Nguyễn Thanh Tâm

Thư viện học (Library Science) là ngành khoa học nghiên cứu về thư viện, tập trung vào các vấn đề lịch sử, cơ cấu tổ chức, nguyên lí hoạt động, nguồn và thư mục dữ liệu, công tác bạn đọc, các mối liên hệ thể chế chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa,… Có thể nói, mọi yếu tố của thư viện trong tư cách một hiện tượng xã hội sẽ được soi chiếu dưới cái nhìn của thư viện học. Với cách hình dung đó, khu biệt vào một trường hợp – Thư viện Quân đội (Việt Nam), những câu hỏi có thể được đặt ra: Thư viện Quân đội ra đời như thế nào? Vai trò, nhiệm vụ của Thư viện Quân đội trong đời sống chính trị xã hội, tri thức, văn hóa Việt Nam? Cơ cấu tổ chức, nguồn lực thông tin, tài liệu, phân loại, biên mục, quản lí thông tin, tài liệu, nhu cầu bạn đọc của Thư viện Quân đội như thế nào? Trong bối cảnh hiện nay, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, những khả năng mới trong việc kiểm soát, định hình tài nguyên thư viện, các xu hướng đổi mới trong phương thức quản lí, tiếp cận, chia sẻ và kết nối thông tin buộc các thư viện phải tái cấu trúc một cách toàn diện. Thư viện Quân đội Việt Nam có động thái như thế nào trước các diễn biến to lớn ấy?

Năm 1957, Thư viện Quân đội ra đời, là bộ phận của Câu lạc bộ Quân nhân, ban đầu chỉ có 3 người phụ trách với 500 đầu sách, cơ quan quản lí trực tiếp là Cục Tuyên huấn – Tổng cục Chính trị. Tiếp theo đó, năm 1958, Thư viện Quân đội tách khỏi Câu lạc bộ Quân nhân, trở thành Thư viện trung tâm của toàn quân. Năm 1961 Thư viện Quân đội đã căn bản thông qua chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức phòng ban, nghiệp vụ. Có thể nói, Thư viện Quân đội ra đời đáp ứng trước tiên nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Thư viện trở thành nơi lưu trữ, bảo quản các tư liệu khoa học quân sự, lịch sử. Đến thời điểm hiện tại (2017), sau 60 năm, Thư viện Quân đội đã trở thành một trong những thư viện lớn của Việt Nam, là thư viện đầu ngành về khoa học quân sự.

Sự ra đời của Thư viện Quân đội mang tính tất yếu trong tiến trình vận động chính trị, xã hội, văn hóa và tri thức ở Việt Nam. So với lịch sử thư viện thế giới (khoảng 3000 năm – các thư viện của Pharaon thời Hy Lạp cổ đại) và Việt Nam (khoảng 1000 năm – các tàng thư, kinh các của chế độ phong kiến), 60 năm chưa phải là dài. Tuy nhiên, đặt trong tính tổng thể của lịch sử cách mạng và quân sự hiện đại, có thể nói, từ khá sớm Thư viện Quân đội đã tham gia vào quá trình kiến tạo và định hình xã hội Việt Nam. Sự sinh thành và phát triển của một thư viện, dưới nhãn quan xã hội học thư viện, thư viện học, không đơn thuần là việc lưu trữ và bảo quản tư liệu, càng không phải chỉ là việc kiếm tìm tư liệu hay phục vụ bạn đọc. Thư viện, cần phải được hiểu như một hiện tượng, một thành tố tham gia vào cấu trúc xã hội với vai trò quản lí, định hướng, điều tiết các nguồn thông tin, tư liệu, tri thức. Thậm chí, trong một hình dung sâu hơn, đó là nơi tiến hành các vận động duy trì, phổ biến hoặc kiềm chế quyền lực của tri thức. Từ hình dung đó, chúng ta hiểu vì sao từ thời cổ đại loài người đã ý thức đến việc xây dựng thư viện. Và cũng từ đó, chúng ta hiểu được tầm quan trọng, vị thế của Thư viện Quân đội trong cấu trúc thư viện, chính trị, quân sự, xã hội, văn hoá, tri thức ở Việt Nam. Đánh giá của Đại tá Trần Thị Bích Huệ (Giám đốc Thư viện Quân đội) có thể xem là một minh chứng cho ý thức của các nhà quản lí trong việc phát triển thư viện: “Là thư viện chuyên ngành cấp nhà nước về quân sự, là cơ quan nghiệp vụ đầu ngành của hệ thống thư viện toàn quân, có chức năng tham mưu giúp Thủ trưởng Tổng cục Chính trị về công tác thư viện và hoạt động sách báo trong quân đội, với những nhiệm vụ: thu thập, lưu trữ sách báo về quân sự, quốc phòng; nhận lưu chiểu các xuất bản phẩm trong quân đội; cung cấp thông tin, tư liệu, tổ chức công tác phục vụ nghiên cứu khoa học; bổ sung sách tập trung, định hướng đọc và xây dựng phong trào đọc sách trong quân đội; bảo đảm đời sống văn hoá tinh thần cho bộ đội; hướng dẫn nghiệp vụ, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên thư viện cho hệ thống thư viện toàn quân”. Tính chất chuyên ngành và vị trí hàng đầu trong chiến lược xây dựng Thư viện Quân đội cùng với nhiệm vụ tham mưu, thu thập hay cung cấp tư liệu (trong đó có tư liệu cho các lãnh đạo), định hướng văn hóa đọc, bồi dưỡng cán bộ… có thể được xem là những động thái căn bản trong việc hình thành trật tự tri thức, quyền lực, văn hóa.

Là thư viện chuyên ngành khoa học quân sự, dĩ nhiên, nguồn cơ sở dữ liệu của Thư viện Quân đội là các tài liệu lịch sử, quân sự trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bên cạnh việc đảm bảo các thiết chế đặc thù, nhu cầu mở rộng phạm vi lưu trữ, bảo quản, phục vụ bạn đọc cũng được chú ý. Thư viện Quân đội đã không bó hẹp trong lĩnh vực quân sự mà tiến đến phục vụ nhu cầu đọc, nghiên cứu của bạn đọc ngoài quân đội. Nguồn tư liệu từ Bộ Quốc phòng, các ấn phẩm xuất bản trong quân đội, tiếp thu và bảo quản kho tài liệu miền Nam (trước 1975), các ấn phẩm mới cập nhật, bổ sung hàng năm,… đã đưa nguồn tài liệu của Thư viện Quân đội lên đến hàng chục vạn bản. Trong đó, có những nguồn tư liệu quý hiếm cần được bảo quản và khai thác một cách hợp lí, khoa học. Với nguồn tư liệu khổng lồ này, Thư viện Quân đội xứng đáng là thư viện hàng đầu về quân sự ở Việt Nam. Một vấn đề đặt ra là, Thư viện Quân đội đã tổ chức quản lí, lưu trữ và phát huy nguồn tài liệu này như thế nào?

Bên cạnh hiện đại hóa việc đọc bằng thư viện điện tử, sách giấy truyền thống vẫn được duy trì – Ảnh: Thành Duy

Để quản lí nguồn tài liệu đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của mình, Thư viện Quân đội tiến hành xây dựng các ấn phẩm như: Thư mục thông báo tài liệu mới, Thư mục chuyên đề (theo các sự kiện của đất nước), Tài liệu nghiên cứu phục vụ lãnh đạo. Tuy nhiên, dưới góc nhìn thư viện học, dường như các nhiệm vụ trên mới chỉ là một phần trong tổng thể sự vận hành của thư viện. Như đã nói, việc nắm bắt thị hiếu, mà trước hết, đối với Thư viện Quân đội là nhu cầu của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, viên chức quốc phòng sau đó là người đọc dân sự là đòi hỏi có tính chiến lược cho sự phát triển. Trong báo cáo của Giám đốc Thư viện Quân đội, đơn vị này đã thường xuyên tổ chức các hoạt động thực tế, nắm bắt nhu cầu của người đọc trong các đơn vị quân đội, nắm bắt yêu cầu từ các thư viện liên thuộc để từ đó có sự điều chỉnh, bổ sung kịp thời các loại sách báo, tư liệu. Cùng với đó, để nâng cao nhu cầu đọc của công chúng, Thư viện Quân đội cùng với các tổ chức trong và ngoài quân đội thường xuyên tiến hành toạ đàm, giao lưu, giới thiệu sách theo chủ đề,… tận dụng năng lực của truyền thông trong việc đưa sách đến với người đọc. Ngoài ra, trong các thông báo dịch vụ của Thư viện Quân đội, người đọc cũng có thể dễ dàng làm thẻ, tiếp cận thông tin, tài liệu qua việc tra cứu trực tiếp, mượn, đọc hoặc photocopy in ấn, scan,… Có thể nói, vừa đáp ứng các đòi hỏi đặc thù quân sự, Thư viện Quân đội cũng vừa cho thấy sự chủ động, linh hoạt trong hoạt động như một thư viện dân sự trước các chuyển biến của công cuộc đổi mới và hội nhập của đất nước.

Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sự cạnh tranh quyết liệt của các phương tiện truyền thông, sự dịch chuyển từ hình thức tiếp cận văn bản giấy in sang văn bản điện tử, sự chuyển đổi mô hình thư viện văn bản truyền thống sang dữ liệu số, những lo âu về sự suy giảm của văn hoá đọc, những thiết chế chính trị, xã hội ảnh hưởng đến việc tiếp cận thư viện của người đọc (cán bộ, chiến sĩ trong quân đội và bạn đọc dân sự),… đã đặt Thư viện Quân đội vào những thách thức rõ rệt để vừa hoàn thành nhiệm vụ của mình trong tư cách là một đơn vị biên chế của Quân đội nhân dân Việt Nam, vừa là một thư viện theo nghĩa thông thường. Rõ ràng, với hoàn cảnh xã hội đương đại, Thư viện Quân đội cần có những thay đổi trong quy cách biên mục, tổ chức quản lí, vận hành nguồn thông tin, tài liệu sao cho thuận lợi nhất, phù hợp với yêu cầu của người tiếp cận thông tin nhưng cũng phải an toàn, bền vững nhất. Thời gian gần đây, theo như báo cáo từ Giám đốc và Trưởng phòng Thông tin của Thư viện Quân đội, việc tổ chức các thư mục chuyên đề đang tỏ ra hiệu quả, nhất là đối với công tác chính trị, quân sự, an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, sẽ cần rất nhiều nữa những mô hình tổ chức hoạt động như: xây dựng các cơ sở dữ liệu, dữ kiện về các chủ đề quân sự, các thông tin phục vụ lãnh đạo, các bộ sưu tập số tài liệu quân sự,… Điều này, một lần nữa yêu cầu trở lại vấn đề nguồn lực con người và phương tiện kĩ thuật, công nghệ cần phải được quan tâm, đầu tư hơn nữa. Trước mắt, để thực hiện nhiệm vụ đặc thù của mình, việc tiến hành thu thập, quản lí, giới thiệu theo chuyên đề các tư liệu quân sự đang là ưu tiên hàng đầu của Thư viện Quân đội.

Công nghệ thông tin đã định hình lại các hoạt động của thư viện. Mô hình thư viện truyền thống dường như không thỏa mãn được nhu cầu của người đọc. Đúng hơn, sự vênh lệch về phương thức hoạt động hay phục vụ của thư viện với nhu cầu của người đọc khiến cho những điều tra tại thư viện về văn hóa đọc có vẻ khá bi quan. Ít người đến thư viện hơn, đó là thực tế. Nhưng, có lẽ số người đọc chưa hẳn đã giảm. Vấn đề ở đây chính là sự chuyển đổi từ hình thức đọc trên văn bản giấy sang đọc bằng máy tính, điện thoại, các thiết bị khai thác dữ liệu, thông tin kĩ thuật số. Trước tình hình đó, Thư viện Quân đội không thể không tiến hành các hoạt động số hóa nguồn tài liệu của mình. Điều này, dù tỏ ra khá tốn kém, nhưng đã nằm trong chương trình phát triển của Thư viện trong thời gian sắp tới. Trước mắt, Thư viện Quân đội khai thác thông tin, tài liệu trên ba trang mạng: mạng LAN, mạng máy tính quân sự và internet thông qua các phần mềm quản lí thư viện điện tử Mylib (2002), Esylib (2005), Inforlib (2009),… Điều này đang cho thấy những bước đi đúng hướng của Thư viện Quân đội. Từng bước, như chúng ta thấy, các phần mềm ứng dụng cho phép người quản lí cũng như người dùng tiếp cận được một cách đầy đủ hơn nguồn thông tin. Tương lai của thư viện, với diễn biến mau chóng của công nghệ hẳn sẽ phải là một môi trường tích hợp đa phương tiện, rút ngắn thời gian tác vụ, truy cập, tiếp cận nhanh và thuận lợi nhất đến gói dữ liệu thông qua phương tiện công nghệ số. Do đó, trong chiến lược phát triển của mình, Thư viện Quân đội đang nỗ lực tận dụng những điều kiện có thể để chuyển dịch mô hình hoạt động. Trong đó, số hóa nguồn tài liệu được xem là bước đi quan trọng. Dĩ nhiên, vừa mang những nét đặc thù của đơn vị quân đội, vừa hướng đến mô hình khai thác mở, Thư viện Quân đội phải đảm bảo năng lực thư viện đủ mạnh cả về an ninh và khả năng khai thác.

Tương lai của thư viện là điều đã được dự báo trong bối cảnh công nghệ và truyền thông đa phương tiện như hiện nay. Thư viện Quân đội cũng không thể đứng ngoài các vận động ấy. Thậm chí, có thể nói rằng, Thư viện Quân đội cần phải có những bước đi mạnh mẽ, hiện đại, kịp thời để vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quân sự, chính trị, vừa xứng đáng là một trung tâm thư viện lớn của cả nước. Lịch sử 60 năm của Thư viện Quân đội là một tham chiếu hữu ích cho những nghiên cứu xã hội học, thư viện học, để từ đó có những đánh giá về bước đi và những thành tựu của Thư viện với công cuộc chiến đấu, dựng xây, bảo vệ đất nước. Nhìn lại quá khứ để vững bước trong hiện tại và tương lai, đó luôn là bài học cho mỗi tổ chức, cá nhân. Dưới góc nhìn của thư viện học, xem xét cấu trúc sinh thành, vai trò, nhiệm vụ và những thách thức mới của Thư viện Quân đội, bài viết của chúng tôi hi vọng đặt ra được những suy nghĩ có tính chuyên ngành về việc xây dựng thư viện trong bối cảnh công nghệ, đồng thời soi chiếu thực thể thư viện như một hiện tượng xã hội với những can dự đa dạng vào cấu trúc đời sống. Những mô tả về tương lai của thư viện nói chung, Thư viện Quân đội nói riêng dường như không rời xa khỏi những chi phối của nền tảng công nghệ, kĩ thuật, yêu cầu của người dùng tin hiện đại, các điều khoản bắt buộc về tình trạng an ninh, quốc phòng và tính mở trong khai thác thông tin tư liệu. Hành trình 60 năm đã qua của Thư viện Quân đội, đến hôm nay đã trở thành động lực cho những chặng đường tiếp theo. Dĩ nhiên, chúng ta chờ đợi những định hình mới mẻ sẽ đến trong tương lai.

N.T.T

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version