Việc liên tiếp xuất hiện những tác giả, dịch giả nhỏ tuổi trong đời sống văn học thời gian qua khiến người ta có cảm giác, phải chăng đã đến thời của các ngôi sao nhí trong giới văn chương?
Trước hiện tượng này, người cả nghĩ sẽ lo lắng, liệu các em có bị già trước tuổi và có bị mắc ‘bệnh sao’?
Đình đám hơn cả phải kể đến tác giả của tiểu thuyết viễn tưởng “Cuộc chiến hành tinh Fantom”. Chuyện về cậu bé 11 tuổi viết tiểu thuyết đã làm tốn không ít giấy mực của báo chí. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, vốn là thần đồng thơ nổi tiếng nhất trong các thần đồng văn học của Việt Nam, cũng đã trực tiếp viết hai kỳ về cậu bé trên báo Thể Thao & Văn Hóa. NXB Trẻ, đơn vị thực hiện cuốn sách, cũng có những hoạt động giao lưu bên lề khi phát hành tác phẩm. Và những gì mà Nguyễn Bình thể hiện trong “Cuộc chiến hành tinh Fantom” đã khiến cho những ai đọc sách của cậu phải bất ngờ nếu giữ lối đánh giá thông thường về tư duy của một cậu bé lớp 5. Chưa nói viết hay hay không hay, chỉ nguyên khối lượng tri thức khổng lồ mà cậu bé thu nạp và thể hiện trong cuốn sách đã đủ khiến những người trưởng thành phải thán phục. Ngoài cuốn tiểu thuyết đầu tay, Nguyễn Bình vẫn còn một lượng bản thảo kha khá đang chờ in ấn.
Ngô Gia Thiên An trong buổi ra mắt cuốn sách của mình.
Con gái của nhà thơ Trang Thanh cũng là một tác giả nhí mới ra mắt tập thơ đầu tay “Những ngôi sao lấp lánh” ở tuổi 12. Nếu như Thiên An từng là cảm hứng để mẹ sáng tác tập truyện “Tí Chổi” và xuất hiện trong tập sách dưới vai trò nhân vật thì sau đó cô đã đàng hoàng đứng tên tác giả một tập thơ. NXB Kim Đồng đã in một chùm tác phẩm của các cây bút nhí trong đó có Ngô Gia Thiên An và tổ chức một buổi ra mắt. Hiện Thiên An sinh hoạt trong nhóm bút “Nhiệt Đới” và là thành viên nhỏ tuổi nhất. Thiếu niên Tiền phong và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức.
Cái tên Đỗ Nhật Nam đã quá quen thuộc với độc giả cả nước. Hiện cậu đang giữ kỷ lục “Dịch giả nhỏ tuổi nhất” của Trung tâm kỷ lục Việt Nam. Với bộ sách 4 tập “Cu Tí khám phá thế giới”, Đỗ Nhật Nam đã khiến nhiều độc giả bất ngờ trước khả năng dịch của cậu. Nam bước vào con đường dịch sách rất ngẫu nhiên. Bộ sách nhiều tập có tên “Cu Tí khám phá thế giới” được Đỗ Nhật Nam dịch những trang đầu tiên từ khi cậu mới 7 tuổi. Mới đây nhất, Đỗ Nhật Nam ra mắt một cuốn sách chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh của chính cậu có tên “Tớ đã học tiếng Anh như thế nào?”. Kế hoạch phía trước của Nhật Nam vẫn là những cuốn sách dịch.
Đỗ Nhật Nam và bố (trái) trong một sự kiện văn học
Một trường hợp nữa cũng tên Nam nhưng là con gái, Nguyễn Hương Nam, cô bé đến từ Đăk Lăk tuy chưa in tập sách riêng nào nhưng cũng là cái tên khá nổi. Mẹ cô là nhà văn Nguyên Hương. Cuối năm 2011 Nguyễn Hương Nam đoạt giải nhất cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức với tác phẩm “Vỏ ốc diệu kỳ”. Truyện ngắn khá chững chạc này được cô bé viết ở tuổi 13, sau khi được trao giải đã được Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam in lại.
Gần đây hai tác giả trẻ cùng lớp tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội là Nguyễn Đan Thi và Nguyễn Hoàng Trâm Anh cũng ra tập sách của riêng mình tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Hai tập sách “Nụ cười của thiên thần” và “Thư gửi người thiên cổ” nhận được sự quan tâm của bạn đọc, tạp chí Nhà Văn cũng in giới thiệu hai gương mặt này. Nhà văn Tạ Duy Anh, người trực tiếp xử lý bản thảo của hai tác giả nhí nhận xét: “Tuy còn ít tuổi, nhưng nhiều vấn đề các tác giả đặt ra một cách hồn nhiên lại khá là hóc búa cho người lớn cả về độ sâu sắc lẫn tính cấp bách xã hội của nó. Đó là quyền được mơ ước, được thể hiện, được sống lành mạnh trong một môi trường đạo đức, được tôn trọng, được bảo vệ khỏi tai ương, khỏi nỗi sợ và được hy vọng vào tương lai… Và cuối cùng là từ những trang sách đó toát lên thông điệp về vẻ đẹp của tự đo, khát vọng, trí tưởng tượng…”.
Mai Clara và mẹ – nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai
Mai Clara có lẽ là gương mặt mới nhất trong dàn “sao văn học” nhí. Cô và mẹ, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai vừa đứng tên chung trong tập truyện “Mun ơi, chạy đi!” do NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành tháng 4/2012. Có khác là ở chỗ, nếu như một số tác giả nhí vừa kể trên thuần Việt thì Mai Clara mang một nửa dòng máu Đức và hiện gia đình cô bé cũng đang sống tại Singapore. Tuy thời gian ở Việt Nam rất ít nhưng nhờ được mẹ dạy nên Mai Clara nói và viết tiếng Việt khá tốt, chính vì thế tập truyện “Mun ơi, chạy đi!” đã được viết bằng tiếng Việt chứ không phải tiếng Anh hay tiếng Đức là hai ngôn ngữ mà cả cô và mẹ đều sử dụng tốt.
Đã gọi là hiện tượng thì thường được xã hội dành cho sự quan tâm đặc biệt. Hầu như các tác giả nhí khi ra sách, đơn vị xuất bản đều tổ chức sự kiện ra mắt tác phẩm và giao lưu với tác giả, bởi riêng việc “trẻ con viết sách” đã là một sự lạ rất dễ trở thành tâm điểm của giới truyền thông. Hay như việc tham gia một cuộc thi nếu đoạt giải cao thì việc báo chí săn đón là điều dễ xảy ra. Tất cả điều đó vô hình trung đã biến các em thành người của công chúng từ quá sớm. Để giữ thăng bằng cho cuộc sống, không bị ngộ nhận hay cuốn theo những hư danh là điều rất khó.
Với hầu hết trường hợp vừa kể trên, các em may mắn đều sinh ra trong gia đình có bố mẹ là những người am hiểu, thậm chí chính họ cũng hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật hoặc giảng dạy, nghiên cứu khoa học, vì thế đã rất có ý thức giữ cho con không bị chao đảo khi được tung hô hay trước những lời ngợi khen thái quá. Ngô Gia Thiên An, Nguyễn Hương Nam, Nguyễn Đan Thi và Mai Clara đều có bố, mẹ là nhà văn, nhà thơ. Nguyễn Bình có bố là nhà phê bình Nguyễn Hòa, còn bố Đỗ Nhật Nam là PGS.TS Đỗ Xuân Thảo từng có thời gian giảng dạy ở nước ngoài. Có lẽ bố mẹ các em cũng thừa hiểu sự nhọc nhằn của chữ nghĩa để chuẩn bị cho con một tâm thế đúng đắn, giúp con đi đúng đường.
Điều này được thể hiện ở những suy nghĩ khá chín của chính các em. Ngô Gia Thiên An hoàn toàn không lo ngại gì khi “bị” nổi tiếng: “Em không thấy có điều gì phải sợ và em không nghĩ em cần thay đổi điều gì. Em cứ là mình và học tập thật tốt, làm những điều gì mà bố mẹ em vui”. Và nếu như Ngô Gia Thiên An khi được hỏi về hai từ thần đồng đã giải thích rằng, “thần đồng thơ là những người được ban cho sức mạnh để nói ra những điều mình nghĩ, những điều mình sáng tạo ra qua thơ, văn” thì em cũng không coi thần đồng là một áp lực. Còn Nguyễn Bình, khi được bố hỏi về hai từ này câu trả lời còn “đỉnh” hơn, cậu đầy hài hước khi nói rằng thần đồng nghĩa là… thằng đần, sau này, khi trả lời phỏng vấn báo chí cậu cũng nói như vậy và cho biết, “không thích mọi người gọi mình là thần đồng mà chỉ thích gọi là Nguyễn Bình thôi”. Riêng Đỗ Nhật Nam, dù nhỏ tuổi hơn (sinh năm 2001) nhưng nếu có dịp giao tiếp sẽ thấy sự già dặn, dạn dĩ cũng như phong thái tự tin của cậu, cũng dễ hiểu, bởi Nhật Nam cộng tác thường xuyên với truyền hình và là gương mặt MC quen thuộc của chương trình “Chúc bé ngủ ngon” trên VTV3.
Thời nay, được tiếp cận sớm với tri thức, điều kiện học tập tốt hơn, cộng với năng khiếu bẩm sinh, một số em đã bộc lộ khả năng rất sớm. Và việc xuất hiện một lớp tác giả nhí trong lĩnh vực văn học, xuất bản có lẽ cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, làm sao để các em phát triển đúng hướng, tránh bị tác động không tốt đến tâm lý lứa tuổi cũng là điều đáng lưu tâm. Thời nào Việt Nam cũng có những thần đồng trong các lĩnh vực, có những người chứng tỏ tài năng từ thuở nhỏ và khi trưởng thành vẫn theo đuổi lĩnh vực ấy, và ngược lại, cũng có những người theo đuổi lĩnh vực khác, thậm chí hoàn toàn trái ngược. Đặt ra những đoán định cho các em bộc lộ tài năng sớm ở thì tương lai e rằng không nên, bởi có theo đuổi lĩnh vực mà các em có khả năng hay không còn do nhiều yếu tố trong đó có sở thích của chính các em và định hướng của gia đình. Chẳng hạn ở trường hợp Đỗ Nhật Nam, dù nổi tiếng và thể hiện khả năng sớm trong lĩnh vực dịch thuật nhưng ngay từ bây giờ, khi được hỏi về nghề nghiệp Nam lại nói có mong muốn sau này trở thành một… nhà sinh vật.
Nguồn: Evan.vn