Anh không thấy thời gian trôi…
Ám ảnh về cái chết có lẽ là ám ảnh lớn nhất mỗi đời người vì mỗi phút trôi qua là một bước con người xích lại gần hơn với cái chết. Sống gửi thác về…

Tác giả (bên phải) và nhà thơ Trương Đăng Dung

Thế đấy, trong con mắt người xưa, gửi là cõi tạm; về mới là vĩnh cửu. Đi, té ra cũng là để trở về: Thân cát bụi lại trở về cát bụi. Theo đó, cái chết là một giới hạn có tính mặc định. Ý niệm về cái chết, bởi thế, cũng là ý niệm về thời gian. Nhưng con người, với bản chất là một thi sĩ, không cam chịu trước mặc định ấy mà luôn tìm cách nới rộng giới hạn kia bằng sự mơ tưởng nghệ thuật. Chính trong mơ tưởng và bằng mơ tưởng, con người được nhân đôi, được sống nhiều kiếp trong một kiếp đời ngắn ngủi. Bởi vậy, như một ám ảnh vô thức và hữu thức, thức nhận về thời gian đã trở thành yếu tố trội bật trong sáng tạo của nhiều người. Trương Đăng Dung cũng không là ngoại lệ.

Trở đi trở lại trong Những kỷ niệm tưởng tượng(1) của Trương Đăng Dung là tiếng cựa mình của thời gian, của tình yêu và cái chết, là nỗi bất an trước một thực tại phi lý. Đó là một thế giới ngập đầy hiện sinh trong cái nhìn trắc ẩn của một kẻ sớm tự nguyện đứng về phe nước mắt.

Đỗ Lai Thúy đã bắt mạch trúng những chuyển động ngầm ẩn bên trong thế giới mơ tưởng kia của Trương Đăng Dung khi gọi Những kỷ niệm tưởng tượng thơ – thời – gian(2). Dĩ nhiên, đó không phải là thời gian vũ trụ tuần hoàn kiểu thơ ca trung đại, cũng không còn là kiểu thời gian của mỹ học lãng mạn thời thơ mới, cho dù đây đó ở Trương Đăng Dung vẫn còn những bước chuyển ngập ngừng. Thời gian thơ mới, trong cái nhìn của triết học nhân sinh, về cơ bản vẫn là thời gian bên ngoài. Xuân Diệu là thi sĩ lắng nghe bước đi của thời gian đặc biệt tinh tế: Ngẩng đầu ngắm mãi chưa xong nhớ/ Hương bưởi thơm rồi: đêm đã khuya. Dẫu vậy, thời gian ấy vẫn là thời gian khách thể. Đến các thi sĩ trường thơ Loạn, như một gây hấn nhằm kiếm tìm một hệ mỹ học mới/ khác, đã bắt đầu xối trộn các chiều không/ thời gian trong sinh thể nghệ thuật của mình: Van lạy không gian xóa những ngày (Hàn Mặc Tử). Thơ Loạn, trong cái nhìn của Chế Lan Viên là thứ thơ: “thoát hiện tại”, “xối trộn dĩ vãng”, “ôm trùm tương lai” (Tựa Điêu tàn). Những quẫy đạp để phá bỏ giới hạn không/ thời gian kia đã giúp các thi sĩ trường thơ Loạn mở rộng chiều kích khám phá thế giới, đào sâu hơn nữa vào cái “rộng rinh không bờ bến” của cái tôi cá nhân. Hệ quả, trong khi Hàn Mặc Tử nhìn thời gian bằng cái nhìn siêu thực thì Chế Lan Viên nghiêng đậm chất siêu hình. Là kẻ đến sau, một mặt coi quan niệm thời gian trong thơ truyền thống như một kinh nghiệm nghệ thuật để “khắc phục vật liệu” và vượt thoát, mặt khác, quan trọng hơn, chịu ảnh hưởng trực tiếp tư tưởng triết học của M. Heidegger, Trương Đăng Dung đã góp vào thơ Việt đương đại một cách cảm nhận mới về thời gian. Đó là thời gian bên trong: thời gian tồn tại, tồn tại thời gian. Cái nhìn mới mẻ này, tự nó, đã là một đóng góp đáng kể vào một nền thơ vốn nặng chất duy tình và tựa nhiều vào vần điệu. Tôi không có ý coi nhẹ bản năng/ duy tình vì đó là yếu tố khởi đầu của thi tài, nhưng tựa mãi vào năng khiếu tất sẽ mòn. Tôi cũng không có ý hạ thấp vần điệu, nhưng tựa quá nhiều vần điệu đã trở thành “xưa như Diễm”. Con đường làm mới thơ có nhiều ngả hướng, và đường thơ Trương Đăng Dung cũng chỉ là một hướng tìm tòi. Nhưng điều quan trọng nằm ở chỗ, anh đã phổ vào thơ mình những suy tư đậm màu triết học, không phải thứ triết học cao đàm khoát luận mà là thứ triết học gắn liền với nhân sinh, là triết học nhân sinh. Đây là điều thơ Việt hiện nay còn nhiều khuyết hụt.

Nếu các nhà triết học cận đại trong khi xem nhẹ “tinh thần” và đề cao con người như là chủ thể của một thế giới ngày càng bị “vật hóa”, đã bỏ rơi và lãng quên “hữu thể” thì M. Heidegger “hướng tới” và “vượt lên” bằng cách” trở về”: về với một thế giới tinh khôi, toàn vẹn đã bị lãng quên và bị tước đoạt. Tinh thần này, về bản chất, mang đặc tính của thơ ca: Thơ là sự trở về. M. Heidegger, qua diễn dịch của Bùi Văn Nam Sơn, cho rằng, ngôn ngữ cũng giống như ý thức “đan dệt một làn da sống động, ấm áp bao quanh thế giới, không phải là sản phẩm khô khan của trừu tượng hóa, mà cùng chia sẻ khổ vui với thế giới”(3). Là “ngôi nhà của hữu thể”, ngôn ngữ vừa do con người kiến tạo, vừa quy định chủ thể của sự kiến tạo. Những tư tưởng độc đáo trên đây của M.Heidegger đã ảnh hưởng to lớn đến tinh thần phương Tây hiện đại như một cảnh báo và thức tỉnh: để tránh khỏi những áp lực, âu lo và tìm kiếm ý nghĩa của tồn tại, con người phải biết ý thức riết róng về cái chết và sự hữu hạn, từ đó, biết coi trọng các giá trị đã có trong quê hương đích thực của mình(4). Thực ra trước Trương Đăng Dung, những tư tưởng triết học nhân sinh này đã ám rất sâu vào nhiều thi sĩ tài hoa khác, trong đó, đáng chú ý nhất là Bùi Giáng: Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa xuân phía trước miên trường phía sau. Kẻ tài thơ ấy cũng yêu Nguyễn Du, yêu những gì thuộc về nước mắt: Bây giờ riêng đối diện tôi/ Còn hai con mắt khóc người một con. Chỉ có điều, nếu Bùi Giáng quậy phá để tạo nên những cuộc hôn phối kỳ lạ giữa cổ và kim, giữa cao sang và thông tục, thì Trương Đăng Dung chừng mực hơn nhiều. Chừng mực nhưng chất chứa dồn nén, khắc khoải bên trong. Khắc khoải bởi sự mất mát đang diễn ra ngay trong hiện tại:

Thôi em đừng khóc
rồi sẽ qua đi kiếp người ngắn ngủi,
một ngày kia hết mọi buồn vui
chui xuống cỏ ta sẽ nằm dưới cỏ
bàn tay ta bất động giữa đất dày
bàn tay ta thôi tìm nhau run rẩy.

(Ảo ảnh)

Dồn nén, chừng mực nhưng Trương Đăng Dung không có ý thỏa hiệp với những quy phạm nghệ thuật có sẵn. Bởi lẽ về bản chất, tiếng thơ Trương Đăng Dung gần hơn với tiếng nói “ngoại vi”, tiếng nói của kẻ yếu. Tôi nghĩ, tập thơ này nếu ra đời cách đây quãng vài ba chục năm, nó rất dễ bị coi là thứ quả trái mùa, bởi những suy tư kia của một kẻ Tây học sẽ bị rơi vào lạc lõng. Mà đúng thế, đến tận hôm nay, nhiều khi ý nghĩ của Trương Đăng Dung vẫn hiện lên như ý nghĩ của một kẻ lạc lõng bởi con đường anh đi chẳng khác gì một độc đạo, độc hành. Trương Đăng Dung không ham đăng đàn diễn thuyết, nhưng những phá cách trong tư duy và giọng điệu ấy đủ sức khuấy động một cộng đồng diễn giải còn mang nặng giáo điều. Và ngược lại, cũng tìm thấy không ít sẻ chia – từ những ai muốn tìm cái khác. May mắn cho Trương Đăng Dung là tập thơ ra đời khi đổi mới đã thực sự là một tiến trình. Nói thế để thấy sự mới mẻ trong thơ Trương Đăng Dung trước hết là sự mới mẻ về tư tưởng. Bàn đỡ và sự thâm hậu của tư tưởng giúp Trương Đăng Dung không lạm dụng kỹ thuật tân kỳ mà thơ anh đầy trắc ẩn, suy tư. Trong chính sự suy tư ấy, Trương Đăng Dung tìm thấy tự do nội tại, tự do lang thang suốt mọi ngõ ngách của thế giới nội cảm. Thế giới ấy tuy không lìa gốc rễ cội nguồn nhưng đã được bồi đắp nhiều hơn bởi những tư tưởng của M. Heidegger, A. Camus, F Kafka…, những bậc thầy hiện sinh thường trực nỗi âu lo và mất niềm tin trước một thực tại đổ nát, đau thương. Đó là những bước chân lang thang gắn liền với rất nhiều hoài nghi: Có môt thời? Đêm ở Roma… Ngấm sâu tinh thần M.Heidegger qua Sein und Zeit, Trương Đăng Dung coi hữu thể và thời gian là tương quan cốt yếu kiến tạo đặc tính tươi xanh và bí ẩn của thế giới:

Anh không thấy thời gian trôi
thời gian ở trong máu, không lời
ẩn mình trong khóe mắt, làn môi

trong dáng em đi nghiêng nghiêng như đang viết lên mặt đất thành lời
về kiếp người ngắn ngủi

(Anh không thấy thời gian trôi)

Khắp sinh quyển Những kỷ niệm tưởng tượng, hầu như chỗ nào cũng chứng kiến sự hắt bóng của thời gian, là thời gian, là sự sống và cái chết gần kề: mùa trăng sắp lụi, răng mẹ rụng lúc nào không biết nữa, sợ thời gian rình trong sợi tóc, anh nghe ngày một gần hơn tiếng lũ quạ… Điều gì đang đợi ta ở cuối con đường, phía sau những chuyển động không ngừng? Đó là cái chết. Nhưng ngay cả cái chết cũng không khép lại, mà đó cũng là một chuyển động. Liệu rằng, sau những chuyển động ấy, cuộc đời có tái sinh? Câu hỏi ấy Trương Đăng Dung không trả lời. Vì với anh, hữu thể mang khuôn mặt của thực tại, để trải/ hiểu thực tại ấy, người ta cần phải sống, phải không ngừng cật vấn về tồn thể. Từ ảnh xạ của M. Heidegge và tư tưởng hiện sinh, Trương Đăng Dung nói về cái chết không phải như một nỗi khiếp sợ mà để thấu rõ hơn nỗi cô đơn bản thể, từ bi đát và phi lý mà ngộ ra cái hữu lý truy tìm. Cũng bởi thế, thực tại trong thơ Trương Đăng Dung nhuốm đầy bi kịch. Tính nhân văn của tập thơ toát lên từ chính quá trình suy nhận về những bi kịch bất tận của cõi người…

Có một thời ta đã sống thật sao?

Những câu thơ trong bài thơ này, hiểu một cách bề mặt, là khả năng tái nhận thức đời sống từ những trải nghiệm cá nhân. Nhưng sâu hơn, đó là sự tra vấn không ngừng về tồn thể. Càng tra vấn và càng chứng nghiệm về sự phi lý và hữu hạn, con người càng thấy mình cô đơn. Tôi nghĩ, Trương Đăng Dung không thể có tập thơ này nếu anh không mang trong mình một khối cô đơn định mệnh. Nỗi cô đơn gắn với cảm giác sợ người. Trong cô đơn, lúc nào anh cũng nhìn thấy những bức tường ngăn cách bản ngã và tha nhân. Văn minh kỹ trị có thể tạo ra ảo giác về sự tiến bộ và văn minh, nhưng mặt trái của nó là thủ tiêu hơi ấm của con người, cắt đứt sự kết nối của tình thương. Với cách hình dung như thế, liệu lịch sử có phải là sự tiến bộ như ta hằng tưởng? Hay đó cũng là một ảo ảnh của con người? Lại nhớ đến Nguyễn Huy Thiệp: Đến bao giờ, hỏi đến bao giờ, mặt đất này mới xuất hiện tiến bộ?. Chính vì suy tư về thực tại phi lý và sự lãng quên hữu thể của con người, Trương Đăng Dung không cần đến nhiều lời, vẫn có những khám phá rất sâu về thân phận. Tôi nghĩ, tham gia vào quá trình khám phá này, ngoài mẫn cảm cá nhân, còn có sự trợ lực của tư tưởng triết mỹ phương Tây, và nữa, sự tiếp sức của dưỡng chất văn hóa phương Đông, khi mà ở thời trai trẻ, Trương Đăng Dung đã dịch Truyện Kiều – một kiệt tác về thân phận: Trăm năm trong cõi người ta/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. “Lời chung” chính là một khái quát về bi kịch nhân thế trong cái nhìn nghệ thuật Nguyễn Du.

Phận người trong thơ Trương Đăng Dung không bị quy định bởi từ trường tụng ca và những lời hoa mỹ. Trái lại, nó luôn gắn với nỗi đau trần thế, trong bùn đất trần thế mà hiển lộ vẻ đẹp người – những vẻ đẹp mang màu sắc chịu nạn:

Tôi lại nhìn thấy họ
những người vợ suốt đêm vá lưới
mắt quầng thâm nhìn chồng. Ngoài kia
biển dâng triều, sóng cồn lên sôi động

(Tôi lại nhìn thấy họ)

Những câu thơ này không phản ánh thứ “hiện thực” thông thường mà là sản phẩm của tưởng tượng, nơi lưu giữ tầng sâu ký ức, bất chợt bùng vỡ trong những giấc mơ, vì thế mà đầy ám ảnh. Nhà thơ đã nhìn thấy gì trong những giấc mơ ấy? Thiên tai. Địch họa. Chết chóc. Tha hương… Tất thảy đều lam lũ, khó nhọc, đầy nước mắt. Nỗi đau khổ ấy không chỉ có trong thời chiến mà tồn tại ngay cả thời hậu chiến, trong những bước chân phiêu bạt xứ người để mưu sinh. Tôi nhớ, cảm nhận này cũng từng hiện hữu trong diễn ngôn chấn thương của Bảo Ninh, trong những giấc mơ Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng, và trước đó, Tổ quốc nhìn từ xa trong thơ Nguyễn Duy hay những tiên cảm cuối thập niên bảy mươi của thế kỷ XX trong cái nhìn không còn trong veo của Lưu Quang Vũ… Đặt những suy tư về thân phận của Trương Đăng Dung trong dải phổ văn học sau 1975 để thấy, chấn thương và cảm nhận về mất mát là một chủ đề của văn học đương đại, là một hình thức nhận biết và lý giải cuộc sống trong tính đa chiều. Vậy là Trương Đăng Dung có những kẻ đồng hành, nhưng đồng hành mà vẫn khác biệt. Sự khác biệt ấy, chủ yếu xuất phát từ ý niệm về thời gian và màu sắc hiện sinh phủ đầy trong thi giới Trương Đăng Dung. Cũng không có gì quá khó hiểu khi Trương Đăng Dung tìm cách biểu đạt nó qua số phận đàn bà. Họ là người mẹ, người em, người vợ… Thơ Việt cũng như thơ nhân loại từng có không ít câu thơ hay về phụ nữ. Viết về phụ nữ, Trương Đăng Dung nghiêng nhiều về bi kịch:

Những người đàn bà đi trong bình minh
chiếc làn xách tay

mấy quả trứng, mớ rau
và một ít bóng đêm sót lại.
… Họ đi hàng dọc
gương mặt không trang điểm
như vừa được vớt lên từ đáy giếng.
(Những người đàn bà)

Không gian bình minh như một khung khổ nghệ thuật làm nổi bật sự lam lũ, nhọc nhằn. Một kiểu đặc tả ngược sáng. Những người đàn bà nhọc nhằn không còn sinh khí đến mức mang sắc vẻ nhợt nhạt của cái chết. Bài thơ chuyển tải thông điệp về một thực tại mà ở đó cái đẹp bị lâm nguy, con người bị hủy hoại trong những trò chơi lỗi nhịp.

Không khó khăn gì để người đọc nhận thấy mối đồng cảm giữa những câu thơ trên đây với Những người đàn bà gánh nước sông của Nguyễn Quang Thiều. Kém “may mắn” hơn, thơ Nguyễn Quang Thiều ra mắt người đọc vào những năm đầu 90 của thế kỷ trước và nhà thơ lập tức bị ném đá vì tội… bêu xấu phụ nữ. Người ta căn vặn: sao không viết về người đàn bà với công thức mỹ học “công, dung, ngôn, hạnh” mà nói về sự nhếch nhác của con người? Nay nhìn lại, mới thấy những nỗ lực “lạ hóa” trở nên vô nghĩa với kiểu tiếp nhận này. Vả lại cả hai, Thiều và Dung đều là những kẻ Tây học, hẳn bị rơi vào bẫy ngoại lai và khinh rẻ giống loài? Nhưng nỗi đau trong thơ họ còn nguyên: vì sao những người đàn bà kia khốn khổ đến kiệt tàn sức sống? Rộng hơn, thân phận của người đàn bà cũng là thân phận của chúng ta, thân phận của lũ kiến trong cái trò chơi đầy phi lý này. Không ai khác, chính con người đã dựng lên trò chơi và mắc bẫy trò chơi. Mắc bẫy mà không tự biết và vô cảm trước cạm bẫy đời.

Nói đến cái chết, sự phi lý và nỗi đời mong manh, Trương Đăng Dung có nhiều thơ hay về tình yêu. Trong cái nhìn của Trương Đăng Dung, tình yêu là hòa ca của tồn tại, là những giây phút rực rỡ nhất của tồn thể, tại đó cả hai “rủ nhau làm sự sống”. Coi hiện tại là trung tâm quy chiếu các chiều thời gian, sợ tình yêu biến mất ngay chính thời hiện tại, Trương Đăng Dung cần đến vật chứng trong khi bản thân anh chắc gì đã tin vào sự hằng tồn của vật chứng:

Em đừng xếp lại chăn
em đừng chải lại tóc
em đừng tô lại môi

cứ để nguyên áo quần trên ghế
cứ để nguyên hiện trạng căn phòng.

Anh cần vật chứng
Trước thời gian.

(Vật chứng)

Nói thế để thấy Trương Đăng Dung biết kiếm tìm niềm tin sau bao nỗi hoài nghi và vấp ngã tinh thần. Trước Trương Đăng Dung, R. Tagore có câu thơ nổi tiếng: Em thế nào thì cứ thế mà đến/ Chớ có loay hoay sửa soạn áo quần. Thơ Tagore nói về sự chân thật tự nhiên của người tình, vì tình yêu đâu cần trang sức, còn “vật chứng” mà Trương Đăng Dung nói đến xuất phát từ nỗi e sợ tất cả biến mất trước thời gian: Sợ thời gian rình trong từng sợi tóc/ khi môi ta rời nhau/ hơi ấm đã thuộc về quá khứ. Không nghi ngờ gì, đây là những khoảnh khắc hiện sinh có mặt trong thơ Dung. Một hoài nghi gắn liền với tiếng thở dài đời người như khói sương cứ bàng bạc trong tưởng tượng:

Có thể em vẫn nhớ những vầng trăng thức trắng
lá rơi thảng thốt trước thềm.

có thể em vẫn nhớ một bóng hình, giọng nói
đã tan trong sương khói

những kiếp người.
(Có thể)

Những câu thơ mang chứa những vẻ đẹp buồn. Nó gói ẩn những chắt chiu chiêm nghiệm. Những bản tình ca trong thơ Trương Đăng Dung là thế, ngân lên những giai âm tao nhã mà không kém phần mãnh liệt.

Trong thơ ca đương đại, tình yêu và sex được nói nhiều. Có người coi đó là “mode”, có người coi là sự giải phóng ẩn ức và bản ngã, có người từ tình yêu mà suy ngẫm về kiếp người. Trương Đăng Dung nói về yêu và sex vì tồn tại và nghĩa lý của tồn tại. Tôi muốn dừng lâu hơn ở bài Anh chiếm cho bóng đêm để từ đó lạm bàn một chút về việc nhiều nhà thơ đương đại bị hút vào chủ đề nhạy cảm (hot) này. Đã có không ít cây bút ngộ nhận rằng nói thật nhiều về sex bằng ngôn ngữ thông tục là một bằng chứng về tính hiện đại của thơ, là hình thức coi trọng sự dân chủ giữa các từ. Điều ấy chỉ đúng một phần, bề mặt. Điều quan trọng hơn bảo đảm cho tính hiện đại trong diễn ngôn tính dục là ở chiều sâu cảm nhận và lý giải, ở khả năng mở ra vô tận những hưởng thụ văn hóa khi nói về sex, coi nó như một phương diện biểu đạt sự thấu hiểu, trao nhận sâu xa của con ngườì, làm cho con người nhận ra nghĩa lý của tồn tại. Với cái nhìn như thế, tôi nhận thấy có ba vấn đề đáng chú ý khi tìm hiểu ngôn ngữ tính dực trong thơ Trương Đăng Dung. Thứ nhất, sex là một sự sống và là một nghệ thuật. Nghệ thuật ấy cần đến sự trang nhã và mạnh mẽ trong cực điểm của hòa hợp. Vì nói theo diễn đạt của Freud, nó là lực sống. Và là những tận hiến tột cùng:

Những khoảnh khắc trong đêm
những đường cong như sóng vươn về phía trước
hơi thở như gió

đắm say và gấp gáp.
… Anh chiếm chỗ bóng đêm
Anh gom ánh sáng bằng sức lực đàn ông
Có tự ngàn đời

Để cho em rạng rỡ.
(Anh chiếm chỗ bóng đêm)

Thứ hai, trong những điên rồ hiến nhập, ý thức về hiện tại vẫn là ý thức nổi bật nhất. Nó có mặt ngay cả khi Trương Đăng Dung sử dụng ngôn ngữ của A. Schopen- hauer “Co phải chúng ta đang bị tư nhiên lừa”. Lý trí mách bảo như thế, nhưng là con người, Trương Đăng Dung vẫn muốn bị lừa đe chiếm cho bóng đêm – đe co em vĩnh viễn! Đó là mâu thuẫn muôn đời mà tình yêu và những giây phút thăng hoa nhất của nó không dễ gì hóa giải. Nó cũng là một sắc thái đầy phi lý của trò chơi. Thứ ba, diễn ngôn tính dục thơ Dung như một minh chứng về tương quan giữa tự do và quyền lực. Không một quyền lực nào có thể tước bỏ tự do, không một ràng buộc nào ngăn cản được tình yêu dù biết rằng kiếp đời là ngắn ngủi. Tình yêu, với cái nhìn như thế, tự nó, cao hơn cái chết, và đối mặt cái chết, ta có thể an lòng về thực tại Anh không còn gì ngoài em. Chúa đã ra đi, Thượng đế đã chết, chiến tranh như một trò chơi tai ác vẫn hiện hữu, những bức tranh đẫm máu còn nhắc nhở con người không được phép lãng quên. Những ghi chép he năm 2009 xem ra vẫn còn tiếp tục khi cái phi lý đã được coi là hợp lý. Trò chơi tai ác ấy mang khuôn mặt của hiện tại nhưng lại có một lịch sử xa xưa:

Đấu trường Colosseo lạnh lùng
những bóng ma vất vưởng
những khán đài âm u

đêm khép lại
đâu là lịch sử
đâu là trò chơi?
Mona Lisa mỉm cười
bí ẩn

(Đêm ở Roma)

Cũng bởi ý thức rốt ráo về thực tại và thời gian mà Trương Đăng Dung gửi gắm cho con: bố chỉ mong trái tim con đừng bao giờ lạc lõng – trước mọi vui buồn bất hạnh của thời con.

Những điều đã nói ở trên cho phép ta ghi nhận đóng góp của một tập thơ có khả năng đánh thức tư duy thơ Việt đương đại: cần phải tăng thêm tính tư tưởng và tính hiện đại cho thơ. Chiều sâu mỹ cảm và tinh thần triết học trong thơ Trương Đăng Dung đủ sức mời gọi những diễn dịch khác nhau. Đó cũng là độ mở cần thiết của những văn bản thơ hiện đại.

Xin được nói thêm rằng, bản thân nhan đề tập thơ – Những kỷ niệm tượng tượng – đã hé lộ trường mỹ học thơ Dung. Một thứ mỹ học đã vượt khỏi tầm kiểm soát của mô hình phản ánh hiện thực “chân chân chân, thật thật thật” để xuyên qua những bức tường của tri giác đặng nghe thấy mạch đập bản thể hiện tồn. Hình thức, trong Những kỷ niệm tưởng tượng là hình thức quan niệm, hình thức của tư tưởng, nên nó chính là tư tưởng, có khả năng xâm thực người đọc bằng những suy cảm sâu xa. Tính hiện đại trong thơ Trương Đăng Dung, vì thế, mang chứa nhịp thở mỹ học hiện đại và hậu hiện đại. Không phải ngẫu nhiên mà Trương Đăng Dung có ý thức xóa nhòa các ranh giới: ranh giới thời gian trên nền quy chiếu hiện tại; ranh giới của quốc gia vì dù chủng tộc khác nhau, văn hóa khác nhau thì tất thảy đều là con người. Xóa bỏ mọi ranh giới có thể coi là một thủ pháp nghệ thuật hữu dụng, vì mờ hóa đã trở thành đặc trưng cốt yếu của tư duy nghệ thuật hiện đại. Theo đó, tính nhân loại trở thành một cảm thức nghệ thuật chi phối cách kiến tạo lời của Trương Đăng Dung. Giấc mơ của Kafka, Những kỷ niệm tưởng tượng… là những thi phẩm thể hiện rõ mạch chảy này. Chú trọng sự kết tinh của chữ, quan tâm đến nhịp điệu và hơi thở của cấu trúc, Trương Đăng Dung, cứ thế, buộc người đọc cảm nhận thơ mình trên tinh thần của một lỗ tai mới, một kinh nghiệm và một trường thẩm mỹ mới. Chữ nghĩa Trương Đăng Dung mang tính chắt lọc, đến mức có thể hình dung nó như những nét chạm khắc tinh xảo với những chuyển động tinh tế: Bao nhiêu lần khép cửa/ em vẫn thấy mình chưa ở bên trong/ Và cặp môi hồng/ mím chặt vào nhau an ủi (Thành phố phía chân trời). Từ bài thơ đầu in trên Văn Nghệ đến tập thơ này kịp ra đời là quãng thời gian hơn ba mươi năm. Mới hay, Trương Đăng Dung coi trọng chất hơn lượng. Ngẫm ra, đó cũng là một phương diện khác của ý thức về thời gian và nghĩa lý của tồn tại.

Sống như là quá trình thỏa thuận

Nhiều người cho rằng Những kỷ niệm tưởng tượng có phần đơn điệu, mono, chưa đa dạng. Nhưng đó là lựa chọn của Trương Đăng Dung. Là nhà khoa học làm thơ, Trương Đăng Dung yêu sự chặt chẽ và tạo dựng cấu trúc thi phẩm trên dòng tư tưởng nhất quán của mình. Điều này có lý của riêng của Trương Đăng Dung, bởi Dung ý thức về sự thỏa thuận. Làm thơ, phát ngôn, và sống… đều là quá trình thỏa thuận. Thỏa thuận cũng là bài thơ khép tập, nhưng lại hé mở một lộ trình. Lộ trình ấy chủ yếu vẫn được thi triển trên quan niệm về thời gian và trò chơi ngôn ngữ theo tinh thần hiện đại khi mà bản thân cuộc sống cũng được coi là một văn bản: “Ngôn từ kết nối phân chia, ngôn từ tự do tạo nghĩa”, “Thế giới không thuần nhất – bấp bênh, những ý nghĩa thỏa thuận. Đó cũng là điều tôi cảm nhận được từ những bài thơ mới công bố gần đây của Trương Đăng Dung trên tờ Tạp chí Thơ. Nó là sự tiếp nối những cuộc viễn du trong thẳm sâu tâm tưởng mà Trương Đăng Dung đã thực hiện trong hàng chục năm qua.

Cái gọi là sự thỏa thuận cũng là một phạm trù rất quan trọng của mỹ học tiếp nhận, một phương diện mà Trương Đăng Dung dày công nghiên cứu. Bất cứ văn bản và sự đọc nào cũng tồn tại trên những thỏa thuận. Ở những văn bản nghệ thuật đích thực, sự thỏa thuận ấy mở ra rất nhiều chiều. Để diễn giải thơ của Trương Đăng Dung, người đọc cần phải có những kiến thức triết học và một nền tảng mỹ học cần thiết. Vẫn biết Trương Đăng Dung không chỉ hướng tới lớp người đặc tuyển. Anh viết cho mọi người, và thông qua những thỏa thuận, người đọc có thể gặp ở nơi này, nơi kia một chia sẻ về thân phận, về sự phi lý của cõi đời, về những sinh linh mà Dung đã và chưa gặp, chưa kịp cảm giao. Để từ đó, trong lang thang suy tưởng, nhà thơ nghĩ về dân tộc và nhân loại, nghĩ về lịch sử và số phận con người. Trong miền suy tưởng về sự phi lý và vỡ vụn của thế giới, Trương Đăng Đung đã bước chân mình vào chu cảnh hậu hiện đại. Đó là những bước đi tự nhiên mà không hề gượng ép.

Mang đậm chất triết học, nhưng Những kỷ niệm tưởng tượng không rơi vào khô khan bởi Trương Đăng Dung biết xử lý hài hòa tình và lý. Những bậc cao thủ thi ca thường biết đốt trí tuệ thành tình cảm và biết đốt tình cảm để thăng hoa thành trí tuệ. Thơ Trương Đăng Dung là nỗ lực hiện thực hóa quá trình dung hợp hai cực ngược chiều. Bài thơ Đêm ở Roma là một trong những thi phẩm thể hiện rõ cách xử lý mối tương quan này.

Nói về Roma nhưng Trương Đăng Dung không rơi vào kể tả, một thủ pháp mà những kẻ non tay rất dễ vừa lòng. Trường suy tư của thi sĩ bắt đầu từ cái nhìn ngược sáng. Trong bóng đêm, nhà thơ nghe nhịp thở Roma chính từ lồng ngực mình: Tôi thức với trái tim – những ý nghĩ lang thang trong lồng ngực – không còn đủ sức – chạy theo con tàu. Đi kiệt cùng nỗi cô đơn và những suy tưởng cá nhân, Trương Đăng Dung gỡ hết bức tường này để tiếp tục đối mặt với những bức tường khác cùng vô vàn câu hỏi “đâu là lịch sử – đâu là trò chơi?” Nụ cười bí ẩn của người đẹp trong tranh L. Vinci thực chất là bí ẩn của hữu thể. Mỗi người sẽ biết cách trả lời nếu họ đạt tới satna. Nhưng điều cần nói thì Trương Đăng Dung đã nói: sự nhầm lẫn của con người nằm ở chỗ con người hợp thức hóa những trò chơi vô nghĩa lý. Chỉ khi nào nhận ra bản chất phi lý của trò chơi, ta mới chạm được vào chân lý. Toàn bộ thi giới Trương Đăng Dung gắn liền với một đề nghị đầy khắc khoải của anh: con người hãy biết sống với nhau một cách nhân ái và khoan dung. Trái đất cần hơi ấm tình người và niềm cảm thông đồng loại. Đó mới đích thực là lõi cốt của tồn tại.

Tôi nghĩ, tại đấy, Trương Đăng Dung sẽ nhận được sự chia sẻ của lịch sử qua lời Ph. Dotstoievxki: Tình thương sẽ cứu chuộc thế giới. Một vẻ đẹp toàn thiện sẽ hiện lên tinh khôi từ sự cứu chuộc ấy của con người.

N.Đ.Đ
(SH298/12-13)


………………………………………..
(1) Những kỷ niệm tưởng tượng – Thơ Trương Đăng Dung, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2011.
(2) Đỗ Lai Thúy: Trương Đăng Dung với thơ – thời- gian, Lời giới thiệu Những kỷ niệm tưởng tượng của Trương Đăng Dung, Nxb. Thế giới, H. 2011.
(3) Xem: Bùi Văn Nam Sơn, Lời giới thiệu Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại, Nxb. Văn học, H. 2001, tr 29.
(4) Diễn giải của Trương Đăng Dung trong bản dịch Trên đường đến với ngôn ngữ của M. Hei- degger, in trong Tác phẩm văn học như là quá trình, Nxb. KHXH, H.2004, tr 229 – 230.