Trong cuốn Chế Lan Viên – người làm vườn vĩnh cửu (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 1995, do Phong Lan sưu tầm, tuyển chọn, biên soạn) có một giai thoại về Chế Lan Viên do Nguyễn Bùi Vợi sưu tầm và viết rất thú vị.

Giai thoại kể rằng: Có một lần, Chế Lan Viên từ Hà Nội lên Vĩnh Phúc và được mời dự một giờ dạy văn ở một trường cấp 3. Khi giảng câu thơ của Chế Lan Viên “Lối chém Nam Triều khá hủ lậu”, giáo viên hỏi: “Các em có biết lối chém Nam Triều là lối chém gì không?” Thấy học sinh ngơ ngác, giáo viên đắc chí, bình:”Đấy là lối chém dã man của bọn Nam Triều Tiên, tức là bọn Pắc Chung Hy, tay sai của Mỹ. Chúng đưa quân sang miền Nam nước ta, bắt được bộ đội, du kích là chém ngang bụng để kéo dài sự đau đớn cho người bị chém. Thật dã man hơn thời Trung cổ! Chúng ta cần phải lên án và căm thù loại người này!

Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi nhìn nhà thơ Chế Lan Viên, thấy mặt nhà thơ tái nhợt đi, kinh hoàng.

Xong giờ, nhà thơ Chế Lan Viên xin phép không dự buổi rút kinh nghiệm, lấy cớ phải về họp Ban thường vụ Hội Nhà văn.

Đi được một đoạn, nhà thơ Chế Lan Viên hóm hỉnh bảo nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi: “Cậu thử sờ bụng cậu xem. Còn bụng tôi thấy đau lắm. Chính tôi… mới bị chém ngang bụng”.

Sở dĩ Chế Lan Viên cảm thấy như thế vì Nam triều không phải là Nam Triều Tiên, mà Nam Bắc triều là một giai đoạn trong lịch sử Trung Quốc, bắt đầu từ năm 420, kéo dài đến năm 589. Vì  hai thế lực Bắc – Nam đối lập trong một thời gian dài, do vậy gọi là Nam – Bắc triều. Nam triều (420-589) bao gồm bốn triều đại: Lưu Tống, Nam Tề, Lương, Trần; Bắc triều (439-589) bao gồm năm triều đại: Bắc Ngụy, Đông Ngụy, Tây Ngụy, Bắc Tề, Bắc Chu. Một sự hiểu sai, suy diễn liều do thiếu kiến thức về lịch sử, đã làm ông khó chịu.

Đấy là một chuyện xảy ra trước đây, cũng đã lâu lắm rồi.

Cách nay không lâu, lại xảy ra một chuyện nữa. Có một học sinh khi đọc một đoạn thơ của Huy Cận, khi đụng đến ba từ “bến cô liêu”, bèn “bình” theo lối suy diễn trên cơ sở của sự kém hiểu biết: Đấy là một cái bến của một cô có tên là Liêu. Hay nói một cách khác: Một địa danh mang tên một người phụ nữ.

Tất nhiên, trong việc thưởng thức thơ một cách khó giải thích và kỳ cục như vậy, chắc hẳn không chỉ xảy ra hai chuyện trên và đấy chỉ là hai ví dụ trong muôn vàn ví dụ.

Nghe xong hai chuyện trên, hẳn không ít người am hiểu văn chương, rất dễ cười ra… nước mắt.

– Nhưng đã nhằm nhè gì! Có chuyện còn “khủng” hơn thế kia! – Một nhà thơ cao tuổi nhận xét.

Rồi nhà thơ cao tuổi này, kể: “Có một ông tên là X., cũng có dính dấp đến văn chương, cũng có viết tác phẩm này, tác phẩm nọ, luôn được coi là một người “nhầm lẫn lớn”. Ông X. rất lười đọc và nếu có đọc cũng bằng không. Nếu ông X. có khen thơ hay chê thơ thì cũng bằng thừa. Ông X. luôn nhầm thơ Nguyễn Du và Nguyễn Du với thơ Nguyễn Duy và Nguyễn Duy, luôn nhầm thơ Tú Xương và Tú Xương với thơ Tú Sụn và Tú Sụn, cho dù thơ của những tác giả này thơ, ở nhiều điểm, rất khác nhau. Ngay cả khi khen, vô hình trung, ông X. cũng đánh đồng các nhà thơ này với nhau và coi như những nhà thơ này đang sống cùng thời với nhau. Nếu có ai nói nhà thơ này làm thơ hay, nhà thơ này rất đáng chú ý, nhà thơ này đang viết lên tay, nhà thơ nọ có câu thơ hay, nhà thơ nọ có câu thơ ấn tượng, nhà thơ này có câu thơ đột biến… câu cửa miệng của ông, bao giờ cũng là: “Thế á! Thế á! Vậy hả? Vậy hả?”. Và vào thời điểm ấy, mặt ông nghệt ra, trông thật tội nghiệp. Ấy vậy mà thi thoảng, ông X. vẫn được mời vào hội đồng nọ, hội đồng kia với tư cách là thành viên trong ban chấm giải thưởng văn chương này nọ, mới lạ và cũng có lúc lên cơn thích “chém gió” về văn chương với những người khác giới lắm. Có người bảo: Là độc giả bình thường thì không nói làm gì, còn nếu là người cũng có lúc có “vai”, có “vế” như thế trong cuộc này, cuộc nọ, mà định giá văn chương, thì thật tai hại.

–  Thế những lúc trong “vai” này, “vế” nọ, ông X. có nhờ ai tư vấn cho không? –  Tôi hỏi.

– Không đâu. Ông này sĩ diện đầy mình và luôn tự tin vào mình đến mức khó hiểu – Nhà thơ cao tuổi trả lời.

– Thế thì gay văn go rồi!

– Gay go quá đi chứ! Không phải chỉ với bản thân ông ta, mà còn với những người khác nữa.

– Theo anh, nên liệt ông X. vào diện nào?

– Thực bất tri kỳ vị.

– Tức là ăn không biết ngon…

– Nói một cách chính xác hơn và phải nói thế này mới chuẩn: Đọc mà không hiểu gì.

 

NGỌC TRẢN – NVTPHCM online