Không phải là cuốn sách dễ đọc cho những ai không đủ kiên nhẫn, nhưng “Life navigator 25: Người tình của cả thế gian” là cuốn tiểu thuyết mà những người hâm mộ dòng văn học giả tưởng nên đọc. Đây là địa hạt đang bị bỏ ngỏ ở Việt Nam khi mà có khá ít các nhà văn ghi dấu ấn ở thể loại này.

Viết sách từ cơn mơ

“Life navigator 25: Người tình của cả thế gian” là tác phẩm mới nhất của Trần Tiễn Cao Đăng, một cái tên vừa quen vừa lạ trong giới văn chương. Quen vì anh là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học nặng ký như “Biên niên ký chim vặn dây cót” (Haruki Murakami), “Từ điển Khazar” (Milorad Pavic), “Thế giới như tôi thấy” (Albert Einstein), “Nếu một đêm đông có người lữ khách” (Italo Calvino)…

Lạ vì ít người biết đến ngòi bút Trần Tiễn Cao Đăng với tư cách là nhà văn. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên  dịch giả người Huế đặt chân vào địa hạt văn chương, khi cách đây hơn 10 năm, anh đã cho ra mắt tập truyện ngắn đầu tiên mang tên “Baroque và ẩn hoa”. Và phải đến “Life navigator 25: Người tình của cả thế gian” thì Trần Tiễn Cao Đăng mới có dịp bung tỏa trí tưởng tượng cũng như khám phá tận cùng bút lực của mình.

Bối cảnh câu chuyện xoay quanh một nhân vật được gọi là “Life navigator” mang số hiệu 25, có thể gọi là những “người điều hướng”, những cá thể mang năng lực tâm trí đặc biệt, có khả năng giúp những người khác thâm nhập những kiếp sống trước và đôi khi là những kiếp sống sau của họ.

Một số người còn có khả năng điều hướng giấc mơ, dẫn dắt tâm trí con người đi qua những giấc mơ của mình và của kẻ khác. Đây cũng là khởi nguồn cho hành trình khám phá về một không gian khác của vũ trụ, nơi mà thể xác và linh hồn không phải lúc nào cũng tồn tại đồng nhất.

Ý tưởng về cuốn sách xuất hiện với Trần Tiễn Cao Đăng vào khoảng năm 2010, nhưng do bận rộn nên anh không dành nhiều thời gian và công sức cho dự án này. Tuy nhiên, giấc mơ về nhân vật “Life navigator 25” thực sự ám ảnh anh và trong suốt 3 năm, anh đã “hiến mình trọn vẹn” cho câu chuyện nhiều ẩn nghĩa này.

Ban đầu, Trần Tiễn Cao Đăng dự định chỉ gói câu chuyện trong vòng 70-80 trang, tuy nhiên càng viết, những ý tưởng càng tuôn trào và khi “thành hình” thì dung lượng lên tới hơn 400 trang. Nhìn lại thành quả lao động nghệ thuật của mình, chính tác giả cũng phải thốt lên “tôi cảm thấy khó hình dung chúng đã sinh ra từ tôi”.

Giả thiết về sự tận thế

Có thể nói “Life navigator 25: Người tình của cả thế gian” là một sự mạo hiểm của Trần Tiễn Cao Đăng. Đây không phải là cuốn sách dễ đọc đối với độc giả phổ thông, bởi nó thách thức sự kiên nhẫn của độc giả nếu muốn theo đến tận cùng câu chuyện. Người đọc sẽ dễ nản chí với cách “bày binh bố trận” của tác giả khi sử dụng khá nhiều tình huống hư cấu, những biểu tượng, những nhân vật có thực và không có thực diễn biến trong nhiều tầng không gian, thời gian khác nhau.

Bằng việc đưa ra giả thiết về sự tồn tại của một “Đảo Vũ trụ”, nơi một bộ phận người di cư đến sau khi Trái đất trải qua ngày tận thế, tác giả không miêu tả thảm họa, mà đi sâu vào khía cạnh nội tâm của con người, với khao khát được tự do, được giải thoát khỏi thực tại. Bên cạnh những giả thiết về sự tận thế, tác giả mổ xẻ bản chất của sự vô cảm, tội ác của con người … Xét cho cùng, thì cái “Đảo Vũ trụ” ấy dường như chỉ là cái cớ để người ta mong chờ vào một thế giới khác, nơi con người có thể tìm thấy cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì dù thế nào, “loài người nhìn chung, quá nhỏ bé để có thể hàng ngày trực diện cái vô hạn, và cái ác nữa”.

Khi đọc tác phẩm, người xem như được chầm chậm phiêu lưu trong một thước phim điện ảnh mà Trần Tiễn Cao Đăng làm đạo diễn, với một mối tình xuyên thời gian kỳ lạ, với màu sắc Tây Ban Nha trong vũ điệu flamenco rực lửa, với những nghi thức kỳ lạ thuộc thế giới khác…

Có người nói văn phong của Trần Tiễn Cao Đăng khá Tây và không thể phủ nhận nó còn khá xa lạ với thị hiếu và cách cảm thụ của người đọc. Tuy vậy, hy vọng với thử nghiệm táo bạo này, văn chương Việt Nam sẽ khai phá thêm một hướng đi mới trong dòng văn học giả tưởng, vốn đang lâm vào cảnh “ngoại lấn nội”.

Theo Mai Anh – An ninh Thủ đô