Khi nhà thơ rung cảm trước cảnh xuân, biết bao thi tứ mở ra cho mọi người cùng rung cảm, để hiểu về tâm hồn tình cảm của nhà thơ, để thêm yêu thiên nhiên, thêm yêu cuộc sống…
Nhật nhật nhân không lão
Niên niên xuân cánh quy
Trương hoàn hữu tôn tửu
Bất dụng tích hoa phi
Dịch nghĩa:
Lời tiễn mùa xuân
Hàng ngày, người già dần
Hàng năm xuân lại về
Hãy cùng vui bên chén rượu
Tiếc cánh hoa mà làm gì
Dịch thơ:
Mỗi ngày người mỗi già thêm
Năm qua năm tới lại đem xuân về
Vui say vò rượu sẵn kia
Công đâu mà tiếc làm gì hoa bay
(Trần Trọng Kim dịch)
Những người hiểu và yêu thơ Đường đều thích bài thơ “Tống xuân từ” của Vương Duy (701 – 761 đời Đường – Trung Quốc). Đây là bài thơ theo thể thơ tuyệt cú ngũ ngôn – Nghĩa là thơ 4 câu mỗi câu gồm 5 từ. Bài thơ như tên đề của nó: Lời tiễn mùa xuân. Tức là bài thơ được làm vào lúc cuối xuân, khi mùa xuân sắp qua, hoa xuân bắt đầu rơi rụng. Bài thơ ngắn nhưng ý tứ thật sâu sắc. Nghĩa của bài thơ: Ngày ngày người già dần, hàng năm xuân lại đến, hãy cùng vui bên chén rượu, không tiếc cánh hoa bay làm gì.
Cho chữ ngày xuân
Mở đầu bài thơ, Vương Duy đề cập đến một hiện tượng mà ai cũng phải trải qua mỗi ngày người mỗi già thêm, câu thơ dịch của Trần Trọng Kim đã bám sát vào câu thơ của Vương Duy. Cả tác giả và dịch giả dường như đã chỉ ra được quy luật của tạo hóa: con người theo thời gian đã già đi. Cái hay của câu thơ ngay từ câu mở đầu đã sử dụng điệp từ ngày để chỉ sự tiếp biến của của thời gian, nhấn mạnh sự lặp lại của ngày để chỉ thời gian trôi và từ đó nghĩ đến sự già đi của mình. Người đọc qua câu mở đầu này lại liên tưởng tới mình, liên tưởng đến tâm trạng nuối tiếc khi thời gian trôi để rồi người sẽ già đi theo năm tháng.
Gắn với câu đầu là câu thơ thứ hai nhà thơ đã nhấn thêm về khía cạnh sự quay vòng của mùa: mùa xuân đi rồi lại đến. Vòng quay 4 mùa được tác giả chọn mùa xuân để nhấn mạnh. Ý thơ thật sâu sắc. Mùa xuân mùa của sự sống sinh sôi, mùa xuân khởi đầu của một năm. Sự chuyển động của mùa cũng tương tự như sự già đi của con người. Năm qua năm tới lại đem xuân về, ở đây có sự tương đồng của cái lặp lại, nhưng lại có sự tương phản giữa đời người (ngày mỗi ngày già thêm) với mùa đi (xuân đến rồi xuân đi) mùa đi, mùa đến, lại là mùa xuân – mùa khởi đầu của một năm, vì thế lòng người không khỏi có tâm trạng suy tư tiếc nuối.
Tâm trạng của nhà thơ trước mùa xuân là như thế! Xuân cánh qui – Nghĩa là xuân lại về – Thời gian và không gian ở câu thơ gợi cho nhà thơ một tâm trạng. Bởi xuân về dù ở tuổi nào dù có già theo năm tháng thì cũng cảm nhận được vẻ đẹp xuân thì, khi đã qua mùa đông giá rét. Đặc biệt là đối với thi nhân và những ai biết thưởng thức vẻ đẹp tươi của mùa xuân sẽ không bỏ qua. Đối với thi nhân, xuân về xốn xang bao tâm trạng và còn gì hơn là trước xuân có bầu rượu để thưởng xuân Tương hoàn hữu tôn tửu (hãy cùng vui bên chén rượu); học giả Trần Trọng Kim dịch là: “Vui say vò rượu sẵn kia”. Mùa xuân – bên chén rượu gợi bao cảm hứng. Bình thường, bao người bên chén rượu xuân đều có tâm trạng: người nhớ chuyện xưa, người vui trước cảnh vật, người buồn cho thân phận mình, người muốn quên chuyện đời…
Tâm trạng con người nhiều khi bị ảnh hưởng bởi cảnh vật. Thái độ sống ấy còn tùy thuộc vào bản lĩnh, tính cách của từng người. Vương Duy đã kết lại bài thơ này bằng câu:
Bất dụng tích hoa phi (dịch nghĩa: Tiếc cánh hoa mà làm gì), Trần Trọng Kim dịch là: Công đâu mà tiếc làm gì hoa bay.
Vương Duy gửi gắm lòng mình ở bài thơ này: Xuân về, tuy có thêm tuổi nữa thì có rượu đây, cứ vui đi cho dù xuân đến rồi đi, hoa nở rồi hoa tàn, chớ có lo nghĩ về tuổi già; hãy sống với cuộc sống của mình hôm nay. Triết lý sống ấy thể hiện một con người thực tế, đâu sợ tuổi già, hãy vui sống với cuộc sống của mình. Nhân đọc câu thơ trên tôi lại nhớ đến 2 câu thơ trong bài “Cảnh xuân” của Trần Nhân Tông:
Khách lai bắt vấn nhân gian sự
Cộng ỷ lan can khán thúy vi
Dịch thơ:
Khách đến chẳng bàn chi chuyện thế
Tựa lan can ngắm phía trời xa
(Vũ Minh An dịch)
Hai bài thơ ở 2 đất nước, 2 thời đại xa nhau nhưng cùng có nét tương đồng trong suy nghĩ, cảm xúc. Nghĩa là hãy sống với thực tế, sống với cảm xúc khi mùa xuân đến.
Nhân bàn về thái độ trước mùa xuân còn có nhiều bài thơ khác ta có thể đưa ra để luận bàn. Ở phần cuối của bài viết này xin được liên hệ đến bài “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền Sư. Cũng nói đến tuổi già; cũng nói đến xuân qua, xuân, xuân tới; cũng nói đến hoa xuân; nhưng ở Mãn Giác Thiền Sư có một cái nhìn lạc quan đầy sức sống:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Dịch thơ:
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai
Thế mới biết khi nhà thơ rung cảm trước cảnh xuân, biết bao thi tứ mở ra cho mọi người cùng rung cảm, để hiểu về tâm hồn tình cảm của nhà thơ, để thêm yêu thiên nhiên, thêm yêu cuộc sống…