“Ở Pháp, như một thứ luật tuy không thành văn bản, tên các tiểu thuyết liên quan đến Việt Nam buộc phải có “cánh đồng lúa”, “ngôi chùa”, “nàng công chúa”, “bà kể chuyện”,… Đã đến lúc phải cho công chúng Pháp biết tới thế hệ văn chương mới này của Việt Nam” – Tiến sỹ văn chương Đoàn Cầm Thi phát biểu trên báo Pháp mới đây về công việc mới của mình: tuyển chọn, dịch và xuất bản văn chương đương đại Việt.
Tiến sỹ Đoàn Cầm Thi (phải) tại một hội thảo ở Paris, Pháp. |
Nhà nghiên cứu, phê bình Đoàn Cầm Thi vừa thành lập một tủ sách mang tên “Văn học Việt Nam đương đại” tại nhà xuất bản Riveneuve. Người có cuộc trao đổi với Đoàn Cầm Thi là nhà báo Jean-Pierre Han. Ông là giám đốc tạp chí “Frictions” và là tổng biên tập tờ “Les Lettres francaises”, một trong những tạp chí văn chương nổi tiếng nhất của Pháp.
Từ năm 2006 đến nay, văn học Việt Nam phát triển như thế nào?
Đoàn Cầm Thi: Xã hội Việt Nam đang trong thời kỳ có nhiều thay đổi. Về mặt văn chương, đây là một giai đoạn vừa phong phú vừa phức tạp về tác phẩm và tác giả. Vẫn vậy, người Việt viết nhiều và đọc nhiều. Văn chương Việt tiếp tục truyền thống xa xưa. Nhà văn Việt hơn bao giờ hết nối đường kẻ sĩ, hạch hỏi thời đại và cá nhân mình, như một kiểu triết gia. Nhưng khác với các bậc tiền nhân, họ không còn nữa ý định cắt thuốc cho những căn bệnh xã hội, mà tồn tại như chỉ để khảo sát nối đau thế kỷ mà thôi. Chính vì vậy mà trong các tác phẩm đương đại, nảy sinh một số nhân vật phản-anh-hùng, những kẻ chỉ biết uống rượu, hút thuốc, yêu đương và chiêm nghiệm thế giới. Họ sống không tham vọng, quay lưng lại với tất cả những gì gọi là hành động…
Nhưng dường như điều này đã có trong các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp hay Bảo Ninh…
Đoàn Cầm Thi: Đương nhiên, ở những tác giả này đã xuất hiện một cái gì đó như là thất vọng. Nhưng với thế hệ sau họ, điều đó được thể hiện rõ nét hơn rất nhiều, qua việc mô tả điều phi lý có tính thời đại: đó là phi lý của sự cô đơn gắn liền với cơn bão Internet và phương tiện truyền thông. «Tại sao ngoài xã hội chúng ta lại cảm thấy cô đơn trong khi trên mạng chúng ta là những kẻ hoạt bát nhất?», đó là câu hỏi mà nhiều nhà văn trẻ đặt ra. Phong Điệp, trong tiểu thuyết Blogger, cho nhân vật nữ của mình là một cô gái nhút nhát non nớt. Qua đó, Phong Điệp khảo sát mối quan hệ giữa những người trẻ và văn hóa mạng, cũng như ảnh hưởng của nó xuống thế hệ này. Như vậy, từ sự thất vọng của lớp đàn anh Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh, văn học Việt đang kể về sự tuyệt vọng của lớp trẻ hôm nay. Các nhân vật như trở thành người lạ với chính bản thân mình, đó là thứ tình cảm mà chúng ta nhận thấy thật đậm sắc trong tác phẩm của một nhà văn nữ nữa, Thuận.
Thuận đại diện cho một thế hệ nhà văn mới, được trang bị về trí tuệ lại có nhiều trải nghiệm về địa lý và ngôn ngữ, ít ra thì cũng phức tạp hơn các bậc đàn anh ngay trước đó. Không gian của họ mở hơn, và vì vậy, cách họ nhìn nhận thế giới cũng thật khác. Lớp trẻ Việt Nam hôm nay đi nhiều, trên hành tinh thật cũng như trong thế giới ảo, qua Internet. Các nhân vật văn học thường xuyên ở trạng thái phân thân, dường như họ không còn biết mình là ai. Lên mạng, họ sử dụng nickname, Internet cho họ cảm giác đang tự do tuyệt đối, để liền ngay sau đó, rời khỏi mạng, họ hẫng hụt trong một xã hội về nhiều mặt vẫn vận hành theo một lối có thể nói là khá cổ. Việt Nam, với một nền kinh tế nặng về nông nghiệp, trong nhiều thế kỷ dài, vẫn khép kín, cả về không gian lẫn văn hóa. Các nhà văn trẻ cảm nhận điều đó, họ bị kẹt giữa hai thái cực này, trong sự đối lập quá lớn giữa thật và ảo. Tiểu thuyết Blogger của Phong Điệp không tìm được cái kết nào khác là để cho nhân vật của mình tự tìm đến cái chết…
Như vậy là có sự đứt đoạn với thế hệ đi trước…
Đoàn Cầm Thi: Theo tôi thì đó đúng hơn là sự tiếp tục, vì các tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp hay Bảo Ninh vẫn được đọc đấy chứ. Với thế hệ mới, đó vẫn là những thứ gì gần như là mẫu mực… đương nhiên là mẫu mực cổ điển, và có lẽ đôi chút xưa cũ!
Qua việc thành lập tủ sách «Văn học Việt Nam đương đại» tại nhà xuất bản Riveneuve, dường như hoài bão của bà là để chúng tôi khám ra một thế hệ văn chương mới không hề hoặc ít được biết đến tại Pháp?
Đoàn Cầm Thi : Tình thế buộc chúng tôi phải khẩn cấp. Đã đến lúc phải cho công chúng Pháp biết tới thế hệ văn chương mới này của Việt Nam. Ba phần tư dân số Việt nam sinh sau 1975. Lớp văn chương của Nguyễn Việt Hà và Thuận, những người thực sự lớn lên sau chiến tranh, có thể nói là mang nhiều tham vọng. Họ đều muốn trải nghiệm qua tiểu thuyết, lâu nay bị đẩy lùi sau truyện ngắn. Nhưng gần đây, thể loại này đang quay trở lại, vì có lẽ nó mới là thử thách thực sự cho những người sáng tác.
Vai trò của một dịch giả như tôi đơn giản chỉ là hướng độc giả Pháp ngữ vào những tác giả mới này, và như vậy cùng một lúc chống cự lại những hình ảnh sáo mòn nhưng thường trực của phương Tây về Việt Nam. Ở Pháp, như một thứ luật tuy không thành văn bản, tên các tiểu thuyết liên quan đến Việt Nam buộc phải có « cánh đồng lúa », « ngôi chùa », « nàng công chúa », « bà kể chuyện »,… Mỗi khi mà tôi gặp một nhà xuất bản để giới thiệu một tác giả tôi vừa dịch, điều đầu tiên người ta hỏi tôi là đời tư của anh ta. Tác giả của tôi có là nhà văn bất đồng chính kiến ? Tác giả của tôi có là cựu chiến binh ? Tác giả của tôi có là thuyền nhân ? Tôi chỉ trả lời một cách giản dị nhất : « Xin quí vị hãy đọc tác phẩm của họ đi đã ! ». Nhưng với các nhà xuất bản, văn bản nào có nghĩa gì đâu !
Về mặt nào đó, điều này giải thích vì sao khi lựa chọn các tác giả cho Tủ sách cũng như trong công trình nghiên cứu «Viết Việt Nam đương đại», bà không bao giờ phân biệt văn học trong nước và văn học hải ngoại…
Đoàn Cầm Thi : Văn học chuyển tải những giá trị tổng thể của nhân loại, chính vì vậy mà nó không biên giới. Văn chương không thuộc về cá nhân nào hết. Các cộng đồng Việt tại hải ngoại vô cùng phong phú. Khoảng ba đến bốn triệu người Việt sống tại Mỹ, Pháp, Úc,… Theo tôi, đó là một nguồn tài nguyên thực sự. Mang trong mình cùng lúc hai nền văn hóa thì đúng là giàu có chứ sao ?
Nhân đây tôi cũng xin được cám ơn nhà xuất bản Riveneuve đã dang tay đón tiếp tủ sách « Văn học Việt Nam đương đại ». « T. mất tích » là cuốn đầu tiên của Tủ sách, sắp tới chúng tôi sẽ ra mắt thêm ba cuốn. Bảy tiểu thuyết nữa đã nằm trong kế hoạch in…
Đó là một vận tốc tương đối nhanh…
Đoàn Cầm Thi: Chúng tôi đã mất quá nhiều thời gian. Nói chung các nhà xuất bản Pháp tính toán quá nhiều. Họ muốn ngay lập tức hái ra tiền mà không cần phải mệt mỏi đầu tư gì hết….
Những tác phẩm được Tủ sách chọn lựa có thực sự tiêu biểu cho văn học Việt Nam đương đại không?
Đoàn Cầm Thi :Tôi nghĩ là có. Những tiểu thuyết này mới cả về nội dung lẫn hình thức. Tác phẩm văn chương là một cách thể hiện thế giới, vậy làm sao có thể chuyển tải được cuộc sống ngày hôm nay với một thứ văn phong mang dáng dấp những năm 1950 ? Chính vì thế mà tôi nói rằng thế hệ văn chương mới có nhiều tham vọng hơn lớp đàn anh. Thử lấy tiểu thuyết Cơ hội của Chúa làm ví dụ. Nguyễn Việt Hà có một cách dẫn dắt chuyện thật đặc biệt bằng cách vứt bỏ lối viết truyền thống. Tiểu thuyết không theo dòng chảy thời gian vật lý, nhiều hình thức tự sự được sử dụng một cách tài hoa, người đọc lang thang theo những kỷ niệm và ý nghĩ của nhân vật. Cung bậc văn phong của Nguyễn Việt Hà cũng vô cùng phong phú : cay nghiệt tàn nhẫn nhưng lại có thể rất dịu dàng tha thiết. Đặc biệt, không lúc nào thiếu phong vị hóm hỉnh. Nhưng có thể nói Nguyễn Việt Hà vẫn là kẻ thừa kế một truyền thống văn chương và văn hóa dài lâu. Đọc Nguyễn Việt Hà, người ta thấy rằng, dù chiến tranh giặc dã, người Việt vẫn sâu xa còn lại một tình yêu văn chương, một nhu cầu ngắm nhìn thế giới, một mối quan hệ đặc biệt với thiên nhiên…
Cũng ngạc nhiên thật, họ không nói gì đến chiến tranh nữa…
Đoàn Cầm Thi : Chiến tranh chỉ còn là những tiếng vọng xa xăm. Ngược lại, một đề tài xuất hiện trở đi trở lại, đó là các nhân vật lưu vong, thật và ảo, vì đương nhiên người ta hoàn toàn có thể cảm thấy lạc lõng ngay trên chính xứ sở của mình. Cùng lúc với nỗi bất hạnh, cái mà lưu vong đem lại cho văn chương, đó chính là nguồn cảm xúc dồi dào. Thuận định nghĩa lưu vong như cánh cửa mở ra thế giới. Thật ra thì dù Thuận hay Phong Điệp, văn học Việt vẫn là muôn cách để đặt ra câu hỏi : Là người Việt Nam, có nghĩa là thế nào? Chỉ có điều, trong các tác phẩm ngày hôm nay, câu hỏi này được đưa ra với nhiều hài hước và không ít châm chọc. Cái cười cho phép họ có một độ lùi nhất định với hiện thực đang sống. Và đó là điều hoàn toàn mới so với văn chương các thế hệ đi trước. Với một nhà văn như Thuận, thì vấn đề vẫn là làm thế nào để nói với độc giả những chuyện buồn thê thảm nhưng cùng lúc lại làm cho họ bật cười!
Đúng là các tác giả lớp trước chưa bao giờ đặt ra điều đó…
Đoàn Cầm Thi : Thời gian gần đây, các nhà văn Việt Nam tranh luận nhiều về chủ nghĩa hậu hiện đại. Điều mà họ muốn, đó là quẳng đi cái trữ tình và những đại tự sự…
Nhà văn vẫn luôn là một triết gia, nhưng cùng lúc cũng là một thằng hề. Anh ta rời khỏi tháp ngà của mình để viết về cuộc sống hiện hữu. Nhà văn viết về thế giới, nhưng không phải để cải tạo nó mà để thể hiện nó như nó vốn thế. Đương nhiên, Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh cùng một số nhà văn khác đã tiến hành công việc này, nhưng các nhà văn trẻ hôm nay vẫn tiếp tục. Có lẽ vì phải rất bền bỉ thì mới phá bỏ được những cái đã trở thành thói quen của độc giả. Trong văn chương, cũng như trong ẩm thực, người ta thường chỉ thích một vài món quen miệng, những độc tác quen tay. Cứ đến chỗ buồn là phải rút mùi xoa. Một điều nữa, đó là công chúng Việt Nam luôn luôn kinh hãi khi được biết loại văn chương nào của họ được ưa chuộng tại Pháp! Có thể nói, trong khi ở Việt Nam người ta đã cố gắng hết mức để một tác phẩm văn học được đọc như một sáng tác độc lập, thì ở Pháp, dường như văn học nước ngoài vẫn bị dán mác này mác kia với nhiều định kiến chính trị văn hóa. Với các nhà văn Việt, văn chương, dù mang ý đồ tư tưởng nào đi nữa, trước hết phải là một cuộc tìm kiếm nghệ thuật.
Hoàng Nam trích dịch.
Tạp chí «Văn Học Pháp» (Les Lettres Françaises), Tháng 3 năm 2013.
Jean-Pierre Han là nhà báo và nhà phê bình kịch. Ông là giám đốc tạp chí « Frictions » và là tổng biên tập tờ « Les Lettres françaises », một trong những tạp chí văn chương nổi tiếng nhất của Pháp, được Jean Paulhan thành lập năm 1941. Nhà thơ Louis Aragon đã từng là giám đốc của tạp chí này.
Từ trái sang: Nhà văn Thuận, Nguyễn Việt Hà, Đoàn Cầm Thi tại Hội chợ sách Paris, tháng 3/2013. |
Bài đã đăng báo Tiền phong.