. Đứa con trai không nói một lời trong gian thờ. Đứa con trai đã khóc trong ngày cúng. Đứa con trai là hi vọng cuối cùng.

“Con… sẽ đi du học , má à… Trường sắp có quyết định rồi…”

Bàn tay bà rời khỏi tay con trai lúc ấy là bàn tay không cách nào gượng lên được nữa. Những thịt thà, sữa bánh đưa vào miệng bà không cách nào làm cho trôi xuống được nữa. Ông bác sĩ đứa con trai đầu chở về từ tận bệnh viện trên phố lấy ống nghe ra khỏi người bà không nói gì, chỉ chặt lưỡi. Sau lưng ông, bà đã nhìn thấy những ánh mắt. Những ánh mắt dù vội giấu đi vẫn không dập được những lấp lánh, những sáng bừng.

Không ai được phép bước vào buồng bà từ sau những ánh mắt.

Bà ráng ăn yến. Có trào lên cũng nuốt. Có là cọng đu đủ xắt nhỏ cũng nuốt. Bà không thể chết. Không cần ai cả. Bà sẽ là người giữ đất này tới tận cùng.

7.

“Ăn yến, nội!”

Bà ráng mở choàng mắt khi vai lại bị ẩy ẩy đi bởi một bàn tay quen thuộc. Định gọi “quay nội qua” cũng đã thành quen thuộc, nhưng sực nhớ mình vẫn đang nằm ngửa, bà chỉ ráng nheo nheo thêm để nhìn rõ cái đầu tóc bù xù đang ở trước mặt mình.

“Ha. Nội chịu dậy rồi. Không có yến đâu. Con xạo á. Mà không phải… Không phải yến…Là cọng đu đủ…”

Cái đầu gác hẳn lên thành giường. Câu nói nhễu nhại rớt ra cùng cả đám rớt miếng.

Còn lại bên cạnh bà rốt cuộc chỉ có gương mặt đần đục này. Gương mặt của đứa nhỏ bà đem về từ rẫy khoai lang. Đứa nhỏ không thân thích, không máu mủ. Đứa nhỏ đất đem đến cho bà. Đứa nhỏ như một thứ trái úng dập móp méo mà lại biết nghe tiếng đất. Sao bên cạnh bà, chỉ mình nó, mình nó là biết nghe tiếng đất?

Bà đã mệt lắm rồi. Mắt bà díu lại. Tai ù ù. Nhưng bà sẽ không chết. Cọng đu đủ trong chén yến của đứa con dâu nói rằng chúng hết kiên nhẫn rồi. Chúng đã đợi bên ngoài giường bệnh bà bao nhiêu tháng. Chúng đã đợi chôn bà cùng con ma giữ đất bao nhiêu tháng. Nhưng bà sẽ không chết. Bà nhất định phải ngồi dậy, phải cầm cây gậy dài, xô cánh cửa buồng, nhắc lại nỗi sợ đã tan loãng chỉ mới sau bao nhiêu tháng.

Bà sẽ không chết. Dù cơn lạnh từ dưới gan bàn chân đang kéo lên. Cả một tấm mền lạnh toát đang kéo lên. Qua đầu gối. Qua thắt lưng. Qua hơn nửa thân người.

Bà không thể chết. Không đứa con nào cùng bà giữ đất. Thằng con đầu bán cả vạt cát đỡ lấy nó lúc chào đời. Thằng con thứ hai đổi những trận độ gà, chiếc xe xịn bằng khoảng đất đã bọc nó ngủ vùi.

Bà chết làm sao được. Thằng con út… Đứa con duy nhất không động vào một tấc đất. Lại không phải vì yêu thương, gìn giữ mà chỉ là vì nó không cần, không tha thiết. Dù với nơi đã nuôi nó lớn. Dù với chút hi vọng của người mẹ đã nuôi nó lớn. Nó đã có một khoảng trời.

Những đứa con của bà. Sao chúng không một lần thử lắng nghe tiếng đất?

Lụm…Lụm ơi. Đỡ bà dậy. Bà phải xuống giường. Bà phải quỳ xuống thay các con bà mà ôm lấy đất. Bà phải dùng nước mắt để làm dịu những vết thương các con bà đã đâm vào lòng đất. Bà là mẹ. Đất cũng là mẹ. Nước mắt người mẹ sẽ đắp lên vết thương trong lòng một người mẹ để cầu xin một tha thứ, một bao dung.

Lụm…Lụm ơi… Bà không thể chết. Dù chờn vờn trước bà, đôi mắt khóe đọng một vệt gì như vệt cát chảy dài kia đã khép. Và một cánh tay già nua, mỏng dính như một cành khô đang chới với giơ lên đã cứng ngắc, tự bao giờ.

Cánh tay đó, con nhỏ Lụm khùng đã nắm, đã kéo, đã lắc biết bao nhiêu rồi mà vẫn không chịu nằm ngay lại trên mặt chiếu.

“Bóp rượu là thẳng ra hết!”. Người con trai thứ hai vào buồng, chỉ liếc qua cánh tay rồi lật đật chạy ra. Ông anh đầu đang gầm rít với vợ anh ta vì dám thay yến trong chén bằng cọng đu đủ.

“Bà già còn chưa viết di chúc…”

“Ai biết! Ai kêu mấy ông chở hòm về! Tui tưởng xong xuôi hết rồi!”

Cô em dâu cũng không vừa, chống tay lên hông trừng mắt.

Ngoài căn buồng nháo nhác lên, ồn ào những tiếng chửi, tiếng la, tiếng khóc.

Còn lại trong buồng, người con trai út đang gục mặt bên giường chợt giật mình vì con nhỏ Lụm khùng chợt níu anh, kéo kéo. Ngẩng lên, tần ngần một lát, rồi anh cũng cũng làm theo nó, run run nắm nhẹ lên cánh tay đang đưa ra của người chết. Cánh tay đang cứng ngắc thình lình mềm nhũn ra, rớt xuống. Bàng hoàng, người con trai út nghe dậy lên bên tai mình một âm thanh gì đó thật khẽ mà nức nở, mà day dứt. Âm thanh hình như từ mặt đất.

N.T.K.H

(Nguồn: Tạp chí NV&TP)

(Đăng lại từ Vanvn.net)

Exit mobile version