“Cái mà họ chưa hài lòng, tôi nghĩ, là cách Bộ trưởng và Bộ GD-ĐT dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng nhận diện các bất cập và các biện pháp, lộ trình giải quyết. Tình hình hôm nay chưa tốt, không sao cả, miễn là Bộ trưởng cho chúng tôi – người dân, một kế hoạch khắc phục cụ thể những thứ chưa tốt. Chúng tôi sẽ tin, cổ vũ và chờ đợi”. Đây chính là một đoạn trích trong cuốn Kẻ trăn trở của tác giả Lương Hoài Nam do Công ty sách Thái Hà vừa phát hành. Câu chuyện trong “Kẻ trăn trở” lại đang là vấn đề mà xã hội quan tâm: giáo dục và đổi mới thi cử.

Cuốn sách “Kẻ trăn trở” tập hợp những bài báo của anh Lương Hoài Nam đã đăng trong gần 5 năm qua, là cách để tác giả chia sẻ những trăn trở của anh với bạn đọc.

Anh Lương Hoài Nam không phải là nhà báo. Công việc thường ngày của anh cũng không phải là nghiên cứu giáo dục. Anh làm việc trong lĩnh vực kinh doanh hàng không và du lịch. Vậy mà trong một vài năm gần đây, anh Nam đã viết hàng chục bài về đề tài cải cách giáo dục đăng tải trên cả báo giấy, báo điện tử và mạng xã hội. Những bài viết của anh luôn đầy ắp tư liệu, được dẫn dắt bởi tư duy mạch lạc và trình bày với văn phong trong sáng, dễ hiểu.

Khi đọc xong bản thảo của anh Lương Hoài Nam, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã đưa ra suy nghĩ:Đọc những bài anh Nam viết riêng về giáo dục, tôi vẫn nhận ra tư duy của doanh nhân hàng ngày vật lộn với sự khốc liệt của môi trường cạnh tranh. Tôi dạy học và nghiên cứu ở một đại học, công việc của tôi rất khác với công việc của anh Nam. Nhưng có một điểm chung trong suy nghĩ của tôi và anh là khi mình đã chấp nhận sống trong môi trường cạnh tranh của thế giới rộng mở, mình phải cất thật kỹ những bản sắc dân tộc, có thể là rất thiêng liêng với cuộc sống riêng tư của mình, để mà hoà nhập hoàn toàn vào cuộc chơi chung. Không làm được như vậy thì ta chỉ còn cách tự an ủi với vị thế của người thua cuộc.

Với tư duy mạch lạc của một doanh nhân có nhiều kinh nghiệm, những bài viết của anh Nam luôn dựa trên những bảng biểu đối sánh, những con số cụ thể. Anh cũng nhìn giáo dục từ quan điểm của thị trường lao động, mong muốn giáo dục đáp ứng một cách hiệu quả nhu cầu của nền kinh tế, thay vì chỉ hướng tới các giá trị chân thiện mỹ.”

Bìa cuốn sách “Kẻ trăn trở”

 

Nhà báo Trần Đăng Tuấn, Tổng Giám đốc AVG nhận xét: “Đọc cuốn sách này, sẽ gặp một Lương Hoài Nam – nhà nghiên cứu. Tôi vẫn đặc biệt ấn tượng bởi định nghĩa về người trí thức, được biết là xuất phát từ J. P. Sartre, rằng : Trí thức là người hay “xớ rớ vào những chuyện không phải của họ”. Là một người chuyên ngành hàng không, Lương Hoài Nam đau đáu với những gì liên quan đến sự phát triển hay trì trệ của đất nước. Điều khiến Lương Hoài Nam “vật vã” hơn cả là vấn đề giáo dục của nước nhà. Với một trí thức đúng nghĩa, không thể có cái gì liên quan đến “định mệnh quốc gia” lại không phải là việc của mình….”

Trong cuốn sách của mình, Lương Hoài Nam đã nói rất đúng và trúng những vấn đề giáo dục mang tính thời sự:

“Chúng ta hoàn toàn có thể bán bớt doanh nghiệp nhà nước để đầu tư thêm cho giáo dục. Khi bán bớt doanh nghiệp, Nhà nước đỡ phải đầu tư thêm cho chúng, lại càng có thêm nguồn đầu tư cho giáo dục. Trong khuôn khổ nguồn ngân sách có hạn, nếu cần phải lựa chọn một bên là các doanh nghiệp nhà nước, một bên là chất lượng lao động cho mọi thành phần kinh tế, tôi nghĩ nên lựa chọn cái sau. Nó cần hơn cho sự phát triển lâu dài, bền vững của đất nước Việt Nam.

Thưa Bộ trưởng, các vấn đề tôi đề cập trên đây thật ra không có gì mới, chúng đã được nhiều chuyên gia và người dân nêu ra trong nhiều năm qua. Tôi tập hợp lại trong thư này gửi Bộ trưởng với mong muốn các vấn đề này sẽ nhận được sự quan tâm xem xét và giải quyết toàn diện hơn, với lộ trình rõ ràng hơn. Tôi cũng không khẳng định rằng các nhận xét, quan điểm của tôi là toàn diện, chính xác. Góc nhìn của tôi chỉ là một trong rất nhiều góc nhìn về giáo dục Việt Nam. Nếu Bộ trưởng tổ chức một cuộc hội thảo, hay một “Hội nghị Diên Hồng” về giáo dục, với sự tham gia của giới chuyên môn và các tầng lớp nhân dân, tôi tin là Bộ trưởng sẽ nhận được hàng trăm, hàng nghìn ý kiến, kiến nghị rất tâm huyết và có giá trị.

Các bất cập của nền giáo dục Việt Nam cũng không phải do Bộ trưởng, mà tích tụ từ hàng chục năm qua, theo tôi, hoàn toàn không cần thiết phải truy xét tại ai, vì sao? Trong quá trình phát triển của cả đất nước hay một lĩnh vực, có rất nhiều bất cập không phải do lỗi của ai, mà là kết quả của bối cảnh lịch sử, của việc xác định các thứ tự ưu tiên trong từng giai đoạn. Cái sai nhiều khi chỉ là sự kéo dài của cái đúng của giai đoạn trước. Điều quan trọng nhất là nhận diện các vấn đề và có biện pháp, lộ trình khắc phục.

Khi một số đại biểu quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm thấp cho Bộ trưởng trong đợt bỏ phiếu tín nhiệm gần đây của Quốc hội, hoặc khi người dân (như tôi) bày tỏ sự chưa hài lòng với nền giáo dục, tôi nghĩ không ai lại đi nghĩ là Bộ trưởng gây ra những bất cập đó. Cái mà họ chưa hài lòng, tôi nghĩ, là cách Bộ trưởng và Bộ GD-ĐT dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng nhận diện các bất cập và các biện pháp, lộ trình giải quyết. Tình hình hôm nay chưa tốt, không sao cả, miễn là Bộ trưởng cho chúng tôi – người dân, một kế hoạch khắc phục cụ thể những thứ chưa tốt. Chúng tôi sẽ tin, cổ vũ và chờ đợi.

Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng!”

Theo Túy Phương – Lao động online