Trong hội nhập quốc tế, việc quan tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một trong những bước đi đột phá và là công cụ hiệu quả để văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội, mở ra những thị trường mới cho các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo… Tuy nhiên, việc triển khai Công ước 2005 của UNESCO về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa gắn với sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, truyền thông ở Việt Nam thời gian qua còn gặp nhiều lúng túng.
Chưa đầu tư mạnh cho sáng tạo công nghiệp văn hóa
Theo quan điểm hiện đại, công nghiệp văn hóa được xác định bao gồm các lĩnh vực: Truyền thông, thiết kế, thời trang, sản phẩm tương tác, nghệ thuật biểu diễn, xuất bản, phim ảnh, nghệ thuật thị giác. Tất cả đều nhấn mạnh hai yếu tố “công nghiệp” và “sáng tạo”. Theo định nghĩa của UNESCO, công nghiệp văn hóa là công nghiệp kết hợp 3 yếu tố: Sáng tạo, cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại, có thể sản sinh ra các sản phẩm văn hóa, đem lại lợi ích kinh tế.
Công nghiệp văn hóa ở các nước trên thế giới và trong khu vực đang rất phát triển, đem lại doanh thu hàng triệu USD mỗi năm. Còn tại Việt Nam, thuật ngữ công nghiệp văn hóa vẫn còn rất mới mẻ và chưa có được một sự đầu tư bài bản, đúng hướng. Theo PGS, TS Lương Hồng Quang, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến tình trạng công nghiệp văn hóa Việt Nam chưa phát triển là do chúng ta chưa xây dựng được khái niệm cụ thể, rõ ràng về công nghiệp văn hóa, cho nên còn nhận thức mơ hồ về nó. Khi nói đến công nghiệp văn hóa, mọi người hay nghĩ một cách hẹp, đó chỉ là văn hóa truyền thống, là vấn đề bản sắc… Ngoài ra, vướng mắc lớn nhất vẫn là nhận thức của xã hội nói chung và giới quản lý văn hóa nghệ thuật nói riêng về tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa đối với nền kinh tế và sự phát triển văn hóa nghệ thuật.
Phát biểu trong hội thảo lấy ý kiến cho Dự thảo Báo cáo quốc gia định kỳ 4 năm Công ước 2005 về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa (2012-2015), được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức tuần qua, nhạc sĩ Quốc Trung cho hay: “Việc đầu tiên về phổ cập văn hóa nghệ thuật là cần phải có sự giáo dục chung về nhận thức cũng như nâng cao sự sáng tạo. Tuy nhiên, có một thực tế ở nước ta hiện nay vẫn có một số người làm văn hóa nghệ thuật chưa nhận thức đúng về vấn đề này”. Nhạc sĩ Quốc Trung lấy dẫn chứng, gần đây, với nhiều chương trình âm nhạc do anh sản xuất đã không nhận được sự tôn trọng từ chính các đơn vị truyền hình, phát thanh khi các đơn vị này ngang nhiên sử dụng các sản phẩm âm nhạc đó mà không hỏi ý kiến bản quyền. Với vấn đề giáo dục thẩm mỹ, văn hóa, nghệ thuật cho giới trẻ đang là khoảng trống, các em không được truyền đạt ở nhà trường mà đang thông qua truyền hình, phát thanh và internet, trong khi đó, các đơn vị phát thanh, truyền hình hiện nay chỉ quan tâm đến việc khán giả trẻ thích nghe âm nhạc gì, xem gì mà không chủ động làm nhiệm vụ giáo dục thẩm mỹ âm nhạc…
Lấy một ví dụ trong sự thành công của biểu đạt văn hóa mà ban soạn thảo đưa ra trong báo cáo là bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đạt giá trị nghệ thuật và doanh thu, khán giả…, nhạc sĩ Quốc Trung thẳng thắn: “Trong nhiều năm nay, Bộ VHTT&DL tài trợ cho rất nhiều phim, cuối cùng cũng chỉ tìm ra một bộ phim thành công về yếu tố thương mại, nhưng tôi được biết lại không có con số cụ thể, chất lượng nghệ thuật được đánh giá theo cảm tính. Đây cũng là vấn đề mà chúng ta cần phải nhìn nhận lại xem tài trợ của Bộ VHTT&DL đối với những sản phẩm văn hóa nghệ thuật khác, không chỉ riêng điện ảnh. Vậy khi chưa có sự tôn trọng sáng tạo, nhìn nhận đúng mức đầu tư tài chính cho sản phẩm thì chúng ta chưa thể bước vào sự phát triển của công nghiệp văn hóa”.
Ở khía cạnh quản lý điện ảnh theo Công ước UNESCO 2005, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cũng thẳng thắn đưa ra nhận xét về bất cập, rằng rất nhiều người công tác trong ngành điện ảnh không hề biết đến Công ước UNESCO 2005, cho dù nó đã tồn tại gần 11 năm ở Việt Nam. Trong khi, công ước này với nhiều quốc gia đang là một công cụ pháp lý quốc tế hữu hiệu bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm cho các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động sáng tạo trong các ngành nghệ thuật…
Nâng cao nhận thức phát triển công nghiệp văn hóa
Ngày nay, trong thời đại toàn cầu hóa, sự phát triển của các quốc gia đều ảnh hưởng lẫn nhau, các ngành công nghiệp văn hóa chính là tài sản chiến lược trong chính sách ngoại giao, hợp tác quốc tế, giúp củng cố tính độc đáo của quốc gia và đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy bản sắc văn hóa.
Bà Nguyễn Phương Hòa, Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTT&DL) cho biết, trong nỗ lực hội nhập quốc tế, Việt Nam xem xét phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như là một khâu đột phá trong phát triển đất nước. Quan điểm này đã được Đảng và Nhà nước ta khẳng định trong những năm gần đây. Theo bà Nguyễn Phương Hòa, từ chủ trương của Đảng, các địa phương cũng có những chiến lược riêng của mình, nhằm phát triển công nghiệp văn hóa, gia tăng sức sản xuất và cạnh tranh sản phẩm và dịch vụ văn hóa của địa phương mình. Nhiều hội thảo quốc tế và trong nước đã lấy chủ đề phát triển công nghiệp văn hóa là nội dung chính; UNESCO, các đại sứ Đan Mạch, Thụy Điển… tại Việt Nam đã có nhiều hình thức tư vấn giúp Việt Nam nâng cao hiểu biết, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo, bản quyền.
Được biết, Bộ VHTT&DL đã xây dựng “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm nay, có mục tiêu nhằm xây dựng được một thị trường văn hóa cạnh tranh lành mạnh, tăng tỷ trọng đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa cho nền kinh tế quốc dân.
Nói về điều này, TS Bùi Hoài Sơn, Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, thành viên ban soạn thảo Chiến lược, đồng thời là Trưởng nhóm soạn thảo Dự thảo Báo cáo quốc gia định kỳ 4 năm Công ước 2005, thì đây là bước tiến phản ánh sự đổi mới về quan điểm tiếp cận, chủ trương chính sách và cam kết có tính chiến lược của Việt Nam trên tổng thể các hoạt động sáng tạo, sản xuất, phổ biến và hưởng thụ sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Chiến lược thể hiện qua các mục tiêu, giải pháp về đổi mới cơ chế chính sách quản lý nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức xã hội, phát triển thị trường, tăng cường hội nhập quốc tế ở các lĩnh vực công nghiệp văn hóa như: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh-triển lãm, truyền hình-phát thanh, du lịch văn hóa.
Cũng theo TS Bùi Hoài Sơn, nếu đưa vào thực hiện với sự tham gia của các bộ, ngành, các địa phương, nhóm xã hội, cá nhân sáng tạo, doanh nghiệp thì chiến lược này sẽ là nỗ lực lớn của Việt Nam trong quá trình thực hiện các cam kết của Công ước 2005, khi đặt phát triển văn hóa trong mối liên hệ chặt chẽ với phát triển kinh tế và xã hội của đất nước (tăng tỷ trọng đóng góp GDP, số lượng lao động, doanh nghiệp ở các ngành công nghiệp văn hóa) và coi trọng sự đa dạng trong sáng tạo của cá nhân, nhóm và cộng đồng ở Việt Nam, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân trong nước và xuất khẩu.
Trên cơ sở đó, điều chú trọng trước mắt của việc thực hiện chiến lược sẽ là phát triển tài năng sáng tạo để Việt Nam phát huy được tối đa tài sản lớn nhất là dân số trẻ, đa dạng và tài năng; tạo ra công việc, truyền cảm hứng và đem lại sự tự tin; thúc đẩy một thế hệ mới của những người sản xuất và tiêu dùng văn hóa. Cùng với đó là phát triển năng lực sáng tạo, nhằm đào tạo một thế hệ mới các tổ chức và doanh nghiệp văn hóa đạt tầm quốc tế về chất lượng, hướng đến công chúng và phù hợp hơn với xã hội đương đại, hiểu biết về kỹ thuật số, có ý thức về thiết kế, cởi mở và có tinh thần doanh nghiệp… “Trong tầm nhìn chiến lược, chúng ta cần định vị một số thành phố có thể trở thành các trung tâm về công nghiệp văn hóa và kinh tế sáng tạo của khu vực cũng như châu lục. Điều này sẽ giúp các thành phố nhỏ hơn và các khu vực nông thôn hưởng lợi từ các mạng lưới chuyên môn trong công nghiệp văn hóa, thí dụ như phát triển các ngành thủ công mỹ nghệ, tạo dựng du lịch văn hóa, lễ hội”, TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Vương Hà – QĐND
Trong hội nhập quốc tế, việc quan tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một trong những bước đi đột phá và là công cụ hiệu quả để văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội, mở ra những thị trường mới cho các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo… Tuy nhiên, việc triển khai Công ước 2005 của UNESCO về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa gắn với sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, truyền thông ở Việt Nam thời gian qua còn gặp nhiều lúng túng.
Chưa đầu tư mạnh cho sáng tạo công nghiệp văn hóa
Theo quan điểm hiện đại, công nghiệp văn hóa được xác định bao gồm các lĩnh vực: Truyền thông, thiết kế, thời trang, sản phẩm tương tác, nghệ thuật biểu diễn, xuất bản, phim ảnh, nghệ thuật thị giác. Tất cả đều nhấn mạnh hai yếu tố “công nghiệp” và “sáng tạo”. Theo định nghĩa của UNESCO, công nghiệp văn hóa là công nghiệp kết hợp 3 yếu tố: Sáng tạo, cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại, có thể sản sinh ra các sản phẩm văn hóa, đem lại lợi ích kinh tế.
Công nghiệp văn hóa ở các nước trên thế giới và trong khu vực đang rất phát triển, đem lại doanh thu hàng triệu USD mỗi năm. Còn tại Việt Nam, thuật ngữ công nghiệp văn hóa vẫn còn rất mới mẻ và chưa có được một sự đầu tư bài bản, đúng hướng. Theo PGS, TS Lương Hồng Quang, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến tình trạng công nghiệp văn hóa Việt Nam chưa phát triển là do chúng ta chưa xây dựng được khái niệm cụ thể, rõ ràng về công nghiệp văn hóa, cho nên còn nhận thức mơ hồ về nó. Khi nói đến công nghiệp văn hóa, mọi người hay nghĩ một cách hẹp, đó chỉ là văn hóa truyền thống, là vấn đề bản sắc… Ngoài ra, vướng mắc lớn nhất vẫn là nhận thức của xã hội nói chung và giới quản lý văn hóa nghệ thuật nói riêng về tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa đối với nền kinh tế và sự phát triển văn hóa nghệ thuật.
Các nghệ sĩ hát quan họ trong Festival Âm nhạc quốc tế Gió mùa 2015, diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội, do nhạc sĩ Quốc Trung sản xuất.
Phát biểu trong hội thảo lấy ý kiến cho Dự thảo Báo cáo quốc gia định kỳ 4 năm Công ước 2005 về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa (2012-2015), được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức tuần qua, nhạc sĩ Quốc Trung cho hay: “Việc đầu tiên về phổ cập văn hóa nghệ thuật là cần phải có sự giáo dục chung về nhận thức cũng như nâng cao sự sáng tạo. Tuy nhiên, có một thực tế ở nước ta hiện nay vẫn có một số người làm văn hóa nghệ thuật chưa nhận thức đúng về vấn đề này”. Nhạc sĩ Quốc Trung lấy dẫn chứng, gần đây, với nhiều chương trình âm nhạc do anh sản xuất đã không nhận được sự tôn trọng từ chính các đơn vị truyền hình, phát thanh khi các đơn vị này ngang nhiên sử dụng các sản phẩm âm nhạc đó mà không hỏi ý kiến bản quyền. Với vấn đề giáo dục thẩm mỹ, văn hóa, nghệ thuật cho giới trẻ đang là khoảng trống, các em không được truyền đạt ở nhà trường mà đang thông qua truyền hình, phát thanh và internet, trong khi đó, các đơn vị phát thanh, truyền hình hiện nay chỉ quan tâm đến việc khán giả trẻ thích nghe âm nhạc gì, xem gì mà không chủ động làm nhiệm vụ giáo dục thẩm mỹ âm nhạc…
Lấy một ví dụ trong sự thành công của biểu đạt văn hóa mà ban soạn thảo đưa ra trong báo cáo là bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đạt giá trị nghệ thuật và doanh thu, khán giả…, nhạc sĩ Quốc Trung thẳng thắn: “Trong nhiều năm nay, Bộ VHTT&DL tài trợ cho rất nhiều phim, cuối cùng cũng chỉ tìm ra một bộ phim thành công về yếu tố thương mại, nhưng tôi được biết lại không có con số cụ thể, chất lượng nghệ thuật được đánh giá theo cảm tính. Đây cũng là vấn đề mà chúng ta cần phải nhìn nhận lại xem tài trợ của Bộ VHTT&DL đối với những sản phẩm văn hóa nghệ thuật khác, không chỉ riêng điện ảnh. Vậy khi chưa có sự tôn trọng sáng tạo, nhìn nhận đúng mức đầu tư tài chính cho sản phẩm thì chúng ta chưa thể bước vào sự phát triển của công nghiệp văn hóa”.
Ở khía cạnh quản lý điện ảnh theo Công ước UNESCO 2005, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cũng thẳng thắn đưa ra nhận xét về bất cập, rằng rất nhiều người công tác trong ngành điện ảnh không hề biết đến Công ước UNESCO 2005, cho dù nó đã tồn tại gần 11 năm ở Việt Nam. Trong khi, công ước này với nhiều quốc gia đang là một công cụ pháp lý quốc tế hữu hiệu bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm cho các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động sáng tạo trong các ngành nghệ thuật…
Nâng cao nhận thức phát triển công nghiệp văn hóa
Ngày nay, trong thời đại toàn cầu hóa, sự phát triển của các quốc gia đều ảnh hưởng lẫn nhau, các ngành công nghiệp văn hóa chính là tài sản chiến lược trong chính sách ngoại giao, hợp tác quốc tế, giúp củng cố tính độc đáo của quốc gia và đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy bản sắc văn hóa.
Bà Nguyễn Phương Hòa, Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTT&DL) cho biết, trong nỗ lực hội nhập quốc tế, Việt Nam xem xét phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như là một khâu đột phá trong phát triển đất nước. Quan điểm này đã được Đảng và Nhà nước ta khẳng định trong những năm gần đây. Theo bà Nguyễn Phương Hòa, từ chủ trương của Đảng, các địa phương cũng có những chiến lược riêng của mình, nhằm phát triển công nghiệp văn hóa, gia tăng sức sản xuất và cạnh tranh sản phẩm và dịch vụ văn hóa của địa phương mình. Nhiều hội thảo quốc tế và trong nước đã lấy chủ đề phát triển công nghiệp văn hóa là nội dung chính; UNESCO, các đại sứ Đan Mạch, Thụy Điển… tại Việt Nam đã có nhiều hình thức tư vấn giúp Việt Nam nâng cao hiểu biết, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo, bản quyền.
Được biết, Bộ VHTT&DL đã xây dựng “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm nay, có mục tiêu nhằm xây dựng được một thị trường văn hóa cạnh tranh lành mạnh, tăng tỷ trọng đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa cho nền kinh tế quốc dân.
Nói về điều này, TS Bùi Hoài Sơn, Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, thành viên ban soạn thảo Chiến lược, đồng thời là Trưởng nhóm soạn thảo Dự thảo Báo cáo quốc gia định kỳ 4 năm Công ước 2005, thì đây là bước tiến phản ánh sự đổi mới về quan điểm tiếp cận, chủ trương chính sách và cam kết có tính chiến lược của Việt Nam trên tổng thể các hoạt động sáng tạo, sản xuất, phổ biến và hưởng thụ sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Chiến lược thể hiện qua các mục tiêu, giải pháp về đổi mới cơ chế chính sách quản lý nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức xã hội, phát triển thị trường, tăng cường hội nhập quốc tế ở các lĩnh vực công nghiệp văn hóa như: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh-triển lãm, truyền hình-phát thanh, du lịch văn hóa.
Cũng theo TS Bùi Hoài Sơn, nếu đưa vào thực hiện với sự tham gia của các bộ, ngành, các địa phương, nhóm xã hội, cá nhân sáng tạo, doanh nghiệp thì chiến lược này sẽ là nỗ lực lớn của Việt Nam trong quá trình thực hiện các cam kết của Công ước 2005, khi đặt phát triển văn hóa trong mối liên hệ chặt chẽ với phát triển kinh tế và xã hội của đất nước (tăng tỷ trọng đóng góp GDP, số lượng lao động, doanh nghiệp ở các ngành công nghiệp văn hóa) và coi trọng sự đa dạng trong sáng tạo của cá nhân, nhóm và cộng đồng ở Việt Nam, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân trong nước và xuất khẩu.
Trên cơ sở đó, điều chú trọng trước mắt của việc thực hiện chiến lược sẽ là phát triển tài năng sáng tạo để Việt Nam phát huy được tối đa tài sản lớn nhất là dân số trẻ, đa dạng và tài năng; tạo ra công việc, truyền cảm hứng và đem lại sự tự tin; thúc đẩy một thế hệ mới của những người sản xuất và tiêu dùng văn hóa. Cùng với đó là phát triển năng lực sáng tạo, nhằm đào tạo một thế hệ mới các tổ chức và doanh nghiệp văn hóa đạt tầm quốc tế về chất lượng, hướng đến công chúng và phù hợp hơn với xã hội đương đại, hiểu biết về kỹ thuật số, có ý thức về thiết kế, cởi mở và có tinh thần doanh nghiệp… “Trong tầm nhìn chiến lược, chúng ta cần định vị một số thành phố có thể trở thành các trung tâm về công nghiệp văn hóa và kinh tế sáng tạo của khu vực cũng như châu lục. Điều này sẽ giúp các thành phố nhỏ hơn và các khu vực nông thôn hưởng lợi từ các mạng lưới chuyên môn trong công nghiệp văn hóa, thí dụ như phát triển các ngành thủ công mỹ nghệ, tạo dựng du lịch văn hóa, lễ hội”, TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.