Quãng năm 1960, 1961 gì đó, đại úy nhà thơ Thanh Tịnh, thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội được cử đi học tại một học viện chính trị (nghe đồn là học xong sẽ được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm, tức Tổng biên tập tạp chí). Kỷ luật của trường này nổi tiếng là nghiêm, vậy mà ông lại là nghệ sĩ nên rất mệt. Một lần đúng khi ông vừa “vượt rào” thì nghe tiếng còi báo động chiến đấu. Dù có nhanh như gió cũng không kịp về chỗ ở để lấy ba lô, súng đạn nên ông đứng ngay vào hàng quân, cốt sao “có mặt”.

Phút “điểm danh” gay cấn đã qua, nhà thơ tưởng “thoát” đã nhẹ cả người; ngờ đâu đồng chí chỉ huy lại bước ra phía sau của hàng quân để kiểm tra quân tư trang. Trở về vị trí, đồng chí ấy hô: “Mời đại úy Thanh Tịnh bước ra khỏi hàng”.

Như một cái máy nhà thơ tách hẳn ra khỏi đội hình. Người chỉ huy dõng dạc: “Đồng chí Trần Thanh Tịnh! Ba lô của đồng chí đâu? Nếu chiến tranh xảy ra, quân địch đến đồng chí sẽ xử trí như thế nào?”. Thanh Tịnh cũng dõng dạc: “Báo cáo đồng chí chỉ huy, nếu chiến tranh xảy ra, quân địch đến thì tôi quyết chiến với chúng. Thân tôi không tiếc, tiếc gì cái ba lô!”. Cả người chỉ huy, cả hàng quân suýt nữa phải phì cười.

 

Nguồn: vannghequandoi.com.vn

Exit mobile version