Những thành tâm và nhiệt huyết của những người trong cuộc, cùng sự cổ vũ nồng nhiệt của giới mộ điệu, tin rằng thư pháp Haiku Việt trong tương lai sẽ có nhiều thành công, đóng góp nhiều nét đặc sắc trong bức tranh lớn của quá trình tiếp biến Haiku ở Việt Nam.

(Minh hoạ)

Ra đời vào thế kỷ XVII bởi thiền sư- thi sĩ lỗi lạc Matsuo Basho và phát triển mạnh mẽ vào thời kì Edo (1603-1867) của Nhật Bản, đến nay, Haiku đã vượt ra phạm vi của đất nước mặt trời mọc để trở thành thể thơ có nhiều ảnh hưởng trong nền thi ca nhân loại. Tùy “cơ địa” của mỗi quốc gia mà tình hình tiếp biến Haiku có sự thay đổi. Riêng ở Việt Nam, Haiku từ lâu đã trở thành lối thơ quen thuộc đối với không chỉ giới nghiên cứu văn chương, với độc giả nhiều thế hệ mà còn đối với những người sáng tác. Họ đã tìm thấy ở thể thơ chỉ vỏn vẹn 20 âm tiết trở lại này những hình thái có thể gửi gắm nơi đó tâm sự của những tiếng lòng, của những trải nghiệm nhân sinh, của những phút giây giãi bày lắng đọng. Ngày nay, trong bối cảnh xã hội phát triển như tia chớp, nhất là những cú lao vút của kỹ nghệ, đời sống văn chương, đặc biệt là trong khu vực thưởng thức và sáng tác cũng có nhiều thay đổi. Riêng đối với Haiku Việt, những tương đồng và dị biệt, những mảng màu sắc tiếp biến đa dạng ở Việt Nam đã trở thành những cơ hội để việc thưởng lãm Haiku có những bước đột phá. Đáng chú ý trong số đó là việc thể hiện Haiku qua nghệ thuật thư pháp chữ Việt.

Là một phân môn nghệ thuật xuất hiện ở Việt Nam từ thập niên 1950-1960, bùng nổ vào những năm cuối của thế kỷ trước, ngày nay thư pháp chữ Việt (còn gọi là thư pháp Việt ngữ) đã dần đi vào đời sống nghệ thuật của nước ta với nhiều đóng góp nhất định. Không chỉ đơn thuần là “viết chữ đẹp”, thư pháp Việt còn hàm chứa ý nghĩa là phương thức để thể hiện tâm chí, khí lực của người dụng bút. Tuy vẫn còn nhiều tranh luận chưa đến hồi thống nhất, song, tựu trung, thư pháp Việt ngữ hiện nay thường được phân chia thành năm kiểu chữ chính là Chữ Chân Phương (còn gọi là Chân Tự), Chữ Cách Điệu (còn gọi là Biến Tự), Chữ Cá Biệt (còn gọi là Cuồng Thảo), Chữ Mô Phỏng và Chữ Mộc Bản. Đặc biệt, như một tất yếu, mối quan hệ vốn có tự ngàn xưa giữa thơ và họa mà ngày nay thư pháp còn có thể trở thành thư họa. Điều này xảy ra khi một số tranh thư pháp thường được trình bày kèm hình ảnh minh họa, hay người viết cố ý viết chữ thành một hình ảnh trừu tượng nhất định…

Với một thể thơ kiệm chữ như Haiku cho phép mỗi độc giả quyền năng thỏa sức “đồng sáng tác” cùng tác giả khi có thể “thoải mái” cắt nghĩa những tầng lớp vô ngôn vô cùng tận được ẩn giấu trong ba dòng thơ ngắn gọn. Và thư pháp Việt là một lối đọc riêng có. Nhà thư pháp sau khi cảm nhận bài thơ bằng thế giới quan, nhân sinh quan của mình sẽ tái hiện cách hiểu ấy thông qua tác phẩm thư pháp. Sự tái sinh ấy thật thiên hình vạn trạng, có thể trùng lắp với ý tưởng ban đầu của tác giả bài thơ, cũng có thể chênh lệnh đôi chút. Như một ngã rẽ của sự đọc, hình thức thư pháp Haiku Việt cho thấy những tiềm năng lớn đang dần được khơi mở trong quá trình khám phá và tiếp nhận Haiku của một đối tượng độc giả đặc biệt – các nhà thư pháp. Cũng có những trường hợp, độc giả không hẳn là thư pháp gia nhưng sau khi đọc được một bài Haiku tâm đắc liền muốn múa bút thể hiện lại vẻ đẹp ấy của bài thơ, nương theo tâm tình ban sơ của tác giả. Có thể nói, người xưa từng dạy, thi trung hữu họa, họa trung hữu thi, chính là vậy.

Những chuyện khởi sự bao giờ cũng khó tránh khỏi những hạn chế, thậm chí lệch hướng so với dụng ý ban đầu. Thế nên, mối quan hệ giữa Haiku Việt và thư pháp Việt vẫn còn là câu chuyện dài của thời gian phía trước. Tuy vậy, với những thành tâm và nhiệt huyết của những người trong cuộc, cùng sự cổ vũ nồng nhiệt của giới mộ điệu, tin rằng thư pháp Haiku Việt trong tương lai sẽ có nhiều thành công, đóng góp nhiều nét đặc sắc trong bức tranh lớn của quá trình tiếp biến Haiku ở Việt Nam.

Trần Xuân Tiến

Nguồn: Tổ Quốc

Phạm Thuý Quỳnh đưa bài