Cha Yulia Drunina là giáo viên dạy sử, mẹ bà là nhân viên thư viện của trường phổ thông. Trước chiến tranh, Yulia Drunina học tại trường trung học số 131 thành phố Matxcơva. Chiến tranh Vệ quốc nổ ra, bà ra xung phong ra mặt trận khi mới 17 tuổi, làm cứu thương, rồi tham gia xây dựng phòng tuyến Mozhaisk.
Nhà thơ Nga Xôviết Yulia Vladimirovna Drunina (10/5/1924 – 20/11/1991)
Bị thương ngoài mặt trận, Yulia Drunina theo học trường trung cấp kỹ thuật hàng không, kết thúc khóa học được điều động đến Viễn Đông, nhưng chưa kịp đi thì bà nhận được tin cha mất. Sau khi chịu tang cha, bà đến Bộ Tư lệnh Không quân ở Matxcơva trình diện, và được điều động sang mặt trận phía Tây. Bà bị thương lần thứ hai ở Gomel, sau đó thi vào Viện Văn học nhưng không thành công, nên tiếp tục phục vụ quân đội, tham gia chiến đấu tại Polecie (Belorus) và vùng Pribaltik. Sau khi bị thương lần thứ ba vào năm 1944, không còn đủ sức khoẻ phục vụ quân đội, bà giải ngũ. Kinh nghiệm chiến trường đã trở thành cảm hứng sáng tác và là cơ sở cho sự nghiệp của bà trong thi ca.
Năm 1990 bà được bầu vào Xôviết Tối cao Liên Xô. Trả lời câu hỏi tại sao bà lại ra tranh cử, bà nói: “Điều duy nhất khiến tôi làm việc đó là ước nguyện bảo vệ quân đội, các quyền và lợi ích của các CCB đã tham gia Chiến tranh Vệ quốc và tham chiến ở Afganistan.”
Tuy nhiên, bà đã thất vọng sâu sắc trong hoạt động nghị trường, khi hiểu rằng mình không thể làm được gì hơn nên tự nguyện rời Xôviết Tối cao, và tự tử ngày 20 tháng 11 năm 1991 tại Matxcơva, để lại một bức thư tuyệt mệnh rất vắn tắt: “Andriusha, đừng sợ. Hãy gọi cảnh sát và mở cửa gara.” Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc chùm thơ về Chiến tranh vệ quốc của bà. Thơ bà có một đặc điểm, ấy là đại đa số là thơ không đề, hoặc bà chỉ đặt trước bài thơ ba dấu sao (***)
***
Tôi không biết mình dịu dàng vì đâu, –
Xin đừng hỏi tôi nhiều về chuyện ấy.
Những mộ lính sao ngày càng nhiều vậy,
Tuổi trẻ tôi mặc quân phục quen rồi.
Trước mắt tôi – những ống khói sạm đen,
Lửa thiêu đốt trên đất Nga bỏng rẫy.
Chưa bao giờ biết cách hôn nồng cháy
Lính trẻ bị thương chỉ đau đớn cắn môi.
Những khó khăn của cuộc tổng phản công
Chúng tôi biết, không đọc tin chiến sự.
Khi chiến xa lao vào trong khói lửa,
Tôi theo bước bộ binh cũng xung phong.
Và chiều qua trước nấm mồ tập thể
Tôi đứng lặng yên, cúi thấp mái đầu…
Tôi không biết mình dịu dàng vì đâu, –
Hẳn đã học được trên đường ra mặt trận…
1946
***
Tôi lớn lên từ chiến tranh chứ không phải tuổi thơ
Có lẽ vậy, với tôi bình yên là đáng quý,
Tôi đánh giá cao hạnh phúc mỗi phút bình yên
Và từng ngày trôi qua bên đời tôi bình dị.
Tôi lớn lên từ chiến tranh chứ không phải tuổi thơ
Một khi đã đi qua những ngả đường du kích
Tôi hiểu rằng trên đời chúng ta nên nhân hậu
Với từng ngọn cỏ, lá cây mềm.
Tôi lớn lên từ chiến tranh chứ không phải tuổi thơ
Có lẽ vậy, tôi bơ vơ không nơi nương tựa;
Những trái tim người tiền phương bỏng lửa,
Và đôi tay anh thô ráp chai sần.
Tôi lớn lên từ chiến tranh chứ không phải tuổi thơ
Tôi xin lỗi, dù biết mình chẳng hề có lỗi…
***
Ánh bình minh ẩm ướt
Đến trong khói âm thầm.
Viên đạn nào lén lút
Bay chậm vào trong hầm
Gương mặt anh mệt mỏi.
Tiếng sắt thép lại vang
Bàn tay anh thô ráp
Che mắt em dịu dàng.
Ngay cả trong khói lửa,
Dưới mưa giật gió gào
Một mình trong hầm thì chật,
Hai người dễ chịu làm sao.
1943
***
Tôi không quen,
Nhận chút lòng thương hại,
Tôi tự hào, rằng trong lửa khói
Đám đàn ông quân phục vấy máu đào
Cần một cô giúp đỡ –
Họ gọi tôi…
Nhưng đến một tối nao,
Mùa đông thanh bình tinh khiết,
Những chuyện qua rồi không cần nhớ lại,
Người đàn bà –
rụt rè bối rối –
Tôi nép bên anh tìm hơi ấm một bờ vai.
***
Lúa mạch chín trên đồng lay theo gió.
Rồi nát nhàu dưới chân lính hành quân.
Và chúng tôi – các thiếu nữ phong trần
Như con trai, cũng đi trong đội ngũ.
Lửa đang thiêu không chỉ những ngôi nhà –
Tuổi trẻ của tôi đang cháy trong lửa đỏ…
Bao thiếu nữ bước đi trong đội ngũ
Đi trong chiến tranh chẳng khác nam nhi.
Nguyễn Quỳnh Hương (dịch và giới thiệu)
Nguồn: vanvn.net.