Lan Đao
Mới đây, tại Viện Văn học – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã diễn ra buổi thuyết trình khoa học với chủ đề: Tính hiện đại của tiểu thuyết M. Proust. Diễn giả là giáo sư Tôn Thất Thanh Vân, đến từ Đại học Paris 13 (Pháp). Lĩnh vực nghiên cứu chính của bà là M. Proust, tiểu thuyết Pháp thế kỉ XIX và XX, văn học so sánh và văn học Pháp.
Mở đầu bài thuyết trình của mình, GS. Tôn Thất Thanh Vân giới thiệu khái quát về M. Proust. M. Proust sinh năm 1871 trong một gia đình đại tư sản, thuộc tầng lớp tinh hoa của Pháp. Điều kiện kinh tế khá giả cho phép M. Proust sống một cách thoải mái, suy tư và viết, không phải lo nghĩ đến vấn đề kinh tế. Mẹ của M. Proust là người Do Thái. Chính nguồn gốc này đã đưa M. Proust đến với tinh thần cấp tiến của trí thức hiện đại khi họ đấu tranh chống lại nạn bài trừ Do Thái. Đó có lẽ là nguyên nhân đầu tiên đưa M. Proust đến với những suy tư và hành động hướng đến sự nhập cuộc và tinh thần dân chủ – như là biểu hiện của một trí thức hiện đại.
Valentin Louis Georges Eugène Marcel Proust (1871 – 1922)
Vấn đề chính của buổi thuyết trình – tính hiện đại của tiểu thuyết M. Proust, được GS. Tôn Thất Thanh Vân nhấn mạnh trên một số phương diện: thể loại, đề tài và nghệ thuật tiểu thuyết. Theo đó, có thể thấy, đến M. Proust, di sản văn học Pháp thế kỉ XIX được thanh toán. Một trong những biểu hiện rõ nhất chính là quan niệm về hiện thực và sự phản ánh hiện thực. Truyền thống phản ánh hiện thực kiểu H. Balzac hay tinh thần tự nhiên chủ nghĩa kiểu E. Zola đến M. Proust đã không còn được duy trì. Bằng những sáng tác của mình, M. Proust bổ sung một định nghĩa về tiểu thuyết, về hiện thực, cái đẹp trong tác phẩm và trong đời sống. Theo đó, ông hướng tới cái đẹp tuyệt đối, cái vĩnh cửu, nhưng là cái không bao giờ có thể sở hữu được. Hành trình tìm kiếm cái đẹp, cái hạnh phúc không bao giờ kết thúc đưa con người đến với những khoái cảm của đời sống. Thể loại tiểu thuyết mà M. Proust theo đuổi là một dạng lai ghép giữa tự truyện và hư cấu. Nhưng, ông không đề cao sự xác thực hay có nhu cầu bày tỏ con người tiểu sử của mình. Mô hình lai ghép này thực chất là một cái bẫy, hay đúng hơn là cái cớ để ông đặt ra vấn đề hành trình của mỗi cá nhân. Bộ tác phẩm đồ sộ Đi tìm thời gian đã mất là một vòng tròn (7 tập, tập cuối với tựa đề: Thời gian tìm thấy lại) với những suy tưởng không ngừng về thời gian, kí ức. Tính hiện đại trong những tác phẩm này thể hiện ở chỗ ông đề cao sự dân chủ, rằng mỗi con người có hành trình riêng, đi tìm thời gian, tìm kí ức của bản thân và vĩnh cửu hóa đời sống của mình. Đặt vào bối cảnh xã hội Pháp lúc đó (cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX), khi việc viết văn được xem là hành vi của giới tinh hoa, tiểu thuyết của M. Proust đã cổ vũ con người trong quá trình xác lập vị thế tồn tại của mình.
Một số tác phẩm của M. Proust đã được dịch ra tiếng Việt
Tính hiện đại trong tiểu thuyết của M. Proust còn thể hiện trên một số phương diện khác, chẳng hạn như ông đề cập đến vấn đề đồng tính – khi mà nó vẫn là một cấm kị trong xã hội Pháp. Tinh thần giải thiêng cũng được ông hé mở qua cách để cho các nhân vật có hành vi vi phạm cấm kị. Chất thơ của tiểu thuyết cũng là điều khiến người ta phải bàn đến khi nói về tính hiện đại của tiểu thuyết M. Proust. Bên cạnh đó, việc thực hiện những câu văn dài hàng trang giấy cũng làm ló dạng những thể nghiệm mới về cách viết. Việc truy tìm và đánh giá vai trò của kí ức, khẳng định vị thế của vô thức trong đời sống bản thể cũng là một biểu hiện quan trọng xác lập tính hiện đại của M. Proust. Đồng thời, trong những sáng tác của mình, M. Proust thể hiện khá rõ sắc thái nữ tính. Có thể nói, sắc thái này góp phần phô bày tính hiện đại trong tư tưởng và sáng tác của ông. Cấu trúc không hoàn kết của tác phẩm cũng là một dấu hiệu của tính hiện đại mà người ta có thể chỉ ra từ tác phẩm của M. Proust trong sự tương sánh với truyền thống tiểu thuyết Pháp thế kỉ XIX. Đặc biệt, trong các sáng tác của mình, dường như M. Proust không quan trọng vấn đề là thể hiện cái gì, mà là cách thể hiện. Nói cách khác, lối viết chính là điểm quan trọng làm nên tính hiện đại của tiểu thuyết M. Proust.
Mắc bệnh hen suyễn và dị ứng với phấn hoa mùa xuân, M. Proust phải ở trong phòng kín cả một thời gian dài. Điều đó đem lại cho ông những suy tư một cách sâu sắc về vấn đề thực tại văn chương và thực tại đời sống. Ở thời điểm ông xuất hiện, người ta không hiểu ông. Tuy nhiên, như GS. Tôn Thất Thanh Vân khẳng định và thực tế chứng minh, bây giờ ở Pháp cũng như trên thế giới, M. Proust là một tượng đài, một biểu tượng với sức ảnh hưởng bao trùm thế kỉ XX và có lẽ còn ảnh hưởng lâu dài sang thế kỉ XXI.
Văn nghệ Quân đội
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài