Quý vị thân mến
Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu truyện ngắn THÔNG TRÊN NÚI SƠN VIỆN của nhà văn trẻ Lê Đình Trung
Tác giả Lê Đình Trung
– Sinh năm1996
– Nghề nghiệp: lao động tự do
– Quê quán: Xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Tác phẩm:
– Đã có truyện ngắn, tản văn, bài viết đăng trên một số báo như Văn nghệ Công an, Báo phụ nữ TPHCM, Báo thanh niên, Báo thế giới tiếp thị, Dân Việt, Báo Xây dựng, Báo Thanh Hóa…
– Sách in chung: Hà Nội Thành phố tôi yêu (năm 2021).
Giải thưởng
– Giải nhất cuộc thi viết “Hà Nội thành phố tôi yêu” của báo Thanh niên năm 2021
– Giải nhì cuộc thi viết tản văn Mùa xuân, Tổ Quốc và mẹ của diễn đàn Quán Chiêu Văn năm 2021.
– Giải khuyến khích cuộc thi “Ăn tết thời COVID” do báo Dân Việt tổ chức (lấy tên tác giả Nguyễn Thị Thanh) năm 2021.
– Giải khuyến khích cuộc thi viết thư “phòng chống dịch Covid-19” của diễn đàn Quán Chiêu Văn năm 2021.
– Giải nhì truyện ngắn cuộc vận động sáng tác văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc với chủ để “Người chiến sĩ Công an Lào Cai vì bình yên cuộc sống, vì nhân dân phục vụ” năm 2022.
– Giải Khuyến khích Trại sáng tác văn học về hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân năm 2022.
– Giải nhì Cuộc thi truyện ngắn “Tiếng vọng thời đại” năm 2022 của Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh.
Mời quý vị nghe truyện ngắn THÔNG TRÊN NÚI SƠN VIỆN của Lê Đình Trung qua sự thể hiện của nhà văn Võ Thị Xuân Hà
Thông trên núi Sơn Viện
(Truyện đạt giải nhì cuộc thi Tiếng vọng thời đại năm 2022 của tạp chí VN xứ Thanh)
Tác giả: Lê Đình Trung
Chiếc xe khách chật ních người đưa tôi trở về ngôi làng nhỏ dưới chân núi. Đã gần sáu giờ sáng nhưng trời mùa đông vẫn còn tối lắm, tiếng gà nhà ai gáy te te trong hừng đông u ám nghe the thắt lòng. Xe dừng cuối con đường quốc lộ, tôi bước xuống xe cả người lâng lâng như say. Nhưng tôi nào có say xe bao giờ, hay tôi say đất, mười năm đủ dài để từ quen hóa lạ, tôi đã đi khỏi làng này lâu đến mức lạ cả mùi đất nơi đây. Phải mất một lúc tôi mới thôi cảm giác nôn nao và định hình lại được cảnh vật xung quanh.
Làng Hồ vẫn hay xuất hiện trong những giấc mơ của tôi với hình ảnh mẹ ngồi trên chiếc giường tre một tay phe phẩy quạt mo, một tay gãi rôm ở lưng em Dịu ru hời “Ru con, con ngủ cho lành/ Để mẹ gánh nước rửa bành con voi/ Muốn coi lên núi mà coi/ Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng”. Cơn mơ nào tôi cũng vừa chạy, vừa khóc tu tu, ú ớ gọi “Mẹ ơi, Dịu ơi…iii”. Tôi thấy mẹ với em Dịu rõ lắm, gần lắm nhưng càng chạy càng xa, mẹ dắt tay Dịu về phía núi Sơn Viện rồi biến mất vào trong rừng thông. Tôi chạy đến nơi thì bóng mẹ và em đã tan đi như làn khói mờ ảo, xung quanh tôi chỉ còn lại những cây thông khẳng khiu, bỗng những cây thông mọc ra vô số con mắt. Những con mắt đỏ vằn tia máu nhìn tôi chằm chằm. Hàng thông vây siết lấy tôi, thi nhau quất vào tôi ràn rạt những lằn roi đến tứa máu, máu loang khắp lưng nhỏ từng giọt, từng giọt xuống nhuộm đỏ mặt đất. Những cây thông cười khanh khách hả hê. Tôi bị những tiếng cười dọa giật mình tỉnh dậy, cả người bải hoải, mồ hôi túa ra khắp trán. Tôi nhớ ánh mắt mẹ trong mơ nhìn tôi buồn thăm thẳm, hình như mẹ muốn nói gì đó nhưng chẳng thể cất lời.
Tôi bước từng bước ngập ngừng, con đường dẫn vào làng Hồ đã từng mòn gót dấu chân tôi, vậy mà giờ đây cảnh vật đổi khác nhiều quá. Đồng ruộng bỏ hoang cỏ lác mọc chen lẫn với những cây lúa ma cao ngồng ngỗng. Mương nước tưới tiêu cho cánh đồng lúa tốt bời bời năm nào nước trong vắt nhìn thấy cả những con cá lia thia bơi dưới đáy, tôi và em Dịu vẫn thường men theo dòng nước để hái hạt cây cườm thảo về làm những chiếc vòng tay, nay đã cạn khô. Dưới lòng mương xác những con vật chết bốc mùi inh ỉnh làm tôi lờm lợm cảm giác buồn nôn. Những tấm bìa cát tông được viết lên sơn đỏ với dòng chữ “Mua đất liên hệ 098x.xxx.xxx” cắm đầy bờ ruộng, cứ cách một đoạn lại có một số điện thoại. Thì ra cơn sốt đất đã về tới tận ngôi làng nhỏ heo hút này.
*
Làng Hồ nằm tựa lưng vào núi Sơn Viện, trên núi là bạt ngàn những bóng thông reo. Nhà tôi ở cuối con đường dẫn lên núi. Chiều chiều chị em tôi hay cùng mẹ lên Sơn Viện để vơ lá thông khô về nhóm lửa. Lá thông thơm dìu dịu, lửa bén nổ lách tách, tôi thích nhất được hít hà cái mùi thơm của lá thông cháy. Lá thông trên Sơn Viện nhiều lắm, chỉ một lúc là hai quang gánh của mẹ tôi đã chất đầy những chùm lá thông khô tua tủa. Trong lúc mẹ ngồi nghỉ ngơi tôi và em Dịu tìm nhặt những quả thông rụng, vừa nhặt vừa hái sim chín bỏ vào mồm nhai chóp chép. Tôi thè cái lưỡi đã bị nhuộm tím bởi sim của mình, trợn mắt dọa Dịu “ma đây, ma đây”, em giật mình rồi cả hai chị em cùng ôm bụng cười ngặt nghẽo, mẹ tôi cũng cười, nụ cười hiếm hoi trên khuôn mặt khắc khổ của người đàn bà mới gần bốn mươi. Mẹ để chúng tôi chơi cho đến khi mặt trời gom những tia nắng cuối ngày về phía đằng tây thành một khoảng trời đỏ thẫm như màu máu mới giục về. Hai bên quang gánh trĩu nặng đôi vai, xô mẹ tôi nghiêng ngả theo từng nhịp bước, tôi dắt em Dịu theo sau, ba chúng tôi đi ngược về phía bóng nắng.
Em Dịu là một em bé ngoan, bố mẹ đi vắng, tôi ở nhà trông em cả ngày nhưng không bao giờ Dịu khóc. Em có nước da trắng như trứng gà bóc, mái tóc ngắn nhưng đen và mượt, đôi mắt em to, lúc nào cũng long lanh nước khiến ai nhìn cũng muốn ôm em vào lòng. Em có thể ngồi cả ngày một góc để chơi với mấy thứ đồ chơi tẻ nhạt như tàu lá chuối, mấy cọng dừa hay với chiếc bẹ mo cau tôi kiếm được ngoài vườn. Chỉ khi nào buồn thật buồn vì nhớ mẹ, em mới chìa tay về phía tôi giọng ngọng líu, ngọng lô “Chị Chảo, chị Chảo bế iêm, bế iêm” những lúc như vậy dù có đang làm gì tôi cũng bỏ ngang để đến bên Dịu, vuốt lên mái tóc em mềm mượt thoang thoảng mùi bồ kết y như mùi tóc của mẹ, tôi thơm lên đôi má phúng phính của Dịu rồi dụi cằm vào người em làm em nhột cười rúc rích. Dịu mãi mãi hồn nhiên và ngoan ngoãn như vậy cho đến tận cái ngày em bỏ tôi và mẹ đi.
*
Nhà tôi có tổng cộng năm sào bảy thước ruộng, vụ thì nắng hạn nẻ đất lúa cháy khô, vụ thì ngập ngụa trong bão lũ, thóc nảy mầm trắng xóa trên cây. Bố tôi phải rong ruổi khắp những cánh đồng xa gần để đánh dậm kiếm thêm con tép, con tôm. Từ tờ mờ sáng, trời còn chìm trong hơi sương, mẹ nắm cơm cùng ít muối vừng vào lá chuối cho bố. Bố tôi nhét đùm cơm vào túi áo rằn ri bộ đội đã bạc phếch màu thời gian rồi vác dậm trên vai, bên hông đeo lủng lẳng một chiếc giỏ tre, tay còn lại ông xách mõ dậm rồi chậm rãi bước ra khỏi nhà. Có những hôm bị tiếng động làm giật mình tỉnh giấc, tôi chạy ra ngoài sân đờ đẫn nhìn theo bóng bố nhỏ dần rồi lẫn trong màn sương sớm, mặt tôi ướt đẫm sương lành lạnh. Đến khi mẹ gọi tôi mới giật mình trở lại giường. Tôi chẳng biết lúc đó mình nghĩ gì mà lòng cứ nao nao, man mác một nỗi buồn không thể gọi thành tên.
Khói thông thơm dịu, thoang thoảng đưa tôi trở lại giấc ngủ chập chờn ban sáng. Khói tỏa ra từ căn bếp mẹ tôi đang nấu, khói chờn vờn, khói bảng lảng rồi tan đi như bóng bố tôi khuất dần sau cánh cổng tre trước nhà. Nấu xong nồi cám lợn mẹ mới gọi tôi dậy để đi chợ. Tôi ngồi gọn một bên thúng, xung quanh tôi mẹ lèn thêm đủ thứ đồ, hai gói cơm nắm để ăn trưa, chục quả trứng gom từ mấy con gà mái đẻ, vài quả cà chua chín ngoài vườn, dăm ba mớ rau tập tàng mót được ở khoảng đất trước nhà. Bên thúng còn lại là một trồng nón cao ngất, mùi dầu thông của những chiếc nón mới thoang thoảng khắp dọc đường hai mẹ con đi. Tôi ngồi trên thúng lắc lư, ngủ gà ngủ gật, trời vừa kịp sáng thì hai mẹ con tôi đến nơi, mẹ dọn hàng ra ở một góc cuối chợ. Chợ quê một tháng chỉ họp hai phiên nhưng để chuẩn bị hàng cho hai phiên chợ đó không ngày nào mẹ tôi ngơi tay làm nón.
Quê ngoại tôi là làng nghề làm nón nổi tiếng khắp vùng, năm đó chỉ vì mấy con cá chuối đồng béo nần nẫn của anh chàng đánh dậm có nước da ngăm đen, khuôn mặt chữ điền với lông mày đen nhánh, chiếc mũi thẳng và đôi môi hình trái tim mỗi sáng treo trước cổng nhà mà mẹ tôi theo người ta về làng Hồ, mang theo cả nghề nón học được từ bà ngoại về đây làm kế sinh nhai. Để làm ra được một chiếc nón là đủ các công đoạn. Những chiếc lá lụi cánh lái buôn nhập về từ những cánh rừng vùng núi Quan Sơn, Quan Hóa được mẹ chọn lựa tỉ mẩn. Đầu tiên là vò lá, lá lụi tươi được buộc thành từng bó sau đó vò bằng chân trần trong cát có lẫn sỏi. Vò đến khi cuống lá săn lại và đầu lá tẽ ra mới được. Công việc nặng nhọc này thường bố tôi tranh thủ những buổi tối ở nhà sẽ phụ mẹ. Đôi bàn chân bố tôi to bành bạnh nhưng cũng phải đánh vật với những bó lụi cả tiếng đồng hồ, mồ hôi ướt đẫm tấm lưng trần thì lá mới đạt yêu cầu. Lá sau khi vò sẽ mang phơi nắng cho khô. Tiếp đến là bước rẽ lá khô, công đoạn này đơn giản nhất trong các khâu làm nón, năm tôi lên năm đã có thể thành thạo từng thao tác rẽ lá. Lá được rẽ xong mẹ tôi gom lại mang đi là, trên chiếc lưỡi cày nung nóng mẹ tôi miết từng chiếc lá cong queo cho đến khi phẳng và nhẵn. Những bước tiếp theo của việc làm nón phải là người có kinh nghiệm mới làm được nên hầu như chỉ có một mình mẹ tôi xoay sở.
Làm ngày chẳng được bao nhiêu đêm đến mẹ thắp đèn dầu để làm, hết vót cật nứa để làm vòng nón. Từng vòng to vòng nhỏ xếp đủ mười sáu vòng mới làm được một bộ khung nón. Xong khung lại đến quay nón, rồi khâu nón. Những đêm ngủ hỗn thò chân ra khỏi màn bị muỗi đốt làm giật mình tỉnh giấc, nhìn ra ngoài trời thấy đã khuya lắm rồi mà mẹ tôi vẫn còn ngồi cặm cụi bên ngọn đèn dầu leo lét. Đôi tay mẹ nhịp nhàng từng động tác khâu lên xuống như thể đang múa bài hát “đi cấy” mà dịp hội làng năm nào chị em chúng tôi cũng xem. Màn đêm tĩnh mịch chỉ còn tiếng côn trùng rả rích trong sương lạnh mà tôi nghe như có ai đó ai hát câu dân ca Đông Anh cho mẹ tôi múa “…Thắp đèn ta sẽ chơi trăng ngoài thềm… Cầu cho trong ấm, êm êm lại hoài êm”. Ánh đèn phản chiếu bóng mẹ tôi trên tường cong cong như một dấu hỏi lớn, cô quạnh đến buồn hiu.
*
Bố tôi trở thành một con ma men từ ngày mẹ sinh em Dịu. Cũng từ ngày đó năm sào bảy thước ruộng và bao việc nhà dồn hết lên đôi vai của mẹ tôi. Có lẽ cái nghèo, áp lực nuôi nấng cả gia đình làm bố tôi mệt mỏi. Sự mệt mỏi ấy đã lên đến đỉnh điểm và trở thành bất lực, cuối cùng buông xuôi sau lần sơ xuất của mẹ tôi.
Mẹ tôi mang bầu em Dịu đã tháng thứ tám, bụng mẹ to tròn như quả dưa hấu, người hốc hác hai mắt trũng sâu hun hút nhưng vẫn cố thức đêm để làm nón. Đêm đó mẹ tôi mệt quá ngủ gục lúc nào không hay. Chiếc đèn bên cạnh đổ xuống, dầu chảy loang ra, ngọn lửa như chiếc lưỡi của con quỷ háu đói thè ra liếm lấy những chiếc nón ngay đấy, rồi nhảy nhót tới đám lá lụi khô và cuối cùng bùng lên khắp cả nhà. Cũng may bố tôi kịp ngửi thấy mùi khét nên đỡ mẹ và bế tôi chạy ra kịp. Hàng xóm hô hoán, mỗi người một tay múc nước để dập nhưng chẳng ăn thua. Nhìn cả căn nhà ngùn ngụt trong biển lửa, bao nhiêu công sức, vốn liếng đã bị thiêu rụi. Mẹ tôi khóc nghẹn chẳng nói nên lời, khuôn mặt tèm lem vì khói của mẹ bợt đi, hai chân mẹ run run. Qua ánh lửa bập bùng của căn nhà đang cháy tôi thấy dưới chân mẹ có một vũng nước chẳng rõ đen hay đỏ. Mẹ tôi ngất lịm.
Em Dịu tôi sinh ra đúng vào cái đêm định mệnh đó. Nhiều người độc miệng, bảo em chính là khắc tinh của nhà tôi. Không biết bố tôi có nghe và tin những lời bàn tán đó không, nhưng từ ngày đón mẹ và em Dịu từ trạm xá về sau một tháng nằm điều trị, bố chẳng đoái hoài gì đến em và bắt đầu uống rượu. Mỗi lần say bố thường chửi mẹ là con đàn bà không biết đẻ, chị em tôi là lũ vịt trời vô năng, là cái thứ tán gia bại sản báo hại cuộc đời ông. Mẹ tôi bế em Dịu trốn đằng sau nhà, vừa ru em vừa khóc. Tôi lay lay tay mẹ thủ thỉ “Mẹ ơi, đừng khóc”. Mẹ lau nước mắt, nhìn tôi nở nụ cười vặn vẹo, câu hát ru nghèn nghẹn nơi cuống họng phát ra những âm thanh méo mó làm em Dịu ngằn ngặt khóc. Đêm hôm mẹ ở trạm xá, nép bên cánh cửa phòng hộ sinh tôi nghe ông trưởng trạm nói với bố gì mà chuyển dạ nhanh, đờ tử cung, băng huyết rồi vô sinh. Tôi chẳng hiểu, chỉ thấy mặt bố tôi tối sầm lại, thất thần hệt khuôn mặt mẹ khi tỉnh dậy sau cơn hôn mê nghe ông trưởng trạm nói. Bỗng tôi nhớ đến những đêm mùa hạ tháng bảy trời đầy sao, bố tôi kê chiếc chõng tre ra giữa sân chỉ cho tôi tên những chòm tinh tú, kể tôi về cây cầu ô thước nối hai bên bờ sông Ngân Hà để Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau mỗi năm một lần. Rồi bố kể những câu chuyện ngày bố còn bé bằng tuổi tôi thường lẽo đẽo theo ông nội đi đánh dậm. Ông đã cực khổ như nào mới có thể một mình nuôi bố tôi lớn. Tôi nghe đến nửa chừng thì hai mắt ríu lại trước khi chìm hẳn vào giấc ngủ tôi vẫn kịp nghe loáng thoáng, lúc chuẩn bị về với tổ tiên ông chỉ mong mỏi duy nhất một điều rằng bố tôi sinh một đứa con trai để nối dõi tông đường.
Em Dịu đẻ thiếu tháng cơ thể nhỏ bé suốt ngày ốm đau. Em uống thuốc còn nhiều hơn cả bú sữa mẹ, nhưng em như cây thông trên núi Sơn Viện, nhỏ bé mà rắn rỏi và khao khát sống mãnh liệt. Tôi thương em Dịu nhiều hơn khi em lớn lên mà chưa bao giờ được bố công kênh trên vai hay làm ngựa để chạy nhong nhong như hồi tôi bằng tuổi em. Bố tôi hầu như ngày nào cũng say, ông chỉ tỉnh duy nhất trong ngày vào lúc xách can đi mua rượu. Ngày nào gặp tôi thằng Sơn cũng báo “bố mi vừa sang nhà tau mua rượu chịu đấy”.
Thằng Sơn là bạn thân của tôi, nhà nó ở giữa xóm, cả hai đứa nhà đều nghèo như nhau nhưng tính ra tôi may mắn hơn nó vì bố nó mất từ ngày nó còn đỏ hon. Mẹ nó ngoài việc đồng áng còn thêm nghề nấu rượu để bán kiếm tiền nuôi ba chị em nó. Những hôm mẹ tôi hết quang dầu tôi thường rủ Sơn lên Sơn Viện để cạo nhựa thông. Chiếc nón sau khi được khâu hoàn chỉnh vẫn chưa thể đem bán ngay được mà phải quét bên ngoài một lớp quang dầu để bền hơn và đi mưa không lo bị ướt hay ẩm mốc. Quang dầu được mẹ tôi làm bằng cách pha nhựa thông với dầu hỏa. Trước đây bố tôi vẫn thường lên núi cạo nhựa về cho mẹ, nhưng kể từ ngày xảy ra vụ hỏa hoạn hễ thấy mẹ lọ mọ làm nón là ông nổi điên đập phá. Những chiếc nón khó nhọc mẹ mới làm ra bẹp dúm dó khắp sân. Mẹ gom từng cái nón nước mắt ướt đẫm, xung quanh lá lụi khô bay tứ tung. Mẹ đành len lén gom hết đồ nghề ra cái chuồng lợn, mà số lợn đã bán hết sạch từ lâu để lo trả nợ tiền vay dựng lại ngôi nhà nhỏ ở tạm sau vụ cháy.
Mẹ sinh em Dịu chưa được bao lâu đã lao vào công việc làm nón, mẹ làm như thể mọi sự khốn khổ trong gia đình tôi đều do mẹ gây nên. Bàn chân mẹ nhỏ xíu vò những lá lụi đến bật máu, mặt đỏ phừng phừng thở dốc từng hơi nhọc nhằn. Nhìn mẹ tôi giờ đây có ai còn nhận ra người con gái đó từng là một trong những thiếu nữ múa đèn xinh đẹp nhất trong đêm hội làng năm nào. Mẹ mải miết làm nón ở chuồng lợn cũ, lâu dần cái chuồng lợn như trở thành ngôi nhà của mẹ. Trời mùa đông, gió đông bắc thổi từng cơn thông thống vào chuồng lợn, mẹ tôi lót một lớp lá thông khô ở dưới để ngồi làm nón cho đỡ rét. Tôi từng hỏi mẹ:
– Mẹ ơi, sao mẹ phải khổ vậy.
Mẹ nhìn tôi bằng đôi mắt đỏ hoe trực trào như muốn khóc, sau này lớn lên con sẽ hiểu. Năm đó tôi mười hai tuổi chẳng biết sau này lớn mình có hiểu nổi những gì mẹ làm hay không, nhưng bắt đầu từ đó tôi học mẹ làm những chiếc nón đầu tiên.
*
Sức con gái thường yếu, nên tôi cầm con dao chữ V chẳng đủ lực để cạo một lớp vỏ thông, cũng may nhờ có thằng Sơn đi cùng phụ giúp. Tại mỗi gốc thông tôi buộc một túi nilông ngay dưới miệng cạo để hứng nhựa chảy ra. Đến khi nhựa thông đông cứng, đầy túi thì đi lấy nhựa và gom lại mang về cho mẹ. Để có được đủ số nhựa, có khi chúng tôi phải mất cả tháng, ngày nào cũng phải cạo một khoanh để nhựa có thể chảy liên tục. Nhựa thông ứa ra từ từ rồi rớt xuống túi nilon đông lại thành từng dòng màu trắng đục. Sơn từng nói với tôi nhựa thông cũng giống như máu của người vậy, mình cạo nhựa thông không khác gì mình cắt máu người. Tôi cười khành khạch khi nghe Sơn nói vậy. Cây vô tri làm sao mà đau đớn như người được, mà kể cả nó có đau đớn đi nữa tôi vẫn sẽ cạo nhựa thông, vì nỗi đau của nó đổi lấy sự sống của cả gia đình tôi. Thế nhưng đôi khi một mình đi dưới bóng thông xanh, nhìn những vết cạo chằng chịt tôi vẫn tự hỏi bản thân mình, rốt cuộc những cây thông có đau không?
Tôi mới học làm nón nhưng cũng giúp mẹ được kha khá việc, những vòng nón ban đầu cong vênh dần dần cũng trở nên tròn, đẹp và đều theo từng động tác vuốt cật tre thoăn thoắt của tôi. Hai người làm dù sao cũng nhanh hơn một, quan trọng hơn mẹ tôi không phải chịu cảnh lủi thủi một mình những đêm khuya khoắt. Những lúc tôi và mẹ làm nón em Dịu chơi bên cạnh ngoan ngoãn với mớ lá lụi thừa cắt ra sau khi quay nón. Bố tôi vẫn suốt ngày ngật ngưỡng với gù rượu, dạo này mỗi bận say ông không chửi mẹ con tôi nữa mà chuyển sang ngâm những câu ca dao than thân trách phận. Đại loại như “Thân em như tấm lụa đào, phất phơ giữa chợ biết vào tay ai” hay “Thân em như hạt mưa xa, hạt vào đài các, hạt ra ngoài đồng”. Vừa ngâm bằng chất giọng khê đặc của người say, tay bố vừa mấp máy như múa. Tại sao bố lại ngâm những câu đó? Tôi hỏi mẹ, mẹ lắc đầu, cả mẹ và tôi khi đó đều chẳng ai hiểu ý nghĩa câu ngâm khi say của bố tôi.
Mẹ trả nợ gần hết, cuộc sống của gia đình tôi dần quay lại như lúc trước thì lại một biến cố xảy ra. Em Dịu bị hen suyễn, em ho húng hắng, ho khù khụ cả ngày, mẹ tôi đã đưa em đến trạm xá lấy thuốc uống mà mãi chẳng khỏi. Người em gầy sọp đi theo từng cơn ho, đôi má bầu bĩnh của em tóp lại lộ cả xương gò má nhô cao. Em Dịu của tôi rất ngoan, kể cả lúc ốm nằm co ro như con mèo ăn phải thuốc chuột trên giường cũng vậy. Em rất sợ thuốc, những viên thuốc xanh đỏ, mỗi lần uống mẹ phải nghiền nhỏ viên thuốc ra hòa cùng với đường, thế nhưng vị đắng của thuốc chẳng giảm đi được bao nhiêu. Dịu cố gắng nuốt thuốc, nhưng vừa vào đến miệng thì ngay lập tức òng ọc ra theo đường mũi, đường mồm, em nôn thốc nôn tháo. Mẹ tôi vừa vỗ lưng em, vừa khóc. Mẹ bỏ hết mọi việc để chăm cho Dịu. Bố tôi vẫn ngất ngưởng với những cơn say. Bệnh tình em Dịu chẳng có dấu hiệu thuyên giảm. Bỗng một buổi sáng tôi và mẹ mừng rỡ khi em trông có vẻ tươi tắn và khỏe hơn. Dịu đòi mẹ ăn cháo, tự em cầm thìa xúc hết một bát tô to. Em ăn như thể đấy là lần cuối em còn được ăn món cháo xương nấu với đậu xanh của mẹ. Mẹ tôi phải nhắc em ăn từ từ kẻo nghẹn. Ăn xong em bảo tôi, em muốn ăn sim.
Tôi chạy một mạch lên Sơn Viện, hái một vạt áo sim, màu tím loang ra cả chiếc áo hoa tôi đang mặc. Sau khi hái sim xong tôi chưa về luôn mà nán lại nhặt mấy quả thông khô để Dịu có cái chơi, lâu lắm rồi kể từ ngày em ốm tôi chẳng lên Sơn Viện để nhặt thông cho em. Tôi về khi nắng quá đỉnh đầu, trời mùa hạ oi nồng, mồ hôi lấm tấm trên trán, mớ tóc mai dính lòa xòa vào cả mặt tôi. Vừa đến sân tôi đã nghe tiếng khóc của mẹ. Tôi chạy vào nhà thấy mẹ đang ôm Dịu, hai mắt em nhắm nghiền, mặt em tím tái, cả người em mềm oặt. Tôi vốc một nắm sim trong vạt áo đưa về phía em run run gọi, Dịu ơi chị mang sim về đây. Tôi gọi em mãi, nhưng em tôi không trả lời. Dịu ơi dậy ăn sim đi em, sim chín ngọt lắm. Đáp lại tôi vẫn chỉ là tiếng khóc của mẹ, em Dịu của tôi chẳng bao giờ dậy nữa. Những quả sim vương vãi khắp nhà, những quả sim nát bét trong tay tôi tím thẫm. Mãi sau này tôi vẫn trách mình, giá như tôi về ngay, giá như tôi không nhặt những quả thông thì em Dịu của tôi trước khi rời xa thế giới này có thể nếm được mùi vị của cả tuổi thơ em, mùi vị của quê hương, của núi Sơn Viện. Bố tôi hôm đó không say, nhưng mãi đến tận tối khi hàng xóm, họ hàng đã đến đông nghịt nhà để lo đám cho em tôi, ông mới xuất hiện.
Ông đi thẳng vào giường nơi em Dịu nằm, người ta đã tắm rửa và thay cho em một bộ quần áo thật đẹp. Ông gỡ tấm vải che mặt Dịu nhìn một lúc rồi đắp lại. Khuôn mặt ông lúc đó tôi chẳng thể nhìn ra bất cứ một cảm xúc gì, dù chỉ một cái nhíu mày. Mẹ tôi ngất lịm, mấy bác phải xoa dầu bấm huyệt mới tỉnh, hễ tỉnh mẹ lại gào khóc gọi Dịu. Dịu ơi, em bé ngoan của mẹ ơi, sao con lại bỏ mẹ đi. Tôi hết nhìn mẹ, lại nhìn em Dịu tự trấn an bản thân, em chỉ đang ngủ thôi, rồi em sẽ tỉnh dậy, sẽ lại bi bô như ngày nào.
Ngôi mộ của em tôi trên núi Sơn Viện, ngay dưới một cây thông. Sau khi chôn xong, mọi người đã ra về hết, chỉ còn tôi và mẹ ở lại với em. Mẹ tôi thôi không khóc chỉ còn những tiếc nấc khe khẽ, có lẽ nước mắt mẹ đã cạn rồi. Hai mẹ con ngồi đến khi trời tím thẫm, tôi đỡ mẹ về, phía đằng sau ngôi mộ em cô đơn một mình dưới tàng thông lạnh lẽo, những giọt nhựa thông vẫn rớt từng giọt, từng giọt trắng đục vào chiếc túi phía dưới. Xung quanh ngôi mộ chưa khô đất những đồng tiền ma bết lại bởi dấu chân người dẫm đạp, bỗng có con chim lạ kêu “ang ác” nghe thê lương đến rợn người.
*
Sơn nhờ người nhắn cho tôi rằng bố tôi đã yếu lắm rồi, gọi tôi về gặp ông lần cuối. Ngày tôi đi chỉ duy có mình Sơn biết và cũng chỉ mỗi Sơn biết được địa chỉ của tôi hiện tại.
Tôi nhớ hôm đó trời mưa lâm thâm, gió mùa thổi từng cơn rét cắt da, cắt thịt. Tôi chạy từ phía Sơn Viện ra thẳng đường quốc lộ, vừa chạy vừa khóc. Sơn chạy ngay phía sau tôi gọi với theo, nhưng tôi chẳng thể nghe được gì khác. Mẹ tôi đã đi cùng em Dịu, có lẽ đó là sự giải thoát, là may mắn của mẹ khi sống với người chồng tệ bạc như bố tôi. Sơn níu tay tôi năn nỉ, Thảo đừng đi. Tôi lắc đầu, rồi bước nhanh lên xe, tôi đi như chạy trốn khỏi làng Hồ. Hành trang mang theo cho chuyến đi đó chỉ duy nhất một chiếc nón lá, là những gì mẹ để lại cho tôi. Trước lúc mẹ nhắm mắt, vẫn còn lo cho tôi và dặn:
– Mẹ mơ thấy Dịu hàng đêm, em bảo em nhớ mẹ. Mẹ thương cái Dịu quá Thảo à, nó còn nhỏ mà ở dưới đó cô đơn một mình. Mẹ cũng thương mi lắm, nhưng mẹ phải đi với Dịu thôi. Con nhường mẹ cho em nhé. Mẹ chắc sắp đi rồi, con tha thứ cho mẹ khi chẳng thể ở với con lâu hơn. Mẹ đã làm cái nón, cái nón cuối cùng của cuộc đời mẹ, mẹ để cho con gái mẹ. Con gái mẹ rồi sẽ lớn lên, sẽ lấy chồng rồi sinh con và làm mẹ, hành trình từ đây về sau con phải đi một mình mà không có mẹ bên. Con phải thật mạnh mẽ, con nhé. Ngày con lấy chồng mẹ chồng con sẽ đội chiếc nón này cho con, dẫn lối con theo người ta về nhà bên ấy.
Nói rồi mẹ trao chiếc nón lên tay tôi, chẳng để tôi nói lời gì thì mẹ đã bỏ tôi đi mất. Lần đầu tiên trong suốt cuộc đời mình, tôi muốn giành thứ gì đó với em Dịu của tôi.
*
Em Dịu mất mẹ tôi suy sụp hẳn, sau một đêm trông mẹ già đi cả chục tuổi. Mẹ thường trốn tôi ra sau nhà khóc mỗi lần nhớ Dịu. Mẹ khóc nhiều đến mức bị đục thủy tinh thể, mắt mẹ như có một màn mây trắng che mờ tầm nhìn. Bà chẳng ăn được mấy nên sức khỏe vốn yếu ớt sau cái lần sinh Dịu nay càng xuống rõ rệt. Mẹ tôi không còn đủ sức để gánh gồng những chồng nón đi chợ nữa, cũng may mấy người bạn hàng thương tình bỏ mối giúp nên nhà tôi vẫn kiếm được đồng ra, đồng vào từ nghề nón. Mắt mẹ kém, nên chủ yếu việc làm nón do tôi đảm đương, mẹ tôi làm nón tay chân trở nên lóng ngóng, hệt cái hồi tôi mới học mẹ làm những cái nón đầu tiên. Tôi cầm tay mẹ chỉ vào những mũi khâu lỗi, cũng hệt như cái hồi đó mà sao ngày ấy mẹ nhìn tôi cười hiền, mà giờ tôi nhìn mẹ mắt cay xè như ai xát ớt. Tôi phải phụ giúp mẹ rất nhiều bước mới có thể hoàn thành một chiếc nón. Duy cái lần ấy mẹ kiên quyết không cho tôi đụng tay vào, mẹ bảo mẹ muốn tự tay làm chiếc nón này.
Bố tôi từ cái hồi Dịu mất, ít hẳn uống rượu, nhưng cũng thường xuyên vắng mặt ở nhà hơn. Ông đi từ đầu hôm đến khi tối mọ mới thấy trở về, chúng tôi sống cùng một nhà mà như những người xa lạ. Mẹ tôi vẫn giữ thói quen ngồi bên ngọn đèn dầu hằng đêm dù chẳng còn làm nón nữa. Bà cứ ngồi bần thần nhìn ngọn đèn lập lòe, tôi chẳng biết mẹ nhìn thấy gì mà thi thoảng bà bật cười, có đôi khi lại khóc thút thít. Phải chăng ánh lửa từ cây đèn đã soi sáng cho đôi mắt đục mờ của mẹ, cho mẹ tôi thấy điều gì mà tôi không biết.
Anh chị thằng Sơn theo người bác họ vào trong Nam để cạo mủ cao su, nhà chỉ còn lại hai mẹ con nó. Sơn phải phụ mẹ nấu rượu, còn tôi thì bận bịu với công việc làm nón nên chúng tôi ít có dịp gặp nhau hơn. Những lần hiếm hoi đi giao nón cho người ta gặp Sơn, tôi thấy người nó hốc hác hẳn, mặt cứ buồn buồn. Tôi hỏi mãi nhưng Sơn không nói, tôi phải giả vờ giận dỗi bỏ đi nó mới chịu hé lời. Thì ra mẹ nó sinh em bé, bố của đứa bé là ai thì thằng Sơn cũng không biết, nó có hỏi nhưng mẹ nó không nói. Tôi lặng người, cái miệng tôi trở nên thừa thãi chẳng thốt được câu nào để an ủi nó, nhìn Sơn tôi chỉ biết thở dài thườn thượt.
Mẹ tôi bắt đầu ho, cơn ho dai dẳng hệt em Dịu, tôi lo lắng đến mất ngủ. Mẹ trấn an tôi rằng chỉ bị cảm nhẹ thôi. Tôi sợ lắm, sợ mẹ bỏ tôi đi như em Dịu. Tôi làm nón ít đi, cả ngày chỉ bên mẹ, bao nhiêu thuốc cũng chẳng thể cắt cơn ho của mẹ. Mẹ tôi thở khó nhọc, mỗi lần hô hấp tựa như cả núi Sơn Viện đè lên bộ ngực xẹp lép của bà. Nhiều đêm đang ngủ giật mình tỉnh giấc, tôi phải quờ sang bên chạm tay vào cơ thể gầy gò của mẹ mới yên tâm ngủ lại. Nỗi sợ về cái chết của em tôi năm nào cứ thường trực như bóng ma ám lấy tôi. Và nỗi sợ ấy đã trở thành sự thật vào một ngày mẹ gọi tôi đến bên giường để dặn dò và trao tôi chiếc nón. Tôi cầm nón mặt méo xệch, mếu máo hệt cái hồi mẹ đi chợ quên không mua chiếc bánh rán vừng mà mẹ hứa sẽ mua làm tôi háo hức chờ cả buổi.
Hôm người ta đưa mẹ tôi lên núi, tiết trời sang thu, heo may thổi từng cơn gió từ đỉnh Sơn Viện lành lạnh. Ngôi mộ lớn nằm cạnh bên ngôi mộ nhỏ dưới bóng thông. Từ nay em Dịu của tôi sẽ không phải cô đơn một mình nữa. Tôi chợt thấy ghen tị với em tôi. Hôm ấy, trước mộ mẹ bố tôi đứng thật lâu rồi đốt ba nén hương cắm lên phía đầu mộ, ông cúi gập người rồi ông quay gót đi. Khi bóng ông đã khuất xa theo đoàn người trở về nhà từ bãi tha ma, tôi mới nhận ra dưới vạt cỏ mới đắp lên mộ mẹ, hình như có giọt nước trong suốt như giọt sương đọng lại giữa buổi
trưa mùa thu, nắng nhè nhẹ xuyên qua từng tàng lá thông rót từng tia như mật xuống hai ngôi mộ, một mới một cũ.
*
Căn nhà nhỏ ở cuối con đường dẫn lên núi Sơn Viên dường như đứng ngoài quy luật của thời gian. Nó vẫn vẹn nguyên hệt cái ngày mười năm trước lúc tôi rời đi. Tôi về đến nhà, mọi người đã đứng đông nghịt khắp cả ngoài sân. Nhác thấy bóng tôi đoàn người dạt sang hai bên để nhường lối. Dù mười năm không gặp nhưng ai cũng biết tôi là Thảo đứa con gái của người đàn ông đang nằm hấp hối trong kia. Bởi lẽ tôi giống hệt mẹ tôi, giống đến mức đến chính tôi nhiều khi nhìn mình trong gương cũng giật mình rơi nước mắt. Đứng trước hiên nhà, ngập ngừng một lúc tôi mới bước vào. Bố tôi nằm trên giường mắt lờ đờ, thở từng hơi khó nhọc, người ông chỉ còn là bộ xương bọc da. Cái thân thể rắn chắc năm nào của ông đã bị bào mòn bởi thời gian. Có ai đó gọi ông khe khẽ, ông ơi cái Thảo nó về với ông này. Bố tôi tựa như thể ánh đèn dầu phút cuối cùng gom hết sức để cháy sáng lên lần cuối, cố mở to mắt để nhìn tôi. Ông định nói gì đó nhưng không còn đủ sức, cuối cùng ông gật gật đầu rồi đi. Từ khóe mắt ông tôi thấy một dòng nước rỉ ra.
Sơn bảo tôi, kể từ ngày tôi đi ông bỏ rượu hẳn. Ông nhắn người tìm tôi khắp nơi. Căn nhà cũ tồi tàn mưa nắng chẳng khác gì ngoài trời, ngày ông nhận số tiền đền bù năm sào bảy thước ruộng bị người ta thu hồi để làm công ty, có người bảo ông sửa sang lại căn nhà nhưng ông quyết không chịu. Ông nói tiền này để dành cho con Thảo nhà tôi cưới chồng, căn nhà cũng để nguyên vậy không lỡ nó về thấy khác quá nhận không ra, lại bỏ ông đi. Những tháng cuối đời bị lẫn, ông hay lang thang lên Sơn Viện đến bên mộ mẹ và em tôi, dọc đường gặp ai ông cũng hỏi có thấy cái Thảo nhà tôi đâu không? Nó lên núi Sơn Viện mà lạc mười năm rồi chẳng về với tôi.
Tôi nghe Sơn kể mà tựa thể đang nói về người nào đó chứ không phải là người bố mười năm trước mà tôi biết. Hôm đó tôi sang nhà rủ Sơn lên Sơn Viện cạo nhựa tiện thể thăm mộ mẹ và em Dịu. Vào đến nhà thấy mẹ Sơn đang ẵm em bé. Vì đã được Sơn kể nên tôi không mấy ngạc nhiên, tôi bước đến gần đứa bé định bế em một chút, từ ngày Dịu mất tôi cũng ít chơi với con nít. Mẹ Sơn quay lại, lúc này tôi mới nhìn thấy rõ mặt đứa bé, thằng cu nước da ngăm đen, khuôn mặt chữ điền với lông mày đen nhánh, chiếc mũi thẳng và đôi môi hình trái tim tựa như đúc ra cùng một khuôn với một người. Tôi giật mình làm rơi con dao chữ V và bó hương chuẩn bị mang lên thắp hương mẹ. Tôi quay đi và bắt đầu chạy. Chạy suốt mười năm mới trở về.
Ba ngôi mộ nằm cạnh nhau, phần đất mà tôi từng xí chỗ giờ là của bố tôi nằm. Hôm đám tang của bố, tôi cố nhìn trong đám đông đứa bé con của bố và mẹ Sơn nhưng không thấy. Sau cái chết của bố tôi vài hôm Sơn báo em nó mất. Tôi ngạc nhiên nhưng thấy nó vội vã lo đám cho em nên chẳng kịp hỏi lý do. Tôi sang nhà Sơn thấy người ta đang lau người cho thằng bé, tay chân thằng bé cong queo và nhỏ như thanh củi khô, duy chỉ cái đầu là to một cách khác thường. Nhìn hình hài thằng bé, trong tôi chợt xuất hiện cảm giác nghèn nghẹn, sống mũi cay như chực khóc. Mẹ Sơn nhìn kiệt quệ nhiều so với lần gần nhất cách đây mười năm tôi gặp, mặt bà đầy những nếp nhăn, khuôn mặt khắc khổ đổ bệt xuống đất bấu vào thành giường nơi người ta đặt thằng bé. Nhác thấy bóng tôi, đôi mắt mẹ Sơn như lóe sáng, bà khó nhọc đứng lên tiến về phía tôi. Hành động đó của bà làm tôi giật mình vô thức bước lùi lại phía sau. Người đàn bà trở nên nhanh nhẹn một cách bất ngờ như sợ tôi chạy mất, bà lao đến nắm chặt lấy tay tôi và bắt đầu mếu máo khóc:
– Thảo à, o biết o có lỗi với mẹ con cháu. O không xứng đáng và cũng không mong nhận được sự tha thứ của cháu. Nhưng thằng bé nó không có tội, nó sống mười năm chưa một ngày vui vẻ, chỉ ngằn ngặt những nỗi đau, những cơn co giật. Nay nó chết rồi o xin cháu cho em được nằm cạnh bố nó, đừng để thằng bé phải nằm một mình cô đơn.
Như sợ tôi không đồng ý bà quỳ rạp xuống để xin, tôi vội đỡ bà dậy, nó cũng là em cháu mà o. Vậy là có ngôi mộ thứ tư cạnh bố, mẹ và em Dịu tôi. Tôi nhận ra trên tấm bia mộ thằng bé, người ta khắc ngày sinh của nó trùng với ngày mất của em Dịu. Sơn bảo vì chửa trong lén lút, sợ hàng xóm biết mẹ Sơn phải dùng vải để nẹp bụng nên đứa bé sinh ra ốm yếu và dị tật ở đầu, cả người bại liệt chỉ có thể nằm một chỗ. Nó sống được mười năm là cả một kì tích. Sơn hỏi tôi có còn hận bố không?
Mười năm đủ lâu để những vết sẹo trên những cây thông năm nào tôi cạo vỏ lấy nhựa lành lặn trở lại. Suy cho cùng bố cũng là người góp phần hoài thai và sinh ra tôi, từng yêu thương và bao bọc tôi. Bố tôi trong những năm tháng bê tha vì rượu ngoài chửi bới và đập phá đồ chưa từng một lần đánh đập mẹ con tôi. Câu ca ông hát trong những cơn say năm nào phải chăng đó là sự xót thương với mẹ tôi và rằng ông cũng có nỗi khổ tâm của riêng mình. Ngày tôi quyết định trở về mọi sầu muộn trong tôi tựa thể đã như làn khói bếp năm nào trong căn bếp của mẹ, nhẹ nhàng tan biến vào thinh không. Đêm đó mẹ về với tôi trong cơn mơ, mẹ nhìn tôi nở nụ cười hiền khẽ gật đầu, trên tay mẹ bế thằng em tôi. Phía đằng sau mẹ bố đang công kênh em Dịu trên vai đợi. Tiếng em Dịu cười giòn tan… Mẹ tôi đi về phía bố, cả bốn người bước đi xa dần rồi biến mất. Tôi không chạy theo nữa mà nhẹ nở nụ cười chào cả nhà, lần đầu tiên trong suốt mười năm tôi không khóc khi mơ thấy mẹ và em.
Thưa quý vị
Cầm Kỳ Official sẽ tiếp tục giới thiệu truyện ngắn của nhà văn trẻ Lê Đình Trung vào buổi phát tiếp theo.
Cảm ơn quý vị đã lắng nghe.