(Ảnh minh hoạ – Nguồn: Internet)
Đó là vùng đồi núi điệp trùng bao bọc nhiều thung lũng trù phú nằm về phía Bắc của miền Tây Bắc nước ta, nơi khởi nguồn và kết thúc của con sông Chảy hiền hòa mà hùng vĩ. Con sông ấy bắt nguồn từ sườn Tây Nam của đỉnh Tây Côn Lĩnh có độ cao gần hai ngàn rưởi mét thuộc tỉnh Hà Giang, đi qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái rồi hợp lưu với sông Lô tại Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ). Con sông ấy đã góp phần dựng nên phên lũy vững bền của đất nước, góp phần tạo nên vùng kinh tế trọng điểm của vùng Tây Bắc và Việt Bắc, cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Thác Bà, nhà máy thủy điện đầu tiên của miền Bắc XHCN từ những năm 60 của thế kỷ trước.
Dọc theo dòng chảy của con sông ấy là một vùng văn hóa truyền thống đặc sắc của nhiều dân tộc anh em. Nơi đây còn có đội ngũ các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu là người địa phương đã có nhiều thành tựu văn học-nghệ thuật, góp phần làm giàu có thêm cho kho tàng văn hóa vùng sông Chảy và nền văn học nước nhà. Trước Cách mạng tháng Tám, vùng đất này có nhà văn Lan Khai nổi tiếng với hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại, trong đó có những tác phẩm văn xuôi thuộc hàng kinh điển, như Lầm than, Trong cơn binh lửa v.v… Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, vùng đất này có Hoàng Hạc với Ké Nàm, Sông gọi và Ma Văn Kháng với Vùng biên ải, Đồng bạc trắng hoa xoè v.v… Đặc biệt từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhất là trong công cuộc đổi mới đất nước, vùng đất sông Chảy nở rộ một mùa bội thu văn chương. Đó là sự xuất hiện của lớp nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Nhiều người trong số họ là con em của nhiều miền quê, từ nhiều chiến trường, do cơ duyên mà hội tụ về đây, cùng với những đồng nghiệp là người “bản địa”, làm nên một đội ngũ nhà văn đông đảo và mạnh mẽ: Hùng Đình Quý, Ngọc Bái, Lò Ngân Sủn, Bùi Nguyên Khiết, Mã A Lềnh, Phù Ninh, Trịnh Thanh Phong, Cao Xuân Thái, Hoàng Thế Sinh, Pờ Sảo Mìn, Hà Lâm Kỳ, Đoàn Hữu Nam, Vũ Xuân Tửu, Nguyễn Quang… Và gần đây là những tác giả trẻ tuy mới xuất hiện vài ba năm nhưng đã tạo ấn tượng trong công chúng: Đặng Quang Vượng, Tống Ngọc Hân, Mã Anh Lâm, Nguyễn Trần Bé, Chu Thị Minh Huệ…
Từ năm 2008, đội ngũ trên đây được tập hợp thành một tổ chức nghề nghiệp là Chi hội nhà văn Sông Chảy, bao gồm các nhà văn, nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam của 4 tỉnh: Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai và Tuyên Quang. Có thể nói, sự ra đời của Chi Hội nhà văn Sông Chảy đã đáp ứng được phần nào nguyện vọng của hội viên, của bạn đọc. Chi hội thực sự là sự kết nối của hội viên với hội, kết nối giữa chi hội với 4 Hội văn nghệ địa phương; đồng thời là nơi tập hợp, động viên khích lệ các hội viên hăng say sáng tác ra các tác phẩm văn học giàu bản sắc văn hóa miền núi Tây Bắc, đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn học của địa phương và đất nước. Trong đội ngũ trên đây, có thể kể ra những tác giả với những tác phẩm tiêu biểu: Tỉnh Hà Giang có nhà thơ Hùng Đình Quý với những tập thơ song ngữ tâm huyết về người Mông, về Hà Giang. Nhà văn Nguyễn Quang với 2 tiểu thuyết Đất ba phương và Ánh trăng trong rừng trúc. Năm 2015, Hà Giang có liền 2 cây bút trẻ được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam là Nguyễn Trần Bé và Chu Thị Minh Huệ. Tỉnh Tuyên Quang có nhà văn Trịnh Thanh Phong – tác giả của tiểu thuyết Ma Làng đã được chuyển thể thành phim nhiều tập. Nhà văn Vũ Xuân Tửu là tác giả nhiều tiểu thuyết lịch sử và truyện ngắn về con người và vùng đất Tuyên Quang. Nhà văn Phù Ninh có Đêm trước rạng đông là cuốn tiểu thuyết hiếm hoi viết về vùng đất này trước ngày khởi nghĩa cách mạng. Nhà thơ Cao Xuân Thái với 4 tập bút ký và nhiều tập thơ về vùng Cao nguyên đá Hà Giang. Tỉnh Yên Bái có nhà văn Hoàng Thế Sinh với chùm tiểu thuyết đã được dựng thành như: Bụi hồ, Rừng thiêng, Lửa và Thuốc phiện. Nhà thơ Ngọc Bái nổi danh về thơ và trường ca từ những năm 70 của thế kỷ trước. Nhà văn Hà Lâm Kỳ có sáng tác về đề tài thiếu nhi. Tỉnh Lào Cai có 2 “lão tướng” là Mã A Lềnh và Pờ Sảo Mìn được độc giả cả nước mến mộ. Nhà văn Đoàn Hữu Nam “thiện xạ” cả 2 tay thơ và văn xuôi. Gần đây, Lào Cai có 2 nhà văn trẻ mới xuất hiện đã đoạt nhiều giải thưởng danh giá là Tống Ngọc Hân và Mã Anh Lâm…
Một đội ngũ đông đảo với sức sáng tạo thật dồi dào. Chỉ tính riêng trong 2 năm gần đây, theo thống kê chưa đầy đủ, các hội viên Chi hội Nhà văn Sông Chảy đã xuất bản hơn 30 ấn phẩm mới sáng tác. Trong đó đáng chú ý là tiểu thuyết Ma tiền của Hoàng Thế Sinh (Yên Bái) cùng tiểu thuyết Cánh cung đỏ và truyện dài Thủ lĩnh Nàng Han của Hà Lâm Kỳ (Yên Bái). Nhà văn Đoàn Hữu Nam (Lào Cai) có 2 bộ kịch bản của hai bộ phim chuyển thể từ tác phầm của Hoàng Thế Sinh và Nguyễn Cự với tổng số trên 60 tập. Nhà văn Mã Anh Lâm (Lào Cai) có tiểu thuyết Đối mặt với nửa đêm. Nhà văn Vũ Xuân Tửu (Tuyên Quang) có tiểu thuyết Đinh Tiên Hoàng Đế và tập truyện Chuyện tình người đẹp Thành Tuyên. Nhà văn Mã A Lềnh có tiểu thuyết Một đời thăm thẳm. Nhà văn Nguyễn Quang (Hà Giang) có tiểu thuyết Vẫn chỉ là người lính và Gầm vang Thác Vệ. Nhà văn Phù Ninh (Tuyên Quang) với 2 tiểu thuyết Khúc sông bên bồi và Thu Hương. Nhà văn trẻ Tống Ngọc Hân (Lào Cai) rất sung sức với nhiều truyện ngắn trên các báo và tạp chí trung ương. Nhà văn Trịnh Thanh Phong (Tuyên Quang) có tiểu thuyết Đời người sấp ngửa. Nhà văn Nguyễn Trần Bé (Hà Giang) có tiểu thuyết Thạch trụ huyết và tập truyện ngắn thiếu nhi Sáo đèn đỏ. Nhà văn trẻ Chu Thị Minh Huệ (Hà Giang) có tập truyện ngắn Bông dẻ đẫm sương và tập truyện dài Đường lên hạnh phúc viết cho thiếu nhi. Các nhà thơ Ngọc Bái, Pờ Sảo Mìn, Cao Xuân Thái, Đặng Quang Vượng, Hùng Đình Quý cũng có những tập và tuyển tập thơ trình làng: Ngọc Bái với Trong trẻo trước mùa thu, Đặng Quang Vượng với trường ca Con đường Máu và Hoa…
Ở một góc độ nào đó, có thể lấy các giải thưởng văn chương để đánh giá về chất lượng sáng tác của các nhà văn khu vực Sông Chảy. Và cũng trong hai năm qua, khá nhiều nhà văn của Chi hội Nhà văn Sông Chảy đã đoạt các giải thưởng chính thức của các Hội chuyên ngành cấp trung ương, như: Nhà văn Nguyễn Quang đoạt giải Nhì tiểu thuyết Cuộc thi sáng tác về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 – 2015). Nhà văn Nguyễn Trần Bé đoạt giải Ba Cuộc thi viết tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ tư (2011 – 2015). Đặc biệt nhà thơ Cao Xuân Thái đoạt giải thưởng quốc tế Sông Mê Công năm 2014.
Một điều rất đáng mừng nữa là 2 năm qua, khá nhiều tác giả của Chi hội Nhà văn Sông Chảy đã được sinh viên các trường Đại học chọn tác giả và tác phẩm làm luận văn Thạc sỹ, Tiến sĩ và bảo vệ thành công với số điểm cao, như: Trịnh Thanh Phong, Đoàn Hữu Nam, Vũ Xuân Tửu, Hoàng Thế Sinh, Mã A Lềnh, Ngọc Bái, Hà Lâm Kỳ… Ngoài ra, từ năm 2012 đến nay, nhiều nhà văn của Chi hội đã có tác phẩm được đưa vào giảng dạy trong chương trình văn học địa phương ở các trường Trung học phổ thông và Trung học cơ sở. Trong số này có nhà văn Vũ Xuân Tửu là cây bút đa năng, viết thơ, trường ca, ký, truyện ngắn, tiểu thuyết. Tuy nhiên, theo các nhà phê bình văn học thì Vũ Xuân Tửu là cây bút thế mạnh về truyện ngắn. Đến nay anh đã sở hữu 6 tập truyện ngắn, nổi bật là tập Chuyện ở bản Piát. Ấn phẩm gồm 5 truyện ngắn tham dự và đoạt Giải Nhất Cuộc thi truyện ngắn (2005-2006) của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Truyện ngắn của Vũ Xuân Tửu là những “lát cắt” đời sống như cách hiểu thông thường về thể loại “nhỏ” này. Văn Vũ Xuân Tửu là một lối văn có nhịp điệu khẩn trương nhưng không vội vàng, mạnh mẽ, bạo liệt.
Cùng là một gương mặt truyện ngắn sáng giá, nhưng Tống Ngọc Hân là cây bút 8x mới xuất hiện vài năm nay nhưng ngay lập tức đã được đánh giá là một cây bút nữ viết truyện ngắn có nội lực và triển vọng. Những giải thưởng văn chương danh giá của tạp chí Văn nghệ Quân đội và Hội Nhà văn Việt Nam đã chứng minh điều đó Tính đến nay chị đã sở hữu 3 tập truyện ngắn cùng hai tiểu thuyết hấp dẫn đầy ắp chất trinh thám (Âm binh và lá ngón; Huyết ngọc). Nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho biết ông đã đọc gần như hết các truyện ngắn của Tống Ngọc Hân và cho biết đây là tác giả nằm trong “tầm ngắm” và sự “đeo bám” của ông về chuyên môn. Theo ông: “Truyện của Tống Ngọc Hân đầy ứ, đầy tràn những nỗi đời… Người từng trải thì chắc là không sống một chiều được”. Trong truyện của Tông Ngọc Hân, nỗi buồn nhiều hơn niềm vui nhưng không hề rơi vào bi lụy. Tuy mới xuất hiện, nhưng Tống Ngọc Hân đã có một giọng điệu riêng không lẫn với ai. Đôi khi ta như không rõ những chuyện trong truyện ngắn của chị là ở thời nào nữa. Cái giọng nhẩn nha của chị khiến đôi khi độc giả sốt ruột và điều “khó chịu” ấy lại là sức hấp dẫn khiến người đọc bị cuốn hút theo mạch truyện.
Chu Thị Minh Huệ cũng là một cây bút truyện ngắn cùng thế hệ 8x và cũng từng đoạt nhiều giải thưởng văn chương trước khi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015. Hầu như tất cả các truyện ngắn hay nhất của nhà văn Chu Thị Minh Huệ đều được lấy bối cảnh ở vùng miền núi, dân tộc. Các nhân vật chính trong các truyện ngắn ấy đều là những phụ nữ dân tộc ít người. Không gian, bối cảnh, nhân vật trong truyện ngắn của chị đều phản ánh đậm đặc chất văn hóa truyền thống của các tộc người ở vùng cao Hà Giang, được tác giả xử lý một cách khéo léo giữa thực và ảo, giữa nguyên mẫu và hư cấu nghệ thuật, giữa quá khứ và hiện tại. Đó chính là sự khai thác, kế thừa và phát huy vốn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trong các truyện ngắn của Chu Thị Minh Huệ.
Một người đồng hương của Chu Thị Minh Huệ đang được dư luận chú ý là nhà thơ Đặng Quang Vượng. Anh đã có các tập thơ và trường ca viết về Hà Giang khá dày dặn. Tuy tác giả sử dụng nhiều cách thức thể hiện và bút pháp khác nhau, song đa phần vẫn được khai thác, phát huy từ vốn văn hóa truyền thống của các tộc người vùng cao. Ngôn ngữ, hình ảnh và những chủ đề được phản ánh trong thơ của ông thường mộc mạc, giản dị, gần gũi với cách hiểu, cách nghĩ của đồng bào. Đó có thể coi là đóng góp của nhà thơ trong việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Nguyễn Trần Bé xuất hiện khá muộn, nhưng cũng khá “đồ sộ” với 4 tập truyện ngắn và 2 tập tiểu thuyết, trước khi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015. Mặc dù được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam về tiểu thuyết (Thạch trụ huyết), nhưng theo một số nhà phê bình, rất có thể Nguyễn Trần Bé sẽ ghi dấu ấn trên văn đàn đậm hơn với truyện ngắn. Bởi đọc truyện của Nguyễn Trần Bé, thấy anh thích hợp với cái nhìn “vừa khoảng” – nghĩa là gọn ghẽ, không quá hoành tráng. Truyện ngắn của Nguyễn Trần Bé rất gọn ghẽ, rất hoạt. Ví dụ như Lá chết, chỉ có khoảng 1000 chữ. Ngắn gọn là vì tác giả tìm được cái tình huống rất đặc biệt để làm bật lên vấn đề – liệu con người ta có dám sống chết cho tình yêu? Nhiều người thích Nguyễn Trần Bé viết những truyện ngắn giàu tính chất ngụ ngôn như thế.
Điểm danh một vài cây bút như trên để góp phần hình dung rõ hơn về đội ngũ và chất lượng văn chương của một vùng miền núi cách xa Thủ đô hàng trăm cây số. Rõ ràng vùng văn hóa Sông Chảy là một “mỏ vàng” cho các văn nghệ sỹ khai thác, giới thiệu. Đa phần các cây bút của Chi Hội Nhà văn Sông Chảy là những người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương; cùng đó là những người đã gắn bó với miền núi từ khi còn trai trẻ, coi mảnh đất này là quê hương thứ hai. Trong các tác phẩm của họ, miền núi và dân tộc luôn là nguồn cảm hứng, là đề tài bất tận để khai thác. Bằng tình yêu, niềm đam mê cháy bỏng và một nghị lực mạnh mẽ cùng sự cần mẫn trong lao động nghệ thuật, họ đã tạo cho mình một vị trí trong nền văn học Việt Nam đương đại, có những đóng góp giá trị cho nền văn học của địa phương và đất nước.
Mai Nam Thắng – Vanvn.net