“Mỗi người đọc, khi đọc, đều đang đọc chính mình”, đây là câu nói nổi tiếng của Marcel Proust lúc sinh thời, ông đã nhìn thấu tâm can con người khi tìm đến sách. Ai cũng muốn hiểu thêm về bản thân mình, thứ gắn bó nhất với mỗi người nhưng chưa bao giờ thôi bí ẩn.
Các nhà phê bình đã làm độc giả sợ bởi mỗi khi nhắc đến Tìm lại thời gian đã mất, bộ tiểu thuyết bất hủ của Proust, đều nhấn mạnh vào tầm vóc và độ dày của nó. Tìm lại thời gian đã mất có tên trong danh sách 100 tiểu thuyết vĩ đại nhất mọi thời đại của World Library (không xếp hạng) và đều được xếp vị trí cao trên các danh sách tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 của các báo lớn như Time, Le Monde.
Xuất bản 7 tập bằng tiếng Pháp trong thời gian từ năm 1913 đến năm 1927, đây cũng là một trong những bộ tiểu thuyết dài nhất mà nhân loại từng viết ra: tổng cộng hơn 4.300 trang (bản của NXB Modern Library), có khoảng 2.000 nhân vật.
Tên tiếng Pháp nguyên gốc của bộ sách là À la Recherche Du Temps perdu, bản dịch tiếng Anh đầu tiên có tên Remembrance of Things Past, nhưng không phổ biến bằng cách dịch thứ hai In Search of Lost Time.
Nhà văn Marcel Proust (1871-1922) sinh thời là người đồng tính không công khai. Nhà văn Lucien Daudet và nhà soạn nhạc Reynaldo Hahn từng là người tình của ông. Ông cũng là một trong những nhà văn phương Tây đầu tiên nhắc đến tình yêu đồng tính, với bộ Tìm lại thời gian đã mất
“Mùa xuân Proust” ở Harvard sau một thế kỷ
Nếu như mỗi tác phẩm văn học lớn đều có khả năng gây ảnh hưởng đến nền văn học của một quốc gia hoặc cả thế giới thì Tìm lại thời gian đã mất là một tác phẩm như vậy. Bộ sách khiến người ta không thể viết giống như trước, các nhà văn đua nhau tìm cách cạnh tranh Proust hoặc viết nhại theo phong cách của ông. Rất nhiều người thất bại. Nhiều cây bút chỉ vì thế mà mãi mãi chìm lấp trong lịch sử. Người khổng lồ nào cũng có cái bóng rộng lớn.
Nhưng, tiếp cận bộ tiểu thuyết từ góc độ đó thì người đọc sẽ thấy như đâm đầu vào một bức tường. Hoặc một cái nhà thờ. Không hẳn là khôn ngoan. Nhưng nếu người đọc muốn “đọc chính mình” như Proust nói, tại sao phải bỏ cuộc quá sớm chỉ vì sách quá dày? Bộ tiểu thuyết đã 100 tuổi, nhưng chẳng phải bất cứ ai muốn hiểu về thế giới đều phải đọc lại những gì mà người khác đã đọc cách đó hàng trăm hàng nghìn năm?
Năm nay, 2013, kỷ niệm 100 năm ra tập đầu Về phía nhà Swann (Swann’s Way) của Tìm lại thời gian đã mất, trường đại học hàng đầu thế giới Harvard (Mỹ) đã và đang tổ chức một chuỗi sự kiện liên quan đến tác gia Pháp này.
Điểm sơ sơ thì ở Harvard có: một cuộc triển lãm các bức thư tay hiếm hoi của Proust ở Thư viện Houghton của Harvard; sắp tới sẽ là một triển lãm nghệ thuật trực tuyến, triển lãm ảnh, một buổi hòa nhạc, chương trình chiếu phim điện ảnh và cuối tháng 4 là một hội thảo quốc tế về Proust dành cho các sinh viên văn học.
Chuỗi sự kiện được ví như một “mùa xuân Proust ở Harvard”. Harvard yêu Proust và đang làm tất cả để khẳng định giá trị của Tìm lại thời gian đã mất trong thế giới đương đại.
“Đỉnh Everest của văn học Pháp” mang chất tự truyện
Cách đây 2 năm, trong cuộc tọa đàm Góc khuất của tự truyện của Viện Văn học ở Hà Nội, Tìm lại thời gian đã mất đã được các nhà phê bình đưa ra làm dẫn chứng cho một tác phẩm văn hư cấu mang đậm dấu ấn của tự truyện. Proust lấy cuộc đời và bản thân mình làm một phần chất liệu để sáng tác, như ông từng thừa nhận, nhưng theo ông đó không phải là chất liệu chính.
Dài, nhưng cốt truyện lại rất đơn giản. Cuốn sách mở đầu với một người đàn ông xưng “tôi”, người kể chuyện không tên (một thế kỷ qua người ta vẫn nghĩ nhân vật này là hiện thân của Proust), có học, có trí nhớ tốt và bị bệnh mất ngủ. Proust dành cả một đoạn dài đầu sách để kể về một đêm trằn trọc của nhân vật chính.
Tìm lại thời gian đã mất là “cuốn tiểu thuyết kể về quá trình học việc của một người đàn ông để trở thành một nghệ sĩ, một nhà văn”, theo François Proulx, một giảng viên văn học tại Harvard.
Trong Tìm lại thời gian đã mất, nhân vật chính là người say mê và theo đuổi viết văn trong cả cuộc đời mình, trong quá trình đó anh ta tìm lại quá khứ.
“Đối với mọi ngôn ngữ châu Âu, như tiếng Pháp, chúng tôi có ngữ pháp phong phú và các thì đa dạng. Vì thế, chúng tôi có lợi thế khi viết về quá khứ và làm những thứ thuộc về quá khứ trở nên đáng nhớ. Tìm lại thời gian đã mất của Marcel Proust là tác phẩm tiêu biểu cho điều đó” – nhà văn Pháp Marie Nimier từng nói.
Tìm lại thời gian đã mất, theo Proulx, là “đỉnh Everest của văn học Pháp”, còn Proust, vẫn được xem là chuẩn mực của văn học thế giới thế kỷ 20.
Hội thảo sắp tới về ông tại Harvard có tên Proust và nghệ thuật, do Proulx tổ chức. Tại sao lại là nghệ thuật? “Proust tin vào tầm quan trọng cốt yếu của nghệ thuật, không chỉ với cuộc đời của ông mà là của tất cả mọi người” – Proulx nói trên tờ Harvard Gazette.
Khó đến và sẽ khó đi?
Không chỉ tốn công sức và khoản thời gian khổng lồ để viết, bộ tiểu thuyết cũng đòi hỏi sự đọc công phu. Một thế kỷ đã qua và bản dịch tiếng Việt hoàn chỉnh của bộ sách vẫn chưa ra mắt, hiện nhóm dịch giả Dương Tường, Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh vẫn đang tiến hành chuyển ngữ. Ở Việt Nam mới chỉ ra bản dịch tập hai của bộ tiểu thuyết (với cách dịch Đi tìm thời gian đã mất) là Dưới bóng những cô gái tuổi hoa (tên tiếng Anh In The Shadow of Young Girls in Flower) của Nguyễn Trọng Định.
Trong thời đại của đọc ngắn, viết ngắn, mọi thứ phải tốc độ và hiệu quả như một cú click chuột, Tìm lại thời gian đã mất có vẻ khó đến với độc giả. Có lẽ đó là lý do vào năm 2009, một tác giả người Mỹ tên là Patrick Alexander đã xuất bản cuốn sách có cái tên dài ngoằng: “Tìm lại thời gian đã mất” của Marcel Proust: Hướng dẫn độc giả tìm lại những gì đã mất.
Trong sách, Alexander tóm tắt cốt truyện, cung cấp thông tin nền về lịch sử, văn hóa và tiểu sử của nhà văn, điểm tên 50 nhân vật quan trọng nhất, sơ đồ hệ thống nhân vật và in tranh minh họa. Cuốn hướng dẫn này cũng dày đến 402 trang. Thử tưởng tượng với thói quen làm chú thích tỉ mỉ, dịch giả Dương Tường và các cộng sự sẽ làm tăng độ dày của bản tiếng Việt dày thêm bao nhiêu trang?
Tìm lại thời gian đã mất chắc chắn là một thử thách lớn với người dịch cũng như người đọc. Nhưng tiếng Anh có câu thành ngữ “Dễ đến, dễ đi” (Easy Come, easy go). Cứ tin là vậy.
Dấu ấn của Tìm lại thời gian đã mất trong văn hóa đương đại:
– Trong bộ tiểu thuyết 1Q84 của Haruki Murakami, nhân vật nữ chính Aomame đã dành cả một mùa thu khóa mình trong căn hộ riêng. Tại đó, cô chỉ ăn, ngủ, tập thể dục, ngắm trăng và đọc bộ Tìm lại thời gian đã mất. Aomame cũng là một người miệt mài kiếm tìm quá khứ.
– Chuyển thể tiểu thuyết Trên đường (On the Road) của Jack Kerouac năm 2012, nhà làm phim đã đưa vào tình tiết: niềm yêu thích đối với bộ Tìm lại thời gian đã mất là yếu tố gắn kết 3 nhân vật chính Sal Paradise, Dean Moriarty, and Marylou.
– Chi tiết về chiếc bánh madeleine gợi nhớ quá khứ trong Tìm lại thời gian đã mất là cảm hứng cho ca khúc Memory of the Future (Ký ức của tương lai) của ban nhạc Pet Shop Boys năm 2012. |
Nguồn: Thể thao & Văn hóa Cuối tuần